Thứ 3, 29/04/2025, 22:07[GMT+7]

Âm vang thời hoa lửa

Thứ 3, 29/04/2025 | 16:10:08
359 lượt xem
Với phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”,chiến thắng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh mãi mãi đi vào lịch sử,trở thành mốc son chói lọi, hào hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.50 năm đã trôi qua, những người lính Cụ Hồ ở huyện Hưng Hà từng tham gia chiến dịch vẫn nhớ như in một thời hoa lửa ấy.

Nhiều năm nay, ngôi nhà của cựu chiến binh (CCB) Lê Hữu Đệ, thị trấn Hưng Hà đã trở thành địa điểm quen thuộc để những người lính năm xưa cùng tụ họp, ôn lại những ngày tháng chiến đấu hào hùng, gian khổ. Hôm nay, trong không khí ấy, chúng tôi được gặp gỡ CCB Lê Hữu Đệ để được nghe lại những chiến công hào hùng của ông cùng đồng đội trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhập ngũ khi vừa học xong cấp 3, dù đã có giấy gọi đi học đại học, thanh niên Lê Hữu Đệ khi ấy chưa tròn 18 tuổi, chỉ nặng có 37kg vẫn quyết tâm lên đường nhập ngũ. Ông tham gia Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 38, Sư đoàn 7, miền Đông Nam Bộ. Chặng đường hành quân từ Bắc vào Nam vô vàn gian nan, vất vả, đó là thời kỳ “mưa dầm, cơm vắt” mà ông không thể nào quên. Đến nay, CCB Lê Hữu Đệ vẫn nhớ như in những trận đánh đầy oanh liệt trong quá trình chiến đấu. Ông kể lại: Khi nhập ngũ được một thời gian ngắn, đơn vị được lệnh chiến đấu tại chiến trường miền Đông. Trong quá trình hành quân rất vất vả, leo núi, ba lô nặng 25kg gồm gạo, lương thực thực phẩm được trang bị bên người. Chúng tôi hành quân từ sáng đến tối không nghỉ ngơi. Trên đường đi bom, pháo dội xuống ác liệt, thậm chí còn bị sốt rét nhưng lúc đó chúng tôi không thấy mệt mỏi. Khi đặt chân đến đơn vị, chúng tôi ai cũng hăng hái xung phong tham gia chiến đấu ngay. Tôi được tham gia chiến đấu ở những ngày đầu của chiến dịch Hồ Chí Minh tại Đồng Xoài, tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước). Khi họp đơn vị, các đồng chí lãnh đạo có nói trận đánh Phước Long là trận đánh mở màn chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh nên chúng tôi đánh theo hình thức tập kích vào các chốt của địch, đánh đến 4 giờ thì rời khỏi vị trí, trong trận chiến này tôi đã bị thương. 

Cựu chiến binh Lê Hữu Đệ (người thứ hai từ phải sang), thị trấn Hưng Hà giới thiệu những kỷ vật thời chiến cho thế hệ trẻ.

CCB Lê Hữu Đệ cùng đồng đội đã tạo bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trận mở màn tại Đồng Xoài được coi là trận trinh sát chiến lược cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giữ vững bàn đạp cho các binh đoàn chủ lực của ta tiến về giải phóng hoàn toàn miền Nam. CCB Lê Hữu Đệ cho biết thêm: Những trận chiến đấu rất ác liệt, các đồng đội hy sinh nằm ngay bên cạnh, đau xót lắm nhưng nhiệm vụ vẫn phải chiến đấu, không thể lùi bước. Lúc đó chúng tôi chứng kiến có những đại đội gồm 20 người tham gia chiến đấu thì có đến hơn 10 người hy sinh. Nhưng anh em trong đơn vị đều mang một quan điểm: Đã chiến đấu thì hy sinh là không thể tránh khỏi, chúng tôi xác định rồi, hy sinh thì mới bảo vệ được Tổ quốc, bảo vệ được nhân dân. Với tâm thế đó, chúng tôi dồn tất cả cho trận đánh lớn quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Cựu chiến binh Hà Văn Vị, xã Kim Trung nhớ lại thời khắc chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Còn đối với CCB Hà Văn Vị, xã Kim Trung, nguyên chiến sĩ xưởng sửa chữa quân khí Z4, Đoàn 770, Cục Quân khí miền Đông Nam Bộ, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông lại bồi hồi xúc động mang những kỷ vật của đời lính ra ngắm, chia sẻ kỷ niệm với những người bạn chiến đấu và rưng rưng thương nhớ những đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh. Ký ức về chiến dịch Hồ Chí Minh cứ ùa về làm ông càng thêm xúc động. CCB Hà Văn Vị nhớ lại: Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi được phân công nhiệm vụ cấp phát vũ khí, trang bị đến tay các chiến sĩ tham gia chiến đấu. Lúc đấy chúng tôi thấy bỡ ngỡ lắm, vũ khí của Liên Xô và Trung Quốc nhập vào rất nhiều mà cách sử dụng chưa thông thạo. Nhưng rất may, chúng tôi vừa được tập huấn xong thì vào chiến dịch. Sau tập kết hàng tấn vũ khí, chúng tôi phải phân loại để phân phát cho các đơn vị. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, máy bay địch phát hiện và chúng đánh tọa độ vào nơi tập kết vũ khí. Trung đội tôi có 32 đồng chí thì 8 đồng chí hy sinh, trong đó quê huyện Hưng Hà hy sinh 3 đồng chí. Lúc đó chúng tôi phải nhanh chóng rút quân và tiêu hủy vũ khí không để rơi vào tay địch. Đấy là những kỷ niệm mà tôi nhớ mãi. 

Dù không trực tiếp chiến đấu, nhưng khi nghe tin trưa ngày 30/4/1975 lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, CCB Hà Văn Vị và đồng đội đã vỡ òa trong hạnh phúc. “Anh em cứ ôm lấy nhau nhảy múa, người tung mũ, người giương cao súng, nước mắt lăn dài hạnh phúc hát vang bài: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” - CCB Hà Văn Vị chia sẻ. 

50 năm đã trôi qua, những người lính Cụ Hồ năm xưa trở về với đời thường vẫn nhớ và kể cho con cháu mình nghe quá khứ hào hùng của thế hệ ông cha; chưa giây phút nào quên những đồng đội đã ngã xuống ngay trước giờ đất nước toàn thắng. Và họ luôn sống trong những ký ức đẹp một thời tuổi trẻ đánh giặc cứu nước để hôm nay tiếp tục giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, thi đua xây dựng, quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp như mong ước của Người. Với các CCB, niềm vui lớn nhất hôm nay là được thấy đất nước phát triển, lớp trẻ hăng say dựng xây quê hương, trân quý những giá trị của độc lập, tự do mà thế hệ đi trước đã đánh đổi bằng xương máu của mình cho Tổ quốc.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày