Thứ 6, 13/09/2024, 14:59[GMT+7]

Hương ước xưa quy định về ngôi thứ trong làng

Thứ 2, 26/08/2024 | 09:17:51
9,115 lượt xem
Dưới thời phong kiến và thời thuộc Pháp, hương đảng thường được coi như một triều đình nhỏ. Việc quy định thứ bậc ngồi dự tế lễ, hội họp, ăn uống ở chốn đình trung theo tôn ti trật tự là việc rất hệ trọng của mỗi cộng đồng làng xã. Tùy phong tục của mỗi làng, ngôi thứ được sắp xếp theo lối trọng tước (trọng chức tước), trọng xỉ (trọng tuổi tác) hay trọng học (trọng bằng cấp) mà đề ra quy định.

Các hương chức tại nhà hội đồng làng Niệm Hạ, nay thuộc xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương (ảnh tư liệu - chụp năm 1928).

Về thứ hạng, mỗi làng quy định số lượng khác nhau. Có làng đặt thành ba hạng (hoặc ban, bậc), có làng đặt bốn hoặc năm hạng, một số làng đặt thành sáu, bảy bậc trở lên. Có làng quy định ở đình làng các vị chức sắc ngồi thành hai ban văn, võ. Có làng quy định thành hai sàn tả hữu, sàn bên hữu dành cho người có bằng cấp, sàn bên tả dành cho người có chức sắc... 

Hương ước làng Cổ Am (Kiến Xương) quy định vị thứ thành 8 ban: Ban thứ nhất về kinh tế, quan tước hay ông cụ nào công lao hạng nhất trong làng. Ban thứ nhì, ông nào có bằng thông phán tại tòa, tân cựu chánh phó tổng. Ban thứ ba, người nào có chức dịch, có phẩm hàm và người có bằng suất đội trước cùng người huyện hào, tổng hào. Ban thứ tư, tân cựu chánh hội, tân cựu chánh lý và hương bá. Ban thứ năm, tân cựu phó hội thư ký, thủ quỹ, chưởng bạ, thí sinh. Ban thứ sáu, tân cựu giáp biểu, hương chánh. Ban thứ bảy, xã đoàn, trương tuần, xã sử. Ban thứ tám, người có bằng sơ học yếu lược cùng người mua vị thứ xã tư. 

Hương ước làng Tử Tế (Kiến Xương) quy định ngôi thứ trong làng thành 10 bậc: 1 - Chức sắc cử nhân; 2 - Tú tài, ấm sinh; 3 - Chánh hội, lý trưởng tân cựu; 4 - Nhất nhị trường, viên tử; 5 - Huyện hào, tổng hào, chánh suất đội; 6 - Phó hội, phó lý tân cựu; 7 - Chưởng bạ, hộ lại; 8 - Thư ký, thủ quỹ; 9 - Khóa sinh, tộc biểu, hương sư, sơ học yếu lược, đội trưởng, xã đoàn; 10 - Hương hào, tuyển sinh, binh lính, trương tuần. 

Làng Động Trung (Kiến Xương) quy định ngôi thứ thành 22 bậc: “Vị thứ trong làng thời nguyên tục dân cứ lão nào cao niên nhất thời ngồi ở trên còn như khoa sắc phẩm trật chiểu cao thấp mà ngồi. 1 - Chức sắc quan hàm cử nhân; 2 - Tú tài ấm sinh, chánh phó tổng tân cựu; 3 - Chánh hội tân cựu; 4 - Lý trưởng tân cựu; 5 - Nhị nhất trường, huyện hào viên tử; 6 - Tổng hào; 7 - Phó hội tân cựu; 8 - Phó lý tân cựu; 9 - Chưởng bạ; 10 - Hộ lại tân cựu; 11 - Thư ký tân cựu; 12 - Thủ quỹ; 13 - Khóa sinh; 14 - Giáp biểu, giáp trưởng, hương sư; 15 - Sơ học Pháp Việt; 16 - Đội trưởng, ngũ trưởng; 17 - Xã đoàn; 18 - Hương hào; 19 - Tuyển sinh; 20 - Binh lính, trương tuần, xã nhiêu; 21 - Sơ học yếu lược; 22 - Dân đinh. Các vị thứ ấy nếu viên nào ra đình không theo phẩm trật mà ngồi hoặc viên nào mượn rượu làm rối trật tự thời đồng dân làm biên bản ký kết bắt lỗi người ấy phải ngồi riêng một mình, không ai được ngồi với người ấy. Nếu biết sự lỗi mà mình nói lại với đồng dân thời dân tạm tha cho lần đầu”. 

