Thứ 5, 25/04/2024, 03:12[GMT+7]

Khu Di tích lịch sử Quốc gia Cơ sở Xứ ủy Bắc kỳ - Nhà đồng chí Phạm Quang Lịch Nơi lưu giữ và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Thứ 3, 29/12/2015 | 09:17:33
3,590 lượt xem
Những năm đầu thế kỷ XX, khi đất nước chìm trong lầm than nô lệ, nhân dân đói khổ với cảnh một cổ hai tròng, đó cũng là lúc phong trào cách mạng bắt đầu nhen nhóm. Ở Xứ ủy Bắc kỳ có một nơi mà những người cộng sản thường xuyên lui tới và trở thành cơ sở hoạt động bí mật để lãnh đạo phong trào cách mạng. Đó chính là tư gia của đồng chí Phạm Quang Lịch, người cộng sản kiên trung, Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Thái Bình tại thôn Nam Huân, xã Đình Phùng (Kiến Xương). Ngày nay, khu di tí

Khu lăng mộ đồng chí Phạm Quang Lịch.

 

Đồng chí Phạm Quang Lịch tên thường gọi là Hào Lịch sinh năm 1901 trong một gia đình giàu có nhưng vốn là người yêu nước đồng chí đã từ bỏ giàu sang phú quý đi theo con đường cách mạng đấu tranh vì quyền lợi chung của dân tộc, nhân dân. Năm 1927, khi mới 26 tuổi, Phạm Quang Lịch đã tìm đến và tham gia tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội tại Trường Minh Thành để hoạt động cách mạng. Năm 1929, khi tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Thái Bình, đồng chí được cử về thành lập Chi bộ Đảng ở Nam Huân (tiền thân của Đảng bộ xã Đình Phùng ngày nay). Năm 1930, đồng chí lãnh đạo nhân dân vùng dậy đấu tranh đòi vay thóc của địa chủ chia cho dân nghèo. Trong cuộc đấu tranh này, Phạm Quang Lịch bị thực dân Pháp xử vắng mặt 8 tháng tù treo. Đến tháng 10/1930, đồng chí bị địch bắt vì tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng tại Thái Bình và đã kết án 20 năm tù khổ sai tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Cuối năm 1932, Phạm Quang Lịch cùng 7 chiến sĩ cách mạng đã tổ chức vượt ngục để tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Cuộc vượt ngục thành công, Phạm Quang Lịch trở về xây dựng phong trào cách mạng ở Thái Bình, Nam Định giúp phong trào nơi đây được củng cố và phát triển nhanh chóng.

 

Năm 1933, trong một cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh diễn ra vào tháng 2/1934, đồng chí Phạm Quang Lịch đã được cử làm Bí thư Tỉnh ủy và trở thành Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Bình.

 

Đáng tiếc, cùng năm đó thực dân Pháp đã tìm ra manh mối nơi trú ẩn của nhiều chiến sĩ cách mạng tại Thái Bình. Đồng chí Phạm Quang Lịch cùng một số cán bộ lãnh đạo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bị địch vây bắt, chúng kết án ông 20 năm tù khổ sai và lần này đưa đến giam tại nhà tù Sơn La có tiếng là rừng thiêng nước độc.

 

Hiện vật lưu giữ tại khu di tích.

 

Chỉ trong vòng 4 năm (1930 - 1933), đồng chí Phạm Quang Lịch đã bị địch bắt 3 lần, cả 3 lần đều bị kết án với tổng mức án gần 41 năm tù. Trong suốt những năm tháng bị giam cầm tại nhà tù thực dân, mặc dù bị tra tấn, chịu cảnh sống vô cùng khó khăn thiếu thốn nhưng đồng chí Phạm Quang Lịch luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, lạc quan tin tưởng vào cách mạng, tìm cách vượt ngục để tiếp tục tham gia hoạt động chống thực dân, phong kiến giải phóng dân tộc. Không những thế đồng chí còn luôn động viên, hết lòng yêu thương, đùm bọc những người đồng chí có cùng cảnh ngộ, số tiền và quà gia đình gửi vào cho ông sinh hoạt, ông đều chia hết cho anh em đồng chí cùng hưởng, để mọi người vượt qua tháng ngày gian khó, không nao núng tinh thần.

 

Năm 1937, sau 4 năm bị giam cầm, đày ải tại nhà tù Sơn La, sức khỏe đồng chí yếu dần và đến ngày 30/3/1937, đồng chí Phạm Quang Lịch đã trút hơi thở cuối cùng giữa chốn lao tù khi mới 36 tuổi đời. Sau nhiều lần di dời, hiện phần mộ của đồng chí được an táng tại quê nhà. Năm 2005, Đảng bộ và nhân dân xã Đình Phùng đã xây dựng khu lăng mộ để tỏ lòng kính trọng, biết ơn đồng chí và là nơi để người dân trong và ngoài xã đến thắp nén tâm nhang tri ân người tiền bối của phong trào cách mạng.

 

Quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Quang Lịch đã tỏ rõ là một đảng viên kiên cường, dũng cảm, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng bộ tỉnh Thái Bình. Được giác ngộ lý tưởng từ sớm, đồng chí đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa ấm êm, dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai thử thách và đã cống hiến trọn đời mình cho cách mạng. Trong những lần bị địch bắt, tù đày, đồng chí vẫn dũng cảm chịu đựng mọi đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù, nhận hết về mình phần hy sinh mất mát, tuyệt đối giữ bí mật cho Đảng, cho cơ sở cách mạng. Ngay trong ngục tù gian khổ nhất, đồng chí vẫn hăng hái tham gia học tập, giác ngộ cách mạng cho các đồng chí khác, luôn động viên khích lệ anh em lạc quan tin tưởng vào tương lai, tin tưởng vào con đường mình đã chọn, tin tưởng vào ngày cách mạng thành công.

 

Noi gương ông, những người thân trong gia đình, dòng họ tiếp tục đi theo con đường cách mạng, có những đóng góp cho phong trào của địa phương. Tiêu biểu là các ông Phạm Thuần, Phạm Luận, Phạm Mẫn… Dù bị địch bắt giam cầm, đày ải ngoài nhà tu Côn Đảo song các ông vẫn một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng, giữ vững phẩm chất và khí tiết của người cộng sản chân chính. Nay tuổi đã cao, các cụ vẫn không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu gương sáng và giáo dục con cháu học tập cống hiến cho đất nước.

 

Không chỉ tích cực tham gia hoạt động cách mạng, tư gia của đồng chí Phạm Quang Lịch còn là nơi in ấn tài liệu quan trọng cho tổ chức đảng và phong trào cách mạng địa phương. Từ tháng 5 - 10/1930, nhà in của Tỉnh ủy Thái Bình chính thức chuyển về nhà riêng của đồng chí Hào Lịch tại thôn Nam Huân (xã Đình Phùng, huyện Kiến Xương). Giai đoạn này, nhà in tổ chức in các tài liệu của trung ương, của Xứ ủy Bắc kỳ; in lại ấn phẩm Báo Búa liềm; in các tài liệu do Tỉnh ủy Thái Bình biên soạn và in Báo Dân cày của Tỉnh ủy. Ngoài ra còn in các khẩu hiệu, áp phích phục vụ cho công tác tuyên truyền của Đảng. Trong đó có 2 tài liệu rất quan trọng được in ấn tại đây là cuốn “Thông cáo cho các đảng viên” nêu bổn phận cần kíp của toàn Đảng trong cả nước ta là phải hết sức bênh vực Nghệ An đỏ, mở rộng phong trào thị uy biểu tình phản kháng lại thủ đoạn gian ác của đế quốc chủ nghĩa; và tài liệu của Tỉnh ủy Thái Bình kêu gọi các chi bộ, đoàn thể quần chúng và quần chúng cách mạng ủng hộ mọi mặt cho Tiền Hải và truy điệu 8 liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc biểu tình và qua đó phát động phong trào cách mạng địa phương lên mạnh mẽ. Mặc dù nhà in Tỉnh ủy đặt ở nhiều nơi nhưng thời gian ở Nam Huân là dài nhất, hoạt động sôi nổi nhất, làm việc hiệu quả nhất và được chi bộ, nhân dân địa phương hết sức tham gia giúp đỡ và bảo vệ.

 

Chính vì sinh ra trong một gia đình giàu có nên tư gia của đồng chí Phạm Quang Lịch khá khang trang, bề thế, kiến trúc theo lối truyền thống. Toàn bộ khuôn viên được bao bọc bởi dãy tường xây cao, có cổng lớn kiểu cổ. Trong khuôn viên có 11 ngôi nhà gồm nhà chính 5 gian, 2 nhà ngang mỗi nhà 5 gian, ngôi nhà thờ gia tiên 3 gian. Nhà được xây bằng gạch đỏ lợp ngói mũi, sân gạch rộng ghép kiểu nong cót. Rất tiếc, năm 1950, khi giặc Pháp càn vào làng đã phá hủy gần như toàn bộ khuôn viên ngôi nhà.

 

Để ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí Phạm Quang Lịch và gia đình trong quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh và Xứ ủy Bắc kỳ, năm 1978, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cho tu sửa lại ngôi nhà thờ, một số công trình còn sót lại trong khuôn viên, làm mới ngôi nhà khách và sửa sang tổng thể khu di tích. Năm 1993, Bộ Văn hóa Thông tin đã công nhận Cơ sở Xứ ủy Bắc kỳ - nhà đồng chí Phạm Quang Lịch là Di tích lịch sử quốc gia.

 

Hiện tại nhà lưu niệm trong khu di tích còn lưu giữ được một số hiện vật của đồng chí Phạm Quang Lịch và các đồng chí khác có liên quan. Khu di tích mở cửa vào các ngày lễ, tết, ngày mất của đồng chí Phạm Quang Lịch để các tổ chức đoàn thể, cán bộ, nhân dân tới tham quan, học tập.

 

Nhân dịp kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2016), Tỉnh ủy Thái Bình tiếp tục đầu tư trùng tu nâng cấp Di tích lịch sử Cơ sở Xứ ủy Bắc kỳ tương xứng với ý nghĩa lịch sử và để các thế hệ mai sau tưởng nhớ đến công lao đóng góp của những người cộng sản tiền bối.

 

Vũ Mạnh

 

 

Ông Phạm Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Đình Phùng (Kiến Xương)

 

Đồng chí Phạm Quang Lịch là một trong những tiền bối cách mạng, chiến sĩ cộng sản kiên trung, anh hùng liệt sĩ, người góp phần đặt nền móng xây dựng phong trào cách mạng của tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đầu tiên. Thực hiện chính sách người có công, ngay từ năm 1978, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết định chỉnh trang, tu sửa lại ngôi nhà của gia đình đồng chí Phạm Quang Lịch. Để ghi nhớ công lao của đồng chí Phạm Quang Lịch và gia đình, ghi nhận quá trình phát triển của Đảng bộ Thái Bình, Xứ ủy Bắc kỳ, năm 1993 Bộ Văn hóa Thông tin đã quyết định công nhận di tích lịch sử Cơ sở Xứ ủy Bắc kỳ - Nhà đồng chí Phạm Quang Lịch là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là niềm vinh dự và tự hào không chỉ của địa phương mà còn của huyện và tỉnh, khu di tích như một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho đông đảo nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

 

Anh Nguyễn Anh Mộc, Bí thư Đoàn xã Đình Phùng (Kiến Xương)

 

Đại diện cho thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trên quê hương Đình Phùng anh hùng, chúng tôi luôn ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của Di tích lịch sử quốc gia Cơ sở Xứ ủy Bắc kỳ - Nhà đồng chí Phạm Quang Lịch. Đây luôn là địa chỉ giáo dục thế hệ trẻ địa phương tri ân các bậc tiền nhân và truyền thống cách mạng. Thế hệ trẻ địa phương luôn thấm nhuần tư tưởng và tinh thần cách mạng của đồng chí Phạm Quang Lịch, Phạm Bái, đây là điểm tựa vững chắc để chúng tôi phát huy sức trẻ, tiền phong xung kích, phấn đấu học tập và công tác tốt xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phấn đấu về đích nông thôn mới.

 

Ông Phạm Ngọc Doanh, thôn Nam Huân Trung, xã Đình Phùng (Kiến Xương)

 

Là người con của gia đình, tôi rất vinh dự và tự hào khi được chính quyền địa phương và dòng họ tin tưởng phân công nhiệm vụ trông coi Di tích lịch sử quốc gia Cơ sở Xứ ủy Bắc kỳ - Nhà đồng chí Phạm Quang Lịch. Những tư tưởng và hành động cách mạng kiên trung bất khuất của chiến sĩ cộng sản, anh hùng liệt sĩ Phạm Quang Lịch đã làm rạng danh quê hương, bài học sáng ngời cho các thế hệ sau noi theo. Tôi và mỗi người dân địa phương xin nguyện gìn giữ, bảo tồn khu di tích ngày càng khang trang để không phụ sự hy sinh của các bậc tiền nhân.

 

Trịnh Cường

 

  • Từ khóa