Thứ 6, 20/12/2024, 18:13[GMT+7]

Anh dũng thời chiến - gương mẫu thời bình

Thứ 6, 20/12/2024 | 08:49:19
424 lượt xem
Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc hay trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những người con Thái Bình luôn dũng cảm, can trường trên mọi mặt trận, nhiều người đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã lập những chiến công xuất sắc, góp phần cùng quân dân cả nước viết nên thiên anh hùng ca thời đại mới.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Hạnh, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình).

Từ cậu bé mồ côi cha trở thành anh hùng

Giữa những năm 60 của thế kỷ trước, thanh niên Nguyễn Xuân Liêm, xã Thăng Long (Đông Hưng) chưa có trong danh sách được gọi nhập ngũ bởi mồ côi bố, nhà chỉ có hai mẹ con. Tuy nhiên, trước tình thế cấp bách của dân tộc, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 4/1965, Nguyễn Xuân Liêm đã tình nguyện nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 53, Tỉnh đội Thái Bình khi vừa qua tuổi 19. 59 năm đã qua song ký ức về những ngày khó khăn, gian khổ trên chiến trường cùng đồng đội vào sinh ra tử vẫn in đậm trong trái tim người lính Cụ Hồ. 

Ông bồi hồi nhớ lại: Thời đó, cả xã có mình tôi đủ điều kiện nhập ngũ. Năm 1972, do yêu cầu thực tế từ chiến trường, tôi được điều về Binh chủng Tăng - Thiết giáp, chiến đấu ở Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 201B. Trong các trận chiến, tôi nhớ nhất là cuộc tấn công thị xã Phước Long bắt đầu từ ngày 2/1/1975. Đơn vị của tôi được lệnh phối hợp với Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 142, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 tấn công địch tại thị xã Phước Long. Sau khi đánh chiếm phía ngoài thị xã, đơn vị nhận lệnh tấn công vào thị xã, hướng tấn công là ngã ba Tư Hiền - trại Lê Lợi. Đây là nơi lực lượng của địch tập trung rất mạnh, vì thế trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt, lực lượng của ta thương vong nhiều. Mũi tấn công do tôi chỉ huy gồm 3 xe tăng nhưng trong quá trình chiến đấu 1 xe hết đạn, 1 xe bị kẹt pháo, xe của tôi chỉ huy cũng chỉ còn 2 quả đạn nổ, 1 quả đạn xuyên. Trước tình thế cấp bách, sau khi gọi về sở chỉ huy xin chi viện, tôi hạ lệnh “còn người, còn xe, một xe cũng tấn công”, lệnh cho pháo thủ tiếp tục tấn công bằng đạn nổ, phá tan hàng rào phía trước, mở thông cửa ngõ vào thị xã.

Đến 1 giờ chiều cùng ngày, 3 xe tăng do Đại đội trưởng Đỗ Hồng Nguyên chỉ huy lên chi viện. Sau khi được tăng cường lực lượng, quân ta triển khai tấn công mạnh mẽ, đến ngày 6/1/1975 thị xã Phước Long hoàn toàn được giải phóng. Chiến thắng Phước Long có ý nghĩa vô cùng quan trọng, lần đầu tiên ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh Đông Nam Bộ. Đầu tháng 4/1975, đơn vị của ông Liêm nhận nhiệm vụ phối hợp cùng với Quân đoàn 4 từ đường 20 tiến vào giải phóng tỉnh Lâm Đồng và thị xã Xuân Lộc. Sáng ngày 30/4/1975, đơn vị của ông nhận lệnh tham gia giải phóng sân bay Biên Hòa và bảo vệ mục tiêu này cho đến khi toàn thắng. Mặc dù không trực tiếp tiến đánh vào Sài Gòn nhưng khi nghe tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của chính quyền tổng thống Dương Văn Minh và tin chiến thắng của quân ta, trong ông trào dâng sự xúc động xen lẫn tự hào: Khi nghe tin đơn vị xe tăng đã húc đổ cổng dinh Độc Lập và người đầu tiên cắm lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc dinh Độc Lập thuộc lực lượng tăng thiết giáp, chúng tôi rất phấn khởi, rất tự hào, ôm chầm lấy nhau khóc với thắng lợi đó. Với những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 15/1/1976, ông Nguyễn Xuân Liêm vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng nhiều huân chương các loại.

49 năm đất nước thống nhất, Anh hùng Nguyễn Xuân Liêm đánh giặc cứu nước năm xưa nay đã bước sang tuổi xế chiều. Tuy nhiên, dù ở thời bình hay thời chiến, tuổi trẻ hay tuổi già, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Liêm vẫn sắt son một lòng yêu nước, tiếp tục chung tay xây dựng quê hương phát triển. Tham gia Hội Cựu chiến binh xã, từng có 11 năm là đại biểu HĐND xã, ông luôn gương mẫu trong các phong trào ở địa phương; chú trọng giáo dục con cháu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tránh xa các tệ nạn xã hội. 

Anh hùng Nguyễn Xuân Liêm xúc động chia sẻ: Tôi vô cùng tự hào vì bao công sức của những người lính như tôi nay đã được bù đắp bằng cuộc sống hòa bình, tự do của thế hệ hôm nay. Tận mắt chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, đất nước càng làm cho tôi có thêm động lực để tiếp tục tham gia góp phần cho sự phát triển của quê hương.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Liêm, xã Thăng Long (Đông Hưng).

Người anh hùng trên trận tuyến mới

Hơn 10 năm chinh chiến trên đất Lào, 27 năm bền bỉ gánh vác công tác xã hội, ít ai nghĩ rằng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Đức Hạnh, nguyên Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh năm nay đã 86 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Ông kể: Tôi sinh ra ở xã Vũ Công (Kiến Xương), 4 tuổi mồ côi cha, 14 tuổi mồ côi mẹ, hai chị em được người chú ruột thương tình đem về nuôi nhưng hoàn cảnh gia đình chú cũng rất khó khăn nên tuổi thơ của hai chị em là những tháng ngày lam lũ, vất vả và không được học hành đầy đủ. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng tham gia các lớp bình dân học vụ vào ban đêm để biết đọc, biết viết, rồi lại hăng hái đứng lớp làm giáo viên xóa mù chữ cho bà con trong xóm, ngoài thôn và tích cực làm liên lạc cho du kích thôn. Tháng 3/1959, tôi nhập ngũ chậm hơn so với đồng đội hai ngày vì được xét cho đi bổ sung sau nhiều lần đăng ký tòng quân mà không được chọn. Sau những ngày tháng huấn luyện chiến sĩ mới, tôi được biên chế về Tiểu đoàn Pháo binh 13, Sư đoàn 350 (nay thuộc Quân khu 3). Năm 1960, tôi được lựa chọn vào đội ngũ chuyên gia quân sự sang giúp bạn Lào ở tỉnh Houaphanh. Cũng từ ấy, tôi có thêm tên mới theo tiếng Lào là Vixay Vanchalon.

Cuối năm 1964, ông Hạnh được giao nhiệm vụ đặc biệt, đó là chỉ huy Đội biệt động S3 vào hoạt động bí mật ở vùng địch hậu thuộc tỉnh Vientiane, Lào. Trong quãng thời gian hoạt động từ năm 1964 - 1975 tại Lào, ông cùng đồng đội đã xây dựng được khu căn cứ cách mạng vững chắc dù phải đối mặt với bao tình huống hiểm nguy, những trận càn quét mà địch hơn ta nhiều lần về quân số và hỏa lực. Do cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân Lào, chiến đấu vì nền độc lập, tự do cho những người anh em Lào nên các chiến sĩ được dân làng quý mến, bao bọc. Vì thế, đơn vị của ông vẫn bảo vệ được khu căn cứ để làm bàn đạp phát triển phong trào cách mạng ở vùng địch hậu. Bà con nhân dân Lào không chỉ nhường cơm sẻ áo, chắt chiu từng hạt gạo, lọ mắm, ống mỡ để nuôi giấu cán bộ nhiều năm mà còn sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ bộ đội Việt Nam. Với ông, đó là những ân tình suốt cuộc đời không thể nào quên. Năm 1973, ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng nhiều huân chương các loại.

Năm 1997, được nghỉ hưu nhưng từ đó đến nay Anh hùng Nguyễn Đức Hạnh vẫn liên tục tham gia công tác xã hội. Đặc biệt, năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh được thành lập và ông được bầu làm Chủ tịch Hội. Dưới sự điều hành của ông, đến năm 2007, các cấp hội (từ tỉnh đến cơ sở) cơ bản được thành lập, từng bước hoạt động nền nếp, thiết thực, hiệu quả, nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về mọi mặt. Anh hùng Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ: Tôi cùng tập thể lãnh đạo Hội tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam/Điôxin Việt Nam” gắn với chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam. Hiện nay tôi đã nghỉ công tác tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh nhưng tại Đại hội Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Bình lần thứ hai, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tôi tái cử Chủ tịch Hội với tín nhiệm cao.

Với suy nghĩ “còn sức khỏe thì còn cống hiến”, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Hạnh là tấm gương về tinh thần sẵn sàng vượt khó trong mọi hoàn cảnh, xứng danh anh hùng thời chiến, gương sáng thời bình để thế hệ trẻ noi theo.


  Đặng Anh


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày