Chủ nhật, 11/08/2024, 04:30[GMT+7]

Câu chuyện của người đi theo Chúa

Thứ 2, 21/12/2015 | 12:12:09
3,776 lượt xem

Từ trái qua phải: Trung tướng Vũ Thanh Hoa, nhà văn Minh Chuyên, Đức Giám mục Bùi Tuần và ông Hà Ngọc Vui tại Giáo phận Long Xuyên, tỉnh An Giang ngày 19/10/2015.

 

Nhiều người thường nói: Dân Thái Bình có những biệt tài ngoài sự tưởng tượng. Chỉ tính khoảng thời gian trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều người đã làm nên những dấu mốc quan trọng của lịch sử, hiếm mấy nơi có được. Những dấu mốc ấy hình thành nên phẩm chất người Thái Bình. Phẩm chất đó được bắt đầu từ hành động ở chính những con người cụ thể. Biết tôi đang đi tìm những con người ấy để viết “Huyền thoại người Thái Bình” tập 2, Trung tướng Vũ Thanh Hoa, Trợ lý Thường trực Ban Bí thư Trung ương Ðảng giới thiệu và kể cho tôi nghe về hai con người. Cả hai đều bí ẩn. Sự bí ẩn như thể được phủ lên một làn sương khói vô hình mà người đời đâu dễ nhận ra. Và khi nhận ra thì giật mình bởi cái chất huyền thoại có trong mỗi con người ấy thật kỳ diệu. Ðó là Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ và Ðức Giám mục GB Bùi Tuần. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập tới câu chuyện Trung tướng Vũ Thanh Hoa nói về Ðức Giám mục. Giọng nói ấm áp, chân tình của một vị tướng cứ ám ảnh chúng tôi mãi. Ám ảnh về một con người theo đạo Thiên chúa, được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Ðảng, Nhà nước thường qua lại thăm hỏi, rất kính trọng. Ðiều gì đã làm nên điều kỳ diệu đó? Tôi hỏi Trung tướng Vũ Thanh Hoa, anh bảo, có nhiều người làm nên điều kỳ diệu nhưng mấy ai đã biết. Tôi nói:

 

- Trung tướng hãy giúp tôi, cho tôi gặp Ðức Giám mục. Biết đâu, Thái Bình lại biết thêm một con người huyền thoại. Hoặc biết đâu một người đi ngược về phía người huyền thoại?

 

Trung tướng Vũ Thanh Hoa nhận lời. Nhưng do công việc của anh bận mải, gần một năm sau, ngày 18/9/2015, chúng tôi mới được gặp Ðức Giám mục GB Bùi Tuần.

 

Trời An Giang cuối thu thăm thẳm xanh. Nắng vàng trải rực rỡ. Cửa giáo đường đầy nắng và gió của vùng sông nước Cửu Long. Trong phòng tiếp khách của Giáo phận Long Xuyên, Ðức Giám mục GB Bùi Tuần trong bộ quần áo giám mục thường mặc trang trọng ngồi bên bàn trà trò chuyện cùng chúng tôi. Ðã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn hoạt bát. Dáng người dong dỏng cao, đôi mắt luôn ánh lên vẻ tinh thông, nhân hậu. Nhìn Ðức Giám mục, chúng tôi không nghĩ những gì quá sức tưởng tượng đã xảy ra đối với cuộc đời ông. Một cuộc đời có lẽ mãi mãi còn bí ẩn?

 

Ngoài 20 tuổi, anh thanh niên Bùi Tuần, người làng Cam Lai, xã Nam Trung thuộc vùng giáo dân huyện Tiền Hải vào giúp cha xứ tại nhà thờ Cao Mại, huyện Kiến Xương giữa thời điểm nhà thờ Cao Mại diễn ra những cuộc tra tấn dã man những người kháng chiến do người Pháp chủ sự. Cao Mại trở thành địa danh tàn ác nổi tiếng trên đất Thái Bình. Sau thời kỳ đó, Bùi Tuần “biến mất” khỏi địa phận Cao Mại. Nhiều người không rõ Bùi Tuần đi đâu, ở đâu, làm gì? Ðột nhiên, hơn 20 năm sau, ngày 30/4/1975, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thì cũng là ngày Tòa thánh Vatican tấn phong chức Ðức Giám mục cho Gioan Baotixita Bùi Tuần. Ngay sau đó, an ninh quân giải phóng và một số người phía lực lượng cách mạng đã ập đến nhà thờ Long Xuyên, tỉnh An Giang - nơi Ðức Giám mục GB Bùi Tuần chủ trì. Họ tới tra hỏi vì nghi ông là người của CIA như nhiều người nghĩ. Vậy Ðức Giám mục GB Bùi Tuần là ai?

 

Một câu hỏi đã hơn 40 năm kể từ ngày Tòa thánh Vatican phong ông làm Ðức Giám mục. Sự ám ảnh, nghi nghi, hoặc hoặc với những ý nghĩ trái ngược nhau. Có người bảo ông đội lốt Công giáo để chống lại cách mạng. Có người cho rằng ông đội lốt thầy tu để hoạt động cách mạng. Người thì bảo người của phía “bên ta” cài vào, người thì nói người của phía “bên tây” cắm vô, mấy ai đã thấu tỏ. Ông bảo, ông không đội lốt ai, ông chỉ có một trái tim cùng chung nhịp đập với nhân dân, chỉ có một tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu thương con người. Một tình yêu thương ông đã trăn trở, thao thức không chỉ bằng trái tim chân thành mà bằng cả bộ óc ông đã “vắt ra” hơn 5.000 trang sách. Ðó là bộ sách có tựa đề “Thao thức”, gồm 5 quyển, do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh in năm 1995. Có trang sách Ðức Giám mục GB Bùi Tuần viết: “Cuộc đời giám mục của tôi là một chuyến đi gắn liền mật thiết với quê hương Việt Nam yêu dấu và Hội Thánh Việt Nam yêu thương. Ðó là hai người mẹ hiền… Lạy Chúa, xin giúp con biết thương yêu người. Con nhìn nhận thương người là đường dẫn tới Chúa. Chúa đợi con đằng sau những người đau khổ. Xin giúp con biết yêu thương họ, con sẽ được gặp Chúa, lòng con luôn khát vọng. Con tin ở lời Chúa dạy không sai lầm. Con tin nhận yêu thương người là điều răn quan trọng nhất, đạo đức hệ tại ở đó và luật đạo cũng ở đó. Xin Chúa thương giúp con biết thực hiện hàng ngày giới răn thương người, để đời này con được mang dấu hiệu sống động của môn đồ Chúa…”. Nếu không rung động trước tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người, làm sao viết được những lời gan ruột như thế.

 

*

*      *

Ngày 24/6/1928, ngày sinh Thánh Gioan tiền hô cậu bé Gioan Baotixita Bùi Tuần cất tiếng khóc chào đời tại miền biển Tiền Hải, Thái Bình. Ông bảo, từ đó, tuổi thơ ông được lớn lên cùng những kỷ niệm khắc sâu trong lòng. Quê ông có dòng sông Trà Lý đỏ ngầu phù sa, chảy qua cánh đồng xanh mướt, đổ ra biển cả. Những lũy tre làng uốn cong cũng xanh mướt. Tình nghĩa xóm làng sâu nặng, thực lòng. Bạn bè tuổi thơ bắp ngô chia đôi, củ khoai bẻ nửa, cánh diều thả chung… Mẹ thường sai mang cơm ra đồng rồi cùng ngồi ăn cơm với bố. Ăn dưới trời nắng, mây bay, âm vang trong tiếng chuông nhà thờ xao xuyến… Tất cả đã xây nên trong lòng ông một tình yêu quê hương, đất nước, một tình yêu vô bờ. Rồi mỗi lần được nghe những bài thơ, bài hát như bài “Ðàn chim Việt” của Lưu Trọng Lư, nghe nhạc của Văn Cao, thơ của Thế Lữ “Những đêm vàng bên bờ suối” hay đọc văn của Nguyễn Công Hoan... càng bồi đắp thêm tâm hồn ông: lý tưởng, lẽ sống, cuộc đời. Ông bảo thế. Và nó đã thức dậy trong ông như một bản năng về đất nước, về quê hương yêu dấu.

 

Ý thức của ông bắt đầu từ lời cầu nguyện của cha mẹ trong buổi lễ tại nhà thờ Cam Lai. Rồi ông được nghe lời mẹ kể về một giấc chiêm bao kỳ diệu của mẹ gắn với số phận cuộc đời ông, ông không tin, nhưng số phận đã dắt díu ông đi theo con đường mẹ ông đã kể… Ðức Giám mục GB Bùi Tuần đôi mắt ngước lên, láng máng nhớ rồi kể lại cho chúng tôi những ký ức đã đi qua cuộc đời ông:

 

- Tôi ở với Ðức cha Vinh tại nhà thờ Cam Lai quê hương tôi. Ảnh hưởng từ nhân tâm đạo lý của Ðức cha cùng với những lời sám hối lần đầu tôi lắng nghe, bắt đầu “ngấm” sang tôi. Ðây là những bước đi đầu tiên, tôi hy vọng sẽ tìm được đường đi lên nước Chúa. Sau một thời gian, Ðức cha Vinh gửi tôi sang Trường thử Cát Ðàm để học tập. Từ đây, tôi được đi học Ðại Trùng Tu Viện tại thành phố Nam Ðịnh. Học chưa hết khóa thì quân đội Nhật đánh chiếm ba nước Ðông Dương, chúng chiếm luôn cả Ðại Trùng Tu Viện, học sinh phải ly tán mỗi người một phương. Tôi trở về giúp việc cho nhà thờ Cao Mại, huyện Kiến Xương.

 

Cao Mại nơi có phong trào kháng chiến rất mạnh. Cũng từ đây (nhà thờ Cao Mại), Bùi Tuần bắt đầu nhận ra xung quanh ông có hai hệ tư tưởng đối lập. Một bên là những người đi theo địch, lợi dụng Công giáo để chống phá cách mạng. Một bên là lực lượng kháng chiến chống lại bọn phản động. Những gì ông được chứng kiến thật xót xa.

 

Bùi Tuần kể: Hàng ngày, tôi được nghe người ta tuyên truyền phải diệt cộng chứ không phải chống cộng. Cộng sản là tam vô: vô gia đình, vô Tổ quốc, vô tôn giáo. Tôi thấy hoàn toàn ngược với những gì mình được chứng kiến ở làng Cam Lai. Ở đó, tôi có bố, có mẹ, có một gia đình rất hạnh phúc. Người dân quê tôi đi theo đạo được tự do cầu nguyện tại nhà thờ… Sao lại bảo là vô gia đình, vô tôn giáo?

 

(Còn nữa)

 

 

Bút ký của Minh Chuyên

Ðài Truyền hình Việt Nam

  • Từ khóa