Thứ 5, 07/11/2024, 09:27[GMT+7]

Tiến sĩ Lê Trọng Thứ: Hành trạng và khí tiết

Thứ 7, 02/11/2024 | 21:03:04
1,749 lượt xem
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã lưu danh khá nhiều trường hợp hai cha con người Thái Bình đã làm rạng danh đất nước. Tiêu biểu như Lê Trọng Thứ - Lê Quý Đôn, Đoàn Nguyễn Thục - Đoàn Nguyễn Tuấn ở thời Lê; Đào Nguyên Phổ - Đào Trinh Nhất, Nguyễn Quang Bích - Ngô Quang Đoan ở thời Nguyễn... Những trường hợp như thế thường được ví là “hổ phụ sinh hổ tử”. Trong số những “hổ phụ” đó thì Lê Trọng Thứ (1694 - 1782), quê làng Phú Hiếu nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà là trường hợp khá đặc biệt về hành trạng và khí tiết.

Lăng mộ tiến sĩ Lê Trọng Thứ (xã Độc Lập, huyện Hưng Hà). Ảnh tư liệu

Lê Trọng Thứ sinh ngày 13 tháng Giêng, năm Giáp Tuất (1694), hiệu Trúc Am, thụy Trung Hiến. Tuổi trẻ còn có tên Lê Phú Thứ. Ông thi đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái 5 (1724) đời vua Lê Dụ Tông. Sau khi thi đỗ được giao công việc tập sự ở Hàn lâm viện rồi thăng cấp Sự trung bộ Hộ.

Vào thời điểm Lê Trọng Thứ nhập chốn quan trường thì tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh đã quá suy ruỗng. Về thực chất, chính quyền đã nằm trọn trong tay phủ chúa từ tám chín đời. Lê Dụ Tông thực thụ là một ông vua bù nhìn. Trịnh Giang thì thường bị bọn hoạn quan khuynh loát, xúc xiểm. Những người có tài năng, còn tâm huyết với chính sự nếu mạnh dạn đưa ra những kiến giải về thế sự thì đều lần lượt phải rời triều. Giặc dã nổi lên như ong ở khắp nơi. Dân chúng lầm than. Lòng người ly tán. 

Với chức quan Sự trung bộ Hộ, Lê Trọng Thứ chưa phải là người có đấng bậc trong triều, nhưng với lối sống thanh đạm, tính tình cương trực, vừa không được lòng bề trên vừa khó hòa nhập với đồng sự nên chưa đầy một năm tại triều, cuối năm 1724, ông đã bị đổi ra làm Giám sát Ngự sử ở Hải Dương, một miền đất đang nóng bỏng về khởi nghĩa nông dân. Đây cũng chính là những năm tháng xuất hiện nhiều tờ khải của các bậc quan liêm chính dâng lên phủ Chúa để điều trần về hiện trạng của đất nước và khuyên can nhà chúa bớt ăn chơi xa xỉ, hãy khoan sức cho dân... và hầu hết tác giả của những bài khải đó đều rơi vào cảnh bi đát khôn lường. 

Vào năm Tân Hợi (1731), lợi dụng phủ Chúa ra chỉ dụ cho phép các quan dâng sớ điều trần về hiện trạng đất nước, Hoàng giáp Bùi Sĩ Tiêm, quê làng Kinh Lũ, nay thuộc xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng vốn là bạn đồng hương, đồng môn, làm quan đồng triều thân thiết với Lê Trọng Thứ đã dâng “khải 10 điều” và bị đuổi về quê. Cùng nhân cách và khí tiết với Bùi Sĩ Tiêm, cũng vào năm đó Lê Trọng Thứ dâng khải can gián nhà Chúa và chỉ trích bọn a dua xu nịnh, với những lời lẽ mềm mỏng hơn bài sớ của Bùi Tiêm. Thật không ngờ, đọc bài khải của Lê Trọng Thứ, Trịnh Giang đã hạ bút phê bằng mấy chữ vừa mang tính răn đe vừa bộc lộ tư tưởng quan liêu, độc đoán của người đứng đầu phủ Chúa: “Dâng khải thì được, nhưng cấm không được nhắc đến công việc của người trên”. Hẳn là, với nhiều trường hợp khác khi nhận được lời phê như vậy phải chán chường, thối chí, nhưng Lê Trọng Thứ vẫn kiên nhẫn, táo bạo dâng tiếp một tờ khải khác, khuyên can nhà Chúa hãy chấp thuận những lời nói thẳng của kẻ dưới. Ông mạnh dạn chỉ ra rằng: chỉ có mở rộng đường ngôn luận thì mới thu hút được hiền tài và ngõ hầu khắc phục được tình trạng suy thoái trầm trọng đến mức hiểm nghèo của đất nước. Chung cục, Trịnh Giang trách Lê Trọng Thứ không vâng lời răn và đuổi ông về quê. Vào năm đó, Lê Quý Đôn lên 5 tuổi đã theo cha về sống ở quê. 

Sống đạm bạc ở quê gần 10 năm, Lê Trọng Thứ dồn tâm lực vào việc khai tâm, khai trí cho Lê Quý Đôn. Đến năm 1740, ông đã được chúa Trịnh cho phục chức Giám sát sứ Hải Dương, sau đó điều về làm Hiến sát sứ Kinh Bắc. Ông lại dâng khải xin giảm tô thuế, bỏ định lệ thuế muối cho Nghệ An, Sơn Nam. Năm 1752, ông được điều về nhậm chức Đông các Đại học sĩ. Đó cũng là năm thi đỗ Tam nguyên Bảng nhãn. Từ năm này, hai cha con Lê Trọng Thứ và Lê Quý Đôn làm quan đồng triều. Năm 1759, vào tuổi 66, Lê Trọng Thứ về hưu, Trịnh Doanh tiếc ông có tài đã dùng tấm lụa quý, tự tay viết bốn chữ: “Chất trực cảm ngôn” (Chất phác, trung thực, nói thẳng) thăng chức Tả Thị lang bộ Hộ. 

Chưa đầy một năm sau, vào tháng 3 năm Canh Thìn (1760), ông lại được triệu ra giữ chức Bồi tụng kiêm Tả chính ngôn. Về sự kiện này sách Việt sử thông giám cương mục chính biên đã chép: “Trọng Thứ là người chất phác, bộc trực, dám nói thẳng thắn, là một chỗ dựa vững chắc của triều đình. Mùa thu năm trước, Trọng Thứ lấy cớ tuổi già xin nghỉ. Triều đình hạ chiếu cho thăng chức Tả thị lang bộ Hộ về hưu trí nhưng Trịnh Doanh vẫn chú ý quyến luyến mãi, nên lại có lệnh triệu vào chầu giữ chức Bồi tụng kiêm Tả chính ngôn. Nhữ Đình Toản nói: “Phủ liêu giữ việc chính trị. Ngự sử đài giữ việc can ngăn, mỗi người có nhiệm vụ phải làm, nếu nay đem Trọng Thứ đặt vào công việc của chính phủ thì sự lầm lẫn ở triều đình lấy ai sửa chữa cho đúng được? Vì thế mới không bổ vào giữ việc ở phủ liêu mà phong cho chức vậy”. 

Trở lại triều đình, với cương vị Bồi tụng kiêm Tả chính ngôn, tuy chưa phải là thuộc bậc cao nhất trong hàng bá quan văn võ, nhưng vào những năm này Lê Trọng Thứ hoạt động với vị thế của bậc lão thần. Đối với đám quan lại lớn nhỏ trong triều, ông thẳng thắn chỉ ra những lỗi lầm, sai trái. Đối với chúa Trịnh thì ông dâng sớ, dâng khải can ngăn mà nội dung là phàn nàn, chê trách. Sử sách và văn bia đã chép đến mấy chục tờ khải, tờ sớ của Lê Trọng Thứ dâng lên ba đời chúa Trịnh mà nhiều nhất là những năm trở lại triều đình sau khi hưu trí lần thứ nhất. Noi gương cha, Lê Quý Đôn cũng đã dâng nhiều tờ khải kiến giải về việc an dân với những nội dung sắc sảo, thiết thực. Cũng vào những năm này, Lê Trọng Thứ được cử làm giám thị, giám khảo nhiều kỳ thi Hội. Khoa Quý Mùi (1763) cả hai cha con Lê Trọng Thứ và Lê Quý Đôn đều làm giám thị. 

Lê Trọng Thứ và Lê Quý Đôn cùng làm quan ở kinh đô lại đều có năng lực và nhân cách lớn, có uy tín cao. Đó là mối lo ngại cho đám quan đại thần xu nịnh. Việc tách hai cha con để một người ở trong triều, một người ở ngoài trấn là việc phải tính đến. Việc đưa Trọng Thứ ra ngoài trấn là không thể bởi ông tuổi cao đang làm việc với tư cách là một lão thần. Với Lê Quý Đôn tuổi còn trẻ, chí khí đang hăng, tài năng đang độ chín thì việc tách khỏi kinh đô là việc cần làm sớm. 

Năm Ất Dậu (1765) Lê Quý Đôn bị bổ nhiệm ra làm Tham chính Hải Dương. Trước đó một năm, Lê Quý Đôn đã phải đi nhậm chức đốc đồng trấn Kinh Bắc. Chán cảnh quan trường, Lê Quý Đôn đã dâng khải xin treo ấn từ quan, về quê viết sách. Thật trớ trêu, Lê Quý Đôn chưa đầy 40 tuổi, đỗ đạt cao, năng lực đang dồi dào lại cáo quan về quê. Còn người bố, tuổi đã ngoại thất tuần vẫn kiên nhẫn, miệt mài với công việc tại công đường ở kinh đô. Có lẽ đây là một trường hợp hi hữu nhất trong lịch sử nước nhà. 

Từ chức Bồi tụng kiêm Tả chính ngôn khi được vời trở lại triều, Lê Trọng Thứ lần lượt được thăng các chức Phó đô Ngự sử, Tả thị lang bộ Hình, Tả thị lang bộ Công. Ba đời chúa Trịnh từ Trịnh Giang, Trịnh Doanh đến Trịnh Sâm, trừ một lỗi lầm của Trịnh Giang đã bãi chức ông còn nói chung đều coi ông là một chỗ tựa dựa vững chắc của triều đình.

Năm Quý Tỵ (1773), Lê Trọng Thứ vừa tròn 80 tuổi, ông lại dâng khải xin nghỉ hưu. Mặc dù Tĩnh Vương Trịnh Sâm biết rõ nếu để Lê Trọng Thứ nghỉ là triều đình mất đi một chỗ dựa tin cậy, nhưng vì ông đã ở tuổi 80 với ngót 50 năm giúp rập ba đời Chúa, công đã dày, đức đã lớn nên đành chấp thuận. Khi nghỉ hưu lần hai, Lê Trọng Thứ được gia phong chức Hình bộ Thượng thư, tước Diễn phái hầu. Trịnh Sâm tự tay viết trên lụa 4 chữ “Đặc, Huệ, Hảo, Ân” (ơn huệ đặc biệt, tiếng tăm tốt đẹp) và đôi câu đối: “Xuân mị bát tuần thiên hạ lão/ Cẩm hoàn lưỡng độ thế gian tiên”. Tạm dịch là: “Ông già thiên hạ tám chục xuân vui/Vị tiên thế gian hai lần trí sĩ”. 

Nghỉ hưu về quê Lê Trọng Thứ làm thơ để di dưỡng tinh thần và đã để lại cho đời ba bộ sách có giá trị là Trúc Am thi tập, Trúc Am văn tập và Lê công khải sự cảnh hành lục. Mặt khác, ông vẫn canh cánh nỗi niềm ưu tư lo nước thương dân và khi thấy có việc gì đáng can ngăn vua Lê, chúa Trịnh thì ông lại dâng sớ với tư cách ở hàng quốc lão. Khi ông qua đời được truy tặng hàm Thái Bảo, tước Hà Quận công. Triều đình Lê Trịnh đã cho phép thôn Khả Duy, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, nay thuộc Hà Nam xây đình thờ làm phúc thần. 

Những người con của Lê Trọng Thứ ngoài Lê Quý Đôn, còn những người khác đều học hành hiển đạt, giàu đức hạnh và như vậy tấm biển “Văn hiến truyền gia” của nhà Lê ban tặng, hiện đang lưu giữ được tại từ đường họ Lê thờ Lê Trọng Thứ và Lê Quý Đôn cần được hiểu là văn hiến được truyền gia bắt đầu từ Lê Trọng Thứ chứ không phải tấm biển này dành tặng riêng cho Lê Quý Đôn. 

Nguyễn Thanh 

(Vũ Quý, Kiến Xương)