Thứ 3, 17/09/2024, 22:24[GMT+7]

Trần triều Thái bảo Đỗ Tử Bình

Thứ 4, 28/08/2024 | 15:36:13
9,209 lượt xem
Là một trong những vị đại quan có đóng góp lớn dưới 4 đời vua triều Trần, Thái bảo Đỗ Tử Bình (1324 - 1383) là thế hệ thứ hai họ Đỗ ở trang Phúc Hưng, huyện Thần Khê, phủ Long Hưng, nay là thôn Tứ, xã Hồng Việt (Đông Hưng). Trong gần 40 năm làm quan, ông đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng ở nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ quan văn tới quan võ.

Dòng họ Đỗ Việt Nam cùng các đại biểu dâng hương tại đền thờ Thái bảo Đỗ Tử Bình.

Công lao trong công cuộc trị quốc, an dân của triều Trần 

Thái bảo Đỗ Tử Bình sinh ra trong một gia đình có bố là Đỗ Thiên Thư, bác ruột là Đỗ Khắc Chung đều làm quan dưới thời Trần và có tài văn võ nên sớm tiếp thu truyền thống gia đình. Ông làm quan dưới 4 đời vua triều Trần: Trần Dụ Tông (1341 - 1369), Trần Nghệ Tông (1370 - 1372), Trần Duệ Tông (1372 - 1377), Trần Phế Đế (1377 - 1388). Từ khi bước vào chính trường, trên các cương vị được giao, ông đều thể hiện tài năng, có nhiều công lao trong công cuộc trị quốc, an dân của triều Trần.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, một trong những công lao nổi bật của Thái bảo Đỗ Tử Bình là tăng bổ thêm quân ở Lâm Bình, Thuận Hóa và sửa đắp thành Hóa Châu để làm nơi phòng thủ quân Chămpa. 

Thời Trần, miền đất Lâm Bình (vùng đất Quảng Bình và Bắc Quảng Trị), Thuận Hóa (vùng đất Nam Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay) là địa phận cuối cùng về phía Nam của đất nước. Khi Đỗ Tử Bình được vua Trần Dụ Tông cử đi duyệt bổ quân ở Lâm Bình, Thuận Hóa và đắp thành Hóa Châu, ông đã ý thức sâu sắc về vị trí đặc biệt của vùng đất này đối với đất nước. Từ đó sai người đi khảo sát, xem xét, đo đạc, rồi tùy nơi hiểm yếu mà đặt đồn binh đóng giữ. Để tăng cường lực lượng quân sự, ông cho làm sổ sách thống kê hộ khẩu, nhân đinh, thực hiện việc tuyển chọn quân lính và huấn luyện quân đội theo khuôn phép của nhà Trần; đồng thời, khuyến khích các làng xã lập đội tuần đinh, dân đinh ở địa phương. Từ đó đã xây dựng được lực lượng quốc phòng mạnh ở địa bàn có vị trí rất trọng yếu của đất nước.  

Ngoài ra, Đỗ Tử Bình còn có công trong việc tăng thu cho ngân sách quốc gia, đáp ứng yêu cầu đối phó với giặc ngoại xâm và trực tiếp tham gia tích cực vào các cuộc trừng phạt quân Chămpa, góp phần bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền quốc gia. Từ năm 1367 - 1380, Đỗ Tử Bình đã 4 lần được triều đình trọng dụng, giao đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong các cuộc chiến như làm phó tướng, chỉ huy hậu quân, chỉ huy quân bộ đi đánh quân Chămpa. 

Theo truyền thuyết dân gian của dân làng Hưng Tứ xưa, thời gian Đỗ Tử Bình bị tội đồ làm lính sau lần thứ hai đi trừng phạt Chămpa, ông trở về làng tự đào hầm giam mình viết nên kế sách “Bình Chiêm an quốc”. Kế sách được thi hành, Đỗ Tử Bình được phục chức đi đánh quân Chiêm. Sau chiến thắng ở lần thứ tư vào tháng 3/1380, ông được thăng chức, được vài năm thì qua đời. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã cho phụ thờ ở Văn Miếu, thể hiện sự ghi nhận và tôn vinh tinh thần chiến đấu quả cảm, tận tụy, trung thành của Đỗ Tử Bình với triều đình và đất nước. 

Sắc phong cổ được gìn giữ tại đền thờ Thái bảo Đỗ Tử Bình.

Tấm lòng tri ân của hậu thế 

Kỷ niệm 700 năm ngày sinh Trần triều Thái bảo Đỗ Tử Bình, hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp của ông đã được UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Mục đích của hội thảo nhằm tiếp tục làm sáng tỏ, rõ thêm về thân thế, sự nghiệp của Thái bảo Đỗ Tử Bình đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong thời đại nhà Trần.

PGS.TS Đinh Quang Hải, nguyên Viện trưởng Viện Sử học thông tin: Chúng tôi phát hiện được việc Đỗ Thiên Thư là em của Đỗ Khắc Chung, từ đó lần giở, đi tìm lại những tài liệu để bây giờ có thể khẳng định Đỗ Tử Bình quê ở huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, nay là thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Đây là phát hiện mới tại cuộc hội thảo lần này, làm thay đổi hoàn toàn những nhận thức trước đây về quê hương gốc của Đỗ Tử Bình. Ngoài ra, vấn đề rất quan trọng cũng đã được làm sáng tỏ trong hội thảo là Hưng Tứ chính là vùng đất được triều Trần ban cấp cho Đỗ Tử Bình nên sau khi ông mất dân làng đã lập đền thờ ông tại đây. 

Sự nghiệp quan trường của Thái bảo Đỗ Tử Bình với nhiều thăng trầm nhưng trong tâm thức nhân dân ông luôn là người anh hùng có công phò vua, giúp nước, đánh dẹp quân Chiêm Thành để giữ vững nền độc lập, thái bình cho Đại Việt. “Sinh vi tướng, tử vi thần”, sau khi mất, ông được dân làng Hưng Tứ tôn làm phúc thần. Các triều đại Lê, Nguyễn đều có sắc phong cho dân làng thờ phụng. Ngôi đền thờ ông tại thôn Tứ đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1999, được tôn tạo quy mô, bề thế. Lễ hội đền Thái bảo Đỗ Tử Bình được nhân dân địa phương, du khách thập phương chung tay gìn giữ, tổ chức thường niên vào ngày 16 - 17 tháng Giêng. Đây chính là sự tôn vinh của các tầng lớp nhân dân với vị quan có nhiều dấu ấn trong sự nghiệp chính trị của vương triều Trần. 

Đền thờ Thái bảo Đỗ Tử Bình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1999. 

Tú Anh