Thứ 4, 30/04/2025, 10:49[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 Dũng Nghĩa - “rũ bùn” đứng dậy

Thứ 4, 12/08/2015 | 08:23:44
6,362 lượt xem
Dũng Nghĩa - mảnh đất cửa ngõ phía Tây của huyện Vũ Thư, trong những năm kháng chiến cứu nước, đây là một trong những địa chỉ đỏ cách mạng của Đảng với nhiều phong trào diệt bốt trừ gian và là vùng quê cách mạng kiên cường. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân Dũng Nghĩa đã ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp, trở thành 1 trong 8 xã đầu tiên của huyện Vũ Thư đạt chuẩn nông thôn mới.

Đổi mới trên quê hương Dũng Nghĩa. Ảnh: Ngọc Trâm

 

Ông Trần Sỹ Điều - lão thành cách mạng ở thôn Dũng Thúy Hạ khi kể cho chúng tôi nghe về quê hương những năm trước Cách mạng Tháng Tám thành công thỉnh thoảng lại rơi nước mắt và nghẹn ngào xúc động: Ngày đó, Dũng Nghĩa trở thành tâm điểm đánh phá của thực dân Pháp rồi đến phát xít Nhật. Vùng quê nghèo này càng kiệt quệ hơn với chính sách cai trị và sự vơ vét của phát xít Nhật. Đỉnh điểm là năm 1945, Dũng Nghĩa có tới trên 1.000 người (tương đương với 70% số dân của xã) chết đói và là địa phương có số người chết đói nhiều nhất huyện Vũ Thư. Rồi cuối tháng 8 năm 1945, cuộc sống của những người dân vừa trải qua nạn đói lại phải đối diện với lũ lụt vì đê Việt Hùng vỡ. Trong vô vàn khó khăn như thế, người dân Dũng Nghĩa vẫn kiên trì bám đất, bám làng và đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, tích cực đấu tranh chống phát xít Nhật và nổi dậy giành chính quyền từ tay thực dân, phong kiến vào ngày 22/8/1945. Đặc biệt, năm 1947, Chi bộ Dũng Nghĩa được thành lập, tinh thần yêu nước, cách mạng được nâng lên cao độ.

 

Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và cũng đầy đau thương ấy, 70 năm từ khi giành chính quyền về tay nhân dân nay đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cuộc sống mới. Ông Đỗ Ngọc Thuấn, thôn Trà Động cho biết: “Quê hương giờ đổi thay nhiều lắm. Rõ rệt nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Các khâu sản xuất đã từng bước cơ giới hóa thay sức người nên bà con nông dân đỡ vất vả hơn xưa rất nhiều, giá trị thu nhập cũng cao”. Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Dũng Nghĩa thực sự phát triển mạnh khoảng 10 năm trở lại đây. Đặc biệt, khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông, thủy lợi được bê tông hóa đã đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa, giảm chi phí trong sản xuất và xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, giá trị kinh tế từ sản xuất nông nghiệp của địa phương đã đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt có những mô hình gối vụ với công thức: lúa xuân - cây màu hè - lúa mùa - cây vụ đông cho thu nhập lên tới hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Nông dân Dũng Nghĩa còn chủ động phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Ở thôn nào cũng có mô hình VAC quy mô gia trại, trang trại cho thu lãi mỗi năm từ 100 - 300 triệu đồng. Với gần 50 gia trại, trang trại làm ăn hiệu quả đã đưa giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương đạt hơn 30 tỷ đồng mỗi năm.

 

Một trong những khâu đột phá trong phát triển kinh tế của Dũng Nghĩa thời gian qua chính là cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống. Địa phương đã chủ động phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các nghề như may công nghiệp, mộc, cơ khí…; động viên các nghệ nhân, người có tay nghề giỏi ở các làng nghề truyền thống truyền nghề cho nhân dân đã giúp lao động nông thôn tìm và tự giải quyết được việc làm. Hiện xã có trên 1.200 lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài huyện. Khoảng 1.000 lao động tham gia làm nghề tại địa phương với các nghề như: mộc, mây tre đan, cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm và làm chổi đót, cho thu nhập từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó phát triển thương mại, dịch vụ với trọng tâm là chợ Ngại để tiêu thụ nông sản, thực phẩm, sản phẩm làng nghề. Kinh tế của Dũng Nghĩa đã có bước tăng trưởng nhanh, năm sau cao hơn năm trước. Ước tính năm 2015, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 151 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2014 và tăng 105% so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 2%.

 

Từ một xã khó khăn và có số người chết đói nhiều nhất huyện, sau 70 năm bền bỉ phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, Dũng Nghĩa giờ đây tự hào khi trở thành 1 trong 8 xã đầu tiên của huyện Vũ Thư đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 4 năm so với Nghị quyết Đảng bộ xã đã đề ra. Hạnh phúc lớn nhất của người dân nơi đây chính là đời sống vật chất và tinh thần đổi thay từng ngày và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ngày thêm vững chắc.

 

Khắc Duẩn

(Đài Truyền thanh Vũ Thư)

 

"Tổng kết các cuộc kháng chiến, Dũng Nghĩa có 119 liệt sĩ, hơn 60 thương binh, bệnh binh, 18 bà mẹ được phong tặng Danh hiệu vinh dự nhà nước: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, 3 lão thành cách mạng, 250 người được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại, 24 người bị nhiễm chất độc hóa học và 167 gia đình có công với cách mạng…"

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày