Hai lần gặp Bác Hồ
Đường giao thông nông thôn xã Minh Lãng (Vũ Thư). Ảnh: Minh Đức
Được tiếp xúc với văn hóa cách mạng, ông Nghĩa sớm có lòng yêu nước, căm thù giặc, tình nguyện vào bộ đội (15/7/1949) thuộc Đại đội 17, Tiểu đoàn 29, Sư đoàn 308. Từ năm 1950, ông Nghĩa đã tham gia chiến đấu ở các chiến dịch: Biên giới, Trung Du, Hoàng Hoa Thám, Hà - Nam - Ninh, nhất là trận chiến đấu ác liệt giải phóng đồn Tô Vũ.
Đồn Tô Vũ nằm chạy dài phía hữu ngạn sông Đà, cách thị xã Hòa Bình khoảng 20km, có sân bay dã chiến và chia thành ba khu chiến lược (A, B và Ngòi Lát) với những trạm gác, lô cốt, hệ thống hầm hào kiên cố, xung quanh đồn có hai hàng rào dây thép gai hình khối, bên trong hàng rào có giao thông hào, lũy đất đá, quân giặc có khoảng 2 tiểu đoàn lính Âu - Phi được trang bị vũ khí hiện đại.
Trước khi ta đánh đồn Tô Vũ, ông Nghĩa được đại đội phân công làm liên lạc. Qua trinh sát nhiều lần, ông Nghĩa nắm được sự bố phòng của giặc, ông đã báo cáo với chỉ huy và hiến kế đánh đồn Tô Vũ mà đại đội ông là chủ công.
Tối ngày 10 tháng 12 năm 1951, trời đen sì, đơn vị của ông Nghĩa xuất quân từ một khu rừng tiến về Tô Vũ từ chập tối đến 21 giờ mới đến gần trận địa. Đường hành quân lặng lẽ, yên tĩnh trong hun hút lạnh của núi rừng mà cán bộ, chiến sĩ ai nấy đều hồ hởi, dấy lên lòng căm thù giặc và những khát vọng làm nên kỳ tích ở trận chiến này. Khi áp sát đồn Tô Vũ, các đơn vị bạn ở các khu A, B cũng đã thầm lặng triển khai kế hoạch đánh giặc cùng với đại đội ông.
Ông Nghĩa cùng một chiến sĩ của đại đội bò sát hàng rào theo mũi tiến công vào khu Ngòi Lát (khu quan trọng nhất của đồn Tô Vũ), cài được bộc phá ở nhiều điểm dưới hàng rào. Khi có lệnh "phát hỏa" của chỉ huy ta, ông Nghĩa và đồng đội giật dây kíp, bộc phá nổ tung cắt được nhiều đoạn hàng rào, đạn pháo tầm ngắn của ta nã xối xả vào trận địa mở đường cho bộ đội ta tiến vào tiêu diệt giặc ở các trạm gác và lô cốt.
Bọn giặc ở các chốt trong đồn chống cự quyết liệt hòng đẩy lùi quân ta. Mặc dù không ít hy sinh nhưng với tinh thần quyết tâm giải phóng đồn Tô Vũ, đơn vị ông Nghĩa lợi dụng giao thông hào của giặc luồn lách dưới tầm mưa đạn, dùng mọi hỏa lực tiêu diệt giặc ở các chốt. Một vùng trời Hòa Bình đêm ấy rực lửa.
Mặc cho sự hy sinh lớn đang xảy ra, dưới tầm lửa đạn, ông Nghĩa xả thân cõng được 5 thương binh ra nơi an toàn, trong đó có thương binh nặng Trịnh Quang Bảo (quê Nông Cống, Thanh Hóa) được ông Nghĩa kéo ra từ miệng lô cốt, vừa kéo xong thì lô cốt sập tan tành. Đưa thương binh ra ngoài an toàn, ông Nghĩa quay lại tiếp tục chiến đấu. Các mũi đánh ở các khu A, B của các đơn vị bạn cũng đồng loạt tiến công tương tự, cắt đứt sự liên lạc giữa chỉ huy giặc với các điểm khác. Sau 5 giờ đồng hồ chiến đấu ngoan cường, nảy lửa, không tiếc máu xương, bộ đội ta đã làm chủ trận địa.
Trời tảng sáng thì cũng là lúc đơn vị ông Nghĩa và các đơn vị bạn phá hủy, tiêu diệt và thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng của giặc ở đồn Tô Vũ. Bọn giặc sống sót tháo chạy theo đường sông ngược về thị xã. Nhân dân quanh vùng nô nức ra trận địa hân hoan và thu chiến lợi phẩm giúp bộ đội.
Sau các chiến dịch lớn và trận chiến đấu giải phóng đồn Tô Vũ, ông Nghĩa được suy tôn là "Chiến sĩ thi đua toàn quân".
Vẫn giọng nói khỏe, ông Nghĩa vui vẻ kể: Một vinh dự lớn trong đời, một kỷ niệm không thể nào quên: Cuối tháng 12 năm 1951, đơn vị cử 5 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có tôi được lên cấp trên báo công dâng Bác.
Chiều ấy, nắng nhẹ, trời se se lạnh, 5 anh em chúng tôi đến một khu rừng (thuộc tỉnh Cao Bằng). Vừa đến địa điểm tập kết thì cũng là lúc Bác Hồ và các đồng chí cấp trên đến gặp. Sau khi bắt tay mọi người, Bác hỏi: Chú nào là Vũ Văn Nghĩa quê Thái Bình? Tôi hồi hộp, người nóng ra... Tôi giơ tay: Dạ thưa Bác, cháu đây ạ. Thế là Bác đi nhanh đến ôm hôn tôi thắm thiết rồi Bác vỗ vai tôi vừa cười vừa nói: Chú nhỏ thế này mà đánh thắng thằng Tây cao to, lại cứu được nhiều thương binh... Rồi Bác vỗ vai từng người hỏi thăm sức khỏe, ăn uống ở đơn vị thế nào. Kể đến đây, giọng ông Nghĩa chùng xuống rồi chìm trong nghẹn nấc vì cảm động nhớ lại ngày gặp Bác. Dừng lại một hồi lâu, ông Nghĩa lại kể: Sau đó Bác bảo chúng tôi: Các chú đi thăm bác Tôn, anh Cả (đồng chí Trường Chinh), chú Hai, chú Ba (đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp), đúng 5 giờ chiều phải có mặt tại đây ăn cơm. Chúng tôi về muộn mất 7 phút, Bác gọi đồng chí Vương Thừa Vũ (cán bộ Trung đoàn) phê bình về lỗi không đúng giờ đã hẹn. Sau đó, chúng tôi được ăn cơm với Bác tại một nhà lán trong rừng. Bữa ăn rất nhanh nhưng vui lắm, đầy tình yêu thương của Bác với chúng tôi. Mãi sau này chúng tôi mới biết nơi gặp Bác chỉ cách Pác Bó có hơn 1km.
Tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất năm 1952 ở Thái Nguyên, tôi lại được gặp Bác Hồ. Bác khen ngợi thành tích của các anh hùng chiến sĩ thi đua, trong đó có tôi. Trưa ấy, tôi ngồi ăn cơm cùng mâm với La Văn Cầu, Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Chiên..., vừa bắt đầu ăn thì bất ngờ Bác đi đến, Bác bảo: Bác ngồi ăn cơm với các cô, các chú mâm này nhé. Chúng tôi mừng lắm nhưng rồi cứ đứng lên ngồi xuống, Bác thấy chúng tôi luống cuống không bình thường, Bác kéo tay tôi và bảo: Chú này ngồi xuống ăn cơm đi, sao cứ loay hoay thế. Bác ăn một chút rồi đi mâm khác. Bác không ngồi cùng mâm nữa, lòng dạ chúng tôi bâng khuâng, tiếc nuối, ăn chẳng biết ngon nữa. Bữa ăn cũng rất nhanh nhưng lần này đông vui hơn.
Ăn xong, Bác gọi chúng tôi ngồi quây quần bên Bác, Bác ân cần thăm hỏi từng người, mỗi người được Bác hỏi một câu riêng, sau cùng Bác dặn chúng tôi: Các cô, các chú phải thi đua đánh giặc giỏi hơn nữa, kỷ luật phải nghiêm, trong cuộc sống phải đoàn kết, tiết kiệm...
Đầu tháng 3 năm 1954, ông Nghĩa được cấp trên điều động, bổ sung cho mặt trận Điện Biên Phủ. Lúc đầu, ông làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực..., sau được biên chế vào đại đội chiến đấu trực tiếp đánh chiếm đồi A1. Trong chiến đấu, ông Nghĩa là một trong những cán bộ gan dạ, dũng cảm và mưu trí, góp phần xứng đáng vào chiến thắng giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ.
Do có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ông Nghĩa được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 6 Huân chương Chiến công, trong đó có 4 huân chương hạng nhất.
Tháng 7 năm 1966, Trung úy Vũ Văn Nghĩa về phục viên tại quê nhà. Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ông Nghĩa được Đảng bộ, nhân dân, đoàn thể tin tưởng bầu giữ chức vụ bí thư chi bộ liên chi, nhiều khóa liền là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã, Ban Quản trị HTX thủ công nghiệp, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi... Thực hiện lời Bác dạy năm xưa, ở lĩnh vực công tác nào, ông Nghĩa cũng nhiệt tình, bền bỉ, chí công, vô tư, sống giản dị, tiết kiệm và luôn là tấm gương đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân.
Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa Vũ Văn Nghĩa một thời hoa lửa, quả cảm đã vinh dự được gặp Bác Hồ hai lần nay đã nghỉ công tác. Hai ông bà đang sống hiền hòa, chân chất trong căn nhà còn lợp ngói mà ngăn nắp, gọn gàng. Cho dù kinh tế không dư dả nhưng ông Nghĩa vẫn luôn nhiệt tình, gương mẫu ủng hộ các phong trào ở địa phương. Vừa qua, ông đã hiến gần 40m2 đất thổ cư để mở đường và ủng hộ 2,2 triệu đồng cho việc làm đường, góp phần vào thành tích xã Minh Lãng được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Minh Lệ
(Minh Khai, Vũ Thư)
Tin cùng chuyên mục
- Đưa Hưng Hà trở thành trung tâm kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh 28.01.2025 | 22:50 PM
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
-
Đặc sắc chương trình nghệ thuật kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và chào mừng hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình
- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm làm việc tại phường Phố Hiến
- Công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương, địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kết thúc hoạt động cấp huyện
- Báo Thái Bình - Một hành trình với những mốc son lịch sử
- Thư tòa soạn
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ
- Khởi công dự án nhà máy đốt chất thải rắn phát điện công nghệ hiện đại tại xã Thụy Trình
- Khởi công dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành và dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng hàng lỏng Ba Lạt
- Việt Nam nâng tầm vị thế tại Hội nghị quốc tế về biển và đại dương
- Hội thảo khoa học: Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam