Thứ 4, 22/01/2025, 21:52[GMT+7]

Thái Bình - Miền quê thượng võ

Thứ 2, 23/12/2024 | 08:33:42
15,347 lượt xem
Là miền quê thuộc duyên hải Bắc Bộ, đất đai Thái Bình vốn được hình thành từ quá trình biển tiến, biển lùi và do phù sa sông biển bồi tụ kết hợp với sự chinh phục của các thế hệ cư dân từ nhiều nguồn ở “tứ chiếng” đổ về hợp cư, định cư. Chính do sự hình thành đất đai, dân cư như thế đã tạo nên những nét riêng về địa kinh tế, địa văn hóa và địa quân sự mà xưa nay người Thái Bình từng vẫn tự hào về quê mình là miền quê thượng võ.

Thi vật cầu ở hội đền Hét (xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy). Ảnh: Nguyễn Phục Anh

Là tỉnh có địa giới ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, mang địa thế chiến lược của một vùng ven biển với các cửa sông lớn của sông Hồng, sông Trà, sông Diêm, sông Luộc... nên trong lịch sử dựng nước và giữ nước, vùng đất nay thuộc tỉnh Thái Bình vẫn từng được xác định là một trong những cửa ngõ hiểm yếu của Tổ quốc.

Trong các cuộc chiến tranh ái quốc, trải hàng nghìn năm đương đầu với mọi kẻ thù ngoại bang, các thế hệ cư dân Thái Bình từng phải chống chọi với các đạo quân xâm lược và hải tặc từ đường biển tiến vào các cửa sông để tiến đánh sâu vào nội địa. “Sóng cửa Trà, ma cửa Hộ” vốn từng là nỗi kinh hoàng của nhiều đạo quân xâm lược đến Việt Nam. Chính vì vị thế chiến lược này mà nhiều lãnh tụ khởi nghĩa thời Bắc thuộc và các vương triều phong kiến đều chú ý xây dựng lực lượng bố phòng trên đất Thái Bình.

Ngược dòng lịch sử, từ những mũi tên, mũi lao bằng đồng tìm thấy ở các làng cổ, những dấu ấn đồn lũy rải rác ở nhiều làng, những địa danh như bến Trận, đấu Đong Quân, đường Lá Cờ, Đồn Cả, Đồn Nhì, Vạn Đồn, Lưu Đồn, Quán Cháy... Những điệu múa cờ, múa côn, múa kiếm, múa kéo chữ, tục đua thuyền, tục nấu cơm thi, những thần tích, sắc phong, đại tự, câu đối, những đồ tế khí còn lưu truyền trong mỗi làng xã đều gắn với sự tích của các cuộc chiến với từng làng. Nếu sưu tầm, tập hợp tất cả các yếu tố trên, bằng tri thức lịch sử quân sự cũng có thể phác thảo được những tấm bản đồ của từng cuộc kháng chiến từ thời Hai Bà Trưng đến thời kỳ hiện đại với những tên đất, tên làng, những cách đánh địch gắn liền với võ công của các làng quê.

Từ buổi đầu Công nguyên, thế trận chống Hán sôi động ở nhiều làng xã thuộc địa phận các huyện Hưng Hà, Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Thái Thụy đã được các bản thần tích mô tả tương đối chi tiết và trên 30 làng hiện còn đình, đền, miếu, phủ thờ các nghĩa sĩ chống Hán thời Hai Bà Trưng mà đa phần những nghĩa sĩ đó vốn sinh ra từ đồng đất Thái Bình.

Vào thế kỷ VI, người anh hùng Lý Bí đã chọn vùng đất hiểm trở nay thuộc địa phận Thái Bình để dấy binh đánh đuổi giặc Lương, dựng nước Vạn Xuân. Dấu tích các đồn lũy xưa do Lý Bí cho dựng lên nay chỉ còn lưu được qua địa danh ở các làng cổ. Theo các thần tích ở miếu Hai Thôn, làng An Để (Vũ Thư), đình làng Hậu Tái, miếu Chàng làng Phương Đài (Đông Hưng), tử Các (Thái Thụy) và nhiều làng cổ thuộc Hưng Hà, Quỳnh Phụ... có thể phần nào hình dung được hệ thống đồn lũy của Lý Bí đã dựng tại Thái Bình.

