Thứ 4, 24/07/2024, 22:31[GMT+7]

Phạm Minh Đức : Nặng lòng với... đất

Thứ 2, 04/01/2016 | 15:07:34
3,090 lượt xem
Ông không phải là nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc… nên đất đối với ông không phải là nguyên liệu nhào nặn nên tác phẩm mà chỉ là đối tượng nghiên cứu. Vậy nên, những trang sách ông viết về mảnh đất và con người Thái Bình được người đời ví von ông giống như vậy. Phải chăng, tình yêu quê hương, đất nước, yêu “giống nòi nhà ta” và đặc biệt là mảnh đất và con người Hồng Việt - Ðông Hưng, nơi đã sinh ra ông không ngừng bồi đắp tình cảm, dung dưỡng tâm hồn người thầy giáo và sau này là

Những tác phẩm tiêu biểu của ông.

 

45 năm công tác, từng làm “ông giáo làng” rồi trưởng thành trong ngành Tuyên giáo, số phận đã đưa ông đến với ngành Văn hóa. Từ năm 1984 đến năm 1990, thời điểm đất nước gặp vô vàn khó khăn về kinh tế, nguy cơ xóa bỏ bao cấp ngành văn hóa đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của ngành. Nhiều cán bộ văn hóa không thể trụ vững vì “cơm áo không đùa với khách thơ” đã dứt áo ra đi, riêng ông vẫn bám trụ, vẫn ở lại.

 

 

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Ðức.

 

Năm 1999, nghỉ hưu, ông bắt tay ngay vào nghiên cứu văn hóa dân gian. Ngày ngày, ông đội mưa, đội nắng đi khắp các vùng quê trong tỉnh, tìm hiểu, ghi chép những nét văn hóa dân gian còn lưu truyền lại trong nhân dân. Cứ thế, ngày nọ tiếp ngày kia, không ai để ý có một người âm thầm, lặng lẽ gom những tư liệu sống lại rồi đêm đêm dưới ánh đèn khuya nghiền ngẫm, nghĩ suy, viết thành sách. Với kiến thức có được khi làm quản lý văn hóa, ông tích lũy thêm kiến thức văn hóa ngoài cuộc sống và tiếp tục học hỏi những cây đại thụ có bề dày kinh điển về văn hóa như cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, Giáo sư Tô Ngọc Thanh… Ông kể, lần đầu viết cuốn “Nữ thần Thánh Mẫu ở Thái Bình”, tư liệu ngồn ngộn, ông mang khoe với Giáo sư Trần Quốc Vượng, những tưởng được ông tán dương, nào ngờ, khi đọc xong, Giáo sư lại “chê”: “Tư liệu sưu tầm phong phú, “dưng mà” anh viết chưa ra văn nghệ dân gian”, rồi ông cười òa: Cậu viết đi, có triển vọng đấy. Thế là, ông lại đi, lại ghi chép, lại tự học trong dân gian để lý giải cái điều Giáo sư Trần Quốc Vượng “chê” kia là ở đâu. Ông không nản, rồi một ngày, ông chợt reo lên, dân gian là cái ở trong dân, không có bài bản, chỉ truyền dạy cho nhau, chỉ đơn giản vậy, không phải là cái gì máy móc, cao siêu.

 

Những tư liệu điền dã ngày một dày lên, ông phải tự học đánh máy vi tính, tự học cách gửi email, tự học cách trình bày văn bản. Công việc khá khó khăn với lớp người “cổ” như ông, nhưng lòng say mê nghiên cứu đã hối thúc ông học và hành thành thạo.

 

