Thứ 7, 25/01/2025, 01:20[GMT+7]

Đông Lâm: Tự hào về những mốc son lịch sử

Thứ 6, 24/01/2025 | 08:13:06
391 lượt xem
Xã Đông Lâm (Tiền Hải) không chỉ là nơi khởi phát cuộc biểu tình lưu huyết của nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình 95 năm về trước mà còn là nơi vinh dự được đón Bác Hồ về thăm vào sáng ngày 26/3/1962. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Lâm luôn chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Đền thờ Bác Hồ tại xã Đông Lâm, Tiền Hải - Nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Dấu ấn tiếng trống năm 1930 

Kể về cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930, hầu hết người dân Đông Lâm đều biết, nhất là các bậc cao niên trong xã ai cũng rõ bởi đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là nền tảng tinh thần tạo bước phát triển mạnh mẽ cho các phong trào cách mạng của quê hương sau này tiến lên giành thắng lợi. 

Ông Vũ Thanh Tịnh, Bí thư Chi bộ thôn Nho Lâm Đông chia sẻ: Ngày đó, cao trào đấu tranh Xô Viết - Nghệ Tĩnh vang dội khắp cả nước nhưng bị thực dân Pháp khủng bố đẫm máu. Theo chỉ thị của Trung ương Đảng, để ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã triệu tập chi bộ và nhân dân của ba làng Nho Lâm - Thanh Giám - Đông Cao làm mũi xung kích mở đầu cuộc biểu tình. Sau khi nông dân 3 làng đã chuẩn bị sẵn sàng, đúng 5 giờ sáng ngày 14/10/1930, tiếng trống hiệu lệnh từ đình Nho Lâm vang lên, tiếng tù và, loa tay, tiếng trống ngũ liên vang khắp làng. Cùng với đó, tiếng trống ở đình Thanh Giám thúc liên hồi hòa quyện tiếng tù và, loa tay và tiếng pháo của làng Đông Cao đã giục giã lòng người lên đường đấu tranh. Hơn 700 nông dân vừa đi vừa giương cao cờ, băng biển, biểu ngữ, hô vang các khẩu hiệu như “Không được đụng đến công nông Nghệ Tĩnh, trả lại tiền đào sông Cốc Giang và phá tư điền gián thành công điền quân cấp...”. Tuy nhiên, đoàn biểu tình đã bị bắn, 7 người anh dũng ngã xuống và 13 người bị thương. Một trong những thanh niên yêu nước bị trúng đạn là anh Lương Văn Sảng trước khi trút hơi thở cuối cùng vẫn hô vang “Đảng Cộng sản Đông Dương vạn tuế”, “Đả đảo bọn tay sai bán nước!”. Hành động phi thường của anh đã trở thành bất tử và có sức truyền cảm mạnh mẽ tới đồng chí, đồng bào, củng cố ý chí đấu tranh cách mạng toàn dân. Hành động đó đã làm kẻ thù, hoảng loạn, kính phục khí tiết, lòng dũng cảm của chiến sĩ cộng sản và nhân dân 3 làng. 

Ông Trần Minh Khơi, Trưởng ban xây dựng văn hóa làng Nho Lâm chia sẻ thêm: Lịch sử đã ghi lại, trong quá trình biểu tình mặc dù những hành động bất nhân của kẻ thù đã diễn ra liên tiếp khiến nhiều người hy sinh, bị thương, tù đày, nhà cửa bị đốt, cướp phá nhưng không khuất phục được lòng yêu nước của nhân dân 3 làng nói riêng, huyện Tiền Hải nói chung. Những hành động điên cuồng của thực dân, phong kiến và bè lũ tay sai chỉ làm cho nhân dân ta thêm sục sôi căm thù, càng hun đúc ý chí đấu tranh quyết vùng lên giành lấy con đường sống, càng củng cố thêm niềm tin sắt đá cách mạng sẽ thành công. Xứ ủy Bắc Kỳ viết thư gửi các cấp bộ đảng đánh giá: “Cuộc biểu tình lưu huyết ở Tiền Hải có thể là bước đầu hết thảy công - nông, quần chúng đấu tranh kịch liệt ở Bắc Kỳ...”. Là người con của xã Đông Lâm, tôi rất tự hào về truyền thống của quê mình và chúng tôi quyết tâm giữ gìn truyền thống văn hóa, yêu nước lưu giữ tại “địa chỉ đỏ” này để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương. 

Nơi Bác Hồ về thăm 

Ông Phạm Đức Dục, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Lâm khẳng định: Cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một bản anh hùng ca bất diệt, đánh dấu mốc son trong trang sử vàng truyền thống của quê hương Tiền Hải nói chung, Thái Bình nói riêng. Trong suốt quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Đông Lâm đã có nhiều đóng góp vào phong trào đấu tranh cách mạng cùng với nhân dân cả nước giành lại độc lập, tự do của dân tộc. Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân địa phương đang phấn khởi thi đua đẩy mạnh phong trào hợp tác và đạt kết quả tốt, xã Đông Lâm bất ngờ có thêm một niềm vinh dự và hạnh phúc vô cùng to lớn đó là sáng ngày 26/3/1962, Đảng bộ và nhân dân xã Đông Lâm được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Sau này, cán bộ và nhân dân được biết Bác về thăm Đông Lâm vì nơi đây có phong trào cách mạng từ rất sớm, là quê hương của cuộc biểu tình chống áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến ngày 14/10/1930 và cũng là nơi có phong trào sản xuất khá của Thái Bình. Việc Bác Hồ về thăm được giữ bí mật đến phút cuối. Vài ngày trước đó, xã được thông báo chuẩn bị đón khách Trung ương, đường làng, ngõ xóm được dọn dẹp phong quang; một kỳ đài được dựng lên ở phía bắc đình làng Nho Lâm, nền được tôn cao bằng đất, dựng khung tre, lợp bạt che nắng, che mưa. Đồng chí Bí thư Huyện ủy Tiền Hải và đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Đông Lâm đón Bác từ phi cơ bước xuống, Bác nói ngay: "Hôm nay người nhà không bắt tay” và Bác quàng vai 2 đồng chí đi về phía kỳ đài, nơi có trên 500 cán bộ và nhân dân đang nóng lòng chờ Bác. Vừa thấy Bác từ xa, tiếng vỗ tay đã vang cả đất trời. Hình ảnh vị Cha già kính yêu của dân tộc đi về phía kỳ đài trong niềm vui mừng, phấn khởi, những tràng vỗ tay không ngớt đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Đông Lâm. 

Những hình ảnh Bác Hồ về thăm được treo ở đình Nho Lâm, xã Đông Lâm.

Ông Lương Văn Bang, thôn Nho Lâm Đông xúc động kể lại: Lúc đón Bác tôi 22 tuổi, đến nay đã 85 tuổi nhưng vẫn nhớ như in hình ảnh của Bác, nhất là những lời căn dặn của Bác. Bác mong “Đồng bào và cán bộ phải có quyết tâm làm cho Thái Bình trở thành một trong những tỉnh khá nhất” rồi Bác hỏi “Các cụ, các cô chú, các cháu có quyết tâm làm cho Thái Bình trở thành một trong những tỉnh khá không?”. Mọi người đều đồng thanh “Quyết tâm ạ”. Để tỏ lòng tôn kính và biết ơn vô hạn với Bác, tôi đã vận động nhân dân xây dựng bia tưởng niệm để ghi lại dấu chân Người và tự nguyện bỏ tiền thuê người quét dọn, chăm sóc khu vực bia tưởng niệm luôn sạch đẹp. 

Phấn khởi và tự hào, Đảng bộ xã Đông Lâm đã lãnh đạo nhân dân thi đua thực hiện lời dạy của Bác, quyết tâm giành thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2024, tổng giá trị sản xuất đạt gần 450 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 75,3 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,3%. Từ năm 2019 xã đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. 

Diện mạo xã Đông Lâm hôm nay. 

Thu Thủy - Tiến Đạt 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày