Thứ 2, 24/02/2025, 12:03[GMT+7]

Những nghệ sĩ chèo tài danh của Việt Nam sinh ra từ đất Thái Bình

Thứ 2, 24/02/2025 | 08:31:04
838 lượt xem
Xưa và nay, Thái Bình từng vẫn được tôn vinh là đất chèo. Từ nửa sau thế kỷ XX trở lại đây, miền quê này không chỉ xuất hiện những nghệ sĩ chèo tài hoa nổi danh ở đất chèo, có đấng bậc trong làng chèo Việt Nam như Cao Kim Trạch, Phạm Văn Điền, Đăng Tỉnh, Minh Nhương, Mạnh Tường, Văn Mởn, Thúy Hiền, Thu Hiền... mà còn hàng chục nghệ sĩ, nghệ nhân chèo thành danh ở hầu hết các đơn vị nghệ thuật chèo trong cả nước.

Nghệ nhân làng chèo Khuốc biểu diễn những làn điệu đặc sắc của quê hương. Ảnh: Anh Tú

Hiện chưa thống kê được số liệu chính xác có bao nhiêu nghệ sĩ chèo sinh ra từ Thái Bình đã hoặc đang hoạt động chèo ở ngoài tỉnh được Nhà nước phong tặng các danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) hoặc Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân. Xin điểm qua thân thế sự nghiệp của 5 NSND người Thái Bình trong số các nghệ sĩ chèo tài danh của cả nước:

NSND Nguyễn Mầm, nghệ danh Lý Mầm (1897 - 1973), người làng An Lão, nay thuộc thôn Kiều Thần, xã Song An, huyện Vũ Thư. Khi mới 16 tuổi, Nguyễn Mầm đã bước vào chiếu chèo với vai hề theo hầu Lưu Bình và đã thành công ngay ở lần đầu tiên “làm trò”. Từ đó, ông chính thức gia nhập các phường chèo, gánh chèo, đoàn chèo với nghệ danh Lý Mầm. Ông vừa chăm chỉ học những ngón trò hay từ các bậc đàn anh, vừa có biệt tài ứng diễn, nhờ vậy đã sớm trở thành một nghệ sĩ tài năng. Do có Lý Mầm sắm các vai diễn mà gánh chèo Sáo Đền ở Thái Bình đã trở nên đắt khách, vang danh một thời ở tứ xứ vào những năm trước 1945. Nguyễn Mầm là nghệ sĩ không bao giờ cẩu thả, tùy tiện trong vai diễn, nhân vật nào cũng được ông trau chuốt kỹ, từ hóa trang cho tới biểu diễn.

Sau năm 1954, Nguyễn Mầm được mời về Đoàn chèo Trung ương, nay là Nhà hát chèo Trung ương. Ngoài biểu diễn, ông còn dốc tâm truyền nghề, góp phần đào tạo được nhiều thế hệ diễn viên, nhạc công trở thành những nghệ sĩ chèo gạo cội trong giới chèo ở thế kỷ XX. Từ năm 1959 đến khi nghỉ hưu vào năm 1967, Nguyễn Mầm tham gia Ban nghiên cứu chèo Trung ương, tiếp tục cống hiến vào quá trình khai thác và phục hồi vốn cổ, vừa ghi chép lại các lớp trò mang tính kinh điển, vừa biểu diễn minh họa những vai mẫu, hết lòng truyền nghề cho các lớp diễn viên.

NSND Tống Văn Ngũ, nghệ danh Năm Ngũ hoặc Kép Năm (1900 - 1983), người làng Kỳ Bá, nay thuộc phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình. Năm 12 tuổi, Tống Văn Ngũ bắt đầu bước ra chiếu chèo với vai hề gậy và từ đó đã sớm thành danh với nghề chèo. Có những năm tháng ông diễn cả tuồng và cải lương, nhưng nghệ thuật chèo vẫn là sở trường. Ông nổi bật trong các vai hề: hề gậy, hề mồi, phù thủy, thầy bói, thầy cúng, xã dốt,... Năm 18 tuổi, Kép Năm Thái Bình đã nổi tiếng trên sân khấu chèo Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Năm 1952, Năm Ngũ là một trong hai nghệ sĩ chèo đã có mặt ngay từ đầu ở đoàn văn công Trung ương thành lập tại Việt Bắc. Năm 1954, làm Trưởng đoàn chèo Trung ương. Vừa biểu diễn ông vừa nhiệt tâm truyền nghề cho các thế hệ sau. Trong mấy mươi năm, thầy Năm Ngũ có mặt trong hầu hết các khóa đào tạo diễn viên chèo của Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam cùng các đoàn chèo chuyên nghiệp và cả các đội chèo không chuyên với ham muốn truyền lại hết những tinh hoa của nghề chèo. Trải hơn 70 năm tuổi nghề, nghệ sĩ Năm Ngũ đã cống hiến cả cuộc đời cho sự phát triển của nghệ thuật chèo Việt Nam.

NSND Thanh Hoài (1950), có tên khai sinh là Ngô Thị Thanh Hoài, sinh ra từ một gia đình nông dân nghèo ở vùng chèo Hà Xá, nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà. Năm 1965, Thanh Hoài vào học Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Từ năm 1969, là diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, trên các tuyến lửa đường 9 Nam Lào, đường mòn Hồ Chí Minh... từng vang lên giọng hát chèo mượt mà, trong trẻo của Thanh Hoài động viên bộ đội, thanh niên xung phong. Chị đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước với các vai Xúy Vân trong vở Kim Nhan, Thiện Nam trong vở Quan âm Thị Kính, chị Ba trong vở Lọ nước thần... Thanh Hoài đã từng được cử đi biểu diễn chèo tại các nước Pháp, Mỹ, Anh, Hà Lan, Thụy Điển, Đức, Áo, Bỉ, Nhật... Với giọng hát trời cho, nhiều hoài cảm với những cung bậc bổng trầm điêu luyện, đã khiến tên tuổi nghệ sĩ Thanh Hoài luôn đứng ở vị trí “quán quân” của làng chèo Việt Nam suốt mấy chục năm qua. Không chỉ với nghệ thuật chèo mà Thanh Hoài còn được công chúng trong và ngoài nước biết đến với tài hoa đặc biệt ở các bộ môn nghệ thuật truyền thống như hát xẩm, hát văn, ca trù, ngâm Kiều... Ở tuổi ngoài 70, nhưng NSND Thanh Hoài vẫn luôn bận rộn với những sô diễn trong và ngoài nước và đã có bộ sưu tập huy chương vàng, bạc khá đồ sộ trong các kỳ hội thi, hội diễn chèo toàn quốc từ năm 1981 đến năm 2002 và các giải vàng liên hoan nghệ thuật quốc tế.

NSND Quốc Chiêm, họ tên khai sinh là Trần Quốc Chiêm (1958), quê quán xã Hòa An, huyện Thái Thụy. Năm 1979, tốt nghiệp Trường Trung cấp Nghệ thuật sân khấu Việt Nam và được về đầu quân cho Nhà hát Chèo Hà Nội. Sự nghiệp chèo của Quốc Chiêm khẳng định từ vai diễn “Lâm xà-lan” trong vở “Người con gái trở về” của tác giả Lưu Quang Vũ rồi thực sự được công chúng yêu chèo lưu danh và đạt đến đỉnh cao từ năm 1983, với vai hoàng tử Pơ-liêm trong vở “Nàng Si Ta”. Quốc Chiêm thường nổi tiếng khi hóa thân trong các vai vua chúa, hoàng tử và từng được mệnh danh “Hoàng tử của ba nước Đông Dương”, bởi ông đã thành công trong các vai diễn Hoàng tử Pơ Liêm (vở Nàng Si Ta), Hoàng tử Pônu- vông (vở Mối tình Đuông-Nali), Hoàng tử (vở Tấm Cám). Đồng thời ông cũng từng ghi sâu ấn tượng trong công chúng với các vai vua Lý Thánh Tông (vở Lý Thường Kiệt), vua Lý Công Uẩn (vở kịch Lý Công Uẩn) và một số vai diễn khác trong các vở “Người con gái trở về”, “Biển khổ”, “Ngọc Hân công chúa”... Cuối năm 2012, Nhà hát Chèo Hà Nội diễn lại 6 vở kinh điển trong đó có Nàng Sita với diễn xuất của Quốc Chiêm, Lâm Bằng, vở diễn này đã thu hút số lượng khán giả đông đảo và luôn trong tình trạng “cháy vé”. Từ năm 2002, ông tốt nghiệp Khoa Đạo diễn và làm giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Sân Khấu - Điện ảnh Hà Nội. Trong những năm 1990 - 1998, Quốc Chiêm là Phó Trưởng Đoàn Chèo Hà Nội và Trưởng Đoàn Chèo Hà Nội, sau là Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội vào những năm 1998 - 2006. Được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, sau là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội từ năm 2006 đến khi nghỉ hưu và giữ chức vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội nhiệm kỳ 12 và 13.

NSND Thanh Ngoan, tên khai sinh là Nguyễn Thị Bích Ngoan, sinh năm 1966 tại xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy. Từ thuở ấu thơ, Thanh Ngoan đã đam mê tập hát chèo và khi chưa đầy 10 tuổi đã biểu diễn khá chững chạc trên sân khấu khi đội chèo của xã tổ chức biểu diễn ở xã hoặc các vùng lân cận. Thành công bước đầu của Thanh Ngoan được ghi nhận bằng danh hiệu giải xuất sắc tại Hội diễn Văn nghệ tỉnh Thái Bình vào năm 1979 khi mới 13 tuổi. Và ngay trong năm đó, Thanh Ngoan đã trúng tuyển vào Nhà hát Chèo Việt Nam và trở thành một diễn viên chèo sáng giá từ năm 1983 tại nhà hát này. Khi nhắc đến Thanh Ngoan, giới hâm mộ nghệ thuật chèo thường nhớ tới một cô đào lệch nổi tiếng với chất giọng đầy nội lực và kỹ thuật biểu diễn đỉnh cao, nhưng thực tế cô đào nổi tiếng làng chèo này từng thành công cả vai đào lệch và đào thương, đồng thời cũng là một gương mặt diễn hài nổi tiếng với những tiểu phẩm hài như “Chồng rượu vợ đề”, “Vợ chồng quán”, “Bói ông bói bà”... Thanh Ngoan cũng được giới nghệ thuật biểu diễn ghi nhận là người đầu tiên đưa ca trù vào chèo với vai chủ quán Hồng Châu trong vở “Hồ Xuân Hương”. Từ cuối năm 2012, Thanh Ngoan trở thành Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. Ngoài sự thành công về nghệ thuật chèo, hát văn và ca trù, Thanh Ngoan còn là gương mặt nổi tiếng trong và ngoài nước về hát xẩm. Chị đã từng khiến nhiều lượt kiều bào tại các nước châu Âu, châu Mỹ rung động con tim, rộn lên nối nhớ quê hương, đất nước với các bài xẩm mẫu như “Sướng khổ vì chồng”, “Xẩm Thập ân”... Ngoài hàng chục huy chương vàng, bạc cùng nhiều giải thưởng cao quý, NSND Thanh Ngoan đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Nghệ thuật học vào năm 2021.

Thạc sĩ: Nguyễn Tô Lịch  
(Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày