Thứ 5, 01/08/2024, 03:26[GMT+7]

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng đào, nuôi cá cảnh và ong lấy mật

Thứ 3, 12/05/2015 | 14:39:04
1,904 lượt xem
Qua nhiều lần thay đổi từ tư duy đến cách làm, cuối cùng, ông Vũ Đình Văn ở tổ 3, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình quyết định gắn bó với công việc trồng đào, nuôi cá cảnh và ong lấy mật, thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/năm.

Ông Vũ Đình Văn thu được từ 25 - 30 lít mật ong trong một lần quay lấy mật.

 

Trước đây, gia đình ông Văn chủ yếu trồng đào phục vụ nhu cầu chơi tết của người dân. Đến năm 2000 ông bắt đầu nuôi cá vàng nhưng sau một thời gian ông nhận thấy nuôi cá vàng không có lãi bởi cá vàng háu ăn, ăn rất khỏe, lại không nuôi được mật độ dày, giữa năm cá không sinh nở, không có cá giống để tái đàn. Kết quả không được như mong đợi khiến ông Văn quyết tâm tìm hướng đi mới, mong sẽ cải thiện đời sống gia đình. Ông kiên trì tìm tòi, đọc tài liệu, đi tham quan, học hỏi những mô hình hay ở Nam Định, Hải Phòng, chắt lọc kiến thức và rút kinh nghiệm cho bản thân. Cùng thời gian đó, ông mạnh dạn đầu tư mua 2.000 đôi cá cảnh giống bố mẹ về nuôi thử nghiệm. Đàn cá phát triển khỏe mạnh, không bị dịch bệnh, sinh nở đều. Cá con nở ra được chăm sóc riêng, đến khi ổn định thả ra ao, nhờ vậy ông có cơ hội mở rộng hệ thống ao nuôi, không mất thêm chi phí cho việc mua cá giống bố mẹ.

 

Ao nuôi cá cảnh của gia đình ông Văn có diện tích 480m2 cùng 50m2 bể chứa cá phân loại khi xuất bán và 180m2 tráng bằng lưới, gồm 30 tráng chuyên dùng nuôi cá bố mẹ. Cá nuôi chủ yếu là cá tài phát, mây triều, hồng cam, ngựa vằn, hắc-mô-ni hay cá mặt trời, mặt trăng… Với kinh nghiệm nuôi cá cảnh của mình, ông Văn chia sẻ: Đây là những giống cá dễ nuôi, ít bị dịch bệnh. Một đôi cá bố mẹ có thể sinh nở hàng nghìn cá con trong một đợt. Riêng cá ngựa vằn và cá hồng cam lại đẻ trứng, vì thế cần tiến hành cho đẻ vào hộp xốp, sau đó bắt riêng cá bố mẹ, sử dụng sủi oxy từ 3 - 5 ngày trứng sẽ nở. Khi mới nở, cá con sẽ bám vào thành hộp xốp, trong vòng 3 ngày cá tự bơi được sẽ thả xuống ao. Chế độ ăn lúc này rất quan trọng, phải luộc trứng gà, bóp lòng đỏ với nước sạch, té đều xuống ao khoảng 4 - 5 lần sau đó mới cho ăn cám bột, sau nửa tháng có thể cho ăn cám viên. Mực nước trong ao duy trì khoảng 1,5m, có ống nhựa thông nước giữa các ao và phải bịt lưới hai đầu, tránh trường hợp cá sang ao lẫn lộn nhau. Trên bề mặt ao để khoảng 10m2 bèo lục bình (bèo bồng) giúp tránh nắng cũng như tránh rét cho cá. Cứ như vậy, sau 2 tháng là có thể xuất bán cá. Trung bình một ngày ông xuất bán ra thị trường từ 1.000 - 2.000 đôi cá cảnh. Ông Văn cho biết thêm, nuôi cá cảnh rất nhàn, chi phí thấp mà lãi lại cao, một năm chi phí khoảng 20 triệu đồng tiền cám, trong khi đó đầu ra luôn ổn định, được thương lái tới tận nhà thu mua. Thị trường tiêu thụ chính gồm Namon> Định, Hà Namon>, Hải Phòng, Hà Nội. Từ nuôi cá cảnh, gia đình ông Văn có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

 

Không dừng lại ở đó, ông Văn còn tự tìm tòi, học hỏi cách nuôi ong mật. Theo ông Văn, nuôi ong mật phải chọn đàn khỏe, một ong chúa khỏe có thể đẻ từ 500 - 800 trứng/ngày đêm, nên thay ong chúa 1 lần/năm. Diệt những con ong đực bằng cách cắt bỏ những mũ lồi ở phên ong cao hơn mũ ong thợ. Tổ ong nên làm bằng gỗ, vừa mát về mùa hè, ấm về mùa đông, lại dễ di chuyển, tổ ong nên cách nhau khoảng 2 - 2,5m. Hiện nay, trong vườn nhà ông Văn có 20 đàn ong, nuôi trong 20 thùng, mỗi đợt từ khi hoa nở đến khi hoa tàn (40 - 45 ngày), cứ 4 - 5 ngày lấy mật một lần. Trong một vụ hoa nhãn, vải nở, ông thu được 200 lít mật ong nguyên chất. Mật ong rất được ưa chuộng trên thị trường, với giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/lít ông thu về hơn 40 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông vẫn duy trì trồng đào phục vụ nhu cầu của người dân mỗi dịp tết đến xuân về, với 70 gốc đào to và 40 gốc đào nhỏ. Tổng thu của gia đình ông Văn lên tới 400 - 450 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 300 triệu đồng.

 

Nhờ quyết tâm, lòng kiên trì, tinh thần ham học hỏi, ông Văn đã trở thành ông chủ nuôi cá cảnh và ong lấy mật có uy tín. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Văn còn nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức của mình cho bất cứ ai có chung niềm đam mê.

 

Phạm Huế

  • Từ khóa