Thứ 6, 26/07/2024, 04:17[GMT+7]

Cựu chiến binh Hà Duy Tầm Thành công từ mô hình “hòe – đinh lăng”

Thứ 6, 15/11/2013 | 08:30:22
11,863 lượt xem
Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình “hòe – đinh lăng” của cựu chiến binh (CCB) Hà Duy Tầm ở thôn Cổ Đẳng, xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều gia đình khác trong và ngoài tỉnh. Bí quyết thành công của người lính năm xưa chính là sự kiên trì, không ngừng học hỏi và quyết tâm vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bác Hà Duy Tầm kiểm tra sự phát triển của đinh lăng trong gia trại.

Gia trại của bác Tầm rộng gần 1 ha nằm trên khu đất chuyển đổi của thôn Cổ Đẳng. Gia đình bác Tầm chuyển ra đây năm 2011 ngay sau khi xã có chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp để xây dựng mô hình VAC. Hiện nay, ngoài diện tích đất dùng để chăn nuôi, bao trùm cả gia trại là màu xanh của hòe và đinh lăng.

Mặc dù mô hình “hòe – đinh lăng” mới được xây dựng từ năm 2012 song đã cho hiệu quả kinh tế cao. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, điểm mấu chốt của mô hình này chính là giống hòe cao sản do bác Tầm lai tạo. Chia sẻ về quá trình lai tạo giống, bác Tầm cho biết: “Năm 1990 tôi xuất ngũ trở về quê hương. Quãng thời gian trong quân ngũ không nhiều song đã tôi luyện cho tôi sự kiên trì và ý chí vững vàng. Chính điều này đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình lai tạo giống.

Năm 1991, trong một lần lên Hà Nội tôi có mua về 6 cây hòe của Trung tâm Giống cây trồng Từ Liêm. Lứa đầu, chúng cho hoa rất bình thường. Sau đó tôi nảy ra ý định cho lai với giống hòe của địa phương. Qua nhiều lần lai tạo, khoảng hơn 1 năm sau tôi có được giống hòe cao sản như bây giờ. Mỗi năm cây hòe cao sản ra hoa 3 đợt, mỗi bông cho gần 0,3 kg hoa tươi. Từ đó tôi bắt đầu nhân rộng giống hòe này”.

Tuy nhiên, diện tích đất của gia đình khi đó quá hẹp nên cây hòe chủ yếu được trồng để phục vụ nhân giống chứ không trồng để lấy sản phẩm. Trong suốt quãng thời gian gần 20 năm, bác Tầm vừa làm mộc vừa tiếp tục nghiên cứu cây hòe về điều kiện sống, cách phòng trừ sâu bệnh cho cây… để hoàn thiện giống hòe cao sản.

Sau khi chuyển ra khu vực chuyển đổi, với quỹ đất rộng, cùng với việc tiếp tục nhân giống, gia đình bắt tay vào trồng hòe thương phẩm. Trong lúc trồng hòe, nhận thấy diện tích đất dưới gốc hòe để không sẽ rất lãng phí nên bác Tầm nảy ra ý định trồng một loại cây vừa cho hiệu quả kinh tế, lại vừa thích hợp với điều kiện sống để tận dụng triệt để quỹ đất. Nhận thấy cây đinh lăng là loại cây ưa bóng râm, rất thích hợp để trồng dưới gốc hòe, mặt khác đây còn là một loại dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao nên gia đình quyết tâm trồng thử nghiệm.

Từ đó mô hình “hòe - đinh lăng” hình thành. Trong quá trình sinh trưởng, 2 loại cây này phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao. Được biết, 1 sào (360 m2) trồng 56 cây hòe cao sản, khoảng 700 gốc đinh lăng, năm đầu cho thu nhập gần 59 triệu đồng; những năm tiếp theo, hòe cao sản khả năng cho năng suất gấp 3 - 4 lần năm đầu tiên, như vậy thu nhập sẽ tiếp tục tăng lên.

Với 4 sào đất áp dụng mô hình “hòe – đinh lăng”, năm đầu tiên, gia đình bác Tầm thu về hơn 200 triệu đồng, cùng với hơn 100 triệu đồng tiền thu về từ cây giống, có thể nói, mô hình bước đầu đã giúp gia đình vượt khó và trở nên khá giả hơn. Bên cạnh đó, công việc chăn nuôi cũng giúp gia đình thu về hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Thành công bước đầu từ mô hình “hòe – đinh lăng” của bác Tầm đã thu hút rất nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến thăm gia trại và học hỏi kinh nghiệm. Bản thân bác Tầm cũng đã được nhiều địa phương mời đến nói chuyện và tư vấn. Chỉ trong năm nay, bác đã tới 41 xã trong tỉnh nói chuyện với hàng nghìn người về mô hình “hòe – đinh lăng”.

Không chỉ nhiệt tình trao đổi kinh nghiệm cho bà con, bác Tầm còn nhận cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm. Hầu hết sản phẩm của gia đình là do Nhà máy dược liệu Nha Trang thu mua. Từ mô hình “hòe – đinh lăng” của gia đình bác Tầm đã xuất hiện nhiều mô hình lớn như mô hình của ông Nguyễn Duy Hoằng ở xã Xuân Tân, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định với 16 ha đất bãi bồi sông Hồng chỉ trồng hòe và đinh lăng với toàn bộ cây giống đều do trang trại của gia đình bác Tầm cung cấp.

Dù đã thành công với giống hòe cao sản song hiện nay bác Tầm vẫn đang tiếp tục nghiên cứu một số giống hòe cho năng suất cao hơn. Các giống đinh lăng Trung Quốc, đinh lăng Ôx-trây-li-a cũng được bác đem về nghiên cứu. Có lẽ niềm đam mê tìm tòi luôn cháy bỏng trong lòng người lính cựu. Chúc bác sẽ tiếp tục thành công và cho ra đời nhiều giống cây tốt hơn nữa.

Anh Đào

  • Từ khóa

Đinh văn minh - 5 năm trước

Cho tôi xin số điện thoại của bác tầm.xin cảm ơn

Tải thêm