Thứ 5, 20/02/2025, 09:11[GMT+7]

Trọn tiết thờ chồng

Thứ 2, 17/02/2025 | 10:38:11
1,746 lượt xem
"Bắc Quang, ngày 20/7/1980. Tươi em thương yêu nhất của anh. Anh đang cùng đơn vị tập trung xây dựng doanh trại, sau dịp này anh sẽ báo cáo cấp trên xin nghỉ phép để về chúng mình xin phép gia đình làm lễ cưới. Anh đã làm đơn và hồ sơ của em và báo cáo với tổ chức đơn vị rồi, thời gian tổ chức trong tháng 10 dương lịch là anh về phép, em chuẩn bị tinh thần đón anh về nhé, em đã vì anh mà chờ đợi 6 năm có lẻ rồi em nhỉ... nhất định xuân này chúng mình sẽ được ở bên nhau một nhà” - tôi xin trích lại một phần lời yêu thương từ lá thư của liệt sĩ Trần Xuân Thoạn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Sư đoàn 314, Quân khu 2, lời ước hẹn của anh dành cho người yêu chị Giang Thị Tươi ở thôn Đoàn Kết, xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang). Ảnh minh họa.

Hơn 40 năm qua, bức thư hẹn ước ngày cưới của Trần Xuân Thoạn với người yêu được chị Giang Thị Tươi gìn giữ như báu vật của riêng mình. Dẫu có hẹn người yêu về chung mái ấm từ tháng 10 nhưng rồi mãi gần 2 tháng sau tới cuối năm 1980 tại thôn Đoàn Kết, xã Mỹ Lộc lễ thành hôn của chàng sĩ quan trẻ Trần Xuân Thoạn và chị Giang Thị Tươi mới được tổ chức trong sự mừng vui của gia đình, bà con xóm ngõ. Hạnh phúc của người lính thật giản đơn. Một tuần sau lễ cưới, tình cảm vợ chồng chưa êm chăn bén gối, Trần Xuân Thoạn tạm biệt người vợ trẻ trở về đơn vị đóng quân tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, mặt trận Vị Xuyên.

Hà Giang những năm 1980 - 1984 cuộc chiến vẫn khốc liệt. Nơi đây, quân xâm lược lấn chiếm nhiều đất đai của Tổ quốc, gây nhiều thương vong cho đồng chí, đồng bào. Trên mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thủy, quân xâm lược tập trung binh, hỏa lực lớn gồm 4 tập đoàn quân, 4 quân đoàn độc lập thuộc 8 đại quân khu lần lượt thay phiên tấn công lấn chiếm vùng biên. “Chúng vừa dùng máy bay, thám báo, biệt kích luồn sâu sang đất Việt Nam nắm tình hình, vừa kết hợp bắn đạn pháo cối, chế áp các điểm cao, trục đường giao thông và đưa lực lượng bộ binh tấn công lấn chiếm đất ta. Không kể ngày đêm, tập trung mật độ lớn với mức độ hủy diệt vào những khu vực trọng điểm như Đồi Đài, Cô Ích, các cao điểm 685, 1509, 1100, 772, Cót Ép, khu Bốn Hầm. Số lượng đạn, pháo cối quân xâm lược sử dụng trung bình từ 1 - 2 vạn quả mỗi ngày. Ngày 26/8/1986, Tiểu đoàn 8 của Trần Xuân Thoạn trực tiếp đối mặt với quân thù và trong trận chiến sinh tử Trần Xuân Thoạn đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy đơn vị, chiến đấu ngoan cường tiêu diệt nhiều quân địch xâm lược biên giới Tổ quốc và anh dũng hy sinh trong sự tiếc thương của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 8, Sư đoàn 314.

Hơn 40 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau của chị Giang Thị Tươi còn đó, nỗi đau do quân bành trướng xâm lược với Vị Xuyên vẫn còn đó. Trần Xuân Thoạn - người chồng yêu thương của chị Giang Thị Tươi đã cùng với gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hóa thân vào đá núi, cỏ cây, trở thành bất tử; nhưng mới chỉ có hơn 1.700 hài cốt được tìm thấy, còn lại hơn 3.000 hài cốt vẫn nằm rải rác đâu đó trong các hốc đá, gốc cây, bên các sườn núi cheo leo cho đến nay vẫn chưa thể nào tìm và đưa về an nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ.

Dẫu vậy, Trần Xuân Thoạn và cả những người lính đã từng chiến đấu tại đây - mặt trận Vị Xuyên, kể cả những người may mắn sống sót trở về cũng như vong hồn của những người đã hòa mình vào lòng đất Vị Xuyên có quyền tự hào bởi họ là những người “đi trước, về sau” để viết lên khúc tráng ca Vị Xuyên bất tử trong cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Thắp nén tâm nhang trước di ảnh liệt sĩ Trần Xuân Thoạn, tôi lặng nghe tâm sự của chị Giang Thị Tươi - người phụ nữ hiền hậu, chất phác suốt 40 năm chỉ có 12 ngày được làm vợ, trọn đời làm dâu và trọn tiết thờ chồng. Chị Tươi kể về người chồng yêu thương trong rưng rưng nước mắt.

Tháng 2/1975, anh Trần Xuân Thoạn tòng quân, tham gia giải phóng Sài Gòn và tiếp đó tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Năm 1979, đơn vị của Trần Xuân Thoạn hành quân ra phía Bắc trong đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn 8, Sư đoàn 314, Quân khu 2. Bức thư anh Thoạn gửi cho chị Giang Thị Tươi ngày 20/7/1980 mà chị cất giữ 40 năm qua với hẹn ước, bao yêu thương chất chứa chị Tươi đã giữ gìn trong thấm đẫm nước mắt... Anh Thoạn của chị, chồng của chị đã nằm lại nơi rừng núi biên cương và mãi không trở về với chị, không trở về với quê hương Mỹ Lộc của chị nữa. Tại quê nhà, nhận tin anh Thoạn hy sinh, chị Tươi bàng hoàng và suy sụp tinh thần, nhiều ngày tháng sau đó thể trạng sa sút, tinh thần trầm cảm, phải vào viện tâm thần điều trị mấy tháng trời mà không dứt bệnh. Đám cưới của hai người được ít ngày thì anh Thoạn ra mặt trận nên thời gian anh dành cho chị Tươi ngắn ngủi, chị Tươi chưa kịp được làm mẹ thì đau thương chồng chất đau thương.

Thắp thêm một tuần nhang trước di ảnh của chồng, chị Giang Thị Tươi nói trong nước mắt rưng rưng: “Đất nước có chiến tranh thì nhất định có hy sinh mất mát và mất mát hy sinh vào phận mình, mình gánh chịu”. Hơn 40 năm qua, chị Giang Thị Tươi ở vậy một mình, trọn tiết thờ chồng, trong căn nhà tình nghĩa ở thôn Đoàn Kết, xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, phía trên ban thờ là bức di ảnh liệt sĩ Trần Xuân Thoạn, ngày ngày vẫn ấm khói hương chị Tươi dành cho chồng.

Nguyễn Công Liêm

(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày