Người Thái Bình trong phủ tổng thống
Tổng thống Ngô Đình Diệm (phải), cố vấn Ngô Đình Nhu (trái) và Giám mục Ngô Đình Thục.
Kỳ II: Ngô Ðình Diệm đặt biệt danh 5 con rồng
- Tôi cũng không ngờ - ông Nhạ nói. Có điều, để đi tới cái đích ấy là cả một chặng đường dài mưu tính mạo hiểm.
- Vượt mạo hiểm cực khó. Chiếm được lòng kẻ đối địch với mình càng khó hơn. Ông thu “hồn vía” anh em họ Ngô bằng cách nào?
- Từ cái “vỏ bọc” của tổ chức bọc cho tôi. Gia đình tôi đóng vai một gia đình giáo dân di cư vào Nam. Dựa vào ảnh hưởng của đức cha Lê, cha Hoàng ở nhà thờ Bình An và Phát Diệm mà tôi đã có dịp quen biết. Chế độ Ngô Ðình Diệm rất cần sự ủng hộ của các linh mục này - những người có tinh thần chống cộng rất quyết liệt. Tôi đã thể hiện mình là cái cầu nối cho họ đến với nhau. Từ đó, dần dần tôi chiếm được lòng tin của Ngô Ðình Cẩn, cố vấn miền Trung. Cẩn “bắc cầu” cho tôi sang cha Thục, ông Nhu và Ngô Ðình Diệm.
Ông Vũ Ngọc Nhạ tiếp: Là phụ tá của đức cha Lê, cố vấn cho gia đình Ngô tổng thống, tôi có điều kiện tiếp cận với các quan chức cao cấp trong chính phủ ngụy quyền, với Tòa thánh Va-ti-căng, Giáo chủ Pi-e XI, Khâm sứ Tòa thánh Sài Gòn, Ðức Hồng y Xpen-man Mỹ. Qua đây, tôi nắm được khá nhiều tin tức quan trọng của Mỹ, ngụy để cung cấp về trung tâm của ta.
- Là người cộng sản nằm trong phủ tổng thống, có lúc nào ông bị nghi ngờ?
- Thường xuyên bọn mật vụ theo dõi. Tôi luôn biến nghi ngờ thành đức tin để “bọc mình” và thoát hiểm.
Vũ Ngọc Nhạ tiếp:
- Anh em Ngô tổng thống coi tôi như người ruột thịt. Một hôm, họp gia đình có đủ Ngô Ðình Thục, Ngô Ðình Nhu, Lệ Xuân, Ngô Ðình Cẩn và tôi, Ngô Ðình Diệm tự đặt biệt danh 5 con rồng cho 5 anh em. Ông bảo: “Từ nay, Ngô Ðình Thục là Hồng Long, Ngô Ðình Diệm là Bạch Long, chú Nhu là Thanh Long, chú Cẩn là Hắc Long, thầy Hai (tức Vũ Ngọc Nhạ) là Hoàng Long. Ðã là anh em trong nhà, thầy Hai không cần phải ý tứ gì”. Anh em Ngô Ðình Diệm càng tin tôi, quý tôi, bọn CIA và bọn mật vụ lại càng để mắt đến tôi.
- Lệ Xuân, vợ Ngô Ðình Nhu thỉnh thoảng cũng “quan tâm” đến ông phải không?
- Lệ Xuân một người đàn bà có sắc, có tài, hiếu thắng và kiêu kỳ. Ông Nhu nhiều hơn Lệ Xuân hàng chục tuổi. Ông làm việc căng thẳng, luôn vắt óc đối phó tình hình, ít quan tâm đến tình cảm của Lệ Xuân. Có lần Lệ Xuân “đến gần tôi”, tôi sang nói lại với ông Nhu. Ông Nhu bảo, quyền của bà ấy tôi không can thiệp. Có người bảo tôi rằng bà ấy thử. Người thì bảo bà ấy thật đấy. Chỉ có bà ấy mới biết chính xác.
Ông tiếp:
- Một lần, tôi cùng ông Ngô Ðình Nhu và Lệ Xuân lên Ðà Lạt. Lệ Xuân mời tôi sang phòng riêng làm việc. Tôi bước vào phòng, Ngô Ðình Nhu đang ngủ say. Bà ấy rót nước mời tôi và ngồi nhìn tôi rất lạ. Lát sau, Lệ Xuân hỏi:
- Anh là cộng sản à?
- Sao bà nghĩ như vậy?
- Anh không cần tiền, không cần tình, chỉ có cộng sản mới thế.
- Tôi cũng từng là cộng sản. Nhưng tôi đã “từ bỏ” cộng sản lâu rồi.
Lệ Xuân lắc đầu:
- Tôi thấy anh lạ thật. Làm việc cho chính phủ mà không nhận phụ cấp. Gia đình anh thì nghèo xác. Sáng nào trước khi vào phủ tổng thống anh chả đèo rau ra chợ cho bà vợ anh bán, tôi biết chứ.
Tôi im lặng, Lệ Xuân tiếp:
- Nếu anh bằng lòng, tôi chỉ cần nói một lời, cả nhà anh sẽ sung sướng.
- Cảm ơn bà, gia đình tôi sống như hiện nay là ổn lắm rồi.
Vũ Ngọc Nhạ nói tiếp: Lệ Xuân thấy anh em Ngô Ðình Diệm tin tôi, quý tôi, bà ta cũng quý nhưng vẫn để mắt theo dõi tôi. Tôi nhận ra và ý thức được điều đó nên những thử thách của bà đều vô hiệu. Hơn nữa, thấy tôi tỏ ra hết lòng vì ông Diệm, ông Nhu nên dần dần bà Lệ Xuân cũng tin tôi và yêu mến tôi. Ðó là cơ hội tốt để chúng tôi tạo thêm vỏ bọc và hoạt động trong vỏ bọc.
Ông Vũ Ngọc Nhạ tâm sự: Ðiểm mấu chốt của người tình báo là phải “tuyệt đối trung thành với anh em” và phải bọc mình cho kín. Rất căng thẳng, căng thẳng 24/24 giờ mỗi ngày và cứ thế, suốt tháng, suốt năm, năm này qua năm khác. Chỉ một tích tắc sơ hở là có thể đổ bể, mình chết đã đành còn chết lây anh em khác, hỏng cả công việc chung, chết cả vợ con mình nữa.
Nhờ cái “vỏ bọc” bằng niềm tin, mọi công việc, chủ trương to, nhỏ của chính quyền họ Ngô, Vũ Ngọc Nhạ đều nắm được. Ông đã chắt lọc và bằng đường dây mật, những tin tức quan trọng đã được đưa về bên ta.
Trước một ngày xảy ra chuyện sát hại anh em họ Ngô, linh tính của tôi thật kỳ lạ. Ông Vũ Ngọc Nhạ kể: Có một điều gì rất mơ hồ mà tôi cảm nhận được qua giấc chiêm bao. Mơ hồ nhưng hệ trọng lắm, mách bảo tôi rằng: Thầy Hai ơi, thầy nên biến khỏi cung phủ họ Ngô ngay, nếu thầy thấy mình cần còn sống, cần cho công việc về sau. Tôi đang phảng phất nỗi ám ảnh từ cái điều mơ hồ thì Ngô Ðình Diệm cho người sang phòng tôi mời tôi sang phòng của ông ta. Tôi vội khoác chiếc áo dài, khép cửa phòng đi ra. Vừa đặt chân vào phòng tổng thống, quan sát thấy sắc mặt Ngô Ðình Diệm tối sạm. Hai hốc mắt như người mất ngủ lâu ngày thâm quầng. Vì mấy hôm trước ông Ngô Ðình Nhu có nói với tôi về âm mưu của người Mỹ muốn “thay ngựa giữa dòng”. Tôi đoán hai anh em Diệm, Nhu đang vắt óc tìm kế đối phó nhưng chưa có cách chống đỡ. Linh tính như mách bảo tôi sắp có điều gì quan trọng lắm xảy ra trong phủ tổng thống.
Tôi đứng nghiêm cúi chào ông Ngô Ðình Diệm rồi lùi ra, ngồi vào chiếc ghế gần đó vừa lúc Ngô Ðình Nhu bước vào. Ông Nhu cúi chào tổng thống rồi đi tới chiếc ghế đối diện với tôi. Ngô Ðình Diệm hỏi:
- Chú Nhu và thầy Hai biết người Mỹ cùng các phe cánh đối lập đang làm gì không? Họ đang xiết chặt cái mà họ ảo tưởng lật đổ thể chế Việt Nam cộng hòa…
Ông Diệm nói một hồi rất lâu về tình hình người Mỹ ép buộc ông những điều ông không thể nghe họ, nói về thời vận và thời cuộc rồi ông chỉ thị: “Chú Nhu phải đưa ngay mạng lưới mật vụ vào cuộc và huy động lực lượng quân đội sẵn sàng phòng thủ ứng phó”.
Tôi im lặng lắng nghe và gật đầu. Còn ông Ngô Ðình Nhu, hình như ông đã thấu hiểu nỗi hoài nghi, có phần lo lắng của vị tổng thống, người anh ruột của mình. Ông Nhu phân tích tình hình, cố ý trấn an tổng thống. Giọng ông đanh đạt, dứt khoát bằng thứ âm thanh của một người vốn quen hùng biện. Tôi ngước nhìn ông, chợt nhận thấy thần thái trên khuôn mặt cũng rất ảm đạm. Ông Nhu vốn có nước da ngăm đen nhưng tươi tắn, lúc này tối ám, hai má sọm lại. Lúc ấy, tôi không nghĩ hai khuôn mặt ông Diệm, ông Nhu là điềm báo trước cho một kết cục thảm hại.
Bà Lệ Xuân (trái) và phu nhân Tổng thống Mỹ tại Sài Gòn tháng 6/1960.
Sau khi tiếp kiến tổng thống Ngô Ðình Diệm và ông Ngô Ðình Nhu, tôi quay về phòng làm việc, vừa lúc gặp Vũ Hữu Duật ở Tổng nha Cảnh sát (người trong lưới A22 của ta) sang tìm. Ông Duật vẻ mặt thâm trầm, thoáng lộ nét quan trọng, ghé sát vào tôi nói nhỏ:
Ghi chép của Minh Chuyên
Ðài Truyền hình Việt Nam
Tin cùng chuyên mục
- Đưa Hưng Hà trở thành trung tâm kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh 28.01.2025 | 22:50 PM
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
-
Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao quyết định công tác cán bộ tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
- Khai mạc tuần du lịch tỉnh Thái Bình và khai trương phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Kiểm tra công tác chuẩn bị khai mạc Tuần du lịch tỉnh Thái Bình và khai trương phố đi bộ thành phố Thái Bình
- Thái Bình lựa chọn được nhà thầu xây dựng cao tốc Nam Định - Thái Bình với vốn đầu tư 19.784 tỷ đồng
- Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước
- Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại biểu đến dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Tri ân sâu sắc các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc
- Tỉnh Trà Vinh đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, kỷ niệm 65 năm kết nghĩa Trà Vinh - Thái Bình
- Đoàn công tác tỉnh Thái Bình thăm Trường THCS Thái Bình tại huyện Càng Long