Thứ 5, 08/08/2024, 00:21[GMT+7]

Nửa thế kỷ lưu lạc

Thứ 3, 01/12/2015 | 09:14:01
1,431 lượt xem
Bà con họ Bùi, thôn Đại Lai rất đỗi mừng vui được đón một người con của dòng họ ra đi từ hơn nửa thế kỷ, nay đường đột trở về. Đó là ông Bùi Văn Kệch, 77 tuổi. Nhìn ông đôi mắt mờ bạc, tâm tưởng lơ mơ, giọng lắp bắp, thân hình lọm khọm với một vết sẹo sâu hoắm trên đỉnh đầu, mọi người cũng phần nào hiểu được vì sao mãi tận cuối đời ông Kệch mới lần tìm được về quê mẹ.

Diện mạo mới thôn Đại Lai, xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình. Ảnh: Ngọc Linh

Ông sinh ra ở làng Đại Lai, xã Phú Xuân (Vũ Thư), nay thuộc thành phố Thái Bình. Cái làng quê ngày xưa ông ra đi nghèo lắm, đồng trắng nước trong, lối ngõ lầy lội, nhà cửa điêu tàn. Nay về, cánh đồng đầy ắp màu xanh, đường làng trải nhựa thẳng băng, phẳng lì. Nhà xây mái ngói, mái bằng san sát, cao ngất bên đường khiến ông không nhận ra dấu vết làng xưa. Tên tuổi ông dân làng chẳng mấy ai còn nhớ, có ai đó nhắc tới thì cũng cho rằng ông đã về thế giới bên kia từ lâu lắm rồi. Người ta thấy bát hương thờ có tên Bùi Văn Kệch ở góc chùa làng, cũng đã lâu lắm rồi.

Ngồi bên ông hôm nay, mấy người cùng thời hồi ấy nhớ lại cái ngày đêm làng vây quanh vòng trong, vòng ngoài tiễn đưa anh thanh niên Bùi Văn Kệch đẹp trai, trắng trẻo vào bộ đội lên đường Nam tiến, nay trở về đã thành một ông già. Bố mẹ ông đã khuất, anh em ruột thịt chỉ còn lại vài người. Dân làng ngày ấy cũng vắng bóng. Ông Nguyễn Văn Ngật, người bạn thân cùng xóm, cùng tuổi đặt tay lên vai ông, cảm kích nói với mọi người:

- Tôi với ông Kệch đây trước ngày chơi thân với nhau. Tối tối, ông thường đến nhà ngủ chung với tôi. Cuối năm 1945, ông tình nguyện vào bộ đội Việt Minh rồi lên đường Nam tiến.

Ông Ngật nói tiếp:

- Hôm tiễn ông ra đi, cũng tại căn nhà này, dân làng, bè bạn đến rất đông. Thấy tôi ứa nước mắt, ông nắm chặt tay tôi và bảo: Mình đi dăm ba năm rồi về, nếu cậu chưa lấy vợ, mình lại đến ngủ chung với cậu mà! Ai ngờ ông đi một mạch, 53 năm sau mới về làng.

Bà Nguyễn Thị Để, em dâu ông hồi tưởng lại lần cuối cùng hai anh em gặp nhau, bà nói:

- Bấy giờ vào khoảng cuối tháng 11/1945, tôi và ông Bản đây đang kéo xe qua ngã tư thị xã Thái Bình thì có người gọi. Chúng tôi dừng lại, thấy hai chiếc xe ôtô chở đầy bộ đội đậu ở bên đường, mấy anh bộ đội vẫy tay, chúng tôi đi tới. Nhìn thấy người làng, anh Kệch nhảy từ trên xe xuống ôm chặt lấy ông Bản và nói: Cậu ở lại nhé. Xe chở bọn mình Nam tiến đó. Rồi ông quay ra dặn tôi: Em ở nhà trông thầy bu giúp anh nhé. Khi thầy bu già yếu, anh sẽ về. Nhất định anh sẽ về!

Bà Để quay về phía ông Kệch, lau nước mắt, giọng nghẹn lại: Anh ơi! Vậy mà khi thầy bu già yếu, anh lại không về. Lúc sắp nhắm mắt, bu bắt em đi tìm anh, chúng em không biết anh ở đâu mà tìm. Sao anh không về anh ơi...

Bà òa khóc. Ông Kệch vẫn im lặng ngơ ngơ nhìn mọi người. Từ đôi mắt mờ bạc của ông bỗng ứa ra hai giọt nước.

*

* *

Bức thư của Hội Cựu chiến binh xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định do anh Bốn Bông ký tên gửi ra là đầu mối để gia đình tìm đến địa chỉ nơi ông Kệch nương tựa trong quãng đời tuyệt vọng nơi đất khách quê người. Lần theo địa chỉ trong thư, người em trai và người cháu ruột của ông là Bùi Văn Tuyết và Bùi Văn Thành đã tức tốc lên đường vào xã Cát Tường đón ông Kệch.

Hai bên đường về quê hương Phù Cát những rặng dừa xanh tỏa bóng, trĩu quả, những miệt vườn hoa trái xum xuê. Cả đời gắn quyện với quê lúa Thái Bình, lần đầu đặt chân lên đất Bình Định, ông Tuyết không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này - mảnh đất vừa hồi sinh qua một cuộc chiến tranh tàn khốc. Những ngôi nhà xúm xít, những cánh đồng xanh ngát, những con đường mới mở, những nhà máy, công trường tấp nập..., tất cả đều bắt đầu xây dựng sau ngày đất nước sạch bóng quân thù. Vào đây, được gặp những tấm lòng nhân ái, cao thượng của người dân Cát Tường làm ông Tuyết cảm kích mãi khôn nguôi.

Đêm ấy, tại gia đình anh Sáu Út, người nuôi dưỡng, cưu mang Bùi Văn Kệch dân làng An Xuân, xã Cát Tường đến rất đông vì họ biết tin ông Kệch có người nhà ngoài Bắc vào đón. Trong căn nhà đơn sơ, chật hẹp mà lòng người rộng mở mênh mông. Quanh ấm trà ấm áp, mọi người ôn lại những ngày đầu đón ông Kệch về đây. Những ông bà tuổi sáu bảy mươi được chứng kiến buổi tiếp nhận ông Kệch về làng đã kể lại tỉ mỉ những biến cố trong cuộc đời phiêu bạt của ông. Qua họ, qua các anh Sáu Út và Bốn Bông trưởng thôn, người em và người cháu ruột của ông Kệch vào đón mới rõ ngọn nguồn vì sao ông không tìm được về gia đình, vì sao ông lại "neo buộc" cuộc đời ở mảnh đất nhân nghĩa này, vì sao lúc lên đường ông Kệch hứa với mẹ: "Con đi đánh giặc vài ba năm là con về", thế mà mãi tận 53 năm sau ông mới về quê mẹ thì mẹ lại không còn.

Vào khoảng cuối tháng 12/1949, dân làng kể: Sau trận chiến đấu diễn ra quyết liệt giữa bộ đội Việt Minh và quân địch tại làng An Xuân, xã Cát Tường, trong lúc mọi người đang xao xác, hốt hoảng vừa thoát khỏi cảnh quân địch càn quét vào làng, tàn sát dã man người dân lương thiện, bỗng có hai anh bộ đội cáng một chiến sĩ đầu quấn băng trắng, máu loang đỏ, bất tỉnh đến bên mọi người. Một anh bộ đội từ tốn nói:

- Thưa dân làng, thưa bà con, chúng tôi là chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn... Trong trận chiến đấu đêm qua, một số anh em hy sinh. Chiến sĩ Bùi Văn Kệch bị thương rất nặng. Vì đơn vị còn phải tiếp tục chiến đấu nên chúng tôi xin gửi lại, nhờ bà con dân làng chăm sóc, chữa trị giúp. Sau chiến dịch này, đơn vị chúng tôi sẽ quay lại đón anh Kệch.

Một già làng đỡ anh chiến sĩ và bảo:

- Các chú đã vì nhân dân mà phải đổ máu, cớ gì chúng tôi không giúp. Các chú cứ yên tâm đi làm nhiệm vụ. Chú chiến sĩ bị thương này, dân làng chúng tôi sẽ có trách nhiệm. Chúng tôi sẽ chữa trị vết thương và chăm sóc chú ấy.

Mọi người xúm lại khiêng anh Kệch vào trong nhà. Từ đó, anh được sống trong vòng tay yêu thương đùm bọc của bà con cô bác làng An Xuân. Dân làng ở đây nghèo đói, thiếu thốn nhưng tình người thì không thiếu. Họ góp gạo, góp tiền, người mua thuốc chữa trị vết thương, chữa bệnh. Mọi người thay nhau nuôi dưỡng, trông nom, tắm giặt cho anh. Được thuốc men và chăm sóc chu đáo, vết thương của anh dần dần lành lại, sức khỏe cũng dần dần được phục hồi. Nhưng ác thay, mảnh đạn sâu hoắm trên đỉnh đầu đã để lại di chứng rất nặng nề, cướp mất âm thanh giọng nói và trí nhớ của anh. Kệch trở thành người vô thức, vô lời. Anh quên hết mọi thứ. Bố mẹ, anh em ruột thịt và cả vợ con, làng xóm, anh chẳng còn nhớ gì. Trước mặt anh chỉ còn một thế giới hiện tại với những con người giàu lòng nhân ái của làng An Xuân mà chính anh cũng chẳng biết họ là ai, ở đâu. Quá khứ đã bị xóa sạch trong sự im lặng và quên lãng. Vì thế, ngày ngày sống bên anh, dân làng chỉ nhớ anh ở miền Bắc. Quê anh ở làng xã nào? Bố mẹ là ai, còn hay mất? Vợ con anh ra sao, anh em ruột thịt ở đâu? Không một ai biết được quá khứ của anh. Dân làng An Xuân chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy đơn vị anh quay lại đón. Về sau mọi người mới hay: Sau trận đánh tại làng An Xuân, đơn vị của Bùi Văn Kệch tiếp tục bước vào những trận chiến đấu mới, gay go, quyết liệt hơn. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đều hy sinh. Cả hai chiến sĩ khiêng Kệch gửi lại dân làng cũng không còn. Số ít người còn sống bị thương, rồi thuyên chuyển mỗi người mỗi nơi. Đơn vị không còn, chẳng còn ai nhớ tới anh chiến sĩ gửi lại ở làng An Xuân, xã Cát Tường ngày xưa. Rồi năm tháng qua đi, chiến tranh chống Pháp vừa dứt, đế quốc Mỹ lại ồ ạt xâm chiếm miền Nam. Bùi Văn Kệch vẫn âm thầm, lặng lẽ sống với dân làng và anh trở thành người dân thường của làng An Xuân. Một người dân tật nguyền. Có người gọi ông là ông hai câm.

*

* *

Tuy bị thương nặng, vô thức và không nói được thành lời nhưng ngày đầu tuổi còn trẻ, Bùi Văn Kệch vẫn đi lại và làm lụng được. Anh rất chịu khó. Dân làng bàn cách lập cho anh một cái nhà riêng. Người góp công, góp tiền, người góp vật liệu, tre, nứa dựng cho anh một căn nhà hai gian. Cắt cho anh hai sào ruộng và thay phiên đến cày, cấy, gặt hái giúp anh. Rồi mọi người vun vén lập cho anh một tổ ấm gia đình. Ông Tư Hiền cùng tuổi, ngày ngày thường qua lại chơi với anh cho biết:

- Ngày ấy, dân làng định cưới cho cậu ấy một người vợ. Nhưng khi nói đến chuyện vợ con, cậu ấy chỉ lảng đi, thỉnh thoảng lại lắc đầu. Hình như có lúc cũng biết nhưng không nói nên lời. Một hôm tôi bảo: Này, lấy vợ đi. Lấy vợ để sau này già yếu có người nâng đỡ. Cậu ấy lắc lắc.

(còn nữa)

Bút ký của Minh Chuyên
(Đài Truyền hình Việt Nam)

  • Từ khóa