60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Một chiến dịch, ba trái tim chiến sĩ
Lán làm việc và hầm trú ẩn của Trưởng ban thông tin tác chiến.
Anh bắn pháo cho em tiến lên
Vũ Như Ý là anh cả. Chàng trai pháo binh ngày ấy, giờ đã sang tuổi 84, nhưng ông vẫn nhớ từng chặng đường vận chuyển pháo gian khổ, từng chi tiết nhỏ của mỗi trận công phá địch. Gặp chúng tôi, ông đưa mấy tờ báo, quyển sách có bài viết về hồi ức chiến dịch Ðiện Biên Phủ của ông, ý chừng như muốn nói: Có gì tôi đã nói cả rồi, cần viết gì các nhà báo, có cả nhà văn nữa cũng đã viết hết cả rồi. Người bạn đời nhẹ nhàng ghé sát tai ông: Ðấy là nhà văn, nhà báo ở trên đất Hà Nội này; không gì quý hơn bằng báo quê hương mình tìm lên tận đây gặp bố nó. Rồi bà mau mắn vào phòng lấy cho ông bộ răng giả: Bố nó đeo cái này vào để nói cho rõ nghe hơn nhé!
Thoáng chốc, chúng tôi quên mất việc phải làm, tất cả đều lặng thầm ngắm nhìn đôi vợ chồng người cựu chiến binh khá ấn tượng này và như một lẽ rất tự nhiên, mọi lời nói, cử chỉ, hành động của ông bà giành cho nhau cuốn hút chúng tôi. Hóa ra sau cơn tai biến, ông yếu đi rất nhiều, đặc biệt thính giác thì giảm hẳn. Không biết sợi dây vô hình nào tạo những tần số rung động rất riêng để ông nhạy cảm nghe được hết từng chữ bà nói, nhưng chúng tôi, dù đã cố gắng nói to hết mức, ngồi gần ông hết mức cũng không làm cho ông hiểu được những điều chúng tôi muốn biết. Vậy là bà nhanh chóng trở thành “phiên dịch viên” cho cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và ông.
Năm 1946, ông khoác ba lô đi bộ đội khi các em trong nhà còn rất nhỏ, bởi vậy sau này khi hai em trai cùng tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ ông không hề hay biết. Ðầu quân cho Trung đoàn 98 – một trong những Trung đoàn chủ lực của Liên khu 1, người chiến sĩ trẻ hăng hái tham gia tổ chức đánh giặc càn, trực tiếp phục kích chiến đấu nhiều trận quyết liệt ở đường số 4; rồi đến chiến dịch Ðông Bắc phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương đánh vào khu vực mà Pháp vẫn coi là “tuyệt đối an toàn”, góp phần phá kế hoạch tiến công Thu – Ðông của chúng. Chính trong thời kỳ thử thách này, với sự quả cảm anh dũng chiến đấu, ngay sau khi kết thúc chiến dịch, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Ðảng; được cử theo học Khóa 5 chuyên ngành Bộ binh tại Trường Lục quân trung học Trần Quốc Tuấn, sau khi tốt nghiệp ông tiếp tục theo học Khóa 2 chuyên ngành Pháo binh; đây chính là bước ngoặt lớn để cả cuộc đời binh nghiệp của ông luôn gắn bó với chuyên ngành này.
Ra trường, được điều về công tác tại Cục Pháo binh chưa lâu, ông nhận lệnh lên đường tham gia Chiến dịch biên giới 1950, vừa làm nhiệm vụ giúp đỡ các đơn vị pháo binh về kỹ thuật sử dụng và phát huy hiệu quả pháo 75mm, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu tại Cốc Xá – một trong những trận chiến đấu tiêu biểu về vận động tiến công và tiêu diệt gọn quân địch ngoài công sự, xóa sổ gần như hoàn toàn bộ binh đoàn Le Page.
Chiến dịch thắng lợi, được lệnh chuyển binh chủng, Trung đoàn 54 Bộ binh sát nhập vào Trung đoàn lựu pháo 105 ly, sau khi đi tập huấn ở Vân Nam (Trung Quốc), về nước ông trú quân ở Bắc Mục (Hàm Yên - Tuyên Quang) và hối hả thực hiện nhiệm vụ huấn luyện lực lượng pháo binh thực hành đo đạc địa hình núi cao, núi trống đề phòng quân Pháp bất ngờ nhảy dù.
Ngày 20.12.1953 - một trong những dấu mốc lịch sử ông không thể nào quên, hành quân đi Ðiện Biên Phủ, biết là gian nan vất vả đang đón đợi ở phía trước, nhưng niềm tin chiến thắng thôi thúc, giục giã, làm vững chãi hơn mỗi bước chân người chiến sĩ.
Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vận chuyển pháo vào chiến trường Ðiện Biên Phủ, ông không giấu nổi niềm tự hào và kiêu hãnh tột cùng của người cựu pháo binh Việt Nam, bởi với những người trực tiếp tham gia như ông, đây là một cuộc hành quân lịch sử “có một không hai” của pháo binh thế giới. Do đường bộ bị bom đánh phá, nên con đường duy nhất có thể sử dụng để vận chuyển pháo vào đến Âu Lâu – Yên Bái là đường thủy. Sáng kiến tháo rời các bộ phận của pháo, đóng bè xuôi theo dòng sông Thao, sông Lô được cấp trên chấp thuận. Song thách thức đặt ra là yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối trên suốt hành trình. Ông đã xung phong dẫn đầu các chiến sĩ khỏe mạnh, bơi giỏi đi thử các bè lao suối xem mức độ bè vỡ như thế nào. Chọn những dòng xoáy nơi đầu sóng, nhằm những mỏm đá mấp mô nhất trên suối, ông cùng anh em trong đơn vị bất chấp hiểm nguy ngày đêm thử bè để vừa tìm hiểu vừa đúc rút kinh nghiệm. Bè này vỡ lại đóng bè khác, lại thử; cứ như thế thử bè, đóng bè, đến khi nào bảo đảm bè không bị vỡ trước bất cứ trở ngại nào mới thôi.
Ðược lệnh xuất phát, ông lại tiếp tục xuôi chuyến bè đầu tiên đi Hàm Yên – Tuyên Quang để chuẩn bị địa điểm trú quân an toàn cho pháo. Thực hiện sứ mệnh bảo đảm thành công hành trình vận chuyển pháo, cùng với sự phối hợp đắc lực của các ngư dân địa phương dày dặn kinh nghiệm sông nước, lực lượng pháo binh của ta suốt đêm xuôi bè, ban ngày dạt vào bờ trú ẩn, lên rừng nấu cơm ăn.
Ông kể, có những đêm máy bay địch quần thảo, thả pháo sáng cả một vùng, nhưng do ta khéo léo ngụy trang nên địch không tài nào phát hiện được. Rồi cũng không ít lần bè bị mắc cạn, nhân dân địa phương đều tích cực ứng cứu, kịp thời gỡ bè, góp phần quan trọng bảo đảm thời gian xuôi dòng theo đúng dự kiến. Tiến hành lắp pháo, qua bến phà Âu Lâu, sau một chặng đường đầy gian truân, thử thách, Trung đoàn lựu pháo 105 mm của ta gồm 24 khẩu pháo Mỹ (mỗi khẩu nặng 2,4 tấn) với 3.600 viên đạn đã có mặt ở Bắc Mục – Tuyên Quang, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu. Ngày 22.12.1953, Trung đoàn 45 pháo binh “Tất thắng” – Trung đoàn trọng pháo cơ giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam xuất phát đi chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Vào Ðiện Biên Phủ trước Tết Nguyên đán, bắt đầu nhiệm vụ mới – nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng nhưng cũng rất đỗi nặng nề và đầy trọng trách, Vũ Như Ý cùng anh em tận dụng từng phút, từng giây luồn rừng xuyên núi tiến hành đo đạc để phục vụ lực lượng pháo binh chuẩn bị tiến công theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Pháo đã vào trận địa, mọi công việc chuẩn bị cho việc nã đạn vào đầu quân thù sau bao nỗ lực cố gắng đã hoàn tất.
Nhớ lại cái giây phút lịch sử nhận mệnh lệnh của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp: Hoãn tiến công, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ông Ý cười tâm đắc – nụ cười của người lính già bao lần vào sinh ra tử, trải nghiệm đủ sự khốc liệt của chiến tranh: Ðúng là Ðại tướng tài ba, mưu lược, trí tuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam! Ông bảo, ngày ấy anh em trong đơn vị không phải là không nhìn thấy những khó khăn, phức tạp khi phải làm lại tất cả từ đầu; nhưng niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ huy tài tình, sáng suốt của Ðại tướng và Ðảng ủy Mặt trận đã giúp mỗi chiến sĩ sốc lại tinh thần, tiếp tục đo đạc theo chiến lược mới.
Gian truân không kể hết, có những địa điểm hiểm trở không thể đặt máy đo đạc, anh em phải đứng lên vai nhau để đặt máy lên cây mới tiến hành được. Nuôi ý chí quyết tâm chiến thắng, không ai bảo ai, tất cả đều cố gắng vận dụng kỹ thuật đã được học, được tập luyện, đo đạc các phần tử bắn rất cẩn thận cho từng khẩu để đảm bảo mỗi khi khai hỏa vào một mục tiêu, dù các khẩu pháo đặt ở các vị trí khác nhau đều có thể bắn trúng mục tiêu đó theo phương châm “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”.
Bởi vậy, ngay từ đợt tấn công đầu tiên, pháo binh của ta khai hỏa gây cho quân Pháp tổn thất nặng nề. Nghe anh em bộ binh la to: “Các anh pháo binh bắn giỏi lắm!”, ông Ý và đồng đội càng thêm phấn chấn và vững niềm tin quyết chiến quyết thắng. Chuẩn bị cho những đợt tấn công sau này, đặc biệt là đồi A1, cái khó là có những mục tiêu không nhìn thấy được để điều chỉnh cho pháo bắn trúng, cũng chính ông là người xung phong dẫn đầu bất chấp bom rơi đạn nổ, lần theo giao thông hào tìm địa điểm đặt đài quan sát. Tiếp tục hai đợt công kích, lực lượng pháo binh “chân đồng, da sắt, bắn giỏi, đánh trúng” đã nã đạn lửa kinh hoàng vào đầu giặc, mở đường cho lực lượng bộ binh anh dũng tiến lên, tiêu diệt gọn các cứ điểm của địch.
Kể đến đây, ông Ý nhìn người bạn đời cười sảng khoái, rồi nói đùa trìu mến với bà: Lúc ấy, có ai ngờ đâu rằng, mỗi lần mình nã pháo là mỗi lần mình hỗ trợ thằng cu Úy em mình tiến lên. Cuộc đời cũng hay thật, nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên đến bất ngờ!
Nhớ chiếc đồng hồ Amica bên suối
Vũ Như Úy là em trai thứ hai. 56 ngày đêm cùng tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, bản thân ông cũng không ngờ rằng, trên mặt trận ấy còn một chiến sĩ pháo binh và một chiến sĩ công binh cùng cha cùng mẹ.
Nghe tôi nói vừa đi Ðiện Biên về, ông dồn dập hỏi: Ðường lên Ðiện Biên giờ như thế nào? Dốc Cun còn nguy hiểm khó đi không? Ðã rất lâu, do tuổi cao sức yếu ông không thể quay trở lại chiến trường xưa, nơi ghi dấu một thời không thể nào quên trong suốt cuộc đời quân ngũ của ông. Trong sâu thẳm trái tim người cựu chiến binh ấy vẫn đau đáu, khắc khoải nỗi thương nhớ khôn nguôi về những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, 60 năm vẫn chưa được trở về với quê cha đất mẹ…
Chẳng riêng gì chiến dịch Ðiện Biên Phủ, mà chiến trường nào trong chiến tranh cũng đều gian khổ lắm cháu ạ! – Ông bắt đầu hồi ức từ trận đánh đầu tiên bị thương ở chiến dịch Hà Nam Ninh. An dưỡng một thời gian ngắn ở Nông Cống – Thanh Hóa, ông đầu quân cho Sư đoàn 308 – Sư đoàn chủ lực tiên phong của cả nước, tham gia đánh phục kích địch trên đường số 2, giành thắng lợi ròn rã. Chính trong những trận đánh này, ông được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ về Ðại Từ - Thái Nguyên học tập, chỉnh huấn chính trị, quân sự, chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Ðể mỗi chiến sĩ có thể mang được 15 – 20 kg gạo cùng nhiều thực phẩm, vật dụng, đồ dùng khác từ Thái Nguyên lên Ðiện Biên Phủ, mọi người trong đơn vị đều phải chặt nứa, chặt tre để đan sọt đựng. Một tháng hành quân đến Ðiện Biên, vừa bỏ gùi, bỏ sọt khỏi vai, các ông lao vào đào công sự, đào giao thông hào, đào hố trú ẩn cá nhân dưới ánh sáng của trăng sao, của pháo sáng của địch…
Ngày ấy, mùng 2 Tết, anh em trong đơn vị vừa nhớ nhà vừa háo hức một ngày đặc biệt, nhưng chiến trường chỉ có rau rừng và cơm nguội cùng những hạt muối trắng làm thức ăn; vậy mà tất cả vẫn luôn tràn đầy tinh thần chiến đấu, mong đến ngày giải phóng chỉ để …được sống trên mặt đất. Ðược phân công nhiệm vụ đánh đồn 106 – vành đai ngoài tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ, trận đấu quyết liệt đã làm đồng đội của ông thương vong rất nhiều. Sử dụng bộc phá để mở đường nhưng vẫn chưa phá hết được hàng rào dây thép gai xung quanh đồn bốt địch, lúc này đơn vị chỉ còn 3 anh em sống sót, quyết không lùi bước ông bảo đồng đội đeo khẩu Bazooka bò lách qua xác những đồng đội đã mất. Pháo, đạn của địch bắn sàn sạt qua đầu thì lại nằm im, yên ắng lại tiếp tục bò, nhích từng thước một, khi cách khẩu súng máy của địch khoảng 40 – 50m, ông bảo đồng đội lắp đạn, rồi nhằm thẳng vào lô cốt địch mà bắn; được đà tiến công, bộ đội ta xung phong ào lên, đánh chiếm gọn đồn địch. Sau đó là các đồn 206, 311A, 311B, đặc biệt là trận đánh đồi Him Lam, chiến thắng ròn rã nhưng thương vong cũng không ít.
Ðến giờ ông vẫn còn nhớ nguyên vẹn cái cảm xúc khó diễn tả khi vận chuyển thương binh dưới giao thông hào ngập đến cổ người, các đoàn văn công đứng nép hai bên hát vang bài hát “Chiến sĩ Việt Nam” của nhạc sĩ Văn Cao, vừa động viên thương binh, vừa chia tay các chiến sĩ. Trên đầu, đại bác của địch vẫn nổ không ngớt, nhưng tiếng hát vẫn như “khúc anh hùng ca reo nơi biên cương” “giục lòng quân thi can trường, nguyện tranh đấu cho giống nòi”…
Kết thúc chiến dịch, trên đường hành quân về đơn vị, khi đi qua một con suối, bỗng ông thoáng nhìn qua thấy có một người rất giống anh trai của mình. Ông hỏi người bên cạnh: Có phải anh ấy là Ý không?. Cũng đúng lúc ấy ông anh nhận ra ông em từ mái tóc đặc biệt hồi còn nhỏ, tháo vội chiếc đồng hồ Amica – kỷ niệm của đợt tập huấn ở Trung Quốc trao cho em. Chẳng kịp ôm nhau, cũng không một lời trao đổi, nhưng lần gặp gỡ bất ngờ ấy dường như đã quá đủ để bù đắp nỗi nhớ thương xa cách người thân đằng đẵng những năm tháng chiến tranh, và món quà tặng của người anh trai đã đi theo ông suốt cả cuộc đời binh nghiệp….
Nhớ về kỷ niệm xưa, ông ngậm ngùi: Gia đình tôi có lẽ là một trong những gia đình may mắn nhất khi cả ba đứa con đều còn sống trở về. Ngày ấy, sức xuân phơi phới, tình nguyện lên đường chiến đấu chỉ với một ý chí duy nhất là đánh đuổi quân xâm lược để giành độc lập tự do cho đất nước, để dân mình đỡ khổ. Bởi vậy, thế hệ trẻ ngày nay không hà cớ gì được thừa hưởng thành quả từ sự hy sinh của ông cha lại không nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện và sẵn sàng gia nhập Quân đội để xây dựng và bảo vệ đất nước, giữ gìn nền độc lập tự do đáng quý của dân tộc.
Ðau đáu với quá khứ, rời quân ngũ, trở về với đời thường, suốt từ năm 1983 ông tích cực tham gia mọi hoạt động của địa phương, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tín nhiệm giao trọng trách là Phó Bí thư Ðảng ủy phường, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường, Bí thư Chi bộ tổ dân phố. Tuổi cao gương sáng, người cựu chiến binh có mái tóc trắng như cước hết lòng vì việc chung đã trở thành hình ảnh thân thuộc trong lòng mỗi người dân địa phương nơi ông đang sống những tháng ngày yên bình nhất.
Hạnh phúc là cả ba anh em đều trở về đoàn tụ
Vũ Tiến Luyến là cậu em út. Khi tôi hỏi tại sao cả hai anh đều mang đệm chữ “Như”, còn ông lại là chữ “Luyến”, ông cười hồn nhiên như con trẻ làm tôi cũng vui lây: Chẳng biết hai ông đấy bảo nhau thích chữ đệm như thế, chứ tôi vẫn mang đúng họ đệm “Vũ Tiến” của nhà tôi đấy chứ.
Không được gặp trực tiếp vì ông ở tận Bình Dương, nhưng nghe giọng nói qua điện thoại, tôi có cảm giác ông trẻ hơn các anh rất nhiều, mặc dù chỉ kém mỗi anh hai tuổi. Cả cuộc trò chuyện, người cựu chiến binh – thương binh 4/4 ấy cười suốt, rất lạc quan và sảng khoái; có lẽ cuộc sống đời thường của ông thật viên mãn.
Tham gia quân ngũ năm 18 tuổi, Vũ Tiến Luyến đầu quân cho Sư đoàn 316, và như duyên nghiệp, ông luôn gắn bó với miền hoa ban Tây Bắc. Lần đầu tiên cầm súng chiến đấu trực diện với quân thù là ở chiến trường Tây Bắc, kết thúc chiến dịch về huấn luyện ở Thanh Hóa, rồi lại được lệnh di chuyển lên Tây Bắc tiến công giải phóng Lai Châu, sau đó lại quay lại Tây Bắc tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Nhiệm vụ của đơn vị công binh là xây dựng trận địa, đào hào và làm đường kéo pháo. Chỉ tranh thủ ban đêm để không bị lộ, đơn vị ông cùng rất nhiều đơn vị khác đào đủ các loại hào: hào lớn, hào nhỏ, hào ngách, bắt đầu từ vị trí tập kết đến các mục tiêu sát trận địa.
Mặc dù không trực tiếp tham gia đánh giáp lá cà với địch, song bộ phận mở đường của ông chính là lực lượng đầu tiên đối mặt với hiểm nguy, hy sinh, mất mát kể không xiết. Nhớ lại những tháng năm gian khổ đã qua, ông ngậm ngùi thương những đồng đội nằm lại vĩnh viễn nơi chiến trường, rất nhiều anh em đến nay gia đình vẫn chưa tìm thấy.
Ông kể, càng đào được đến sát mục tiêu thì hiểm nguy càng lớn, lúc đầu còn đông đủ anh em, sau đó vơi bớt dần, vơi bớt dần; đau đớn vì đồng đội ngã ngay trước mắt mình, nằm ngay dưới chân mình mà vẫn phải nén tất cả vào lòng, tiếp tục nhiệm vụ. Ðau thương, mất mát lớn nhất là làm đường kéo pháo, có lúc cả tốp 30 – 40 chiến sĩ bị pháo bắn một loạt thương vong gần hết, máu đồng đội hy sinh chan vào lòng đất, xẻng của người còn sống vẫn phải đào, phải xúc để mở đường huyết mạch. Bản thân ông, 56 ngày đêm có mặt tại chiến trường Ðiện Biên Phủ, không nhớ biết bao lần thoát được gang tấc sinh tử, không đếm nổi bao lần bị đạn cày pháo bắn.
Trận đánh quyết liệt đồi A1, lực lượng công binh của ông vừa tích cực đào đường hầm đến sát chân lô cốt để bí mật đặt thuốc nổ, vừa phối hợp với lực lượng bộ binh mở đường tiến công, giành giật quyết liệt với địch từng thước đất, có những lúc dừng lại phòng ngự chỉ cách nhau một tầm lựu đạn; nhất là các chiến sĩ có nhiệm vụ bò lên trinh sát trận địa, thương vong lớn nhưng tất cả đều rất quả cảm và anh dũng.
Trong trận chiến đấu này, đêm 6/5, ông bị pháo bắn vào hai cánh tay, vào ngực, vào đầu, tưởng không có ngày trở về. Ông vẫn không quên cảm giác đau đớn như bị cắt từng đoạn, từng khúc trong cơ thể, nhưng tin chiến thắng vang vọng khắp chiến trường như liều thuốc hồi sinh diệu kỳ giúp ông vượt qua gang tấc của cõi tử thần. Trải qua những giây phút ấy, đến bây giờ, với ông, điều hạnh phúc nhất là ba anh em đều cùng được trở về với cha mẹ, anh chị em của mình.
Ba anh em chiến sĩ Ðiện Biên ngày ấy, giờ đều đã bước qua tuổi 80, nhưng với họ, ký ức về những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng thì sống mãi theo năm tháng. Mái đầu càng bạc, những viên đạn vẫn nằm trong cơ thể càng hành hạ những lúc trái gió trở trời thì những người cựu chiến binh ấy càng thấm hơn cái giá đánh đổi độc lập tự do. Bên ngôi nhà nhỏ bình dị nơi quê nhà, vài năm một lần họ lại trở về sum họp, đoàn tụ, cùng nhau ôn lại quá khứ để trân trọng tương lai, sống hạnh phúc hơn và có ích hơn, như những cây hoa ban dưới mưa bom bão đạn vẫn nở trắng sườn đồi, ngát hương trong chiều Tây Bắc.
Thế An
Tin cùng chuyên mục
- Đưa Hưng Hà trở thành trung tâm kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh 28.01.2025 | 22:50 PM
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
-
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị