Thứ 7, 03/08/2024, 15:15[GMT+7]

Kẻ Bo Ngày ấy - bây giờ

Thứ 3, 14/01/2014 | 10:37:47
2,316 lượt xem
Khi nhắc đến lịch sử truyền thống của vùng đất được đặt làm trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Thái Bình, nhiều người thường nhắc đến Bố Hải Khẩu và không ít người tâm niệm rằng đó là khởi nguồn truyền thống của vùng đất này. Nếu nhận thức như vậy là đúng thì lịch sử vùng đất này đã có một nghìn năm có lẻ với sự kiện sứ quân Trần Lãm chọn nơi đây để xây thành đắp lũy, lập đại bản doanh và trở thành sứ quân mạnh nhất trong thời loạn 12 sứ quân ở thế kỷ X.

Thành phố Thái Bình. Ảnh: Thành tâm

Trở về cội nguồn, từ địa danh Bo trong quá trình diễn tiến đến Bố Hải - Bồ Xuyên - Kỳ Bá... chúng tôi muốn tiếp cận một cách khách quan hơn bề dày truyền thống của miền quê này.

 

Kẻ Bo là một địa danh vốn hoàn toàn mang âm Việt cổ, ra đời từ buổi đầu dựng nước. Trong quá trình Hán hóa, tên gọi này được ghi chép thành Bố - Bố Hải - Kỳ Bố - Kỳ Bá song hành với Bồ - Bồ Xuyên. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, địa danh Bo được nhắc đến với tư cách là một phủ lỵ: Phủ Bo. Thời thuộc Pháp, tỉnh Thái Bình được thành lập có người vẫn quen gọi tỉnh Bo. Cho đến nay địa danh Bo còn được dùng trong tên gọi làng Bo, đình Bo, cầu Bo, chợ Bo, ổi Bo...

 

Tại chùa Ngàn (tên chữ là Viên Quang Tự) của làng Lạc Ðạo xưa, nay thuộc địa phận Thành phố hiện còn lưu được một câu đối cổ:

 

Lạc Ðạo kiến già lam, sắc tướng lưu truyền Viên Quang tự.

Bồ Tân duyên Bố Hải, từ phàm kinh độ Ấn Hồ tăng.

 

Nghĩa là:

 

Dựng chốn tổ ở Lạc Ðạo, sắc tướng lưu truyền ở chùa Viên Quang.

Bến Bồ bên cửa Bố Hải, thuyền các nhà sư Ấn Hồ đã qua đây.

 

Hiện chưa đủ cứ liệu để khẳng định một cách chắc chắn rằng vào thời Ðinh (thế kỷ X) Bố Hải Khẩu là trung tâm thương mại buôn bán chính với bên ngoài nhưng chắc chắn bộ mặt kinh tế - xã hội, đặc biệt là nông nghiệp ở vùng này đã phát triển và dân cư đã đông đúc, làng mạc đã trù phú. Bằng chứng là khi nhà Lý mở mang chính sách khuyến nông, năm Mậu Dần (1038) vua Lý Thái Tông đã về Bố Hải Khẩu cày ruộng tịch điền. Sách Ðại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa xuân, tháng hai vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sai hữu ti dọn cỏ, đắp đàn. Vua tế thần nông, tế xong tự cầm cày để muốn làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: “Ðó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì phải làm thế” - Vua nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo”.

 

Trải qua các triều đại phong kiến từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX vùng đất thuộc Thành phố Thái Bình hiện tại mà trung tâm là kẻ Bo - Bố  Hải Khẩu xưa, về tên gọi, địa dư, duyên cách có nhiều thay đổi qua các đời. Từ thời Lý – Trần, khi huyện Vũ Tiên được thành lập, huyện lỵ đặt tại hương Kỳ Bố (Bá) nên huyện này còn được gọi là huyện Bố.

 

Ngày  21 tháng 3 năm 1890, tỉnh Thái Bình được thành lập. Năm năm sau đó vào ngày 4 tháng 2 năm 1895, Kinh lược sứ Bắc Kỳ đã ký quyết định số 9 thành lập Thành phố Thái Bình bao gồm hai làng Bồ Xuyên và Kỳ Bố của tổng Lạc Ðạo và các khu phố xung quanh thành của phủ  Kiến Xương. Vùng đất này không chỉ là một vùng trọng yếu về địa kinh tế, địa quân sự, địa chính trị mà còn là vùng địa văn hóa nổi tiếng từng đã in đậm những tên đất, tên người trên các trang sử của dân tộc. Anh hùng hào kiệt đời nào cũng có.

 

Một trong những truyền thống nổi trội của vùng đất cổ mang tên Thành phố Thái Bình ngày nay là truyền thống hiếu học thành danh, đời nối đời hưng thịnh. Riêng vùng đất thuộc tổng Tri Lai xưa, nay thuộc phần lớn địa phận của xã Phú Xuân và hai phường Tiền Phong, Phú Khánh từ thời Lê sơ (thế kỷ XV) đến nay đã có dằng dặc tên tuổi các tiến sĩ, trạng nguyên, mà có lẽ danh cao vọng trọng hơn cả là Nguyễn Bảo, Khiếu Ðình Tuân, Bùi Tất Thắng, Khiếu Hữu Sử, Bùi Duy Phan từng được bia đá bảng vàng lưu danh.

 

Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, chúng tôi không có điều kiện điểm lược những sự kiện, những con người thuộc vùng đất này đã quật cường chống Pháp từ giữa thế kỷ XIX đến ngày giải phóng cách đây tròn 60 năm. Ðể có một chi bộ Ðảng đầu tiên ra đời ở trường Minh Thành và Ðảng bộ Thái Bình ra đời sớm là có cả một bề dày truyền thống mà trực tiếp đó là hệ quả của mấy thập kỷ quật cường kháng Pháp. Ðể minh chứng cho điều này, xin nêu một sự trùng lặp ngẫu nhiên trong lịch sử khá lý thú: Năm 1929 Ðảng bộ Thái Bình được thành lập, cũng vào năm ấy Vi Văn Ðịnh về nhận chức Tổng đốc Thái Bình. Một nho sĩ Thái Bình đã gửi cho vị tân tổng đốc này một bài thơ:

 

Này bảo Ðốc Vi sớm liệu hồn,

Thái Bình đâu có dễ làm quan.

Xăng thiêu Bảng Báo xương còn khét,

Ðạn nổ Duy Hàn khói chửa tan.

Báo chửi Tuần Ðào in đang ướt,

Thơ trêu Phạm Thụ dán tràn lan.

Muốn sống hãy khôn đừng dại nữa,

Giữ lấy dòng xa của họ Hàn.

 

Chỉ với tám câu thơ nhắn gửi vị tổng đốc họ Vi nhưng đã khái quát hết mấy chục năm quật khởi của nhân dân phủ Bo với các sự kiện cùng các tầng lớn nhân dân Thái Bình đấu tranh dưới cờ nghĩa của các tầng lớp văn thân, sĩ phu yêu nước. Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm đến chủ nghĩa Mác - Lê nin và trao truyền về  Việt Nam thì Thị xã Thái Bình là một trong những địa chỉ đỏ để sớm ươm gieo những hạt mầm cho sự ra đời của Tỉnh hội Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tại trường tư thục Minh Thành vào năm 1928 và chi bộ Ðảng cộng sản Thị xã ra đời vào tháng 6 năm 1929. Ðó là những mốc son, những sự kiện lịch sử tạo bước ngoặt mang tính quyết định để các tầng lớp nhân dân thị xã kiên trì, bền bỉ đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Ðảng để Thị xã Thái Bình sớm giành chính quyền vào những ngày mùa thu Tháng Tám năm 1945.

 

Trải qua 30 năm kháng chiến trường kỳ, chống Pháp rồi chống Mỹ có biết bao tên đất, tên người của Thị xã Thái Bình đã được ghi trên những trang sử hào hùng của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Ðảng và Nhà nước ta phong tặng cán bộ và nhân dân Thị xã Thái Bình đã và mãi mãi là niềm tự hào, là điểm tựa vững vàng để Thành phố Thái Bình vươn tới những tầm cao.

 

Khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những tiền đề, những tiềm năng, tiềm lực phát triển công nghiệp ở Thái Bình chưa thật rộng mở. Thành phố Thái Bình đã và đang phải gánh sứ mệnh nặng nề, tạo ra những tiền đề để tỉnh Thái Bình chuyển từ một tỉnh nông nghiệp thành tỉnh công - nông nghiệp trong những thập kỷ tới.

 

Thế hệ “những người đang sống” trên Thành phố Thái Bình hôm nay đang từ sức bật truyền thống tự vượt lên chính mình để xây dựng một Thành phố xứng tầm với lịch sử và ngang tầm với thời đại.

Nguyễn Thanh

(Vũ Quý, Kiến Xương)

 

  • Từ khóa