Thứ 7, 03/08/2024, 19:13[GMT+7]

Vũ Vân khởi sắc đi lên

Thứ 3, 18/08/2015 | 08:36:56
5,010 lượt xem
Vũ Vân là xã duyên giang nằm ở phía Đông Nam huyện Vũ Thư. Cùng với các xã Vũ Hội, Song An, Việt Thuận, 85 năm trước, đây cũng là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng. Trọn một lòng đi theo Đảng, kinh tế - xã hội Vũ Vân từng ngày khởi sắc.

Người dân thôn Thái Sa đi trên con đường nông thôn mới.

Chúng tôi tìm đến nhà đảng viên 60 năm tuổi Đảng, cụ Nguyễn Viết Lệ, thôn Nhân Bình. Những năm tháng làm giao thông liên lạc cách mạng xưa dường như đã tôi luyện cho cụ sự dẻo dai và tinh anh lạ kỳ. Năm nay gần 90 tuổi, vậy mà cụ vẫn đeo kính đọc báo đảng và kể vanh vách chuyện thời sự xa gần. 70 năm đã trôi qua nhưng nhắc đến những năm tháng đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền, cụ vẫn hào hứng và sôi nổi như thời trai trẻ. Mắt cụ nhìn xa xăm như đang cố nhớ lại từng sự kiện, từng con người đã làm nên lịch sử quê hương…

Vân Môn, Thái Sa xưa (xã Vũ Vân ngày nay) là một trong những địa phương có phong trào cách mạng phát triển sớm của huyện Vũ Tiên. Ngay từ năm 1929, Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở thôn Vân Môn và Thái Sa được thành lập với 17 hội viên, vừa củng cố tổ chức vừa lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương. Tháng 4/1930, Chi bộ Đảng kết nạp được 2 đảng viên đầu tiên. Tháng 5/1930, đồng chí Hoàng Kỳ được phân công về dạy học tại nhà ông Đào Lý, thôn Vân Môn, vừa tuyên truyền giác ngộ cách mạng, vừa xây dựng các tổ chức hội quần chúng. Từ đây, phong trào cách mạng địa phương phát triển mạnh với các hoạt động treo cờ Đảng, mít tinh, biểu tình đấu tranh với bọn thực dân và cường hào gian ác. Lo sợ, thực dân Pháp và phong kiến tay sai điên cuồng đàn áp phong trào đấu tranh tại Vũ Vân. Tuy bị đàn áp dã man nhưng các phong trào ở Vân Môn ngày càng phát triển mạnh, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền. Năm 1944, Nhật - Pháp cấu kết với nhau bắt nhân dân nhổ lúa trồng đay đã gây ra nạn đói lịch sử năm Ất Dậu 1945. Vũ Vân có 2.355 người chết đói, 161 hộ chết đói cả nhà, cộng thêm ngập lụt do đê Mỹ Lộc bị vỡ, người dân chìm trong đói khổ lầm than. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Tổ đảng Vân Môn tổ chức nhiều hoạt động chống đói cho nhân dân, mặt khác xúc tiến thành lập đội tự vệ, chuẩn bị vũ khí khởi nghĩa. Những ngày giữa tháng 8/1945, không khí cách mạng sục sôi khắp nơi. Theo chỉ đạo của Chi bộ Đảng, sáng sớm ngày 22/8/1945, khoảng 30 đảng viên, quần chúng Vũ Vân tay cầm vũ khí gậy gộc, khí thế sục sôi tập trung tại đình Thuận An (xã Việt Thuận) kéo lên bắt tri huyện Ngô Ngọc Định phải nộp sổ sách, ấn tín, trao chính quyền về tay nhân dân. Sáng sớm ngày 23/8, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Vũ Vân nhất tề nổi dậy giành chính quyền. Cai quản đồn Trại Phong cùng 7 lính khố xanh và toàn bộ bộ máy cai trị tay sai phong kiến ở 2 thôn Vân Môn và Thái Sa đã phải trao trả chính quyền cho cách mạng, cuộc khởi nghĩa giành toàn thắng. Cờ đỏ búa liềm, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp làng quê Vũ Vân.

Sau khởi nghĩa giành chính quyền, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Vũ Vân tiến hành 80 trận đánh, tiêu diệt và làm bị thương 200 tên địch, tiễn đưa gần 1.000 thanh niên lên đường nhập ngũ, đóng góp cho chiến trường miền Nam 10.000 tấn lương thực, 900 tấn thực phẩm, góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Hàng nghìn người con Vũ Vân đã cống hiến, hy sinh, góp phần để đất nước nở hoa độc lập. Cùng với kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, người dân Vũ Vân tích cực thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Năm 1967, Đội thủy lợi Quang Trung của xã là lá cờ đầu toàn miền Bắc, vinh dự được nhận Cờ thi đua do Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng. Cũng từ phong trào này, chị Nguyễn Thị Mận, xã Vũ Vân là người phụ nữ duy nhất của huyện Vũ Thư vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Khu dân cư thôn Nhân Bình, xã Vã Vân.

Phát huy truyền thống Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ xã Vũ Vân lãnh đạo nhân dân tập trung phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Đến nay, năng suất lúa của Vũ Vân đạt 127 tạ/ha; xã có 76 trang trại, gia trại, tăng 25 gia trại so với 5 năm trước; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm, gấp 2,08 lần so với năm 2010; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9,62%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm, từ 12% năm 2010 hiện còn 5,7%. Trong 5 năm, xã đã đầu tư trên 7 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp các trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia mức độ I, từng bước tiến tới mức độ II. Xã có 81% số hộ, 70% số khu dân cư đạt danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Xã bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đảng lãnh đạo, chính quyền vào cuộc, nhân dân đồng thuận ủng hộ, nhờ đó Vũ Vân thu hút trên 25,1 tỷ đồng, trên 2.800 tấn xi măng xây dựng hàng loạt các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới như trường học, trạm y tế, cứng hóa trên 20km đường giao thông nông thôn. Đến nay, xã Vũ Vân đạt 15/19 tiêu chí, phấn đấu năm 2016 về đích nông thôn mới.

Dọc theo con đê tả sông Hồng được ví như huyết mạch của xã nhìn xuống, diện mạo nông thôn Vũ Vân ngày nay “thay da đổi thịt” với những công trình khang trang, cây cối trù phú, tốt tươi. Thành quả ấy bắt nguồn từ tinh thần dũng cảm, quật cường trong chiến đấu, đoàn kết xây dựng quê hương của người dân Vân Môn, Thái Sa xưa - Vũ Vân nay.

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa