Thứ 5, 21/11/2024, 14:09[GMT+7]

Vũ Lăng anh hùng

Thứ 5, 30/04/2015 | 10:09:08
4,433 lượt xem
Anh hùng trong kháng chiến, đạt nhiều thành tựu trong thời bình, đặc biệt là về đích trong xây dựng nông thôn mới năm 2014, đó là sự cổ vũ, động viên to lớn để cán bộ, đảng viên và nhân dân Vũ Lăng tiếp tục vượt qua khó khăn, nỗ lực thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trụ sở HĐND, UBND xã Vũ Lăng được xây dựng đồng bộ. Ảnh: Hồng Hạnh

 

Bao đời nay, người dân Vũ Lăng luôn tự hào về truyền thống yêu nước, anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Từ thế kỷ XVIII, Vũ Lăng được biết đến với hoạt động yêu nước của nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu. Đầu thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, người dân Vũ Lăng đã đoàn kết, anh dũng chiến đấu chống giặc Tề. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, không cam chịu kiếp sống nô lệ, nhân dân Vũ Lăng đã vùng lên đấu tranh chống áp bức cường quyền. Những năm 1925 - 1928, chủ nghĩa Mác - Lênin đã đến với người dân Vũ Lăng, tiêu biểu như các đồng chí: Trần Thử, Trần Đức Quảng, Trần Duyên, Đặng Ngọc Chinh, Trần Kiên. Trước yêu cầu của lịch sử, năm 1930, Chi bộ Đảng Vũ Lăng ra đời đã đưa phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân phát triển mạnh. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, đảng viên, nhân dân địa phương đã đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chống khủng bố trắng, đòi trả tự do cho những người bị địch bắt, giảm sưu cao, thuế nặng, đòi chia ruộng đất công một cách công bằng, hợp lý... Cùng với thực hiện nhiệm vụ đấu tranh cách mạng, Chi bộ Đảng Vũ Lăng còn lãnh đạo quần chúng đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng như đấu tranh chống các hủ tục, lệ làng trong việc hiếu, việc hỷ; tổ chức phong trào văn hóa văn nghệ, phong trào học chữ quốc ngữ... Giai đoạn 1940 - 1945, một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức tại Mả Bụt (Vũ Lăng) do Tỉnh ủy Thái Bình chỉ đạo với sự tham gia của 3 huyện: Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Ninh vào ngày 12/9/1940. Đồng chí Chu Thiện, Quyền Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp diễn thuyết. Hàng nghìn người cầm cờ đỏ sao vàng tuần hành thị uy đã gây tiếng vang mạnh mẽ trong toàn tỉnh và cổ vũ tinh thần yêu nước của nhân dân. Ngay sau ngày Thái Bình giành được chính quyền (19/8/1945), ngày 23/8/1945, Ủy ban Hành chính lâm thời do đồng chí Trần Luân làm Chủ tịch đã ra mắt quần chúng nhân dân Vũ Lăng.

 

Trong thời gian từ 1945 đến 1954, bằng những giải pháp thiết thực, chính quyền và nhân dân Vũ Lăng đã từng bước đẩy lùi nạn đói và thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ cách mạng như: thực hiện cuộc vận động “Hũ gạo cứu đói”, “Tuần  lễ vàng”... Sau khi ổn định tổ chức, chính quyền bắt tay ngay vào phát triển sản xuất, chăm lo bồi dưỡng sức dân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Việc thực hiện triệt để giảm tô và vận động hiến điền, bà con nông dân địa phương đã có thêm  ruộng để sản xuất. Cùng thời gian này, bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, hàng nghìn hộ nông dân hưởng ứng phong trào “Hũ gạo kháng chiến”. Khi Đảng, Chính phủ kêu gọi nhân dân cả nước tích cực mua công trái và đóng góp nghĩa vụ lương thực, Hội Nông dân xã đã vận động được hàng trăm gia đình mua công trái. Hưởng ứng phong trào “Tuần lễ vải”, “Mùa đông binh sĩ”, chỉ trong vòng 15 ngày, Hội Phụ nữ xã đã thu được 370 vuông vải và tiền để gửi các chiến sĩ ngoài mặt trận. Cùng với những hoạt động trên, Hội Phụ lão và Nhi đồng cứu quốc còn đứng ra phát động phong trào góp nhặt kim loại để đúc vũ khí. Sau hai tháng phát động, hội viên của hai hội đã vận động, quyên góp được gần 700kg kim loại. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Vũ Lăng luôn phát huy tinh thần yêu nước, anh dũng chống càn, phá tề, diệt đồn bốt địch. Nổi bật là các cuộc chống càn, phá bốt, diệt ác tháng 3/1950, tháng 9/1951, tháng 2/1952... làm nức lòng nhân dân địa phương và các vùng lân cận, góp phần cổ vũ nhân dân đấu tranh giành độc lập. Sau những chiến thắng ở địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Vũ Lăng lại tập trung sức người, sức của với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho Điện Biên Phủ thắng lợi”. Toàn xã đã có hàng trăm thanh niên lên đường tòng quân, tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm cho chiến trường. Tổng kết hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Vũ Lăng có 158 liệt sĩ, 150 thương binh, bệnh binh, 52 người là nạn nhân chất độc hóa học, 14 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 35 lão thành cách mạng, 6 gia đình được tặng Bằng có công với nước. Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ và nhân dân Vũ Lăng vinh dự được Chính phủ tặng Bằng “Làng có công với nước”. Ngày 16/12/2014, Vũ Lăng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

 

Trong thời kỳ đổi mới, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Vũ Lăng đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giành thắng lợi toàn diện trên các lĩnh vực. Tổng giá trị sản xuất bình quân 5 năm (2011 - 2015) đạt trên 253,4 tỷ đồng. Tổng diện tích đất gieo trồng bình quân hàng năm đạt 756,9ha. Chăn nuôi có bước phát triển khá, toàn xã có 25 trang trại, gia trại. Cùng với đó, địa phương có 53 gia đình với 216 lao động kinh doanh buôn bán. Tổng thu ngân sách bình quân hàng năm đạt trên 8,5 tỷ đồng. Tỷ lệ gia đình dùng nước sạch đạt 87,6%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,94% năm 2010 xuống còn 2,91% năm 2014. Thu nhập bình quân đầu người đạt 26,5 triệu đồng/năm. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa không ngừng phát triển. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và nhân dân Vũ Lăng đã góp công, góp của xây dựng các công trình công cộng, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng... đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống dân sinh. Năm 2014, Vũ Lăng là 1 trong 9 xã của huyện Tiền Hải về đích nông thôn mới. Cùng với đó, địa phương luôn quan tâm xây dựng chính quyền vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể. Trong công tác xây dựng Đảng, Vũ Lăng chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đảng bộ xã và các chi bộ duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể.

 

Lê Duy Nguyên

Chủ tịch UBND xã

  • Từ khóa