 Nhớ lại những năm tháng khó khăn, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, khi đó, đoàn sáng tác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam về Thái Bình thực tế, với cương vị là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ông đã đưa đoàn đi cơ sở, trong chuyến đi ấy, bài hát “Nắng ấm quê hương” của nhạc sĩ Vĩnh An đã ra đời. Giai điệu bài hát vang vọng bốn phương, để lại dư âm tốt trong lòng người nghe. Nhạc sĩ Vĩnh An cũng đã viết thư gửi ông, thư có đoạn: “Thái Bình với tôi đã và mãi mãi đáng yêu. Yêu từ ngọn cỏ, cành cây, dáng vóc con người và lời ăn, tiếng nói từ tấm lòng trung thực của tôi”. Thêm sự động viên của cố nhạc sĩ Vĩnh An, ông càng nung nấu quyết tâm sưu tầm, nghiên cứu và viết sách về văn hóa Thái Bình. Quê ông, xã Hồng Việt, huyện Ðông Hưng nằm cạnh con sông Trà Lý quanh năm đỏ nặng phù sa là khởi đầu cảm hứng cho ông. Ông nhận ra rằng, chính những vùng quê dọc theo các con sông, là nơi lưu tồn những nét văn hóa nguyên sơ của vùng văn minh lúa nước với những tục thờ thần, thánh mang đậm màu sắc văn hóa. Ông đi tìm câu trả lời. Và, cuốn sách “Nữ thần và Thánh Mẫu ở Thái Bình” đã được viết, biên tập và xuất bản, bổ sung vào kho tư liệu văn hóa dân gian Việt Nam là một minh chứng cho sự miệt mài lao động, cống hiến cho quê hương. Rồi tiếp đến những đầu sách mà ông miệt mài nghiên cứu, sưu tầm, viết, tự in, in xong lại đem biếu… chỉ với mong muốn, những kiến thức về văn hóa Thái Bình ông sưu tầm biên soạn đến được tay người đọc, để mọi người hiểu thêm về mảnh đất và con người Thái Bình. Tiêu biểu như: Những làng văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc ở Thái Bình; Hội trình làng Miên; Ðịa danh Thái Bình xưa và nay; Tìm hiểu tục ngữ, ca dao nói về đất và người Thái Bình; Thái Bình với sự nghiệp dựng nước Vạn Xuân…

 

 

Lá thư của cố nhạc sĩ Vĩnh An là nguồn động viên ông trong suốt những năm tháng qua.

 

Cuốn sách “Ðất và người Thái Bình” dày một nghìn trang sau bao năm tháng phôi thai, ông viết cùng bạn nghiên cứu Bùi Duy Lan (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh), in lần đầu ba nghìn cuốn “hết veo”. Xin tái bản lần hai cũng hết, phải xin tái bản lần thứ ba. Gần vạn cuốn cũng hết. Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu sau khi đọc sách “Ðất và người Thái Bình” đã viết: Cuốn “Ðất và người Thái Bình” đã đem lại cho tôi nhiều cảm hứng. Ðây chính là quyển sách mà tôi đang mong đợi. Ðã từ lâu, tôi để nhiều công phu tìm hiểu về Thái Bình, mảnh đất mà tôi yêu quý với những con người mà tôi mến phục”. Còn PGS, TS Nguyễn Danh Phiệt sau khi có trong tay cuốn “Ðất và người Thái Bình” đã nghiền ngẫm đọc, và ông phải thốt lên: “Với tấm lòng thiết tha yêu mến quê hương, thể hiện tinh thần tôn trọng quá khứ, ý thức trách nhiệm đối với hiện tại và tương lai... dẫu còn những khiếm khuyết khó tránh khỏi nhưng sách đã cung cấp nhiều tư liệu, những hiểu biết cần thiết và bổ ích về Thái Bình đất hẹp, người đông, quật cường và anh dũng”.

 

Không chỉ viết sách, Phạm Minh Ðức còn là cộng tác viên tích cực của nhiều tờ báo như Nhân Dân hằng tháng, Quân đội nhân dân, Tạp chí Xưa và nay, Người Hà Nội và đặc biệt, nhiều năm nay, ông gắn bó với Báo Thái Bình, với những trang viết thể hiện cái nhìn sâu sắc về bản sắc văn hóa Thái Bình. Gần 80 niên, ông vẫn cần mẫn đọc, đi, suy ngẫm và viết. Mái tóc ngả màu sương gió. Ðôi mắt dẫu đã mờ, nhưng ông còn nhiều dự định viết về mảnh đất, con người các huyện trong tỉnh, những trò diễn dân gian trong các tích trò trong chèo Khuốc… Thời gian với ông quý hơn vàng, ông bảo vậy, bởi quỹ thời gian đang eo hẹp dần. Ông muốn cống hiến, cống hiến thật nhiều hơn nữa, như dòng sông Trà Lý cạnh làng ông, ngày đêm vẫn âm thầm chở nặng phù sa bồi đắp cho những bãi bờ ven sông.

 

Quang Viện

  • Từ khóa