Vào thế kỷ X, Bố Hải khẩu nay thuộc thành phố Thái Bình là vùng đất hiểm yếu về quân sự. Khi đất nước xảy ra cảnh loạn lạc 12 sứ quân thì Trần Lãm đã chiếm giữ vùng đất này rồi trở thành một sứ quân mạnh nhất với mưu lược thôn tính dần các sứ quân khác. Biết thế đất Bố Hải khẩu hiểm trở và lực lượng của Trần Lãm hùng mạnh, Đinh Bộ Lĩnh từ Hoa Lư đã tìm đến xin nương tựa để từ đây mưu nghiệp đế vương. Theo thần phả đền Lạc Đạo (thành phố Thái Bình) thì Đinh Bộ Lĩnh đã chiêu tập dân xiêu tán được mấy nghìn nghĩa sĩ cùng Trần Minh Công (Trần Lãm) đồng tâm hiệp lực tiễu trừ 11 sứ quân. Bản thần phả này còn mô tả việc chiêu binh, tích trữ lương thảo, dựng thành Kỳ Bố của Trần Lãm. Cũng vào thời kỳ này tại vùng đất nay thuộc các xã Sơn Hà, Thái Phúc (Thái Thụy) có địa danh là Đan Nhai hải khẩu mà dấu tích của thành quách Đan Nhai được xây dựng bằng loại gạch có tên Giang Tây Quân, Giang Tây Chuyên (thế kỷ X) còn tìm được...

Đáng chú ý nhất về truyền thống thượng võ của Thái Bình là từ cuối thế kỷ XII tại vùng đất Hải Ấp (Hưng Hà), cư dân nơi đây đã dốc tâm phò giúp họ Trần mưu nghiệp đế vương. Năm 1209, kinh thành Thăng Long xảy ra loạn Quách Bốc, vua Lý Cao Tông phải chạy lên miền Quy Hóa (Vĩnh Phúc), Hoàng tử Sảm được triều thần đưa về lánh nạn tại nhà Trần Lý ở vùng Hải Ấp. Tại đây, Hoàng tử Sảm lấy Trần Thị Dung con gái Trần Lý làm vợ. Trần Lý được phong tước Minh Tự đã cùng anh em con cháu họ Trần tập hợp hương binh dẹp loạn Quách Bốc phò giá vua và Hoàng tử về kinh. Năm 1210, Hoàng tử Sảm lên ngôi là Lý Huệ Tông đã cho đón Trần Thị Dung về triều phong làm Nguyên phi, sau đó phong Hoàng hậu sinh ra công chúa Chiêu Thánh. Năm 1224, vua Lý Huệ Tông bệnh trọng, Chiêu Thánh lên ngôi là Lý Chiêu Hoàng. Sang năm sau (1225), Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung cùng anh em họ Trần đã đạo diễn cuộc chuyển giao vương triều từ họ Lý sang họ Trần.

Khi mới giành được vương triều, các đạo quân tin cẩn bảo vệ kinh đô đều được nhà Trần tuyển dụng đinh tráng từ các làng xã thuộc lộ Long Hưng và phủ Kiến Xương. Để chuẩn bị kế sách phòng thủ, bảo vệ đất nước dài lâu, nhà Trần đã sớm chăm lo việc dự trữ lực lượng quân sự trong các làng xã theo chính sách “Ngụ binh ư nông”. Chính sách này tỏ ra rất đắc dụng khi quân Nguyên Mông tràn sang.

Từ đất Long Hưng họ Trần sáng nghiệp đế vương và cũng chính đất này vừa là một hậu cứ vững chắc vừa là một phòng tuyến hiểm trở chống giặc Nguyên Mông. Khi giặc dữ tràn sang, nhà Trần đã triển khai cuộc lui binh về quê cha đất tổ. Trước đó, triều đình đã cho lập những kho gạo lớn có tên A Sào, Tiểu Nẫm, Đại Nẫm, giao cho Trần Quốc Tuấn trấn giữ. Nhiều làng xã đã rèn đúc vũ khí đem tập trung tại Am Qua (xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ). Một phòng tuyến kiên cố, hiểm trở được xác lập dọc theo sông Luộc, sông Hóa thuộc các làng xã từ Hưng Hà đến Quỳnh Phụ, Thái Thụy. Những kho đụn quân lương lớn trải dài ở vùng đất này như đồn Gọc Vòi (Thụy Hưng, Thái Thụy), đồn Gọc Chợ, Lưu Đồn, Vạn Đồn, Phương Man, Phong Nẫm (Thái Thụy), Đại Nẫm, Mễ Thương (Quỳnh Phụ)... các bãi tập trận, bãi cọc ngầm từ cửa Hải Thị (cửa Luộc) đến Bát Đụn trang (cửa sông Thái Bình) và cửa Ba Lạt (cửa sông Hồng)... còn lưu dấu tích qua các địa danh.

Thế trận của cuộc kháng chiến chống Minh ở thế kỷ XV diễn ra trên đất Thái Bình tuy không rộng lớn, đều khắp như ở thời Trần nhưng phần nhiều những địa danh quân sự thời Trần lại được tái lập như cửa Đại Toàn (cửa sông Diêm), cửa Ba Lạt, cửa sông Thái Bình... Những địa danh đường Ngô Lột, đấu Đong Quân, đền Trại Đồn vốn là dấu tích chống Minh ở Thái Bình.

Sự đa dạng trong truyền thống thượng võ của Thái Bình còn cần được tìm hiểu kỹ hơn qua sự thăng trầm của lịch sử Việt Nam với các sự kiện lớn. Chẳng hạn, ở thế kỷ XVI nhà Mạc đã chọn vùng đất Phụ Dực (cũ) làm thánh địa để củng cố căn cứ Hải Đông. Đặc biệt là các cuộc nông dân khởi nghĩa với đỉnh cao là Hoàng Công Chất (thế kỷ XVIII) và Phan Bá Vành (thế kỷ XIX).

Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam (1858), ở Thái Bình đã sục sôi khí thế chống Pháp, nhiều nghĩa sĩ đã lên đường theo đoàn quân Nam tiến. Pháp tiến đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873), ở Thái Bình đã sớm hình thành các căn cứ kháng Pháp có sức quy tụ nhiều làng trong vùng như Động Trung (Kiến Xương), Văn Môn (Vũ Thư), Yên Tứ hạ (Tiền Hải)... gắn liền với tên tuổi của các thủ lĩnh như Nguyễn Mậu Kiến, Doãn Khuê... Pháp tiến đánh Bắc Kỳ lần thứ hai (1883), ngoài các căn cứ, các thủ lĩnh trên là đồng loạt các cuộc vũ trang chống Pháp của Đinh Tiến Đức, Bang Tốn, Đốc Nhưỡng, Nguyễn Thành Thà (Hưng Hà), Phạm Huy Quang, Lãnh Hoan (Đông Hưng)... Khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, hầu khắp các làng xã ở Thái Bình đã đồng loạt vũ trang Cần Vương. Ngoài các căn cứ, các thủ lĩnh kể trên còn hàng chục thủ lĩnh khác dưới sự chỉ huy thống nhất của Đề đốc Tạ Hiện đã triển khai nhiều trận đánh với quy mô liên làng, liên huyện ròng rã hàng chục năm. Khi Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm từ An-giê-ri về nước mộ dân lên Yên Thế mở đồn điền lập căn cứ kháng Pháp thì quần chúng yêu nước ở nhiều làng xã lại hào hứng hưởng ứng.

Kế thừa truyền thống đấu tranh của các thời kỳ trước, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo, tổ chức cuộc chiến tranh nhân dân theo tư tưởng quân sự mới thì tinh thần thượng võ của cư dân Thái Bình đã được phát huy rực rỡ ở tầm cao mới. Các làng xã ở Thái Bình lại tiếp tục vào trận, đưa nghệ thuật chiến tranh nhân dân lên tầm cao mới. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều làng kháng chiến của Thái Bình đã gắn liền với những chiến công lớn được lịch sử ghi nhận, mà làng Nguyên Xá (Đông Hưng) được tặng cờ “Làng kháng chiến kiểu mẫu” là một điển hình. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân ở Thái Bình được tặng cờ “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch” là một sự ghi nhận tinh thần thượng võ của Thái Bình đã phát huy đến đỉnh cao trong thời kỳ hiện đại.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tinh thần thượng võ không chỉ trao truyền cho con em lên đường đi các chiến trường, mà ngay trên đất Thái Bình phải tìm cách đương đầu với cuộc chiến tranh đánh phá bằng không quân, hải quân của giặc Mỹ. Sự sáng tạo để vừa sản xuất, vừa chiến đấu “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “tay bút, tay súng” của từng làng, từng vùng đã góp phần làm cho tinh thần thượng võ thời đánh Mỹ ở Thái Bình thêm phong phú. Chính nhờ kế thừa và phát huy tinh thần thượng võ của quê hương mà hơn 50 vạn con em Thái Bình lên đường ra trận đã lập được nhiều chiến công qua hai cuộc kháng chiến với sự xuất hiện của các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đội ngũ tướng lĩnh hùng hậu, trong đó có những tên tuổi ngời sáng như Hoàng Văn Thái, Đào Đình Luyện, Tạ Quốc Luật, Vũ Ngọc Nhạ, Bùi Quang Thận, Phạm Tuân...

Do lịch sử sắp đặt, truyền thống thượng võ của cư dân Thái Bình được hình thành và bồi tụ từ thuở mở làng lập ấp. Bề dày truyền thống thượng võ của mỗi làng quê mang những sắc thái khác nhau, nhưng mỗi làng quê đều đã đóng góp những “vốn riêng” của mình vào “vốn chung” của kho tàng văn hóa quân sự của dân tộc. Đó là niềm tự hào vĩnh hằng của miền quê thượng võ.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày