Thứ 5, 08/08/2024, 00:14[GMT+7]

Phạm Văn Đỡ Xứng danh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Chủ nhật, 19/04/2015 | 18:41:59
2,079 lượt xem
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những hình ảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước oanh liệt và hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Đỡ (thôn An Cố, xã Thụy An, huyện Thái Thụy) - người đã lập nhiều chiến công trong Chiến dịch đường 9 Nam Lào và Chiến dịch xuân - hè năm 1972 tại Quảng Trị.

Anh hùng Phạm Văn Đỡ bình dị trong cuộc sống đời thường.

 

Sinh năm 1951 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, cha tham gia du kích địa phương, chú hy sinh trong một trận chống càn thực dân Pháp, ngay từ nhỏ Phạm Văn Đỡ đã sớm kế thừa tinh thần yêu nước từ gia đình. 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ nhiều lần viết đơn tình nguyện nhập ngũ, nhưng do cân nặng chỉ có 39kg nên không đủ điều kiện tòng quân. Không từ bỏ quyết tâm, ông đã giấu nhiều viên đá nhỏ vào trong người cho đủ cân nặng rồi tham gia khám tuyển. Tháng 8/1970, Phạm Văn Đỡ lên đường nhập ngũ, được bổ sung vào Sư đoàn 308, Đại đoàn Quân tiên phong - đại đoàn bộ binh chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Sau 2 tháng huấn luyện tại Xuân Mai - Hà Tây (cũ), ông cùng đơn vị bắt đầu hành quân vào mặt trận phía Namon>. Đến tháng 2/1971, đơn vị ông dừng chân tại địa điểm phía Tây đường 9 Nam Lào và được giao nhiệm vụ đánh cao điểm 500 của địch (thuộc Chiến dịch 719 của Mỹ - ngụy với mục đích phá vỡ hệ thống hậu cần của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Lào và cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh). Trong trận đánh này, ông cùng hai đồng chí khác trong đơn vị được giao nhiệm vụ trinh sát. Với bản tính nhanh nhẹn, mưu trí, ban ngày ông trèo lên cây quan sát, ban đêm luồn vào căn cứ của địch để nắm tình hình hoạt động và cách bố phòng của chúng. Đêm ngày 27/2/1971, sau nhiều ngày trinh sát và nắm chắc tình hình hoạt động của địch, ông bắt đầu giá mìn, tra kíp, rải dây mìn tại lô cốt đầu cầu trên cao điểm 500, hai đồng chí còn lại về báo đơn vị lên triển khai lực lượng, chuẩn bị tham gia chiến đấu. 5 giờ sáng, khi có lệnh của cấp trên, Phạm Văn Đỡ giật dây cho mìn nổ, xung phong lên tiêu diệt địch và chiếm được lô cốt đầu cầu, ghìm chân địch để mở đường cho đồng đội tiến vào trận địa. Trong trận đánh này, mặc dù bị thương nhưng bản thân ông đã tiêu diệt được 6 lô cốt cùng 36 tên ngụy. Đến 7 giờ sáng trận đánh kết thúc, quân ta hoàn toàn làm chủ cao điểm 500. Sau khi bị thương, Phạm Văn Đỡ được chuyển ra điều trị ở Bệnh viện Quân y 4. Sức khỏe hồi phục, ông tìm về đơn vị - lúc này đã rút về căn cứ ở Hà Tây, tiếp tục huấn luyện, củng cố lực lượng chuẩn bị tham gia Chiến dịch xuân - hè năm 1972 tại Quảng Trị.

 

Tham gia Chiến dịch xuân - hè năm 1972, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ đánh cao điểm 35 làm bàn đạp cho quân ta tiến vào giải phóng phía Tây Nam của tỉnh Quảng Trị. Trận đánh diễn ra trong vòng 30 phút, ông cùng các đồng đội đã tiêu diệt gọn đại đội địch trên cao điểm 35, chiếm được trận địa, riêng ông đã loại khỏi vòng chiến đấu 17 tên địch. Trong trận này, ông tiếp tục bị thương và được đưa ra trạm phẫu của Sư đoàn 308 đến khi bình phục quay lại đơn vị làm nhiệm vụ chốt giữ ở căn cứ Dốc Miếu. Kết thúc Chiến dịch xuân - hè năm 1972, đơn vị ông quay về căn cứ ở Hà Tây. Đến năm 1982, ông Đỡ tham gia đội quân tình nguyện sang làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia hơn 6 năm. Sau đó ông về công tác tại Sư đoàn 350, Quân khu 3, đến năm 1992 về nghỉ hưu tại địa phương. Mặc dù đã rời quân ngũ nhưng ông vẫn tiếp tục đem sức mình cống hiến xây dựng quê hương trên cương vị Bí thư Đảng ủy xã Thụy An từ năm 1999 đến năm 2005.

 

Với những thành tích xuất sắc, chiến công vẻ vang, ngày 23/9/1973, cựu chiến binh Phạm Văn Đỡ vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông Đỡ luôn mong muốn thế hệ trẻ hôm nay phải hiểu được lịch sử cách mạng Việt Nam, hiểu được quá khứ hào hùng của dân tộc, từ đó ra sức tu dưỡng, rèn đức, luyện tài, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của bao lớp người đi trước.

 

Thanh Huyền

  • Từ khóa