Học giả, nhà giáo yêu nước Nguyễn Can Mộng
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống Nho học và yêu nước, Nguyễn Can Mộng có thân phụ là Nguyễn Tề, dân gian vẫn tôn xưng là cụ Đề Thường. Khi đang giữ chức bang biện ở phủ Thường Tín, Hà Đông thì Nguyễn Tề cùng em trai là Bang Tốn xướng nghĩa chống Pháp vào năm 1884. Việc bại lộ, hai anh em bị bắt và bị giặc Pháp xử bắn tại Hải Dương vào năm 1885.
Lên 5 tuổi đã mồ côi cha, lại phải phiêu bạt theo gia đình đi lánh nạn, nhưng nhờ tư chất thông minh, mẫn tiệp và quyết nối chí cha, Nguyễn Can Mộng đã vượt lên những bất hạnh, gian truân thời thơ ấu để học hành và thi đỗ Cử nhân khoa Nhâm Tý (1912). Cùng khoa thi này người em họ của ông là Nguyễn Thúc Khiêm (con trai Bang Tốn) đỗ Tú tài sau trở thành một tác gia sân khấu, một chí sĩ yêu nước bị giặc Pháp bắt đưa đi lưu đày và đã tuẫn tiết tại nhà tù Sơn La. Khoa Bính Thìn (1916), Nguyễn Can Mộng thi đỗ Phó bảng, được bổ làm Huấn đạo huyện Ý Yên, Nam Định. Ba năm sau được bổ làm Giáo sư dạy Hán văn ở Trường Bưởi (khi đó là Trường Trung học Bảo hộ). Dạy học được ba năm, bất đắc chí ông xin nghỉ ở nhà viết sách. Trong gần mười năm, ông hoàn thành khá nhiều công trình biên khảo về đủ mọi lĩnh vực địa lý, lịch sử, văn học, phong tục tập quán... với tâm nguyện chấn hưng quốc hồn quốc túy của dân tộc. Năm 1931, Nguyễn Can Mộng được bổ lại ngạch cũ, năm sau thăng Đốc học, sau đó có thời gian chuyển sang làm việc tại phòng báo chí phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Năm 1940, ông nghỉ hưu và tiếp tục viết sách, viết báo. Năm 1949, được mời ra phụ trách việc dạy Hán văn ở Trường Đại học Văn khoa Hà Nội, ông đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đến những năm tháng cuối đời và mất tại Hà Nội ngày 31/1/1954.
Nguyễn Can Mộng là một học giả đa năng đã để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ thuộc nhiều lĩnh vực. Tác phẩm chính của ông đã được sưu tầm một phần đáng kể để đưa in thành Nông Sơn toàn tập dày ngót nghìn trang (Nhà xuất bản Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh - 2004). Những tác phẩm biên khảo, biên dịch, sáng tác của Nguyễn Can Mộng có giá trị để đời cần phải kể đến như: Nông Sơn thi tập, Trung Hoa văn thoại tiêu chuẩn, Nam học Hán tự, Bức gương lòng son, Truyện Kiều (hiệu đính, chú giải, 1936), Văn chương Việt Nam, Gương liệt nữ, Ngạn ngữ phong dao, Lễ tục nước nhà, Lịch sử Bắc Kỳ, Trung Hoa văn hóa... Riêng về thơ ngụ ngôn, có người đã cho rằng hàng trăm bài thơ ngụ ngôn mới là thước đo tài năng của ông, được các học giả đương thời đánh giá cao. Rất tiếc là đến nay phần lớn thơ ngụ ngôn của Nguyễn Can Mộng chưa sưu tầm được. Có lẽ, cái chí, cái tâm của ông trong cảnh nước mất, nhà tan chủ yếu được gửi gắm qua những bài thơ ngụ ngôn này.
Tác giả Đàm Quang Thiện vốn là học trò của ông với bài viết nhan đề Kỷ niệm Trường Bưởi (in trong sách Nông Sơn toàn tập) đã khắc họa chân dung nhà giáo yêu nước Nguyễn Can Mộng luôn nặng lòng với tâm nguyện trao truyền tinh thần dân tộc, lòng yêu nước với các thế hệ học trò.
Nguyễn Can Mộng không chỉ là một học giả giàu tinh thần dân tộc mà còn là nhà sư phạm tài ba. Từ một trí thức đại khoa Hán học, sớm tiếp cận và lĩnh hội được chữ Quốc ngữ và Pháp ngữ, ông đã biên khảo, biên dịch Hán - Việt, Việt - Hán, Pháp - Việt, Việt - Pháp. Trong giảng dạy, Nguyễn Can Mộng muốn dốc tâm chấn hưng quốc hồn, quốc túy, thức tỉnh lòng yêu nước, ý thức dân tộc cho lớp lớp học trò. Tác giả bài viết Kỷ niệm Trường Bưởi đã kể lại, vào giờ giảng đầu tiên ở Trường Bưởi, Nguyễn Can Mộng tâm sự với học trò: “...Trong một tuần lễ, hầu hết các giờ, các cậu học Pháp văn và khoa học, bằng Pháp ngữ. Nghĩa là bằng tiếng những người bảo hộ ta. Các cậu phải có cảm tưởng như ngồi ở lớp của một trường ngoại quốc. Chỉ có mấy giờ học với tôi, là các cậu mới thấy ngồi trong lớp trường nhà, trong đất nước nhà. Vậy, cậu nào hãy đứng dậy, đóng hết cả cửa ra vào và cửa sổ lại!”. Sau khi chờ học sinh đóng hết các cửa lớp học, cụ nói: “Bây giờ, bên ngoài lớp là thế giới của ngoại quốc, bên trong lớp là thế giới của Tổ quốc. Chúng ta muốn nói gì với nhau cũng được, ngoài không nghe thấy được, mà những tiếng giảng bằng Pháp ngữ, ở các lớp bên ngoài, cũng không đến tai ta được. Trong một tiếng đồng hồ, chúng ta hoàn toàn là người Việt Nam, trong đất nước Việt Nam. Chúng ta không phải e ngại gì hết. Mà chúng ta không phải e ngại gì, e ngại ai cả...
…Các giáo sư khác đều có bằng của nước Pháp bảo hộ và do Chính phủ bảo hộ cử ra dạy các cậu, các cậu không nghe lời giáo sư ấy, thì các cậu có lỗi với chính phủ bảo hộ. Riêng tôi, tôi có văn bằng đại khoa của triều đình Việt Nam. Triều đình Việt Nam bổ tôi ra dạy các cậu. Tôi thấy việc học Quốc văn như bức tường sắp đổ. Nên tôi không ra làm quan, mà vui lòng nhận làm giáo sư, là tôi muốn hai tay đỡ lấy bức tường ấy cho khỏi đổ. Các cậu chăm chỉ học với tôi, là cùng tôi đỡ lấy bức tường Quốc học. Nếu các cậu không chịu học với tôi là các cậu mặc cho bức tường Quốc học sụp đổ. Là các cậu vong bản, vong quốc! Càng đáng ghép vào tội tử hình hơn... Trong một tuần lễ, các cậu sống hầu hết các giờ dưới chế độ của nước Pháp bảo hộ, dưới sự dìu dắt của các công chức do chính phủ bảo hộ bổ nhiệm, các cậu phải nói tiếng Pháp. Chỉ riêng có mấy giờ học với tôi là các cậu được sống với chế độ của triều đình Việt Nam, dưới sự dìu dắt của một đại khoa triều đình, các cậu được nói tiếng mẹ đẻ và các cậu có thể nói với tôi tất cả mọi thắc mắc, mọi hoài bão mà không sợ tội vạ gì cả, đã có tôi bảo đảm cho các cậu…”.
Nguyễn Can Mộng là bậc đại khoa. Đường quan tước đang thênh thang rộng mở nhưng ông đã xin chuyển ngạch sang dạy học. Khi được bổ làm Giáo sư dạy Hán văn Trường Bưởi, ông đã tranh thủ đưa văn chương bình dân vào giảng dạy trong nhà trường. Những giờ giảng về ca dao, tục ngữ của Nguyễn Can Mộng đã góp phần làm cho học sinh hiểu thêm, hiểu hơn về văn chương, đất nước, con người Việt Nam, những mong cho họ đừng “vong bản, vong quốc”. Về phương diện này Nguyễn Can Mộng đáng được lịch sử giáo dục Việt Nam khẳng định là người đầu tiên đem văn chương bình dân vào giảng dạy ở nhà trường và ông cũng là một trong những tác gia văn hóa dân gian có đóng góp lớn trong việc sưu tầm, biên khảo, hiệu đính ngạn ngữ phong dao.
Trong số các tác phẩm của Nguyễn Can Mộng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau thì công trình Ngạn ngữ phong dao do ông hiệu đính và chú thích là một trong những đóng góp có giá trị đặc biệt. Xin dẫn lời tựa sách tác giả để thấy rõ quan niệm của ông khi làm sách: “Đã là người phải có tính tình, đã là một dân tộc phải có phong tục, nước nào cũng vậy, không những nước nhà. Đã có tính tình phong tục, ngạn ngữ phong dao bởi đó mà phát triển ra... Nếu không có sách lưu truyền khắp dân gian, rồi sợ mỗi ngày một sai, mỗi ngày một mất dần đi, còn gì là quốc túy. Tiếc thay! Gần đây đã có mấy người nghĩ đến điều đó, biên chép thành sách, tuy chưa công bố, nhưng kể trong danh giáo cũng là người có công. Chỉ hiềm vì hãy còn năm nắm ba mớ, chưa có thứ tự. Hoặc xuyên tạc mất cả nguyên văn, hoặc phụ hội thêm câu văn mới, hoặc đem những câu tục ngữ, sáo ngữ chen vào thực là láo nháo, cháo đổ với cơm, chưa có quyển nào hoàn bị. Bởi thế tôi phải mạo muội biên tập quyển này. Đem những câu ngạn ngữ để phần thứ nhất, những câu phong dao để phần thứ hai, từ câu ít chữ đến câu nhiều chữ, cứ chữ đầu theo mẫu tự chữ quốc ngữ mà đặt để dễ khảo cứu. Những câu ấy gieo vần thế nào, đã chua rõ vào đây, và có giải nghĩa rõ ràng. Tôi chưa dám chắc rằng không sai sót. Nhưng đãi cát tìm vàng, được bữa nào hay bữa ấy. Thôi thì miếng ngon ăn ít no nhiều. Vậy tôi xin khua chuông, gióng trống, ngâm ngợi những câu hay ấy mà nghe chung. May ra những ý tưởng của người xưa, có bổ ích cho phong hóa ngày nay được chút nào chăng”…
Với hàng chục công trình khảo cứu lịch sử, văn hóa, học giả Nguyễn Can Mộng đã dốc tâm cổ súy, những mong vực dậy “quốc hồn quốc túy”. Với công trình Ngạn ngữ phong dao do ông hiệu đính, chú thích và việc đưa văn học dân gian vào giảng dạy trong nhà trường không chỉ góp phần thiết thực khơi dậy “quốc hồn quốc túy” mà còn là sự khẳng định ông là người đi tiên phong trong tiến trình chấn hưng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc vào nửa đầu thế kỷ XX.
Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan nội chính “chắc - sắc - đắc”
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