Thứ 6, 09/08/2024, 22:29[GMT+7]

Chuyện người mẹ ở làng Tử Tế

Thứ 2, 19/10/2015 | 12:48:30
4,400 lượt xem
Tôi được nghe chuyện đã lâu: làng Tử Tế, một trong những làng quê có từ rất lâu đời của xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương. Cái tên “ Làng Tử Tế” nghe thật ấn tượng. Trong làng có một bà mẹ cũng thật “đáng nhớ”. Một bà mẹ bình dị và kỳ diệu thì đúng hơn.

Tác giả (ngoài cùng bên phải) cùng gia đình bà Đỗ Thị Thế.

 

Bà là Ðỗ Thị Thế, sinh năm 1929, năm Ất Mùi bà bước sang tuổi 86. Bà Thế có khuôn mặt thanh cao, nhân hậu, vầng trán rộng, phẳng phất đôi nét một người có nghị lực, có chí. Thời gian đã se lại những nếp nhăn trên vầng trán  của bà, những nếp nhọc nhằn, lam lũ của một bà mẹ thôn quê. Cũng như bao bà mẹ nghèo ở Thái Bình, bà Ðỗ Thị Thế cảnh ngộ cũng vậy. Bà chịu thương chịu khó, sống hết lòng vì chồng, vì con. Nếu chỉ có những đức hạnh như vậy với một bà mẹ cũng đã đáng kính rồi. Với bà Ðỗ Thị Thế, lần đầu được nghe chuyện về bà, tôi thật xúc động và rất kính phục. Một bà mẹ nghèo giản dị, sống ở một làng quê thời bà cũng rất nghèo mà sinh được hai người con trai, nuôi dưỡng, dạy bảo cả hai đều trở thành tướng lĩnh trong quân đội, công an, đều là giáo sư, tiến sĩ.

 

Tôi gặp Trung tướng, Giáo sư Phạm Quang Cử - người con thứ hai của bà Thế,  anh cho biết: Chúng tôi có chút thành đạt như ngày hôm nay là do ảnh hưởng từ truyền thống gia đình, từ phẩm chất của người cha, đặc biệt là sự chăm lo, ân cần dạy bảo của người mẹ, sự giáo dục của nhà trường, của Ðảng và quân đội cùng sự giúp đỡ của anh em đồng nghiệp, cơ quan... Chúng tôi luôn trân trọng ghi nhớ và biết ơn những điều đó.

 

Qua câu chuyện người dân làng Tử Tế kể lại, chúng tôi càng hiểu thêm hoàn cảnh ra đời của những điều kỳ diệu. Những tố chất làm nên điều kỳ diệu ấy lại chính từ hoàn cảnh một gia đình nông dân nghèo bình dị, từ một người mẹ bình dị sinh ra và lớn lên giữa cái nôi của làng Tử Tế.

 

Làng Tử Tế hôm nay là một làng quê mẫu mực của xã Thanh Tân, một trong những xã nông thôn mới đầu tiên của cả nước, xã Anh hùng Thời kỳ đổi mới.

 

Làng Tử Tế hơn 50 năm trước là một làng quê nghèo, thuần nông, dân làng chân lấm, tay bùn, lam lũ quanh năm mà cơm vẫn không đủ no, áo vẫn không đủ ấm. Dân làng nhiều người phải phiêu bạt tứ xứ để kiếm sống. Ngày đó, bà Ðỗ Thị Thế ngoài 30 tuổi. Hoàn cảnh gia đình bà cũng rất gieo neo, khốn khó. Chồng bà, ông Phạm Lục, là du kích chống Pháp. Những năm hòa bình, ông tham gia công tác xã hội. Là một đảng viên vào Ðảng năm 1961, ông luôn có tinh thần trách nhiệm cao với mọi công việc. Làm phó chủ tịch rồi chủ tịch UBND xã Thanh Tân, đi suốt ngày. Công việc gia đình, gánh nặng tất cả đặt lên đôi vai người vợ.

 

Cơm nước, giặt giũ, chăm lo cho chồng yên tâm công tác, nuôi con học hành, công việc đồng áng... bà Thế làm quần quật từ sớm tinh mơ tới tận đêm khuya. Ngoài cấy lúa, trồng hoa màu, tháng ba, ngày tám bà còn tranh thủ làm hàng xáo, đi chợ kiếm thêm để nuôi các con ăn học. Ban ngày phơi mặt ngoài đồng, tối về xay thóc giã gạo tới nửa đêm. Trời mới vừa tang tảng sáng bà đã dậy gánh hàng đi bộ bảy cây số tới chợ ngồi bán. Vất vả là thế, bà chỉ lầm lũi làm.

 

Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, bà Thế còn rất trẻ, đã cùng với mẹ chồng (cụ Vũ Thị Hồi) đêm đêm đào hầm nuôi giấu, che chở cán bộ hoạt động cách mạng. Gia đình cụ Hồi ngày đó là một trong những nơi sinh hoạt bí mật của chi hội cách mạng cơ sở. Nhờ công lao đó, cụ Vũ Thị Hồi đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

 

Giáp tết năm Ất Mùi 2015, chúng tôi về làng Tử Tế thăm gia đình bà Ðỗ Thị Thế. Nhìn các con, các cháu vây quanh, tất cả đều phương trưởng, bà Thế vui lắm. Bà nở nụ cười rất tươi vẻ mãn nguyện. Quay sang tôi, bà nói:

Nhờ hồng phúc của tổ tiên cùng sự cố gắng của các cháu, sự giáo dục của nhà trường các bác ạ. Vợ chồng tôi nuôi dạy chúng có được là bao.

 

Sự chân chất, khiêm nhường của người mẹ (có được là bao) đã làm nên điều mà chính bà cũng không ngờ tới. Gia đình bà đã trở thành niềm tự hào của quê hương, của dân làng Tử Tế mỗi khi nhắc đến những người con của ông bà.

 

Người con cả là anh Phạm Tiến Luật, đảng viên, tình nguyện đi bộ đội từ năm 17 tuổi, hiện là Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Cục trưởng Cục Quân nhu, Bộ Quốc phòng.

 

Người con thứ của ông bà là Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Cử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần, Kỹ thuật, Bộ Công an. Không chỉ là một vị tướng, Phạm Quang Cử còn là thầy thuốc nhân dân, một nhà khoa học thực thụ, có những đóng góp đáng kể cho nền y học và xã hội. Anh đã nghiên cứu gần 70 công trình khoa học, trong đó có nhiều đề tài cấp bộ, cấp nhà nước. Nổi bật là anh đã góp phần cùng đồng nghiệp nghiên cứu thành công đề tài “con vi khuẩn gây ung thư dạ dày” có tác dụng thiết thực trong việc điều trị tế bào ung thư. Bốn người cháu nội ngoại của ông bà đều tốt nghiệp đại học, hai cháu đã trở thành Thạc sĩ.

 

Nói về công lao của mẹ, Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Cử tâm sự: Anh em tôi trưởng thành được là nhờ công lao dạy dỗ của cha mẹ. Mẹ tôi thường nói bố mẹ chẳng có gì cho các con, chỉ mong các con cố gắng học tập, sau này ra công tác, sao cho bằng anh, bằng em. Thấy anh em, con cháu tiến bộ, mẹ tôi rất mừng nhưng vẫn thường xuyên căn dặn: Các con cố gắng làm nhiều việc nhân nghĩa. Cái tâm có thiện, lòng mình mới sáng, phúc đức mới được dài lâu...

 

Những lời dạy bảo gan ruột của người mẹ như thế đã có ảnh hưởng giáo dục rất lớn. Các con, các cháu của ông bà Phạm Lục, Ðỗ Thị Thế thực sự là những người có hiếu, có tâm, họ đã và đang đóng góp to lớn, thiết thực cho Tổ quốc, cho quê hương.

 

Một người mẹ bình dị ở làng Tử Tế, xã Thanh Tân nuôi dạy các con trưởng thành, hữu ích như thế, công mẹ lớn vô cùng. Bất chợt, tôi nhớ tới lời thơ ý tình sâu sắc của nhà thơ M.Goorky: “Không có mặt trời thì hoa không nở./ Không có mẹ hiền, chẳng có anh hùng, chẳng có thi nhân”.

Minh Chuyên

Ðài Truyền hình Việt Nam

 

  • Từ khóa