Nghề “tô màu” cuộc sống
Cuối năm là thời điểm bận rộn nhất của những người thợ sơn.
Trong cái rét cắt da, cắt thịt của mùa đông, những tốp thợ sơn vẫn cheo leo trên những bức tường, miệt mài “tô, vẽ”. Tranh thủ phút giải lao, Ðặng Ðình Ðức quê ở thôn Ðông Hạ, xã Vũ Phúc (Thành phố Thái Bình), tuy mới 28 tuổi, nhưng đã có thâm niên gần chục năm trong nghề sơn cho biết: “Công việc của bọn mình trải đều trong cả năm, chủ yếu là sơn cho những công trình xây mới nhưng cuối năm là thời điểm bận rộn nhất, lượng khách hàng gọi chủ yếu là để tân trang, sơn sửa lại nhà chuẩn bị đón Tết”. Vì thế, tháng cận Tết là thời điểm “ăn nên làm ra” của những người làm nghề lăn sơn, vôi ve.
Ngày nay, khi đời sống kinh tế phát triển đi lên, để tăng độ bền, đẹp cho những bức tường người dân thường ưu tiên lựa chọn lăn sơn nước thay vì quét vôi. Nghề quét vôi, lăn sơn mới nghe có vẻ đơn giản, ai cũng có thể làm được. Nhưng để khiến cho những bức tường ẩm mốc, cũ kỹ trở nên sắc nét, góc cạnh thì cần đến bàn tay của những người thợ chuyên nghiệp và kinh nghiệm. Với những đồ nghề đơn giản: giấy ráp, đá mài, bàn chải sắt, ru-lô… Công việc lăn sơn trải qua nhiều công đoạn gồm: bả ma-tít, chà nhẵn, sơn lót và sơn màu.
Trước tiên, để có một bức tường phẳng người thợ dùng giấy ráp, đá mài hoặc bàn chải sắt để chà sạch những lớp rêu mốc, làm liền những vết loang lổ trên tường. Những chỗ lồi lõm được bả ma-tít và chà lại bằng giấy ráp. Công đoạn này rất quan trọng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì vì nếu chà không kỹ, khi sơn nước phủ lên sẽ bị lộ những “khuyết tật” của tường; nếu ma-tít có chất lượng kém, sẽ dễ bị bong ra khi gặp nước hoặc bị ẩm.
Sau khi đã xử lý xong bề mặt tường, người thợ dùng ru-lô để lăn một lớp sơn lót và lên màu bởi 2 hoặc 3 lớp sơn màu. Công đoạn lên màu cho bức tường là quan trọng nhất, quá trình này đòi hỏi tay nghề của người thợ cả giàu kinh nghiệm để có được những nước sơn mịn, đều màu, sắc nét phù hợp với không gian, sở thích của chủ nhân ngôi nhà. Những người thợ sơn như Ðức thường nhận khoán công trình theo mét vuông với giá trọn gói là 9.000 đồng/m2. Với mỗi công trình khoảng 500 m2 tường, nhóm thợ 3 người thi công trong khoảng 4 ngày đến 1 tuần. Nếu công việc đều, ổn định thì tính ra mỗi người cũng được khoảng trên 4 triệu đồng/tháng.
Thu nhập khá cao so với những người làm công việc khác ở vùng nông thôn, song người thợ quét vôi, lăn sơn phải làm việc liên tục trong môi trường bụi bặm và nhiều nguy hiểm. Là người mới vào nghề, Thịnh, một người trong nhóm thợ của Ðức được phân công nhiệm vụ chà giấy ráp, đánh nhẵn tường. Thịnh cho biết: “Mặc dù bịt khẩu trang kín mít nhưng bụi vôi vữa vẫn len lỏi, bám vào mũi, mắt, mới đầu không quen nhiều lần mình bị ho sặc sụa”.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của những người thợ trong nghề thì lấm lem quần áo hay những bụi vôi vữa hít vào người không đáng ngại so với những rủi ro, bất trắc khi treo mình “tự do” trên không trung, cách mặt đất cả chục mét, chỉ một chút sơ sẩy, mất tập trung hay thoáng giật mình… thì hậu quả thật khó lường. Chỉ với sợi dây thừng, dây chão và thiết bị bảo hiểm sơ sài là cái ghế (phục vụ việc di chuyển lên xuống giữa các tầng nhà) tận dụng bởi những miếng gỗ cốp pha ốp trần… người thợ sơn đu mình như những “diễn viên xiếc”.
Trong bộ quần áo lấm lem đủ các loại sơn màu, Ðức chia sẻ: “Ngày mới vào nghề, mình rất háo hức được thử cảm giác “bay” trên những bức tường cao. Nhưng sau một lần không cẩn thận, bị rơi đánh phịch xuống đất từ độ cao khoảng 3,5 mét may mắn chỉ bị bong gân cổ chân, mình mới cảm nhận hết được sự nguy hiểm của nghề này. Giờ quen rồi, mình cẩn thận hơn và cũng đỡ sợ hơn trước”. Những người làm nghề quét vôi, lăn sơn như Ðức, Thịnh đều là lao động tự phát, ai thuê thì làm chứ hầu hết đều không trải qua trường lớp, cũng không có hợp đồng lao động hay bảo hiểm. Công việc cực nhọc lại luôn tiềm ẩn những bất trắc, rủi ro nhưng vì cuộc sống mưu sinh, họ phải miệt mài lao động để lo cho cuộc sống, thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Tết Nguyên đán đang đến gần, không khí làm việc của những người thợ “vôi ve” dường như cũng khẩn trương, gấp gáp hơn thường lệ. Họ chia sẻ: “Tranh thủ cuối năm công việc nhiều, cố gắng làm lụng kiếm thêm ít tiền để gia đình có cái Tết tươm tất hơn.”
Nguyễn Thơi
Tin cùng chuyên mục
- Đưa Hưng Hà trở thành trung tâm kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh 28.01.2025 | 22:50 PM
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
-
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị