Thứ 6, 02/05/2025, 11:34[GMT+7]

Câu chuyện của người đi theo Chúa

Thứ 2, 28/12/2015 | 08:56:27
2,322 lượt xem

Nhà văn Minh Chuyên và Đức Giám mục Bùi Tuần tại Giáo phận Long Xuyên, tỉnh An Giang.

(Tiếp theo và hết)

Một hôm, tôi nghe ông Linh mục "ra lệnh" cho đám quân lính: Khi hành quân sẽ bắt tất cả những người tình nghi. Đốt nhà phải đốt nơi đầu gió. Phải bắt trâu, bò về nhà thờ để nuôi quân nghe chưa? Đêm đêm, từ các phòng trói người, tôi nghe rất rõ tiếng la hét xé xót. Tôi thương họ quá mà không làm sao được. Tôi không trách ông linh mục ra lệnh, cũng không trách những người Công giáo thực hành lệnh tra khảo của ông. Vì họ bị những người khác lợi dụng Công giáo "bơm vào" tư tưởng thù hận để chia rẽ, để sát hại những người kháng chiến.

Ông Linh mục và những người Công giáo ở nhà thờ Cao Mại khi đó đâu có biết mình đã mắc mưu kẻ xấu, đi ngược những điều đức Chúa răn dạy. Đức Chúa khuyên con người sống trên cõi đời phải thương yêu nhau, phải tránh xa điều ác.

Sau ngày "chứng giám" sự kiện đau lòng ở nhà thờ Cao Mại, Bùi Tuần tiếp tục theo học tại Trường Cát Đàm Đông Quan. Đến năm 1954, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, có người nói Bùi Tuần cùng hàng vạn giáo dân miền Bắc đã lên đường di cư vào Nam. Di cư theo "tiếng gọi" của Chúa. Nhưng thực chất, thay vì đi miền Nam, ông đã sang Hồng Kông tu học tại Trường Dòng Đa Minh trên đất Rosary của Hồng Kông. Khi đó, người ta nói với ông: Một vài năm nữa chắc cộng sản sẽ không còn, học xong ông sẽ trở về miền Bắc. Nhưng rồi mọi tiên đoán đều thay đổi. Năm 28 tuổi, Bùi Tuần được thụ phong Linh mục trên đất Hồng Kông hào hoa, tráng lệ. Trong cuốn sách "Tâm tình với linh mục", có đoạn ông viết: "Tối ngày mùng 1/7/1955 tại Trường Dòng Đa Minh trên quả đồi Rosary Hồng Kông, trong bầu không khí tĩnh tâm, tôi quỳ trước cha Linh Hướng để bày tỏ nỗi sợ của tôi. Tôi sợ lãnh chức Linh mục vì tôi thấy mình quá bất xứng… nhưng lời cầu chối từ không thành".

Bùi Tuần kể tiếp: Cuối năm đó, tôi trở về nước, sống trong trại di cư Long Phước Thủ Đức, sau đó được "bề trên" cử đi du học tại Roma nước Ý. Nhưng chính quyền Sài Gòn tình nghi nên "phanh" lại, không cho đi. Tôi liên hệ với đức Khâm sứ Tòa thánh nhờ can thiệp. Tòa thánh liên lạc với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Mấy ngày sau, thư ký của Tổng thống cho xe đón tôi vào dinh Gia Long và thông báo Ngô Đình Diệm đồng ý, ông đã ký giấy cho tôi sang học tại Roma.

Nhà thờ Giáo xứ Trung Đồng (xã Nam Trung, Tiền Hải).

Tốt nghiệp cử nhân triết học Roma, nhờ học giỏi, được học bổng, Bùi Tuần được chọn đi học tiến sĩ triết học tại Trường Đại học Thụy Sĩ. Tốt nghiệp bằng tiến sĩ triết học Thụy Sĩ, tiến sĩ Bùi Tuần không dừng ở đó, ông tiếp tục hành trình tới Trường Đại học Pheu-bua nước Đức học tiếp chương trình nâng cao tiến sĩ triết học… Sau gần 10 năm khổ công tu học nơi xứ người, Bùi Tuần trở về miền Nam Việt Nam làm phận sự của một công dân kính Chúa yêu nước. Năm 1964, ông được "bề trên" phân công dạy học tại Trường viện Châu Đốc rồi làm Giám mục Đại Trùng Viện Long Xuyên sau đó tiếp tục dạy học tại Trùng Viện Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang... Hơn 10 năm, tiếp theo, một vị tiến sĩ theo đức Chúa đi "hành đạo và giảng đạo" cho cả vạn "con chiên" trong bối cảnh đất nước bị xâm lăng, chia cắt. Thù hận, oán hờn, bắt giết, máu chảy, đầu rơi khắp đất trời phương Nam. "Đau lắm, đau lắm" - ông bảo thế. Số phận ông cùng số phận của bao người dân yêu nước, kính Chúa có lúc tưởng đắm chìm trong khổ đau, trong tang tóc. Nhưng ở Đức Giám mục GB Bùi Tuần, đức tin luôn trỗi dậy, đức tin đã nâng đỡ ông vượt lên. Trong cuốn sách "Tâm tình với linh mục", có đoạn ông viết: "Sống đức tin là nhìn con người và lịch sử bằng con mắt của Thiên Chúa. Sống, nhờ đức tin mà phấn đấu, dấn thân cho điều lành, đẩy lùi điều ác. Đức tin sẽ giải thoát đau khổ và oan khiên"…

GB Bùi Tuần kể: Ngày 17/4/1975, giữa lúc lực lượng quân giải phóng và quân đội miền Bắc đang tiến sát các mục tiêu, chuẩn bị giải phóng miền Nam, Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ cho tôi biết một tin bất ngờ: Tòa thánh Vatican chọn tôi làm Giám mục Giáo phận Long Xuyên. Nghe tin đó, tôi rụng rời, tôi trình Đức cha Micae, nếu được phép từ chối tôi xin từ chối. Nhưng lời chối từ của tôi không được chấp nhận. Ngày 30/4/1975, tôi được Tòa thánh tấn phong Giám mục.

Nhà thờ Chính tòa thành phố Long Xuyên (An Giang).

Đức Giám mục nói tiếp: Lẽ ra là một ngày quan trọng nhất của đời người nhưng lại là ngày số phận run rủi đã đẩy tôi vào trước họng súng. Hôm đó, lực lượng quân cách mạng ập vào nhà thờ, chĩa súng vào người tôi, dọa bắt tôi và kết án tử hình. Họ cho tôi 3 phút suy nghĩ trước khi họ hành động. Bỗng đức tin lại trỗi dậy trong tôi. Tôi tin những việc làm của tôi không có gì tội lỗi. Tôi không phải là người phản bội dân tộc. Người cắm lá cờ giải phóng đầu tiên trên nóc nhà xứ Long Xuyên trước lúc quân giải phóng tiến vào nhà thờ là tôi. Nhưng lúc ấy, lá cờ giải phóng "không cứu" được tôi trước cơn "phẫn nộ" của những người thi hành công vụ.

Trong lúc họng súng vẫn hướng vào tôi, một anh cán bộ chỉ tay vào mặt tôi nói:

- Ông là người của CIA được Tòa thánh cài vào đây để chống phá cách mạng?

Tôi lắc đầu. Anh cán bộ nói tiếp, vẻ giận dữ:

- Ông còn chối à? Không là CIA sao Tòa thánh lại phong chức cho ông vào ngày này?

Lúc ấy có nói gì cũng chẳng ai tin, tôi im lặng. Họ khám xét, lục lọi rồi phá bung chiếc hòm sắt đựng tài liệu của tôi. Họ lôi ra một tập giấy tôi mới viết, rồi đọc. Đó là bức thư tôi viết kêu gọi đồng bào giáo xứ không hợp tác với người nước ngoài, vận động các gia đình có người thân đi theo quân đội và chính quyền Việt Nam cộng hòa ra đầu thú, kêu gọi đồng bào ủng hộ, giúp đỡ chính quyền cách mạng… Hình như nội dung bức thư tôi viết, đọc xong họ vẫn nghi nhưng việc tra xét sau đó có phần dịu bớt. Tuy nhiên, anh chiến sĩ chĩa súng vào tôi một tay vẫn áp chặt khẩu AK một ngón tay sẵn sàng trên cò súng. Tự dưng tôi thấy thương anh chiến sĩ. Tôi nói: Anh cứ bắn tôi đi, bắn đi. Anh ấy đứng im. Nhìn anh chiến sĩ, tôi tin có Chúa trong trái tim anh ấy.

Nghe những lời gan ruột từ Đức Giám mục GB Bùi Tuần, nghiệm lại cuộc hành trình của đời ông, một cuộc đời đầy giông gió, ông đã vượt qua. Từ một tu sĩ trở thành tiến sĩ, thành Đức Giám mục được nhiều người sùng bái, kính nể. Với tính tò mò, chúng tôi muốn hỏi thêm những gì còn "bí ẩn" trên con đường đi "theo Chúa" của ông. Nhưng nghĩ lại, một Đức Giám mục được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập và Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, điều đó đã phần nào nói lên con đường ông đã chọn. Con đường đi theo Chúa là vì một tình yêu cao cả, yêu Tổ quốc, yêu nhân dân và ông đã sẵn sàng chết cho tình yêu ấy.

Bút ký của Minh Chuyên
Đài Truyền hình Việt Nam

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày