Chủ nhật, 04/08/2024, 07:15[GMT+7]

Tỏa hương trên đất cằn

Thứ 6, 20/11/2015 | 08:33:45
739 lượt xem
Từng ngày, từng giờ phải “chiến đấu với tử thần” để giành giật sự sống, thế nhưng những năm qua, cô giáo trẻ Đỗ Thị Thu Hoàn (Trường Mầm non Trung An, Vũ Thư) vẫn nỗ lực vươn lên 5 năm liền đạt giáo viên giỏi cấp huyện. Cô như một bông hoa nhỏ lặng lẽ tỏa hương dẫu được trồng trên mảnh đất khô cằn, đá sỏi.

Cô Hoàn luôn động viên để các bé ăn hết suất.

Ước mơ trở thành cô giáo mầm non theo Hoàn từ những ngày còn tấm bé và càng mãnh liệt hơn khi cô học đúng chuyên ngành mình yêu thích. Ra trường mấy năm chưa xin được việc, bạn bè, người thân khuyên Hoàn chuyển nghề khác để làm cho thuận lợi nhưng cô vẫn kiên trì lóc cóc đạp xe đi dạy hợp đồng cho một số trường. Năm 2008, Hoàn chuyển về công tác ổn định tại Trường Mầm non Trung An. Được say sưa với những thiên thần nhỏ và có một tổ ấm yêu thương, niềm vui ngập tràn với cô giáo Hoàn. Nhưng hạnh phúc ngắn ngủi, năm 2009, khi mới ở tuổi 25, Hoàn phát hiện mình mắc căn bệnh quái ác Lupus ban đỏ hệ thống khiến cô bị tổn thương hầu hết cơ quan nội tạng như suy tim, tăng áp động mạch phổi, viêm thận… Căn bệnh này hiện không thể chữa khỏi và gây nhiều biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, ngoài giờ dạy, cô giáo Hoàn thường xuyên phải trực tiếp điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Từng ngày, từng giờ phải "chiến đấu với tử thần" để giành giật sự sống thế nhưng tình yêu, sự đam mê với nghề chưa lúc nào vơi bớt trong cô. Do điều kiện nhà trường ít giáo viên nên hầu hết mỗi lớp chỉ có một cô giáo vừa chăm sóc vừa dạy trẻ. Những năm trước, cô giáo Hoàn được phân công chủ nhiệm nhóm lớp 3 tuổi tại điểm trường thôn Bồn Thôn. Điều kiện trường lớp thiếu thốn, học sinh đông, các bé lại non nớt, thậm chí có cả các bé bị khuyết tật nên để chăm sóc trẻ tốt, cả ngày cô Hoàn hầu như luôn miệng, luôn cả chân tay. Bệnh của cô phải kiêng nước để tránh hoại tử các đầu ngón tay, ngón chân nhưng cô chẳng quản ngại giặt giũ, vệ sinh cho các bé. Đỗ Thị Thu Hoàn xúc động chia sẻ: Vì sức khỏe suy kiệt nên hầu hết bệnh nhân mắc bệnh như tôi đều phải nghỉ việc để dưỡng sức. Nhưng với tôi, hàng ngày được lên lớp, được nghe tiếng nói cười của trẻ, yêu thương chúng và cảm nhận được chúng yêu thương khiến tôi có thêm động lực để vượt qua bệnh tật. Có lẽ vì thế nên lúc ở trên lớp dù vất vả, mệt nhưng tôi thấy phấn khởi, còn đêm về hầu như không ngủ được vì hoạt động quá sức, khó thở, các khớp tay, khớp chân cứng đơ, đau nhức. Đôi khi tôi nghĩ, cuộc đời sao quá khắc nghiệt với mình. Nhưng rồi nghĩ lại, tôi có gia đình, bạn bè, đồng nghiệp luôn giúp đỡ, có cả những đứa trẻ đáng yêu, tôi lại tự mình vươn lên.

Tuy sức khỏe yếu nhưng với tinh thần tiền phong, gương mẫu của người đảng viên, cô Hoàn vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua do nhà trường và ngành phát động, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, sáng tạo làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, phát triển vận động cho trẻ mầm non. Cô đã chủ động đăng ký, tham gia hội thi, 5 năm liên tục đạt giáo viên giỏi cấp huyện. Cô giáo Nguyễn Thị Duyên, giáo viên Trường Mầm non Trung An cho biết: Đặc thù giáo viên mầm non rất vất vả. Giáo viên khỏe mạnh mà đôi khi còn thấy mệt và "oải", cô Hoàn chắc chắn còn cực khổ hơn nhiều. Thế nhưng cô Hoàn rất nỗ lực, không hề bê trễ các hoạt động thi đua của lớp, của trường. Cô vẫn chịu khó tìm tòi qua sách báo, mạng internet để nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp. Phải là người say mê, yêu nghề lắm mới làm được như thế.

Nghị lực vươn lên, đặc biệt là tình yêu thương con trẻ chân thành của cô giáo Hoàn đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng chị Vũ Thị Thúy, phụ huynh bé Nguyễn Vũ Hà Vy. Chị Thúy kể lại: Bé Vy bị câm, điếc bẩm sinh. Năm ngoái, tôi quyết định cho cháu đến trường. Khi đó, cháu rất yếu, 3 tuổi nhưng chỉ nặng có 8kg, lại không thể nghe, nói nên gia đình lo lắm. Cháu vào lớp cô giáo Hoàn, nhờ cô luôn dành tình yêu thương trìu mến, chăm sóc nên cháu hòa nhập với các bạn rất nhanh. Cân nặng của cháu cũng tăng dần, tinh thần chuyển biến tốt, về nhà cũng ê a như muốn hát. Đặc biệt, cháu rất thích đi học, ngày nghỉ cũng đòi đi học. Mỗi khi đưa con đến lớp, thấy cháu chạy ngay đến chỗ cô, sà vào lòng, ôm cổ cô, tôi thấy hạnh phúc và xúc động vô cùng. Trong lớp còn một cháu nữa bị khuyết tật vận động, cô Hoàn cũng yêu thương cháu như thế. Cô cứ lặng thầm chăm sóc các cháu nên chúng tôi không để ý, mãi sau này mới biết cô mắc bệnh hiểm nghèo khiến chúng tôi càng cảm phục cô hơn.

Cô giáo Bùi Thị Ngọt, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung An cho biết: Ngoài động viên, chia sẻ tinh thần, cán bộ, giáo viên nhà trường thay nhau đứng lớp, hỗ trợ cô Hoàn khi cô phải đi Hà Nội điều trị. Ngược lại, cô Hoàn rất nỗ lực, dù sức khỏe không tốt nhưng thành tích giảng dạy của cô luôn ở tốp đầu của Trường. Nhờ đóng góp của cô Hoàn và tập thể cán bộ, giáo viên, chất lượng dạy và học của Trường Mầm non Trung An từng bước được nâng lên, Trường đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn I.

Không chỉ giỏi việc trường, cô Hoàn còn là người phụ nữ đảm việc nhà. Tuy sức khỏe yếu nhưng cô luôn chủ động sắp xếp chu đáo công việc gia đình, tự tay chăm sóc chồng con. Biết mình bị suy tim nặng, có thể nguy hiểm tính mạng nếu sinh em bé nhưng tình yêu với chồng và khao khát có thêm thành viên nhí thứ hai khiến cô quyết tâm thực hiện thiên chức làm mẹ. Sau bao hiểm nguy, vất vả, thành quả của gia đình cô Hoàn là một bé gái hiện ba tháng tuổi. Sức khỏe của cô giảm sút đáng kể sau khi sinh, không thể nuôi con bằng sữa mẹ thế nhưng cô chưa từng ân hận về quyết định mạo hiểm của mình.

Tạm biệt cô giáo Đỗ Thị Thu Hoàn, trong lòng chúng tôi trào dâng sự cảm phục về niềm tin, nghị lực mãnh liệt của cô giáo trẻ. Dẫu sự sống mỏng manh nhưng trái tim nhỏ bé, yếu ớt ấy vẫn luôn cháy hết mình cho tình yêu và niềm đam mê với sự nghiệp trồng người.

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa