Chủ nhật, 04/08/2024, 09:18[GMT+7]

Nơi Bác về thăm - Ngày ấy... bây giờ

Thứ 2, 07/09/2015 | 09:05:32
2,852 lượt xem
Ngày cuối cùng của năm 1966, tại nơi sơ tán, sau khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, huyện Vũ Thư và xã Tân Hòa, sáng ngày 1/1/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, động viên nhân dân và cán bộ tỉnh tại đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư. “Bác rất vui lòng thấy Thái Bình có nhiều tiến bộ. Bác mong các đồng chí và đồng bào phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.

Bác Hồ về thăm Hiệp Hòa (Vũ Thư). Ảnh tư liệu.

 

Hiệp Hòa ghi sâu lời Bác

 

Tại đình Phương Cáp, Bác khen nhân dân Thái Bình sản xuất giỏi, chiến đấu cũng giỏi. Bác căn dặn quân, dân Hiệp Hòa cùng với cán bộ và nhân dân trong tỉnh “phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.

 

Những lời động viên, khích lệ cũng như những mong muốn của Bác với nhân dân Thái Bình nói chung, nhân dân Hiệp Hòa nói riêng là động lực thôi thúc mỗi người dân và cán bộ, đảng viên bền bỉ phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc.

 

Nhà ông Ðặng Ðức Ảnh, nhân chứng được tham gia lực lượng bảo vệ tiếp cận Bác Hồ năm 1967 ở gần trụ sở UBND xã Hiệp Hòa. Anh Ðỗ Chí Ðịnh, cán bộ xã Hiệp Hòa vừa dẫn đường vừa tranh thủ giới thiệu: Ở xã thuần nông này, nhắc đến cụ Ảnh, từ già đến trẻ đều biết bởi vì đây là gia đình cách mạng. Bản thân ông Ðặng Ðức Ảnh là người mực thước. Hơn 90 tuổi đời, gần 70 năm tuổi đảng nhưng ông Ảnh còn rất minh mẫn, nhất là khi ai đó hỏi về kỷ niệm được gặp Bác Hồ.

 

Ông Ảnh kể, ngày Bác về thăm Hiệp Hòa ông mới là Ðảng ủy viên của xã. Trước ngày Bác về thăm có một đoàn cán bộ về làm công tác chuẩn bị. Gọi là chuẩn bị thôi chứ ngày đó đất nước còn nghèo, lại đang có chiến tranh nên tất cả đều giản dị. Riêng công tác phòng gian, bảo mật thì không đơn giản chút nào. Trong lúc nhân dân và cán bộ địa phương phán đoán thì Bác về. Bác dung dị, hiền từ như một ông tiên trong chuyện cổ tích bước ra. Ai cũng ngỡ ngàng. Vui vì được gặp Bác bao nhiêu lại càng xúc động, nghẹn ngào bấy nhiêu.

 

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, ngôi nhà mà ông Ðặng Ðức Ảnh đang ở chính là nơi thành lập Chi bộ Ðảng đầu tiên của xã Hiệp Hòa, ngày 2/9/1947. Bởi vậy mà với các thành viên trong gia đình ông Ảnh thì ngôi nhà này rất thiêng liêng. Giữa nhà là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và bàn thờ gia tiên. Tất cả đều được sắp đặt trang trọng. Ngoài ra, còn có một nơi không kém phần thiêng liêng khác, đó là tủ cá nhân được ông Ảnh trưng bày các kỷ vật về Bác Hồ. Thư chúc tết của Bác năm 1969 và 2 băng tang ngày Bác mất được ông Ảnh lưu giữ đến ngày nay.

 

Về Hiệp Hòa mà không thăm đình Phương Cáp thì coi như chưa biết, chưa hiểu Hiệp Hòa. Anh Ðỗ Chí Ðịnh nói với chúng tôi, còn hai nhân chứng đặc biệt từng được đón Bác Hồ về thăm Hiệp Hòa năm xưa mà ít người biết đến, đó là ông Ðỗ Xuân Thìn và ông Phạm Văn Thái.

 

Tiếp chúng tôi trong ngôi đình cổ, ông Ðỗ Xuân Thìn kể lại: Năm 1967, tôi là Ðội trưởng Ðội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Ðược tin Bác Hồ về thăm, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ cầm cờ, hoa đón Bác. Còn ông Phạm Văn Thái là người được đứng gần nghe Bác nói chuyện trong đình Phương Cáp. Kỷ niệm ngày Bác về thăm sẽ không bao giờ nhạt phai trong ký ức của mỗi nhân chứng như ông Ðỗ Xuân Thìn, ông Phạm Văn Thái.

 

Làng quê Hiệp Hòa. Ảnh: Thành Tâm.

 

Cảm động trước tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Bác, sau khi Bác về Hà Nội, chính tay ông Ðỗ Xuân Thìn đã viết tâm thư kính gửi Hồ Chủ tịch. Cho đến giờ, ông Thìn cũng không hiểu sao, lúc bấy giờ một cậu bé mới 16 tuổi như ông lại có thể viết được những dòng thư thấm đậm tình dân với lãnh tụ như vậy.

 

Còn với ông Phạm Văn Thái thì không bao giờ ông quên chi tiết đầy xúc động trong ngày 1/1/1967. Khi Bác chuẩn bị lên đường về Hà Nội có một người dân mang đến biếu Bác chùm dừa. Bác xúc động lắm nhưng Bác chỉ nhận một trái, còn lại Bác yêu cầu chia lại cho nhân dân.

 

Từ năm 1990, ông Phạm Xuân Thái được cử trông coi đình Phương Cáp. Ông Thái tâm sự: Trong đời mình, tôi có hai điều tự hào nhất. Một là được gặp Bác Hồ, nghe Bác huấn thị. Hai là được trông coi, hương khói tại đình Phương Cáp. Ðây vừa là nơi thờ Thành hoàng làng vừa là nơi thờ Bác Hồ và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp cùng những người con Hiệp Hòa ưu tú nhất đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho cuộc sống hạnh phúc của nhân dân.

 

Từ một Hiệp Hòa có hợp tác xã cao cấp đầu tiên trong hơn 30 hợp tác xã của vùng tả ngạn sông Hồng và là hợp tác xã kiểu mẫu với phong trào trồng cây, cấy căng dây thẳng hàng, cải tiến giống lúa mới, nay Hiệp Hòa đang chuyển mình trên đường đổi mới. Trong sản xuất nông nghiệp, xã khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tận dụng những vùng đất kém hiệu quả để phát triển đàn bò; tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được vay vốn mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, xã có 70ha nuôi trồng thủy sản, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhờ phát huy tốt tinh thần tự chủ, nhất là trong phong trào làm đường giao thông, Hiệp Hòa đã huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của người dân. Trên tinh thần tự nguyện, đến nay, người dân Hiệp Hòa đã góp hàng nghìn ngày công lao động, hiến đất, đóng góp khoảng 6 tỷ đồng, con em xa quê cũng ủng hộ 2 tỷ đồng làm đường giao thông.

 

Dù còn nhiều khó khăn nhưng chính quyền và nhân dân Hiệp Hòa luôn ý thức phấn đấu phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác: “làm cho Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Trong chuyến thăm Thái Bình năm 1967, cũng là chuyến thăm Thái Bình cuối cùng trước khi đi vào thế giới người hiền, Bác kính yêu của chúng ta cũng chỉ có một mong ước tột cùng là: “làm sao đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

 

Nói sao cho hết, kể sao cho hết, viết sao cho hết tình yêu thương của Bác đối với đồng bào Thái Bình! Chỉ biết rằng, hình bóng Bác, những lời dạy bảo ân cần, nghiêm khắc nhưng thân thương, giản dị mà sâu sắc của Bác trong 5 lần Người về thăm Thái Bình cho đến hôm nay và tận mai sau vẫn còn nguyên giá trị. Những lời dạy bảo của Bác, tình cảm đặc biệt của Bác đối với Thái Bình cũng như tình cảm kính yêu Bác vĩnh hằng trong lòng mỗi người dân. Mỗi khi nghĩ về Bác, lòng mỗi người lại trong sáng hơn. Như có bóng hình Bác ở bên nhắc nhở, động viên, khích lệ chúng ta ngẩng cao đầu, vững bước tiến lên!

 

Trần Nam

Ðài PTTH Thái Bình

  • Từ khóa