Mục vị thứ trong hương ước làng Hạ Liệt (Thái Thụy) quy định thành bốn hạng: “Hạng nhất gồm những viên chức có phẩm hàm, ai cao hơn thì ở trên rồi đến chánh phó tổng, khoa mục tân học thì kể từ bằng thành chung trở lên, thứ đến chánh suất đội, tân cựu lý trưởng, tân cựu chánh phó hương hội, ai làm trước thì ở trên. Hạng nhì là lệ binh cấp bằng phó đội, đội trưởng, phó lý, thư ký văn bằng, thủ quỹ, thủ bạ, chưởng bạ, tổng đoàn, tổng hào, thứ đến lão nhiêu 70 tuổi mà trước có vị thứ đình trung. Hạng ba là lão nhiêu 80 tuổi, ngũ trưởng, xã đoàn, lính khố xanh, tộc biểu thứ đến lão nhiêu 70 tuổi. Hạng tư là lão nhiêu 60 tuổi, Pháp Việt tuyển sinh, sơ học yếu lược rồi đến các xã nhiêu vị thứ, đến tráng đinh ai nhiều tuổi ở trên, còn đều ngụ ở cuối cùng”. 

Hương ước làng Vô Song (Đông Hưng) quy định về vị thứ đình trung: 

- Có hai sàn tịch ở tả hữu đình chính trung gian. Văn từ tú tài Tây, Hán học từ tú tài trở lên có quan chức mới được dự ngồi sàn bên hữu. Vũ từ quản cơ trở lên có quan chức mới được dự ngồi sàn bên tả. 

- Còn các sàn tả hữu đôi bên thời chức vị nào ngồi với chức vị ấy cho có phong thể. Nếu người nào ngồi loạn trật tự thời phải lỗi trầu rượu. Hương ước làng Hóa Tài (Thái Thụy) quy định vị thứ theo việc đặt chiếu lễ ở đình: “Những người khoa mục từ tú tài, thông phán trở lên lễ một chiếu ngồi một hạng. Từ chánh phó tổng, tổng đoàn, phẩm hàm lễ chiếu thứ hai ngồi cùng một hạng. Chánh phó hội, lý trưởng và những người suất đội theo như thế lễ chiếu thứ ba ngồi cùng một hạng. Phó lý, thư ký, thủ quỹ, đội trưởng lễ chiếu thứ tư ngồi một hạng và những người đã vọng ngôi thì cũng theo như vị thứ ấy. Hạng binh lính cùng xã tư, tuần tư vọng ngôi thứ ở làng lễ một chiếu, ngồi một hạng”. 

Hương ước làng Vân Đài (Hưng Hà) quy định vị thứ thành hai ban: ban hương ẩm chốn đình chung và ban tư văn tại đền Đức Thánh Mẫu. Ban hương ẩm chốn đình chung chia làm ba cấp: 

Cấp nhất là văn khoa từ cao đẳng, trung học, chánh phó tổng, nghị viên trở lên. Vũ khoa từ chánh suất đội có thưởng hàm trở lên và tân cựu lý dịch có thưởng hàm đã đủ khao vọng rồi nhưng đều phải nộp lệ xôi cân, lợn thước đáng giá là 12 đồng. 

Cấp thứ hai từ 18 đến 55 tuổi mà mua chân xã nhiêu rồi ai hơn tuổi thời vị thứ trên nhưng ai làm làm chánh phó lý, chánh phó hội đã khao vọng đồng dân rồi mà lại xin nộp lệ lợn, xôi thời cũng theo lên cấp nhất được. Còn người nào không có chân xã nhiêu gọi là giai hạng thời vị thứ phải sau hai cấp ấy. 

Cấp thứ ba những người nào đến 55 tuổi chức phận và chân xã nhiêu mà hơn tuổi trình dân ra lão thì vị thứ trên. Ban vị thứ tư văn tại đền Đức Thánh Mẫu chia làm bốn cấp: 

Cấp nhất là văn khoa từ cao đẳng, trung học, chánh phó tổng, nghị viên trở lên. Vũ khoa từ chánh suất đội trở lên và tân cựu lý dịch có phẩm hàm nữa. 

Cấp thứ hai tân cự chánh phó hội, chánh phó lý, chưởng bạ và sơ học Pháp Việt, thủ quỹ, thư ký, binh lính mãn lệ. 

Cấp thứ ba là ban lão từ người có chân xã nhiêu trở lên đến 55 tuổi trình dân ra lão, nhưng ai có chức phận cao hơn và hơn tuổi mà nộp lệ vọng trước thì vị thứ trên còn người nào có chân xã nhiêu mà đến tuổi cũng phải nộp lệ vọng lão mới là lão hạng theo vị thứ. 

Cấp thứ tư là những người không có chân xã nhiêu gọi là giai hạng thì vị thứ sau người xã nhiêu. Trong các cấp ấy những người bất hảo thanh tích thì bất kỳ chức phận gì mà phạm vào công luật dân xã sẽ chiểu lệnh sức nặng nhẹ mà giáng vị thứ ấy. 

Hương ước làng Trung Đẳng (Hưng Hà) quy định vị thứ chốn đình trung chia thành bốn cấp: 

1 - Từ cử nhân, tú tài, chánh phó tổng, những người làm chức dịch được thưởng phẩm hàm cùng những người đi lính được suất đội, đội trưởng thì ngồi cấp nhất. 

2 - Từ lý trưởng, chánh hội, phó lý, phó hội, chưởng bạ cùng với những người làm chức phận ấy mà đã được từ dịch và những người đi lính khố đỏ đã hết hạn về thì ngồi cấp nhì. 

3 - Từ khóa sinh, thư ký, thủ quỹ, xã đoàn, trương tuần, quản xã và lính khố xanh hay đi phu trạm mãn hạn về cùng những mua vị thứ chức dịch và người làm tộc biểu thì ngồi cấp ba. 

4 - Từ những người mua hương xã trở xuống thì ngồi cấp tư. Các vị thứ ấy hạng nào ngồi với hạng ấy, ai làm trước, mua trước, khao trước thì ở trên, ai chưa khao thì ngồi dưới. Vị thứ làng Vị Khê (Hưng Hà) chia thành 5 cấp: 

1 - Thân hào, chánh phó tổng. 

2 - Kỳ lý có phẩm hàm. 

3 - Tiên chỉ, lý trưởng, thứ chỉ, phó lý. 

4 - Chưởng bạ, hộ lại, cai đội. 

5 - Thủ quỹ, thư ký, tộc biểu, tiểu học có văn bằng, trương tuần, khán thủ, xã nhiêu. 

Cùng với việc quy định về ngôi thứ thì hương ước của các làng xã vào thuở trước còn có các chương, mục, điều, khoản quy định về việc bán vị thứ với những chức danh, thứ hạng và số tiền theo định lệ của mỗi làng. Vì có lệ bán vị thứ nên trong cùng hàng ngôi thứ của một chức hàm lại phân ra người đương giữ chức, người đã nghỉ và người mua chức. Ví như chức Lý trưởng thì Lý đương, Lý cựu, Lý mua ngồi cùng một chiếu và đều được gọi là cụ Lý. Để đảm bảo tôn ti trật tự theo ngôi thứ, trong nhiều bản hương ước đã quy định chi tiết về việc hội họp, ăn uống ở chốn đình trung phải giữ gìn kỷ cương theo thứ bậc đã quy định.

Nguyễn Thanh

(Vũ Qúy, Kiến Xương)