Thứ 3, 13/05/2025, 13:52[GMT+7]

Văn Lăng: an lành mùa xuân xứ đạo

Thứ 3, 29/12/2015 | 09:03:53
1,016 lượt xem
Nằm giữa hai thôn lương là Phú Mỹ và Rãng Thông, với khu nhà thờ bề thế và hai cây tháp cao vút, chiều chiều ngân vang tiếng chuông, xứ đạo (xã Thượng Hiền, Kiến Xương) từ lâu đã chiếm được tình cảm của nhân dân trong vùng không chỉ bởi truyền thống cách mạng mà còn là một xứ đạo an lành, tốt đời đẹp đạo.

Trang trại chăn nuôi gà đẻ của gia đình ông Phạm Văn Khẩn.

 

Đón chúng tôi thăm làng, Chánh trùm Phạm Văn Hoạt hồ hởi cho biết: Xứ đạo Văn Lăng ra đời vào đầu thế kỷ XIX, bà con giáo dân ở đây có sự hòa quyện rất tự nhiên giữa đời và đạo và một lòng theo Đảng, kính Chúa yêu nước. Năm 1983, xứ đạo chúng tôi đã vinh dự được Nhà nước tặng kỷ niệm chương và bằng có công với nước. Là nơi cư trú của 531 hộ gia đình với 2.053 nhân khẩu, cách đây chưa lâu, Văn Lăng còn là một xứ đạo nghèo đói, đời sống của người dân rất khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 100.000 đồng/tháng, nhiều gia đình hầu như không có tài sản gì đáng giá, cuộc sống lạc hậu, cái đói cái nghèo cứ bám riết, trình độ dân trí thấp, nhiều trẻ em thất học. Bước vào những năm đầu của thế kỷ XXI, xứ đạo Văn Lăng như được lột xác bởi sự thay đổi đến kỳ diệu về diện mạo.

 

Vẫn là một làng cổ tồn tại hàng nghìn năm nay nhưng bây giờ diện mạo của làng đã khác xưa nhiều lắm. Con đường giữa làng được trải nhựa thay thế con đường đất gập ghềnh lồi lõm bởi các ổ gà, ổ lợn khi xưa. Ngay cả đến các tuyến đường nhánh, các ngõ xóm cũng được mở rộng từ 2,5 - 3m và được bê tông hóa theo tiêu chí nông thôn mới. 100% số hộ dân đã được dùng điện lưới quốc gia, 95% số hộ được dùng nước sạch và có các công trình vệ sinh theo quy chuẩn. Ngắm nhìn nhà văn hóa làng to đẹp, khang trang, rợp bóng cây cùng những đường dây điện, điện thoại, truyền thanh giăng trên khắp các ngõ, xóm cùng những giàn ăng-ten thu sóng truyền hình tua tủa trên nóc các nhà, chúng tôi hiểu sự đổi thay lớn lao cả vật chất lẫn tinh thần của người dân xứ đạo.

 

Tiếp chúng tôi trong căn phòng ấm cúng, bên chén trà nóng, Trưởng thôn Phạm Ngọc Dương khẳng định: Có được ngày hôm nay là nhờ đường lối đổi mới của Đảng và sự bứt phá vươn lên thoát nghèo của chính bản thân mỗi người dân. Trong trồng trọt, bên cạnh làm tốt việc dồn điền đổi thửa, thu hẹp số thửa/hộ từ 4,5 xuống còn 1,6, tạo điều kiện đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là việc quyết liệt trong chuyển dịch cơ cấu giống. Bên cạnh việc đưa các giống lúa mới có năng suất cao như Thái Xuyên 111, CR36, BC15 vào gieo trồng nhằm bảo đảm trước hết an ninh lương thực đã mạnh dạn đưa các giống lúa mới có chất lượng cao như Bắc thơm 7, T10 và các giống lúa Nhật để sản xuất lúa hàng hóa.

 

Về chăn nuôi, ngoài phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ của hầu hết các gia đình đã xuất hiện một số gia trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn. Làng hiện có 7 gia trại chăn nuôi lợn, 3 gia trại chăn nuôi gà, vịt với số lượng từ 200 con trở lên. Thăm gia trại của gia đình anh Phạm Đức Tư với 300 con lợn trong đó có 70 con lợn nái ngoại và gia trại gà Ai Cập đẻ trứng của gia đình anh Phạm Duy Bàn, khi hỏi về hiệu quả đều được các anh cho biết trừ chi phí mỗi năm còn thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng.

 

Đối với lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ: Bên cạnh việc có tới gần 100 hộ làm nghề xây dựng, nghề mây tre đan truyền thống vẫn được coi trọng và là nghề chính, thu hút hầu hết số lao động trong làng với việc sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ như gối mây, giỏ hoa, bát hoa, làn xách, túi xách… Doanh nghiệp mây tre đan xuất khẩu Du Dương đã đảm nhiệm việc bao tiêu sản phẩm và có mức doanh thu 3 - 4 tỷ đồng/năm. Ngoài nghề truyền thống mây tre đan, làng cũng đã du nhập một số ngành nghề mới như đóng gói bông vệ sinh, may gia công, sản xuất đồ chơi trẻ em bằng gỗ… góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình.

Cùng với tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ hàng hóa những năm qua cũng có bước phát triển nhanh với sự ra đời của hàng chục cơ sở kinh doanh thiết bị điện nước, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng khô và tươi sống, thuốc tân dược, điện tử, chăm sóc sức khỏe, vận tải hành khách… không chỉ tạo ra sự sôi động của thị trường mà còn góp phần thay đổi lớn lao trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ đã chiếm 70% trong tổng thu nhập của các hộ gia đình và đưa mức thu nhập bình quân đầu người lên 25 triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,9%.

 

Kinh tế phát triển, xã hội ổn định, các tệ nạn xã hội ở làng hầu như không có. 100% số cháu trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Công tác khuyến học, khuyến tài, dân số - kế hoạch hóa gia đình và vệ sinh môi trường được cả thôn và giáo xứ quan tâm. Nhờ đó, những năm qua, Văn Lăng đã có 80% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, thôn là thôn văn hóa và cũng là xứ họ đạo 4 gương mẫu 5 năm liền, được tỉnh khen thưởng.

 

Phạm Xuân Nghiên

(Thượng Hiền, Kiến Xương)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày