Thứ 4, 31/07/2024, 23:21[GMT+7]

Người "truyền lửa" cách mạng

Thứ 5, 26/09/2013 | 09:32:50
1,719 lượt xem
Tìm về mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Thăng Long (Đông Hưng), chúng tôi không chỉ được nghe kể về phong trào cách mạng nơi đây mà còn được gặp Đại tá Hoàng Duy Hòa, nguyên sĩ quan Phái đoàn Liên hiệp quân sự 4 bên tại Trại Đa-vít - Tân Sơn Nhất - người suốt 21 năm qua vẫn âm thầm, cần mẫn “truyền lửa” cách mạng cho thế hệ trẻ qua những buổi nói chuyện truyền thống.  

Bác Hoàng Duy Hòa xem lại kỷ niệm về những ngày tham gia cách mạng.

Trong căn nhà nhỏ của mình, bác Hòa với dáng người nhỏ nhắn, mái tóc bạc trắng vui vẻ cho chúng tôi xem những kỷ vật ngày tham gia kháng chiến. Dấu vết thời gian hằn in trên những bức ảnh đã ố màu, trên những trang viết đã phai nhạt nét chữ song vẫn được bác nâng niu, trân trọng cất giữ như báu vật của đời mình. Bởi đó là một phần cuộc đời bác, phần còn lại nằm trong ký ức với những kỷ niệm không bao giờ quên. Sinh năm 1930 trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, ngay từ khi còn nhỏ, bác Hòa đã ấp ủ mong muốn trở thành một anh vệ quốc quân: “Ước mơ sao, áo ngắn, súng dài/ Dép lốp, mũ nan vui cuộc đời chiến đấu”. Thời gian trôi đi, ước mơ ấy ngày một lớn, mãnh liệt. Ba lần nộp đơn xin nhập ngũ là ba lần bị từ chối vì không đủ điều kiện do thân hình quá nhỏ cũng không dập tắt được ý chí quyết tâm, ngọn lửa cách mạng trong lòng người trai đất lúa.

 

Năm 1948, bác Hòa thi đỗ vào trường công an, vừa theo học bác vừa chờ cơ hội được nhập ngũ. Đến năm 1950, bác chuyển sang học sĩ quan lục quân, sau một năm tham gia chiến đấu, công tác ở Trung đoàn 50, Sư đoàn 304 Quân khu Tả Ngạn. Niềm hạnh phúc khi được đứng trong hàng ngũ của Quân đội nhân dân Việt Nam được bác ghi lại bằng những dòng thơ dung dị, mộc mạc, chất chứa đầy cảm xúc: “Tôi vẫn thấy cuộc đời bao sung sướng/ Đeo bên mình khẩu súng mút-cơ-tông/ Đẹp hơn những ai tóc mượt áo hồng/ Lòng hãnh diện cuộc đời bao mộng đẹp”.

 

Đến năm 1963, bác Hòa về tập kết tại Sư đoàn 338 bổ sung cho Đặc khu Sài Gòn – Gia Định. Năm 1968, được điều lên Cục Chính trị B2, công tác ở đây một thời gian (4 năm) bác vào Ban Liên hiệp quân sự 4 bên của Phái đoàn Quân sự Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với nhiệm vụ lên kế hoạch đôn đốc cho Mỹ rút quân và thực hiện trao trả tù binh. Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, non sông thu về một mối, Ban Liên hiệp quân sự 4 bên tự giải tán, bác Hòa về công tác tại Ban Quân quản Thành phố Sài Gòn đến năm 1979 được điều động ra Cục Tuyên truyền đặc biệt - Tổng cục Chính trị, làm việc tại đây cho đến khi về hưu năm 1992.

 

Trở về quê hương sau những năm tháng sống và chiến đấu trong quân ngũ, bác Hòa tiếp tục tham gia công tác ở địa phương. 10 năm liền làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, từng là Phó ban Tuyên giáo kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thăng Long, dù ở cương vị nào, bác cũng luôn tận tâm, tận lực với công việc, giữ vững bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Không chỉ nhiệt tình trong công việc, bác Hòa còn đặc biệt tâm huyết với chương trình giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ. Với kinh nghiệm hơn 40 năm trong quân ngũ, được chứng kiến bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, tham gia hầu hết các chiến dịch lớn giúp bác tích lũy được những kiến thức quý báu để truyền lại cho thế hệ mai sau. Trong suy nghĩ của bác Hòa, công tác giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ là một việc làm vô cùng cần thiết. Qua những buổi nói chuyện truyền thống về lịch sử dân tộc, về những tấm gương anh dũng trong chiến đấu, thế hệ trẻ không những được bổ sung thêm kiến thức về lịch sử nói chung mà còn hiểu rõ hơn cống hiến, hy sinh của lớp lớp cha ông vì nền độc lập, tự do của nước nhà. Từ đó, nêu cao tinh thần yêu nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Với tâm huyết của mình, suốt 21 năm qua, bác Hòa đã có hàng trăm buổi nói chuyện truyền thống với các cháu học sinh các cấp từ tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông trong toàn huyện. Dù trời nắng hay mưa, nóng bức hay giá rét, chỉ cần có người mời bác là bác sẵn sàng. Trước mỗi buổi nói chuyện, bác thường dành thời gian từ 1 đến 2 ngày để biên soạn, chuẩn bị nội dung chu đáo, hấp dẫn, logic để người nghe dễ tiếp cận. Khi nói về những chiến dịch lớn, bác còn chuẩn bị sơ đồ minh họa để bài nói chuyện truyền thống của mình thêm phần thực tế, sinh động. Nắm bắt được tâm lý lứa tuổi học sinh, trong quá trình truyền đạt, bác thường xuyên lồng ghép thêm những câu thơ, bài hát gắn liền với hình ảnh người lính, với phong trào cách mạng nhằm thu hút sự chú ý, tập trung của các cháu.

 

Trong số hàng trăm buổi nói chuyện truyền thống với học sinh, để lại kỷ niệm sâu sắc nhất với bác Hòa là buổi nói chuyện với học sinh Trường THPT Bắc Đông Quan. Để các cháu hiểu hơn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, những hy sinh lớn lao của thế hệ đi trước, bác đã đọc bài thơ “Núi đôi” của nhà thơ Vũ Cao. Bác vẫn nhớ như in khoảnh khắc đó, mọi thứ như ngừng lại, chỉ còn tiếng gió nhè nhẹ, lời thơ vang lên cùng những suy tư của mỗi người. Những câu thơ cuối cùng khép lại cũng là lúc tràng pháo tay vang lên không ngớt. Kết thúc buổi nói chuyện hôm đó, có rất nhiều học sinh đến gặp bác để tìm hiểu kỹ hơn về bài thơ.

 

Hiện nay, dù đã ở cái tuổi “bát thập” song bác Hòa vẫn miệt mài bên những trang giáo án. Ngày nào còn sức khỏe, còn minh mẫn, bác vẫn sẽ tiếp tục “truyền lửa” cách mạng, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ.

Bài, ảnh: Đào Quyên

  • Từ khóa