Thứ 7, 24/05/2025, 23:42[GMT+7]

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Đỉnh Ký ức một thời gian lao mà anh dũng

Thứ 5, 07/05/2015 | 07:44:49
1,120 lượt xem
Mỗi lần gặp các cựu chiến binh, những người từng vào sinh ra tử vì nền độc lập, tự do của dân tộc, tôi lại cảm thấy thêm yêu cuộc sống, thêm yêu quê hương, đất nước. Có lẽ bởi họ là những nhân chứng sống của một thời binh lửa, giúp tôi hiểu thêm giá trị của hòa bình. Và hơn hết, ở họ toát ra sự chân chất, cởi mở, gần gũi, bao dung và tinh thần vượt khó, lạc quan đầy chất lính. Ông Nguyễn Đình Đỉnh, người lính Điện Biên năm xưa là một trong những người như thế.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Đỉnh (ngoài cùng bên phải) luôn tự hào về những phần thưởng trong quân ngũ.

Ông Đỉnh sinh năm 1936 tại thôn Nội, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư trong một gia đình thuần nông nghèo. Tháng 9/1952, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông cũng như bao trai tráng lúc bấy giờ hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, tăng cường lực lượng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những bài học bộ binh về đâm lê, ôm bộc phá, ném lựu đạn được chàng trai trẻ hăm hở luyện tập. 18 tuổi, ông Đỉnh được phân công về Sư đoàn 312.

Ấn tượng đầu tiên về đời lính được ghi dấu khi ông cùng đồng đội hành quân bộ 23 ngày từ Thái Bình vào Thanh Hóa, tập trung ở Nông Cống rồi đi lên Điện Biên. Sau thời gian làm đường, ông được phân về đơn vị DK2 trung đội hỏa lực - trung đoàn trợ chiến tại đồi Độc Lập. Ông cùng đồng đội vác 5 quả đạn pháo với tổng trọng lượng 25kg trên đường đồi gập ghềnh nguy hiểm ngày ngày. Thế nhưng vẫn chưa bằng việc đào giao thông hào. Đất đồi rắn câng, những người lính Điện Biên trước họng pháo của địch vẫn kiên trì, quyết tâm đào từng tấc đất, đào đến đâu bỏ đất vào sọt để ở phía trước che đạn pháo. Đêm đêm, người lính Điện Biên “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”. Rồi đất đồi rắn câng cũng chịu khuất phục, giao thông hào sâu 2m của ta cứ ngày một tiến gần căn cứ điểm của địch. Chúng nổ đạn pháo vùi lấp, ta lại miệt mài đào lại. Mấy tháng trời ròng rã, ông Đỉnh cùng anh em trong đơn vị, mặc dù thèm nhìn thấy ánh sáng mặt trời, thèm hít thở không khí trong lành sớm mai, đôi khi nỗi nhớ nhà cồn lên khắc khoải nhưng vẫn lạc quan lắm. Anh em còn tranh thủ thời gian nghỉ ngơi làm thơ đọc cho nhau nghe, hát về quê mỗi người...

Ánh mắt ông Đỉnh nhòa đi khi nhớ về những ngày tháng 5 lịch sử. Trước mỗi trận đánh, anh em thường dặn nhau nếu hy sinh thì nhờ đồng đội chuyển cái nọ, thứ kia, về thăm nhà động viên bố mẹ, người thân của mình. Ngày chiến thắng, trời Điện Biên nắng như đổ lửa. Niềm vui vỡ òa, anh em ôm chầm lấy nhau mà khóc. Cờ hàng của địch trắng trời Điện Biên, cờ đỏ sao vàng của ta tự hào tung bay trong nắng gió.

Sau ngày đó, ông Đỉnh được phân công làm Chính trị viên Đại đội pháo cao xạ, rồi biên chế về Quân chủng Phòng không Không quân, đến năm 1971 thì nghỉ hưu. Trở về với đời thường, người lính Điện Biên năm xưa hăng hái tham gia các phong trào, hoạt động, tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, từ cán bộ tuyên giáo đến cán bộ văn hóa thông tin, rồi tham gia chi hội cựu chiến binh từ những ngày đầu thành lập, góp phần công sức phát triển tổ chức, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hà Thanh
(Đài Truyền thanh Vũ Thư)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày