Thứ 2, 01/07/2024, 15:18[GMT+7]

Gia Lạc - xứ, họ đạo 4 gương mẫu

Thứ 5, 24/12/2015 | 09:01:30
2,012 lượt xem
Không khí Giáng sinh đã tràn về rộn ràng trên khắp các con đường ở Giáo xứ Gia Lạc (xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư), nơi đồng bào Công giáo sinh sống ở cả 6/6 thôn. Đón Giáng sinh năm nay, bà con giáo dân càng phấn khởi vì có thêm nguồn thu từ một vụ đông thắng lợi.

Giáo dân Giáo xứ Gia Lạc tích cực gieo trồng cây vụ đông, phát triển kinh tế gia đình.

Giáo xứ Gia Lạc hiện có 8 họ giáo với 316 hộ, 1.118 nhân danh, chiếm 15% dân số xã Hồng Lý. Ngoài ra, giáo xứ còn thu hút và chăm lo đời sống tinh thần cho hơn 70 nhân danh thuộc họ giáo Thượng Vạn sinh sống trên địa bàn xã Hồng Minh (Hưng Hà) và xã Bạch Đằng (Đông Hưng). Đồng chí Trần Văn Thự, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Lý cho biết: Địa bàn Giáo xứ nằm ở xã cuối huyện, khó khăn trong giao thông, phát triển kinh tế, hầu hết giáo dân sinh sống bằng nghề nông, quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Tận dụng lợi thế vùng đất bãi, bà con tổ chức trồng dâu nuôi tằm. Tùy từng năm và điều kiện thời tiết khác nhau nhưng mỗi hộ có thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/sào dâu/năm. Đối với diện tích cấy lúa, bà con tích cực thâm canh tăng vụ, duy trì truyền thống trồng cây vụ đông, chủ lực là cây cải thìa làm giống và đậu cô ve. Trung bình mỗi gia đình trong Giáo xứ trồng hơn 3 sào cải thìa làm giống, nhiều hộ trồng 5 - 6 sào hoặc gần 1 mẫu. Những hộ không trồng cải thìa thì trồng đậu cô ve, cho giá trị kinh tế cao hơn. Vụ đông năm nay, thời tiết không thuận lợi, năng suất hạt cải và đậu cô ve giảm so với vụ đông năm ngoái nhưng giá bán tăng nên bà con vẫn dự kiến thu về từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/sào cải thìa giống, từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/sào đậu cô ve. Bà Nguyễn Thị Sợi, giáo dân Giáo xứ Gia Lạc cho biết, gia đình bà trồng 3 sào đậu cô ve và 3 sào cải thìa, dự kiến thu về khoảng 7 - 8 triệu đồng. Năm nào thu hoạch cây vụ đông cũng vào dịp đón ngày lễ Giáng sinh, ngày lễ trọng của đồng bào Công giáo nên bà con bận rộn hơn nhưng có thêm nguồn thu nên không khí cũng phấn khởi, rộn rã hơn.

Ngoài cấy lúa, trồng màu, 50 gia đình giáo dân trong Giáo xứ còn mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp, ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu như hòe, đinh lăng và các loại hoa, cây cảnh…; 20 hộ mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như gia đình các ông: Nguyễn Văn Thăng, họ giáo Gia Lạc; Lê Văn Hà, họ giáo Thượng Hộ; Vũ Thế Hoàng, họ giáo Phú Hậu... Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của bà con Giáo xứ Gia Lạc được nâng lên rõ rệt, đến nay có 10,5% hộ giàu, 70% hộ khá, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,8%, thấp hơn bình quân chung của xã.

"Phụng đạo, yêu nước", giáo dân Giáo xứ Gia Lạc không chỉ thực hiện nghiêm giáo luật mà còn tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết cùng nhân dân địa phương xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Linh mục Chánh xứ Giáo xứ Gia Lạc Mai Thành Sơn cho biết: Trong các ngày lễ, sinh hoạt tôn giáo, Linh mục và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ luôn kết hợp tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Bản thân Linh mục không làm hôn phối cho những đôi nam nữ chưa đủ tuổi kết hôn. Việc tổ chức đám cưới, đám tang thực hiện tiết kiệm, lành mạnh, tạo sự sẻ chia, đoàn kết giữa bà con các tôn giáo trong khu dân cư. Các phong trào, hoạt động khác của địa phương như thực hiện công tác dân số - KHHGĐ, ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội luôn được bà con giáo dân tích cực hưởng ứng… Mỗi năm, 80% gia đình giáo dân đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa". Nhiều giáo dân là đảng viên, giữ các vị trí chủ chốt ở xã, thôn. Ông Nguyễn Xuân Đúc, giáo dân Giáo xứ Gia Lạc chia sẻ: Bà con lương giáo ở đây có truyền thống sống đoàn kết, bó bện nhau. Nếu ở đâu đó còn có sự khác biệt trong sinh hoạt, tín ngưỡng tôn giáo thì ở đây, hầu hết các gia đình trong Giáo xứ chúng tôi cũng có ban thờ, thắp hương tổ tiên, ông bà như bà con lương dân. Ngược lại, bà con lương dân cũng sẵn sàng tham gia, chia sẻ các hoạt động, chuyện vui, chuyện buồn cùng bà con trong Giáo xứ, nhờ đó đã xây dựng được mối đoàn kết ở khu dân cư, là cơ sở quan trọng thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân Giáo xứ Gia Lạc tích cực đóng góp kinh phí, bình quân 7 triệu đồng/hộ, cá biệt có nhóm dân cư tự giác vận động nhau đầu tư 10 - 15 triệu đồng/hộ cùng ngày công lao động xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn theo tiêu chí nông thôn mới. Tiêu biểu như gia đình bà Nguyễn Thị Xuyến, họ giáo Phú Hữu ủng hộ vật liệu xây dựng và gần 10 triệu đồng hỗ trợ cứng hóa một số tuyến đường. Sự đồng thuận và tích cực tham gia của bà con đã góp phần cùng nhân dân địa phương cứng hóa được hơn 24,7km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng.

Nỗ lực của Linh mục, Hội đồng Mục vụ và mỗi nhân danh Giáo xứ Gia Lạc đã góp phần tích cực cùng nhân dân địa phương thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều năm qua, Giáo xứ Gia Lạc luôn được công nhận là "Xứ, họ đạo 4 gương mẫu".

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa