Doãn Vị - một sĩ phu yêu nước nhiệt thành
Cho đến nay có khá nhiều người vẫn chưa rõ ông Cảnh Tinh có thân thế sự nghiệp ra sao và vị phúc thần có duệ hiệu Cảnh Tinh thờ ở làng Khánh Lai, nay thuộc xã Tây Đô, huyện Hưng Hà cùng một số làng trong tổng Ỷ Đốn phủ Tiên Hưng, nay thuộc huyện Hưng Hà có phải là Doãn Cảnh Tinh quê làng Ngoại Lãng không? Qua những lần đi công tác ở cơ sở, chúng tôi đã được một số bậc cao niên kể nhiều giai thoại khá kỳ thú về một ông đồ họ Doãn dạy học ở phủ Tiên Hưng.
Đọc tài liệu của các nhà nghiên cứu tiền bối ở Thái Bình thì được biết Doãn Cảnh Tinh tức Doãn Vị sinh ra trong một dòng họ khoa bảng của làng khoa bảng Ngoại Lãng, một làng có truyền thống văn hiến nổi tiếng của Việt Nam với sự xuất hiện của hai anh em Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm, Hội nguyên Tiến sĩ Đỗ Oánh và Tiến sĩ Trần Củng Uyên ở thế kỷ XV. Truyền thống khoa bảng ở Ngoại Lãng trải dài đến thế kỷ XIX. Họ Doãn ở làng này là một dòng họ danh gia thế phiệt vào hàng nhất nhì ở Thái Bình. Tiêu biểu như người bác họ của Doãn Vị là Cử nhân Doãn Uẩn (1795 - 1849), với chức Tổng đốc An Hà (An Giang - Hà Tiên), tước Bình Tây mưu lược, tướng có công lớn giữ yên dải đất phương Nam và thân phụ của Doãn Vị là Tiến sĩ Doãn Khuê (1813 - 1885), một học quan đa năng, giàu đức độ và giàu lòng yêu nước, thương dân. Doãn Khuê là thầy dạy Nguyễn Quang Bích, Doãn Vị là thông gia (Con trai cả của Doãn Vị là Doãn Thành Đạm lấy con gái út của Nguyễn Quang Bích là Ngô Thị Quế).
Theo gia phả của dòng họ Doãn thì Doãn Vị là con trai thứ ba trong số bốn người con trai của Doãn Khuê. Thuở nhỏ, Doãn Vị là một cậu bé thông minh, hiếu học lại được cha trực tiếp truyền thụ chữ nghĩa nên đã sớm thông tỏ kinh sách. Lớn lên trong cảnh nhà gặp nhiều biến cố. Hai người anh và người em của Cảnh Tinh lần lượt hy sinh trên mặt trận tiễu phỉ ở Sơn Tây và Hải Dương. Người cha thì vì ưu dân ái quốc nên vẫn đang tận tụy ở chốn quan trường. Do vậy, mặc dù nổi tiếng học giỏi nhưng ông không đi thi mà hành nghề dạy học để chờ thời trả thù nhà nợ nước.
Vào những năm 1871 - 1873, Doãn Khuê với cương vị Doanh điền sứ Nam Định đã đưa hai con trai là Doãn Chi, Doãn Vị cùng thuộc hạ, phần đông là học trò đi triển khai các kế sách phòng thủ miền duyên hải để chuẩn bị chặn đánh quân Pháp vì Doãn Khuê đã tiên lượng là việc thực dân Pháp tiến quân xâm chiếm Bắc kỳ sẽ là một vấn đề mang tính tất yếu và khi sự kiện đó xảy ra ắt hẳn chúng phải qua vùng đất này.
Khi nghe tin thông gia, người đồng chí hướng của mình là Nguyễn Quang Bích từ quan, xướng nghĩa lập căn cứ tại Tiên Động, Doãn Vị đã cùng một số nho sinh tìm lên xin gia nhập nghĩa quân. Vì biết rõ gia cảnh của người thông gia nên thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích đã khuyên Doãn Vị về quê đảm đương trọng trách tuyển mộ quân sĩ cho nghĩa quân Tiên Động để ông có điều kiện phụng dưỡng mẹ già, như thế thì việc nhà việc nước hai đường đều thuận. Nghe theo lời khuyên của thông gia, Doãn Vị tức tốc về quê cùng người học trò của Nguyễn Quang Bích, đồng thời lại là thầy dạy của Ngô Quang Đoan là Phó bảng Trần Xuân Sắc người làng Đông Thành, huyện Tiền Hải đến các phủ huyện tuyên truyền tuyển mộ nghĩa dũng và bất chấp mọi hiểm nguy đã nhiều lần dẫn đường đưa nghĩa sĩ từ Thái Bình lên gia nhập cuộc khởi nghĩa Tiên Động tại các khu căn cứ Tiên Động, Nghĩa Lộ, Tôn Sơn, nay thuộc các tỉnh Phú Thọ và Yên Bái.
Là thông gia với Nguyễn Quang Bích nhưng quan hệ giữa Doãn Vị với Nguyễn Quang Bích và cả với Ngô Quang Đoan là quan hệ thâm giao như những người bạn vong niên, đồng chí hướng. Khi được tin Nguyễn Quang Bích ốm nặng, Doãn Vị đã cùng Ngô Quang Đoan và một số con cháu họ Ngô làng Trình Phố lên thăm và muốn ở lại trông nom. Sự kiện này đã được Ngô Quang Đoan ghi chép lại trong Ngư Phong tướng công hành trạng. Khi Nguyễn Quang Bích qua đời, ông lại cùng Ngô Quang Đoan lên phục tang. Ông đã có câu đối thống thiết khóc thông gia, người đồng chí, người bạn vong niên:
Lệ dục thành băng, hồi thủ Quế Sơn đầu, chỉ kiến bạch vân phù chính khí
Hận do vị tuyết, thống tâm Trà Hải khẩu, đồ văn hồng lãng khiếu anh phong.
Nghĩa là:
Lệ muốn thành băng, quay nhìn đỉnh Quế Sơn, chỉ thấy mây trắng nâng vầng chính khí
Hận chưa rửa sạch, đau lòng cửa Trà Hải, còn nghe sóng đỏ thét anh phong.
Lo xong tang lễ Nguyễn Quang Bích, Doãn Vị và Ngô Quang Đoan cùng ở lại tham gia nghĩa quân, chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đề Kiều, Đốc Ngữ (hai thuộc tướng của Nguyễn Quang Bích). Kể từ đây hai người như hình với bóng. Hai ông không chỉ sánh đôi nhau trong những năm tháng chiến đấu dưới cờ Cần Vương mà khi phong trào Cần Vương bị dập tan thì hai người lại sánh đôi nhau đi mộ nghĩa, mưu gây dựng lại phong trào rồi lại cùng tham gia Đông Kinh nghĩa thục.
Khi nghĩa quân Cần Vương do Đề Kiều, Đốc Ngữ chỉ huy tan rã, Doãn Vị đã về quê bàn mưu cùng Ngô Quang Đoan đi mộ quân với chủ trương vực lại phong trào vũ trang kháng Pháp. Hai ông đã tìm đến vùng Thư Điền, nay thuộc xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định mộ nghĩa, mưu lập căn cứ tại đây. Vùng đất Thư Điền vốn do Hoàng giáp Phạm Văn Nghị và Doãn Khuê khai phá lấn biển lập làng. Nghĩa quân do hai ông chiêu mộ được đã triển khai một số trận đánh ở vùng cửa sông Hồng, nhưng chung cục mưu lớn không thành. Hai ông phải tạm chia tay, mỗi người một ngả. Ngô Quang Đoan về quê, được tiếp xúc với các nhà yêu nước ở Bắc kỳ và Trung kỳ tìm về bàn về việc chuyển hướng hoạt động sang các hình thức mới. Doãn Vị nối chí cha, đã đưa các con trai là Doãn Thành Đạm, Doãn Phương Lễ, Doãn Đức Uông tiếp tục khai khẩn vùng đất Thư Điền. Tại các đền, chùa Nghĩa Thành có bia đá, sắc phong ca ngợi, tri ân cha con ông. Người cha của Doãn Vị đã được dân làng Thư Điền lập đền miếu, dựng bia, tạc tượng thờ là thành hoàng làng. Trường trung học cơ sở của xã Nghĩa Thành đã được mang tên trường Doãn Khuê.
Khi cuộc kháng Pháp ở Bắc kỳ của các sĩ phu văn thân yêu nước thất bại, Doãn Vị tiếp tục nghề dạy học để chờ thời. Tháng 3/1907, Đông Kinh nghĩa thục thành lập. Từ những hoạt động sôi nổi ở Hà Nội, chỉ mấy tháng sau đó đã lan rộng khắp ba miền. Nếu như Ngô Quang Đoan là người đi tiên phong cùng Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và một số yếu nhân khác đã sang Nhật trong phong trào Đông Du rồi tham gia sáng lập ra Đông Kinh nghĩa thục thì Doãn Vị phần vì tuổi tác, phần vì hoàn cảnh gia đình nên chỉ ở quê tham gia phong trào này.
Mục đích của Đông Kinh nghĩa thục là qua các tài liệu tuyên truyền cổ động, qua việc giảng dạy cụ thể của nhà trường để cổ súy lòng yêu nước; truyền bá một nền học thuật mới và một nếp sống mới. Các hội viên của Đông Kinh nghĩa thục đã sáng tác ra nhiều thơ văn làm tài liệu giảng dạy và tuyên truyền. Một trong những nhiệm vụ đề ra của Đông Kinh nghĩa thục là chấn hưng kinh tế, hướng tới dân giàu, nước mạnh. Vì không có sở trường kinh doanh và làm kinh tế nên Doãn Vị chỉ tham gia dạy học và sáng tác, biên soạn các tài liệu của Đông Kinh nghĩa thục từ Hà Nội hoặc từ hải ngoại đưa về để giảng dạy và tuyên truyền. Khi các hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục bị lắng xuống, Doãn Vị lại tiếp tục nghề dạy học. Vào những năm cuối đời, Doãn Vị về sống ở xã Khánh Lai, nay thuộc xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, tiếp tục nghề dạy học và tuyên truyền tư tưởng yêu nước thương nòi cho các thế hệ môn sinh.
Ông mất vào ngày mồng 5 tháng 8 năm Canh Tuất (1910) tại Khánh Lai khi còn đang giảng giải kinh sách cho học trò. Nhân dân nơi đây đã xây mộ ông và tôn thờ là thành hoàng của tổng với duệ hiệu Cảnh Tinh phúc thần. Những sáng tác của Doãn Vị đã bị hư hao nhiều. Cuốn Bảo Trân thi tập chép tay của ông cũng đã thất lạc. Trong dân gian còn lưu truyền một số bài thơ của ông viếng bạn như điếu Tán tương Nguyễn Cao, viếng Ngự sử Phạm Huy Quang cùng những bài có nội dung đả kích giặc Pháp và tay sai.
Nguyễn Thị Tô Lịch
Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025