Thứ 4, 28/05/2025, 04:10[GMT+7]

Những người cộng sản kiên trung, bất khuất hy sinh trước lúc bình minh

Thứ 2, 21/09/2015 | 14:28:10
1,301 lượt xem
Sinh thời, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Ðảng (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người đảng viên, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Ðảng ta vĩ đại thật”. Người còn dẫn chứng: “Mới 15 tuổi, Ðảng ta đã làm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công”. Bác cũng nói đến sự hy sinh của các đảng viên “làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Chúng ta, những người đang sống và hưởng độc lập, tự do của đất nước xin nhắc lại một số tấm gương kiên trung, bất

Lăng mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy). Ảnh: Ngọc Linh.

 

Nguyễn Ðức Cảnh (1908 - 1932)

 

Nguyễn Ðức Cảnh quê ở làng Diêm Ðiền (nay là thị trấn Diêm Ðiền, huyện Thái Thụy). Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo, cha là Nguyễn Ðức Triết, đỗ cử nhân khoa Mậu Tý, Ðồng Khánh năm thứ ba (1888) rồi ra dạy học, mẹ là Trần Thị Thùy, quê ở Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng - vùng quê nổi tiếng với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ nhỏ, Nguyễn Ðức Cảnh đã được tiếp thu truyền thống yêu nước, hiếu học của quê hương. Năm 1926, khi đang học ở Trường Thành Chung (Nam Ðịnh), Nguyễn Ðức Cảnh đã tham gia các hoạt động yêu nước rồi tìm đường sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Về nước, Nguyễn Ðức Cảnh tham gia Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng và được phân công hoạt động ở Hà Nội. Khi gặp Nguyễn Công Toan, người xã An Ðịnh (nay là xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy), đồng chí đã tuyên truyền, giác ngộ và chính Nguyễn Công Toan là người đầu tiên tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng ở Thụy Văn.

 

Tháng 6/1929, Nguyễn Ðức Cảnh là một trong bảy người sáng lập Ðông Dương Cộng sản Ðảng. Sau ngày thành lập, Ðông Dương Cộng sản Ðảng thực hiện phong trào vô sản hóa, Nguyễn Ðức Cảnh đã đi xuống nhà máy vận động công nhân lập ra Công hội đỏ và là người lãnh đạo đầu tiên của tổ chức này (tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện nay).

 

Ngày 3/2/1930, Nguyễn Ðức Cảnh lại có vinh dự thay mặt cho Ðông Dương Cộng sản Ðảng tham gia thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, ông là thành viên sáng lập Ðảng. Nguyễn Ðức Cảnh cũng là Bí thư đầu tiên của tổ chức Ðảng ở Hải Phòng, Quảng Ninh.

 

Cuối năm 1930, Nguyễn Ðức Cảnh được cử vào Trung kỳ để tăng cường lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, được bầu vào Thường vụ Xứ ủy. Năm 1931, ông bị địch bắt ở thành phố Vinh, bị chúng kết án tử hình. Ngày 31/7/1932, thực dân Pháp đưa Nguyễn Ðức Cảnh về Hải Phòng thực hiện bản án. Nguyễn Ðức Cảnh ngã xuống ở tuổi 24. Những ngày cuối cùng trước khi bị địch sát hại, Nguyễn Ðức Cảnh viết “Tạ từ ngôn” gửi về cho mẹ, lời thơ chân tình và cảm động. Khi lên máy chém, ông còn hô vang những khẩu hiệu cách mạng.

 

Phạm Quang Lịch (1901 - 1937)

 

Phạm Quang Lịch quê ở làng Nam Huân (nay thuộc xã Ðình Phùng, huyện Kiến Xương), xuất thân trong một gia đình giàu có. Năm 1927, ông tham gia Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng, tháng 7/1929 tham gia thành lập Chi bộ Ðông Dương Cộng sản ở Nam Huân. Năm 1930, ông vạch kế hoạch chỉ đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Huân chống sưu thuế thắng lợi. Cuối năm 1930, sau cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải, ông bị địch bắt, kết án 20 năm khổ sai, đưa đi giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ðêm ngày 25/12/1932, ông vượt ngục Hỏa Lò, trở lại Thái Bình. Ðầu năm 1933, Phạm Quang Lịch đứng ra thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời và được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Trong thời gian tham gia lãnh đạo cách mạng ở Thái Bình, ông đã nhiều lần bán tài sản của gia đình ủng hộ cách mạng. Tháng 11/1933, ông bị địch bắt lại và đày lên nhà tù Sơn La. Do bị tra khảo tàn nhẫn, bị đày đọa, ho ra máu, ngày 30/3/1937 ông qua đời ở nhà tù Sơn La. Thi hài của ông được chôn cất tại một quả đồi cạnh nhà tù. Khi nhân dân thành phố Sơn La xây dựng nghĩa trang liệt sĩ nhà tù Sơn La, tên Phạm Quang Lịch đã đứng đầu trong danh sách trên bia.

 

Phạm Quang Thẩm (1905 - 1945)

 

Phạm Quang Thẩm quê ở làng Tân Tri Phong (nay là thôn Tri Phong, xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư), sinh trưởng trong một gia đình khá giả nên được học hành từ nhỏ. Ðến tuổi trưởng thành, ông được vào học sư phạm rồi ra dạy học tại huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình. Năm 1929 tham gia Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng, tháng 3/1930 được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Việt Nam, ông vừa dạy học vừa tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng. Tháng 3/1932, ông bị địch bắt, giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) rồi đày lên nhà tù Sơn La. Năm 1936, ông được ra tù, trở lại hoạt động tại quê nhà. Năm 1937, ông được bầu vào Ban Tỉnh ủy phụ trách phong trào Thư Vũ. Tháng 10/1939, ông bị địch bắt lần thứ hai, bị đưa đi giam ở nhà tù Nghĩa Lộ. Tháng 3/1945, Chi bộ nhà tù chủ trương phá ngục, Phạm Quang Thẩm được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho các đồng chí ra trước, còn mình rút sau. Ông đã giết chết một tên cai ngục người Pháp để các đồng chí mình vượt ra. Ông là người vượt ngục sau cùng và bị bọn lính coi ngục bắn chết, hôm đó là ngày 14/3/1945.

 

Phạm Quang Thẩm hy sinh song lịch sử huyện Vũ Thư không bao giờ quên ông. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Vũ Thư có khu du kích Quang Thẩm đã gây cho địch nhiều sóng gió. Ngày nay, một trường THPT trên địa bàn huyện Vũ Thư được mang tên ông.

 

Quách Ðình Thát (1911 - 1938)

 

Quách Ðình Thát là hậu duệ của Thám hoa Quách Ðình Bảo, một nhà “Thi lễ truyền gia”, người làng Phúc Khê (nay là thôn Phúc Khê Tiền, xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy). Năm 1927, Quách Ðình Thát tham gia Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng tại Trường Minh Thành, sau đó được bầu vào Ban Tỉnh bộ Thanh niên. Tháng 7/1929, ông gia nhập Chi bộ Ðảng Cộng sản Việt Nam tại Minh Thành rồi về phát triển đảng viên, xây dựng cơ sở tại quê nhà. Cùng năm, Thuyền Quan cũng phát triển được một số đảng viên, Chi bộ Thuyền Quan (nay thuộc xã Thái Hà, huyện Thái Thụy) - Phúc Khê ra đời do Quách Ðình Thát làm Bí thư. Ðây là chi bộ đầu tiên của phủ Thái Ninh. Từ 5 đảng viên đã phát triển lên 7 đảng viên. Ngày 12/4/1930, thực hiện chủ trương của Ðảng, Chi bộ Thuyền Quan - Phúc Khê phát động phong trào quần chúng đấu tranh buộc những nhà giàu có trong vùng phải cho vay thóc cứu đói. Bọn nhà giàu chống đối, báo lính phủ Thái Ninh về đàn áp. Quách Ðình Thát và một số người bị bắt, phạt tù 8 tháng. Chưa hết hạn tù thì cuộc đấu tranh của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà nổ ra ngày 1/5/1930 rồi đến cuộc đấu tranh của nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930. Bọn thực dân biết Quách Ðình Thát có liên đới đến các cuộc biểu tình trên, chúng đã đưa vụ án “Cộng sản ở Thái Bình” ra xét xử tại tòa. Quách Ðình Thát bị kết án 20 năm tù, bị đày ra Côn Ðảo, hy sinh tại đây vào năm 1938 khi mới 27 tuổi.

 

Trên đây là số ít trong những đảng viên kiên trung đã cống hiến trọn tuổi xuân của mình cho cách mạng (Nguyễn Ðức Cảnh hy sinh khi mới 24 tuổi, Phạm Quang Lịch hy sinh khi 37 tuổi). “Hoa độc lập, quả tự do” có xương máu của các liệt sĩ của Ðảng. Chúng ta, những người được hưởng độc lập, tự do phải sống sao cho xứng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước.

 

Phạm Minh Đức

Thành phố Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày