Chủ nhật, 11/08/2024, 14:31[GMT+7]

Đất và người Thái Bình Năng động, sáng tạo trong công cuộc đổi mới

Chủ nhật, 08/03/2015 | 16:00:53
4,079 lượt xem
Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Thái Bình đã nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Toàn tỉnh tập trung toàn diện cho phát triển nông nghiệp, mở rộng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề vững chắc bước vào công cuộc đổi mới.

Nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa. Ảnh: Ngọc Trâm

 

Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ kết thúc thắng lợi, đưa cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong bước phát triển mới, Thái Bình có những thuận lợi cơ bản: kinh tế nông nghiệp được chú trọng, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được xác lập, lực lượng sản xuất ngày càng được tăng cường. Nền tảng của một nền kinh tế mới đang hình thành với cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu đáng kể. Trải qua quá trình rèn luyện trong lao động sản xuất và chiến đấu, với bản chất cần cù và dũng cảm, người dân Thái Bình luôn phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, không ngừng nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Với phương châm phát triển sản xuất “từ đất và sức lao động đi ra, từ lúa và lợn đi lên”, Ðảng bộ Thái Bình đã phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, từng bước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Toàn tỉnh tập trung cao độ cho việc tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp song song với đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Thời kỳ này, Thái Bình đã tạo thêm một bước chuyển mới trong thâm canh tăng năng suất cây trồng đặc biệt là thâm canh cây lúa, mở rộng diện tích canh tác, nâng cao năng suất. Ðến năm 1985, năng suất lúa toàn tỉnh tăng lên 7 tấn/ha; giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng hàng năm. Không chỉ tăng trưởng kinh tế, các vấn đề văn hóa, xã hội cũng có bước tiến rõ rệt. Toàn tỉnh đã hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 2,02% năm 1981 xuống còn 1,6% năm 1985; năm 1982 có gần 600 trường học các cấp, tỷ lệ trẻ 3 - 5 tuổi được huy động đến lớp đạt 60%; năm 1985, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng phòng bệnh đạt 93%.

Thành phố Thái Bình đổi mới, phát triển từng ngày. Ảnh: Thành Tâm

 

Giữa  những năm 1980, tình hình trong nước, thế giới diễn biến phức tạp, cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội ngày càng trầm trọng, yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với Ðảng ta là phải đổi mới đất nước. Trước yêu cầu, đó, Ðảng bộ Thái Bình bám sát chủ trương của Trung ương “đổi mới đất nước trên tất cả các lĩnh vực hoạt động mà cốt lõi là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc… quyết tâm chiến lược xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu trong phát triển kinh tế, Thái Bình cũng đồng thời thực hiện phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với nhịp độ cao hơn. Trong giai đoạn 1986 - 1990 và 1991 - 1995, nền kinh tế đã chuyển từ giai đoạn phát huy tiềm năng, hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường sang nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, tương đối toàn diện và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực. Tổng sản phẩm của tỉnh năm 1995 đạt 950 tỷ đồng, tăng 79% so với năm 1990. Giai đoạn 1991 - 1995, 100% xã có điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, gần 98% hộ có điện sinh hoạt, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ. Tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm cuối thế kỷ XX, Ðảng bộ tỉnh đề ra nhiệm vụ tập trung cao độ mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

 

Trong suốt chặng đường thực hiện công cuộc đổi mới, nhiều cuộc cách mạng về kinh tế, văn hóa, tư tưởng đã được Ðảng bộ tỉnh lãnh đạo thực hiện với quyết tâm làm chuyển biến mạnh mẽ, tạo sự bứt phá nhằm phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nếu những năm đầu đổi mới là việc thực hiện cuộc cách mạng trong tư tưởng, chuyển từ bao cấp tập trung sang hạch toán kinh tế, giai đoạn 1990 - 2000 là cuộc cách mạng về xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế thì từ năm 2000 đến nay là cuộc cách mạng toàn diện về nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt những năm gần đây là cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới. Những cuộc cách mạng do Ðảng bộ lãnh đạo, nhân dân đồng lòng, chung sức đã đem đến những thành tựu rực rỡ. Thái Bình không chỉ biết đến là tỉnh dẫn đầu về nông nghiệp mà ngành Công nghiệp cũng vươn lên vị trí ngày càng cao ở vùng đồng bằng sông Hồng và miền Bắc. Từ một tỉnh thuần nông, cơ bản trắng về công nghiệp tập trung đến nay Thái Bình đã thu hút 700 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký lên tới gần 76.000 tỷ đồng, đã quy hoạch 7 khu công nghiệp tập trung với diện tích hơn 1.200 ha. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đem đến sự phát triển ngoạn mục vào thập niên đầu thế kỷ XXI. Nếu như giá trị tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2000 gấp hơn 2 lần năm 1990 thì sau hơn 1 thập kỷ (từ năm 2000 đến năm 2014) tổng sản phẩm của tỉnh gấp gần 10 lần (GDP của tỉnh năm 2000 đạt hơn 4.500 tỷ đồng, đến năm 2014 đã tăng lên hơn 38.000 tỷ đồng). Ðời sống nhân dân ngày càng sung túc, no ấm, số hộ giàu, hộ khá tăng, hộ nghèo giảm, y tế phát triển, giáo dục luôn nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước. Sau thời gian thực hiện cuộc cách mạng về xây dựng nông mới, với sự huy động tổng lực từ nhân dân, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, diện mạo nông thôn Thái Bình đổi mới từng ngày, xóm làng văn minh, hiện đại, đời sống nhân dân ấm no. Ðến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 85 xã được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới.

 

Ở miền đất trẻ Thái Bình, nơi hội tụ tinh hoa của nhiều vùng miền, người dân thể hiện bản lĩnh anh dũng kiên cường, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo từ thủa hồng hoang khai thiên lập ấp. Ngày nay, những giá trị truyền thống quý báu đó vẫn được giữ gìn, phát huy trong công cuộc đổi mới.

 

(Tổng hợp từ “Ðịa chí Thái Bình” và  “Lịch sử Ðảng bộ Thái Bình”)

 

  • Từ khóa