Thứ 7, 10/05/2025, 00:03[GMT+7]

Hưng Hà: Địa danh cũ - hành chính mới

Thứ 5, 08/05/2025 | 08:15:14
3,738 lượt xem
Hưng Hà không chỉ là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi phát tích của vương triều Trần mà còn là nơi trung chuyển, hội tụ của những dòng chảy văn hóa, lịch sử giữa Thái Bình với Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định. Trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện chú trọng gìn giữ và phát huy giá trị của các tên gọi truyền thống gắn với địa danh xưa.

Hưng Hà sau sắp xếp còn 8 đơn vị hành chính.

Tên gọi mới - hồn cốt cũ 

Xã Tiên La là đơn vị hành chính (ĐVHC) mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 xã: Thái Phương, Tân Tiến, Đoan Hùng, Phúc Khánh. Việc sáp nhập được thực hiện theo chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính của Đảng và Nhà nước nhưng quá trình lựa chọn tên gọi cho xã mới thể hiện sự trân trọng đối với giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống. Tên gọi Tiên La không xa lạ với người dân trong vùng, bởi đây là tên một địa danh cổ, nơi Hai Bà Trưng phong đất cho Bát Nạn Đại tướng quân Vũ Thị Thục và cũng là nơi tọa lạc của đền Tiên La, một trong những di tích quốc gia đặc biệt, gắn với tín ngưỡng và niềm tự hào của nhiều thế hệ. Bà Nguyễn Thị Doan, xã Đoan Hùng cho biết: Khi nghe tin xã mình sáp nhập với các xã khác, ban đầu tôi có phần tiếc nuối tên làng xưa. Nhưng khi biết xã mới mang tên Tiên La, cái tên quá đẹp, quá thiêng, tôi hoàn toàn đồng tình. Tên này không chỉ bao quát được cả vùng mà còn nhắc chúng tôi nhớ về công ơn của bà Vũ Thị Thục, về truyền thống đấu tranh và lòng trung nghĩa. 

“Thần Khê” là tên một địa danh cổ, từng là tên của một huyện thuộc phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên. Đến năm 1890, theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, huyện Thần Khê được sáp nhập vào tỉnh Thái Bình, cùng với phủ Kiến Xương từ tỉnh Nam Định, để thành lập tỉnh Thái Bình. Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, phần lớn địa bàn của huyện Thần Khê trước đây hiện nay thuộc 2 huyện Hưng Hà và Đông Hưng. Khu vực này nổi tiếng với truyền thống hiếu học, từng có nhiều vị đỗ đại khoa được ghi danh trên văn bia đề danh Tiến sĩ, được mệnh danh là “Đất học Thần Khê, châu phê thần đồng”.Trong quá trình sắp xếp ĐVHC mới, xã Thần Khê hiện nay được hình thành từ việc sáp nhập 4 xã: Bắc Sơn, Đông Đô, Tây Đô và Chi Lăng. Việc lựa chọn tên Thần Khê cho xã mới không chỉ là sự hồi sinh một địa danh cổ có giá trị lịch sử mà còn là cách thể hiện sự kế thừa truyền thống, tôn vinh vùng đất hiếu học - nơi từng góp phần làm rạng danh khoa bảng đất Việt. Ông Vũ Xuân Quân, Chủ tịch UBND xã Đông Đô cho biết: Khi lựa chọn tên Thần Khê cho xã mới, chúng tôi mong muốn người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, sẽ hiểu và tự hào hơn về cội nguồn của mình. Đây không chỉ là tên một địa danh, mà còn là một biểu tượng văn hóa, giáo dục cần được gìn giữ. Việc phục hồi tên gọi Thần Khê không chỉ là hành động gìn giữ di sản ngôn danh, mà còn là cách người dân hôm nay tiếp nối niềm tự hào quê hương, hướng tới tương lai từ nền tảng lịch sử. 

