Thứ 7, 04/05/2024, 00:47[GMT+7]

Liên Giang - mảnh đất nghĩa tình

Thứ 2, 13/12/2010 | 13:40:50
3,087 lượt xem
Cách thị trấn Đông Hưng khoảng 4km về phía bắc, theo con đường láng nhựa, du khách sẽ dừng chân ở xã Liên Giang - một vùng quê trù phú, giầu truyền thống cách mạng, truyền thống văn hoá hiếu học, đậm nét nhân văn thắm đượm nghĩa tình.

Di tích lịch sử chợ Khô xã Hoa Lư - Đông Hưng

Diện tích đất đai tự nhiên của Liên Giang khoảng 5km2, có nhiều nhánh sông bao bọc chở nặng phù sa tắm mát ruộng đồng, cây cối tốt tươi 4 mùa hoa thơm cỏ ngọt.

 

Những năm tháng chống thực dân Pháp xâm lược, mặc dù phải sống trong vùng địch hậu có nhiều đồn bốt, ngày đêm bị địch vây càn bắn phá, nhưng người dân Liên Giang vẫn anh dũng kiên trung một lòng đi theo Đảng, bám đất bám làng, rào làng kháng chiến, để có hũ gạo nuôi quân, áo ấm mùa đông chiến sỹ, nuôi dưỡng che dấu cán bộ, bộ đội và chi bộ đảng hoạt động.

 

Có người khi bị địch bắt tra tấn cầm tù vẫn không khai báo nửa lời. Sau các đợt chống càn, người dân Liên Giang lại tần tảo một nắng hai sương trên đồng ruộng cung cấp lương thực, thực phẩm cho kháng chiến và tiễn chồng con ra trận.

 

Ngôi đền Sảnh tôn thờ Nam Hải Đại Vương và Thần y nam dược trầm mặc rêu phong hôm nay chính là địa điểm họp bí mật của chi bộ Đảng, nơi cất giấu tài liệu, vũ khí, cứu chữa thương binh hồi chống Pháp, đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận di tích văn hoá lịch sử.

 

Đền Quán giữa - câyđa đại thụ làng Ba Vì vẫn vươn cành toả bóng. Ngọn đa đã một thời là vọng gác tiền tiêu của dân quân du kích. Ở làng Ba Vì ngày đó, bọn địch làm sao hiểu được trong mỗi căn nhà tranh vách đất, mỗi góc vườn gốc cây rậm rạp là những căn hầm bí mật của các đồng chí cán bộ cao cấp quân đội về đây hoạt động chỉ đạo kháng chiến. Và còn nhiều địa danh khác gắn liền với những chiến công của dân quân du kích chiến đấu bảo vệ xóm làng đã được ghi đậm trong cuốn sơ thảo lịch sử Đảng bộ xã - như một bức thư dài lâu gửi lại hậu thế.

 

Hoà bình chưa được bao lâu, đế quốc Mỹ lại gây ra cuộc chiến tranh đẫm máu với đồng bào miền Nam và leo thang bắn phá miền Bắc. Thực hiện lời Bác dạy không có gì quý hơn độc lập tư do Liên Giang dốc lòng, dốc sức chi viện cho tiền tuyến để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

 

Cùng với cả nước người dân Liên Giang lại tay cày tay súng, vừa sản xuất vừa chiến đấu bắn trả máy bay địch. Và cảm động biết bao những người mẹ người vợ vì nghĩa lớn, lại một lần nữa động viên tiễn chồng con ra trận để nhận lấy sự vất vả, mất mát về mình.

 

Có những cô gái đã cống hiến tuổi thanh xuân trên dải Trường Sơn lấp hố bom mở đường thắng lợi. Khi trở về xuân sắc đã tàn phai vì thương tích bệnh tật. Có những người để lại một phần xương máu ở chiến trường, có người hy sinh trước giờ thắng lợi. Máu xương của các anh, các chị đã kết tinh thành hồn thiêng sông núi để đất nước hôm nay được nở hoa độc lập, kết quả tự do.

 

Sau ngày đất nước thống nhất, công trình đại nghĩa của huyện Đông Hưng được hình thành để đón nhận lớp lớp những người con của quê hương hy sinh trên các mặt trận vì lẽ sống còn của dân tộc. Trong số hàng ngàn hài cốt liệt sỹ của huyện quy tụ về đây, có 153 người con của xã Liên Giang được khắc tên trang trọng trên các bia đá. Ở xã Liên Giang ngoài 110 thương binh, bệnh binh còn có 35 trường hợp bị nhiễm chất độc da cam.

 

Thấu hiếu hoàn cảnh khó khăn và tri ân những người có công với nước thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, hàng chục năm qua, Đảng bộ và nhân dân Liên Giang đã triển khai thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với nước và làm tất cả những gì có thể để giúp các gia đình đối tượng chính sách yên tâm về vật chất, vui vẻ về tinh thần, có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống  trung bình của người  dân trong xã như ưu tiên ruộng đất tốt, ruộng gần đường dễ canh tác, miễn giảm  một số khoản đóng góp nông nghiệp, tìm tạo việc làm, phân công công tác cho anh em thương binh, bệnh binh, con liệt sỹ phù hợp với trình độ, sức khoẻ; thăm hỏi tặng quà nhân dịp lễ tết và ngày thương binh liệt sỹ 27/7.

 

Phối hợp với gia đình tiếp nhận đưa đón hài cốt liệt sỹ về nghĩa trang của huyện. Liên Giang còn tổ chức tốt các cuộc vận động nhân dân quyên góp tiền của ngày công, hiện vật xây tặng các ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách khó khăn.

 

Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2006 thể theo nguyện vọng của mọi người dân, cấp uỷ chính quyền xã Liên Giang còn triển khai thực hiện dự án xây dựng đài nhà bia lưu danh các anh hùng liệt sỹ của địa phương tại trung tâm của xã bằng nguồn ngân sách địa phương, sự đóng góp của nhân dân và những người xa quê. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Gia Vược, gia đình bà Nguyễn Thị Tuất, gia đình anh Nguyễn Sỹ Nghị... mỗi gia đình đã tự nguyện đóng góp từ 1,5 đến 2 triệu và 5 triệu đồng. Tiêu biểu như ông Nguyễn Đức Trâm - Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng Quyết Tiến đã tự nguyện ủng hộ 400 triệu đồng bằng 1/5 tổng giá trị công trình.

 

Cũng từ đây công trình đài nhà bia lưu danh các anh hùng liệt sỹ ở xã Liên Giang sẽ mãi mãi trường tồn với thời gian để thế hệ hôm nay và muôn đời sau người dân đến đây thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ của quê hương đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do dân tộc. Từ đó nhân lên niềm tự hào của mỗi người về truyền thống quê hương, tiếp tục đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, đẩy mạnh phong trào đại đoàn kết toàn dân xây dựng Liên Giang thêm giàu thêm đẹp - thắm đượm nghĩa tình.

                 Quang Nguyên

(Đài Phát thanh Đông Hưng - Thái Bình)

  • Từ khóa