Trên quê hương thứ hai
Ông Đoàn Văn Đạt (người thứ hai từ trái sang), chủ doanh nghiệp bánh đậu xanh Nguyên Hương giới thiệu với Hội đồng hương Thái Bình tại Hải Dương các kỷ vật của quê hương.
Người Thái Bình tạo sức sống mới cho bánh đậu xanh Hải Dương
Nguyên Hương, thương hiệu bánh đậu xanh đã nổi tiếng gần ba mươi năm nay đối với không chỉ người Hải Dương, người Thái Bình mà với người dân cả nước. Người Thái Bình khi muốn thưởng thức bánh đậu xanh Hải Dương cũng tìm đến với thương hiệu này song có lẽ không có nhiều người biết ông chủ của thương hiệu Nguyên Hương lại là một người con của quê hương Thái Bình. Sinh ra và lớn lên ở làng Sơn Đồng, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, năm 1960, khi là một chàng trai hơn hai mươi tuổi, ông Đạt sang Hải Dương làm nghề mộc tại một xí nghiệp nhỏ. Năm 1964, ông nhập ngũ, vào chiến trường B5 Quảng Trị chiến đấu. Sau thời gian phục vụ quân đội, năm 1970, ông trở về Hải Dương làm việc và sinh sống. Là người ngoại đạo nhưng do quý mến đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, một nghệ nhân đã giúp đỡ, truyền nghề làm bánh đậu xanh cho ông. Nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật với mong muốn giữ lại hương vị của bánh đậu xanh truyền thống, ông cũng đồng thời nâng cao và đổi mới một số phương diện trong sản xuất bánh đậu xanh, năm 1986, cơ sở bánh đậu xanh Nguyên Hương bắt đầu được tạo lập. Chỉ sau hơn một năm ra mắt sản phẩm, tại hội chợ thủ công mỹ nghệ toàn quốc đầu năm 1987, bánh đậu xanh Nguyên Hương đã được thưởng Huy chương bạc, năm sau được thưởng Huy chương vàng. Đây là phần thưởng cao nhất cho bánh đậu xanh Hải Dương kể từ sau ngày thị xã được giải phóng. Sau sự kiện này đã thúc đẩy việc phát triển và nâng cao chất lượng của bánh đậu xanh, một đặc sản của mảnh đất Hải Dương.
Tạo dựng nên thương hiệu, giữ vững và không ngừng phát triển thương hiệu đậu xanh Nguyên Hương vươn ra cả thị trường ngoài nước, ông Đoàn Văn Đạt được coi là người tiên phong trong việc khôi phục nghề làm bánh đậu xanh vào thời điểm đó đang có phần bị mai một. Sau sự mở đường của Nguyên Hương, hàng trăm tên tuổi của bánh đậu xanh khác cũng ra đời tạo nên một sức sống mới cho bánh đậu xanh như ngày nay. Tại Hải Dương, người Thái Bình được coi là khá thành công khi tiếp cận và thành công trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc sản địa phương vốn chỉ dành cho cha truyền con nối. Không chỉ có Nguyên Hương, một số cơ sở sản xuất bánh đậu xanh, bánh gai khá nổi tiếng như Minh Ngọc, Hữu Bình… cũng do người Thái Bình gây dựng và phát triển.
Góp sức xây quê hương mới, nặng lòng với quê cha
Theo khảo sát sơ bộ vào năm 1990, có khoảng 7.000 người Thái Bình sinh sống trên đất Hải Dương, đến nay, con số này tăng lên khoảng 3 lần, gia đình sinh sống lâu nhất là 7 - 8 đời. Trên mảnh đất Hải Dương, người Thái Bình hết mình góp công, góp sức xây dựng quê hương thứ hai và họ thành công trên nhiều lĩnh vực công tác. Có người đã trở thành lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và thành giám đốc, chủ doanh nghiệp lớn. Yêu quê hương mới nhưng không vì thế mà quên quê cha, đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tay trắng lập nên nghiệp lớn, ở tuổi xưa nay hiếm, ông Đoàn Văn Đạt không thích nói về việc sản xuất, kinh doanh mà quan tâm nhiều đến việc lưu giữ lại những kỷ niệm của quê hương, gia đình. Trong “bảo tàng” gia đình của mình, ông lưu giữ như báu vật những vật dụng hết sức đơn sơ, giản dị như cái tráp đựng đồ của ông nội, cái khăn quấn đầu của mẹ. Ông cho biết nếu không trân trọng kỷ niệm, không trân trọng quá khứ, cuộc sống của con người sẽ không còn ý nghĩa gì. Vì vậy, ông là người đặc biệt quan tâm và chú trọng đến vấn đề tâm linh và giúp đỡ người khó khăn. Tại quê hương Quỳnh Giao, ông đã đóng góp vật chất, tiền của trị giá nhiều trăm triệu đồng xây dựng đình, chùa Sơn Đồng; hỗ trợ xây nhà ở cho người khó khăn…
Thuộc thế hệ thứ hai sinh sống, lập nghiệp trên đất Hải Dương, anh Nguyễn Ngọc Bình cho biết, anh được sinh ra trên đất Hải Dương nhưng cụ thân sinh ra anh nặng lòng với quê cha vẫn đặt tên hai người con trai là Nguyễn Ngọc Thái và Nguyễn Ngọc Bình. Mới bắt đầu xây dựng cơ nghiệp và chưa nổi tiếng, quy mô sản xuất mới ở mức vừa và nhỏ với lĩnh vực sản xuất mũ bảo hiểm xe máy nhưng anh Nguyễn Ngọc Bình cũng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu mũ bảo hiểm Bezthai. Anh Bình cho biết bản thân trong nhãn hiệu Bezthai mà anh đang gây dựng cũng mang ý nghĩa trong đó có Thái Bình, nơi quê cha, đất tổ của mình.
Nằm trong quy luật phát triển thông thường, số gia đình, số người con Thái Bình sinh sống trên đất Hải Dương tăng dần qua mỗi năm. Trên quê hương mới, nhiều người đã rạng danh, nhiều người vẫn đang nỗ lực khẳng định mình. Nhưng với họ, những người con đang sinh sống và lập nghiệp xa, quê hương không chỉ là nơi một năm có vài lần về cúng giỗ, viếng mộ tổ tiên, ông bà mà luôn là nơi đau đáu nhớ về với tất cả những tình cảm yêu thương và trân trọng nhất trong cuộc đời.
Trần Thu Hương
Ông Ngô Hoàng Cầm, khu 2, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hải Dương
Quê tôi ở xã Vũ Tiến (Vũ Thư). Hơn nửa cuộc đời, tôi gắn bó với Hải Dương - quê hương thứ hai của tôi. Gia đình tôi có 8 người con. Giai đoạn đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, các con tôi nửa theo bố nửa theo mẹ đi sơ tán. Truyền thống hiếu học của quê hương, dòng họ là động lực quan trọng để chúng tôi cố gắng nuôi dạy, giáo dục các con trong những ngày gian khổ ấy. Thương bố mẹ, các con tôi đều cố gắng vươn lên trong học tập và học đến cao đẳng, đại học, hiện nay công tác trong các cơ quan nhà nước. Truyền thống hiếu học của quê hương, dòng họ, gia đình tiếp tục được truyền cho 13 cháu nội, cháu ngoại của chúng tôi. Các cháu đều chăm ngoan, học giỏi, học tại các trường đại học trong và ngoài nước. Đến nay, gia đình tôi đã có ba thế hệ sinh sống, học tập và công tác tại Hải Dương. Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức đưa gia đình về thăm quê hương, đây chính là cách giáo dục truyền thống tốt nhất để các con, các cháu thêm hiểu, thêm yêu và gắn bó với quê cha đất tổ. Ông Bùi Xuân Định, đường Điện Biên Phủ, thành phố Hải Dương
Quê tôi ở xã Đông Trung (Tiền Hải). Năm 1963, tôi về làm cán bộ Quân khu Tả ngạn. Hải Dương là mảnh đất chúng tôi sống và công tác nhưng tình cảm dành cho quê hương Thái Bình lúc nào cũng tha thiết. Năm 1990, ở Hải Dương có khoảng 7.000 người Thái Bình sinh sống và công tác, có những gia đình sang đây lập nghiệp được 7 đời, còn lại phần đông người Thái Bình sang Hải Dương trong kháng chiến. Chính từ suy nghĩ: “Dù ai cho bạc cho vàng/Không bằng gặp được người làng ở đây” đã tạo động lực cho tôi tìm gặp, kết nối đồng hương Thái Bình, cùng các đồng chí khác thành lập Hội đồng hương Thái Bình tại Hải Dương. Tôi thấy Hội đồng hương Thái Bình tại Hải Dương ngày càng lớn mạnh, đoàn kết, thống nhất, hoạt động hiệu quả. Nhiều người Thái Bình lập nghiệp, tạo dựng thương hiệu và thành công trên đất Hải Dương. Nhiều cán bộ quê Thái Bình được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương tín nhiệm phân công giữ các cương vị chủ chốt cấp tỉnh, cấp ngành, thể hiện được bản lĩnh, ý chí của người Thái Bình. Bà Trương Thị Minh Thiệu, khu dân cư số 9, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương
Năm 2000, gia đình tôi chuyển về thành phố Hải Dương sinh sống và tham gia Hội đồng hương Thái Bình tại Hải Dương. Hai vợ chồng tôi là cán bộ kháng chiến, tuổi cao nên thường xuyên đau ốm. Các đồng chí trong Hội đồng hương và lương y Trần Quang Sáng thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, khám chữa bệnh. Xa quê hương Thái Bình nhưng nhận được những tình cảm bao bọc của đồng hương trên quê mới, thực sự chúng tôi rất cảm động và thấy ấm lòng. Cho tôi gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Hội đồng hương Thái Bình tại Hải Dương, mong Hội ngày càng đoàn kết và phát triển.
Trịnh Cường |
Tin cùng chuyên mục
- Đưa Hưng Hà trở thành trung tâm kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh 28.01.2025 | 22:50 PM
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
-
Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
- Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội
- Đối thoại với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh
- Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- Khởi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế