Thứ 3, 23/07/2024, 06:14[GMT+7]

Kỷ niệm 790 năm Vương triều Trần (1225 - 2015) Xây chắc thành lũy trong lòng dân

Thứ 2, 14/12/2015 | 09:52:42
2,042 lượt xem
Bài học lịch sử cho thấy: Nhà Trần không chỉ xây dựng thành lũy kiên cố mà còn hết sức chăm lo xây dựng thành lũy vững chắc trong lòng dân nên đã ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dâng hương tại Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam.

Hơn 700 năm trước, cả thế giới kinh hoàng về họa Tác-ta (giặc Mông Cổ) quân của Thành Cát Tư Hãn khi chúng lướt vó ngựa viễn chinh tàn phá hết nước này đến nước khác, từ Thái Bình Dương đến tận Hắc Hải, khắp Á, Âu chưa có một quốc gia nào, danh tướng nào cản được. Vậy mà ở miền Đông Nam châu Á nhỏ bé, giặc Tác-ta đã phải kinh hồn lạc phách trước ý chí chiến đấu và tài nghệ quân sự tuyệt vời của quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy thiên tài của Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Công lao to lớn của Vương triều Trần là ba lần (1258, 1285 và 1288) chiến thắng giặc Nguyên Mông (lần thứ nhất 5 vạn quân, lần thứ hai 60 vạn quân, lần thứ ba 50 vạn quân), khiến cho Thoát Hoan - chủ tướng của giặc phải chui vào ống đồng cho quân kéo chạy qua biên giới mới thoát chết, lập nên những chiến công lừng lẫy ở Đông Bộ Đầu, Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Vạn Kiếp, Vân Đồn và cuối cùng là Bạch Đằng Giang, đánh tan ý chí của quân xâm lược.

Từ kháng chiến chống giặc Nguyên Mông hung bạo, Vương triều Trần đã xuất hiện những bậc minh quân như Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, những bày tôi lương đống như Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng... Xưa nay, có mấy ai, khi đất nước lâm nguy, tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" lại dám mang đầu ra chịu trách nhiệm với vua, với nước: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!" - lời khảng khái của Thái sư Trần Thủ Độ; hay "Bệ hạ muốn hàng, trước hết hãy chém đầu thần đã" - câu nói của Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn... và còn rất nhiều tướng lĩnh trung thành và tài giỏi như Trần Bình Trọng, người đã quát vào mặt giặc: "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc"; Trần Quốc Toản, 16 tuổi, không được dự hội nghị quân sự Bình Than, căm thù giặc tay cầm quả cam bóp nát lúc nào không biết, nổi danh với lá cờ thêu sáu chữ vàng: "Phá cường địch, báo hoàng ân", lập được nhiều chiến công hiển hách và đã anh dũng hy sinh để báo đền ơn nước. Vương triều Trần với 175 năm trị vì đất nước (1225 - 1400) đã xây dựng Đại Việt trở thành quốc gia hùng mạnh ở khu vực Đông Nam Á, để lại những bài học vô cùng quý báu: "Làm con phải chí hiếu. Làm tôi phải tận trung. Làm quan phải trong sạch" và di huấn: "Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước chung sức".

Đại lễ giỗ tổ họ Trần Việt Nam năm 2015.

Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, quý trọng hiền tài, sử dụng hiền tài là chính sách nhất quán của Vương triều Trần. Đó là tiếng hô "quyết đánh" của bô lão cả nước tại hội nghị Diên Hồng, hội nghị dân chủ đầu tiên và duy nhất dưới các triều đại phong kiến Việt Nam. Đó là lời hịch tướng sĩ của Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn có sức lan tỏa mau chóng, rộng khắp cả nước, tới cả những nơi thôn cùng xóm vắng, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước với những tiếng hô "sát Thát" của triệu triệu thanh niên xung trận khí thế như triều dâng thác đổ, quyết đánh tan giặc Nguyên Mông. Sau khi đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, nhà Trần đã lấy đức hiếu sinh tha cho hàng vạn tướng sĩ của giặc bị quân dân ta bắt sống như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc; thiên hộ, vạn hộ của chúng được nhà Trần cấp lương thực, phương tiện để về nước; sau đó, nhà Trần lại cử sứ thần sang giao hảo để dập tắt chiến tranh.

Vương triều Trần đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Ngoài việc mở trường Quốc Tử Giám ở kinh đô Thăng Long còn khuyến khích các nhà nho mở trường dạy học ở các làng xã cho mọi lứa tuổi. Khoa thi năm Đinh Mùi (1247) dưới triều Trần Thái Tông, cả ba vị tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) đều trẻ tuổi: Nguyễn Hiền, 13 tuổi, trạng nguyên nhỏ tuổi nhất nước, được vua Trần Thái Tông phong làm Thượng thư Bộ công, đã sáng chế ra các loại súng bắn đá và hỏa pháo góp phần đắc lực vào kháng chiến chống giặc Nguyên Mông; Lê Văn Hưu, 17 tuổi đậu bảng nhãn, sau trở thành nhà sử học đầu tiên của đất nước với bộ quốc sử "Đại Việt sử ký"; Đặng Ma La, 14 tuổi đậu thám hoa, làm quan đến chức Thẩm hình viện. Không chỉ luyện tập võ nghệ, binh thư, binh pháp để đánh giặc giữ nước, con cháu họ Trần còn chăm chỉ học hành nên họ Trần là một trong ba dòng họ có nhiều người đỗ đại khoa với 7 vị trạng nguyên và 182 tiến sĩ.

Hoạt cảnh chèo "Long Hưng - Khúc khải hoàn ca" tại lễ hội đền Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà).

Trong ba cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông hung bạo và mạnh nhất thế giới ở thế kỷ XIII, nhà Trần không chỉ xây dựng thành lũy kiên cố mà còn hết sức chăm lo xây dựng thành lũy vững chắc trong lòng dân vì nhà Trần đã thấy rõ sức mạnh vô địch của toàn thể nhân dân nên đã thực hiện kế sách khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã dâng lên Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông "Phú quốc cường binh sách", đã được thực hiện và trở thành quốc sách: Các vương hầu, tôn thất, quan lại, nhà giàu có dành một phần ruộng đất, kể cả công điền để bán chịu cho nông dân, để mọi người đều có ruộng đất, công ăn việc làm, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Chính sách ấy được thực hiện một cách triệt để nên nhân dân đều hồ hởi, các cụ già tám chín mươi tuổi đều nói: "Từ thượng cổ chưa có lệ này, chưa bao giờ vua lại lo cho dân nhiều đến thế". Nhà nhà có ruộng, người người chăm lo cấy cày, chăm bón, lúa tốt chưa từng thấy, thóc không còn chỗ chứa, nhân dân thực sự hạnh phúc, ấm no.

Lệnh vua ban khắp nước tiến cử người tài, cả văn lẫn võ đều được tuyển dụng vào việc quân, cả nước mở hội thi võ. Khắp bốn phương, trai tráng ra sức rèn võ nghệ. Nhà nước thực hiện chính sách "ngụ binh ư nông", cứ sáu tháng thay phiên nhau nhập ngũ luyện tập rồi lại về làm ruộng. Với những chính sách hợp lòng dân như vậy, khi quân Nguyên Mông kéo vào xâm lược nước ta, toàn dân ra sức đánh giặc, đồng lòng thực hiện kế sách vua ban: Khi giặc đến mọi người đều phải đánh giặc, không đánh được thì rút vào rừng ẩn nấp, lương thực, thực phẩm phải cất giấu không cho giặc cướp được. Với kế sách đó, quân dân Đại Việt đã ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông hung bạo.

Bài học lịch sử cho thấy: Nhà Trần không chỉ xây dựng thành lũy kiên cố mà còn hết sức chăm lo xây dựng thành lũy vững chắc trong lòng dân nên đã ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Về sau, Nguyễn Trãi đã viết: "Chúng chí thành thành", nghĩa là: "Ý chí của dân là thành trì giữ nước kiên cố nhất".

Ở thế kỷ XX, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng được thành lũy vững chắc trong lòng dân nên đã đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, là minh chứng hùng hồn, khẳng định một sự thật: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen Phó Chủ tịch thứ nhất Ban Chấp hành  họ Trần Việt Nam

"Đại hội đại biểu họ Trần Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiến hành trong bối cảnh đất nước sau 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và đang có những bước đi vững chắc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Với sự tham gia của hơn 3.000 đại biểu ưu tú, xuất sắc tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu hội viên họ Trần toàn quốc, Đại hội là sự kiện trọng đại của các thế hệ con cháu họ Trần, nguyện phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, của các vương triều Trần và hào khí Đông A trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hào khí Đông A muôn đời tỏa sáng.

Đại hội bày tỏ lòng thành kính và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch danh dự Ban Liên lạc họ Trần Việt Nam. Đại hội bày tỏ lòng thành kính và tri ân tổ tiên họ Trần đã xây dựng "Thời Trần văn giỏi, võ nhiều/Ngoài dân thịnh vượng, trong triều hiển minh"; ghi nhớ công lao của các thế hệ con cháu họ Trần trong cả nước đã phát huy hào khí Đông A và truyền thống họ Trần Việt Nam, phấn đấu gian khổ, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành họ Trần Việt Nam, bà con họ Trần cả nước đã đoàn kết xây dựng dòng họ phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, cùng với bách gia trăm họ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện tốt các phong trào khuyến học, khuyến tài, các hoạt động tình nghĩa... Nhiều tập thể, cá nhân thành đạt, được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu, phần thưởng cao quý.

Bước vào thời kỳ mới, đứng trước nhiều thời cơ, vận hội lớn nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, với tinh thần "Đoàn kết, đồng thuận, đổi mới, phát triển", trên cơ sở tập trung trí tuệ, đổi mới tư duy, Đại hội sẽ kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2010 - 2015; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới; thảo luận, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động của họ Trần Việt Nam; lựa chọn những người thật sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, có uy tín, trách nhiệm và tâm huyết với dòng họ để bầu vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2015 - 2020, đáp ứng niềm tin, sự mong đợi của hàng triệu con cháu họ Trần, xây dựng họ Trần Việt Nam mãi là dòng họ văn hóa, văn minh, tiến bộ."

Trần Hồng Đức
(Phó Chủ tịch thường trực Ban Chấp hành họ Trần Việt Nam)

 

  • Từ khóa