Hướng tới tương lai tươi sáng 

Trong quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Hưng Hà đã tiến hành tinh gọn bộ máy hành chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, từ 33 ĐVHC cấp xã, Hưng Hà đã tiến hành sáp nhập và điều chỉnh để hình thành 8 ĐVHC mới, bao gồm các xã: Hưng Hà, Tiên La, Hồng Minh, Lê Quý Đôn, Long Hưng, Diên Hà, Thần Khê, Ngự Thiên. Thực hiện lấy ý kiến nhân dân về sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Hưng Hà đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; chủ động theo dõi biến động cử tri để tổng hợp danh sách bảo đảm đầy đủ, chính xác; các tổ công tác lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn huyện đã phát huy vai trò, trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Toàn huyện đã có 81.717 cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý với việc sắp xếp ĐVHC cấp xã đạt tỷ lệ 97,4%. Việc sắp xếp này không chỉ giúp giảm bớt bộ máy hành chính, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, điều hành công việc ở cấp xã. Tuy nhiên, trong suốt quá trình này, huyện Hưng Hà cũng đặc biệt chú trọng đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của từng địa phương. Các tên gọi mới được lựa chọn không chỉ phản ánh sự thay đổi về mặt hành chính mà còn mang đậm ý nghĩa lịch sử và văn hóa, là những địa danh có bề dày lịch sử, phản ánh sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại. 

Ông Nguyễn Tiến Hoạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Hà cho biết: Mỗi tên gọi của các xã mới không chỉ là một ĐVHC đơn thuần mà còn là những mạch nguồn lịch sử, một phần không thể tách rời của di sản văn hóa, là niềm tự hào của nhân dân nơi đây. Chúng tôi tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, cuộc thi tìm hiểu về tên xã, các buổi giao lưu với người cao tuổi để kể lại những câu chuyện lịch sử đặc sắc, giúp học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa địa phương. Những tên gọi mới sẽ trở thành bài học sinh động về sự kết nối giữa các thế hệ và là động lực thúc đẩy các em hiểu và tự hào về mảnh đất mình đang sống. 

Thị trấn Hưng Hà. 

Hưng Hà hôm nay đang bước vào một thời kỳ phát triển mạnh mẽ, với niềm tin và khát vọng vươn tới tương lai. Với quyết tâm và tinh thần đoàn kết, mỗi người dân Hưng Hà đang góp phần xây dựng một tương lai sáng lạn cho quê hương mình. Ông Trần Hữu Nam, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà cho biết: Hưng Hà hôm nay đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển. Mỗi tên gọi mới không chỉ là dấu hiệu của sự đổi mới mà còn là niềm tự hào, là khát vọng vươn lên mạnh mẽ của người dân nơi đây. Việc lựa chọn tên gọi xã sau sáp nhập được thực hiện cẩn trọng, khoa học. Huyện cũng tăng cường tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, lựa chọn giải pháp đặt tên dung hòa, phù hợp với quy định để bảo đảm tính thống nhất, giữ gìn được giá trị văn hóa, lịch sử, thể hiện được bản sắc riêng của từng địa phương. Khi lòng dân đã thuận, ý Đảng đã thông cùng với tinh thần “đoàn kết, đồng lòng, sáng tạo”, Hưng Hà chắc chắn sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, xây dựng một tương lai tươi sáng, một cộng đồng phát triển bền vững. Từng bước, từng ngày, từ những tên gọi gắn liền với lịch sử, Hưng Hà sẽ tỏa sáng như một ngọn hải đăng, dẫn đường cho những bước đi vững chãi vào tương lai. 

Giữa những đổi thay, Hưng Hà vẫn giữ được mạch nguồn văn hóa bền bỉ chảy xuyên qua từng tên đất, tên làng, từng câu chuyện lịch sử thiêng liêng được khơi dậy từ những địa danh xưa. Việc sắp xếp lại các ĐVHC không làm mất đi ký ức, mà ngược lại, đang góp phần làm sống dậy những giá trị gốc rễ, tạo nên thế đứng vững chãi cho sự phát triển bền vững hôm nay và mai sau. Mỗi xã mới, mỗi tên gọi được phục dựng, không chỉ là bước chuyển mình trong quản lý hành chính, mà còn là lời nhắc nhở về cội nguồn, là sự tri ân quá khứ và là niềm tin vững vàng cho hành trình tương lai. 

Hưng Hà ngày càng đổi mới.

Thanh Thủy 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày