Thứ 2, 05/08/2024, 03:15[GMT+7]

Quỳnh cò

Thứ 5, 04/02/2016 | 15:49:34
248 lượt xem
Nhiều người biết đến Trần Duy Quỳnh ở thôn Tiền Phong, xã Vũ Vân (Vũ Thư) là người làm kinh tế giỏi với trang trại cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm mà ít biết đến một con người yêu tha thiết chim muông, nhất là loài cò. Anh có nhiều biệt danh: Quỳnh trọc, Quỳnh khùng, Quỳnh đi Tây… mà bạn bè, những người yêu quý đặt cho. Nhưng anh thích được gọi là Quỳnh cò bởi cuộc đời, sự nghiệp của anh có cái gì đó giống như đặc tính, cuộc đời của con cò và tình yêu anh dành cho loài chim gắn

Khởi nghiệp vì... cò

Trang trại của Trần Duy Quỳnh là một bãi nổi giữa sông Hồng ở cuối huyện Vũ Thư thuộc địa phận thôn Tiền Phong, xã Vũ Vân. Nhìn từ xa, cả bãi nổi như một vạt rừng nguyên sinh, cây cối xanh tốt với nhiều tầng lá, chim chóc bay lượn, hót véo von. Dẫn chúng tôi đi theo con đường mòn dưới những tán lá ken dày để thăm mô hình ao cá, chuồng trại chăn nuôi và ngắm đàn cò, anh Quỳnh chia sẻ: Trang trại có được quy mô như ngày hôm nay là cả quãng thời gian 11 năm vật lộn với thiên nhiên và hao tiền, tốn của vào đây nhiều lắm! Năm 2005, anh bắt tay vào khai phá bãi nổi, quy hoạch trang trại chăn nuôi. Với tổng diện tích 13,4ha, anh dành 60% diện tích trồng cây xanh và các loại cây bóng mát, 40% diện tích còn lại anh chia làm 3 khu gồm, khu đào ao nuôi cá 3ha, khu lán trại chăn nuôi 700m2 và khu trồng rau sạch 1ha.

Vì bãi nổi sông Hồng xa khu dân cư, đường ra nhỏ và lầy lội nên để đưa máy móc và vật liệu ra xây dựng trang trại hết sức khó khăn, vất vả. Ấy vậy mà vừa xây dựng xong, đầu tư hết gần 4 tỷ bạc, chưa kịp cho thu hoạch thì liên tục gặp thiệt hại. Năm đầu thì bị lũ cuốn trôi mấy trăm khối cát vàng anh mua để xây dựng trụ sở, tiếp đến năm 2008 trận rét lịch sử đã làm cho đàn bò gần 20 con khụy và chết hàng loạt. Rồi năm 2012, trận bão lớn cuối năm đã làm tốc một số mái lán chăn nuôi và quét đổ, gãy hơn 40% diện tích cây xanh. Nhìn cảnh tượng tan hoang của trang trại, anh Quỳnh nản và thoáng mất hy vọng. Khi được hỏi, có mấy tỷ trong tay, sao không đầu tư buôn bán ở nơi phố xá vừa sạch sẽ vừa dễ làm giàu, Quỳnh cho biết: Chỉ vì về quê nhìn đàn cò bay lượn và đậu trắng bãi nổi sông Hồng, thấy làng quê thanh bình và đẹp quá! Các cụ xưa có câu "Đất lành chim đậu" nên mình quyết tâm đầu tư về đây. Và chính trong lúc gặp rủi ro, thiệt hại, hoàn cảnh khó khăn nhất, nhìn đàn cò bay đi, bay về đã cho mình sự ấm lòng, tâm bình lặng để tỉnh táo tính toán tiếp tục vượt lên.

Với sự kiên trì, bền bỉ và chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm, hiện nay trang trại của Trần Duy Quỳnh đã phát triển ổn định. Mỗi năm trang trại của anh xuất ra từ 70 - 100 tấn lợn thịt, khoảng 70 tấn cá và 40 tấn rau sạch mang về mức doanh thu trên dưới 8 tỷ đồng. Ngoài vận hành trang trại, anh Quỳnh còn xây dựng chuỗi bếp ăn công nghiệp ở trong và ngoài tỉnh. Toàn bộ thực phẩm được lấy từ trang trại nên giúp anh kiểm soát tốt về chất lượng vệ sinh an toàn thực phầm, đồng thời nâng cao giá trị sản xuất của trang trại và hoạt động kinh doanh.

Đời cò và đời người

Trần Duy Quỳnh yêu thương cò như chính thương yêu cuộc đời mình. Khi bắt đầu cải tạo bãi nổi sông Hồng thành trang trại, anh trăn trở, làm thế nào để cho hiệu quả kinh tế mà không làm mất nơi trú ngụ của đàn cò đã có hàng trăm năm qua? Nghĩ vậy, anh quyết định quy hoạch để dành 60% diện tích để trồng cây xanh lấy bóng mát, cải thiện môi trường và có chỗ cho cò về đậu. Sau 11 năm, gần 8ha cây xanh đã cao từ 7 - 20 mét, có cây thân to cả người ôm, lá che phủ dày đặc.

Đi giữa những hàng cây và dưới những tán lá tầng tầng lớp lớp cho người ta cái cảm giác đang đi trong một khu rừng nguyên sinh hoang sơ nào đó. Vừa đặt chân tới trang trại, định đi một vòng tham quan, chúng tôi giật mình khi một anh công nhân cảnh báo: đi lại cẩn thận kẻo có rắn độc cắn nhé! Sởn cả gai ốc. Nhưng nghe tiếng muôn loại chim đua nhau hót véo von, nhìn đàn cò trắng bay phía cuối bãi, chúng tôi vẫn quyết tâm thị sát một vòng quanh "đảo". Cả không gian tĩnh lặng, thỉnh thoảng lũ chim chích chòe, chào mào, bạc má, chim sâu, chim chích, chim di, sáo sậu đua nhau hót gọi bầy trên những rặng tre, chót vót trên ngọn cây xà cử, phi lao, sưa đỏ, keo, tràm. Ông Nguyễn Văn Hân, công nhân phụ trách chăn nuôi lợn ở trang trại tâm sự: Đêm đêm, đàn cò, vạc, bồ nông bay về nhiều kêu inh ỏi làm náo động cả bãi và khúc sông này. Trong khuya thanh vắng, nghe tiếng sóng nước ì oạp vỗ bờ, nghe đám chim cuốc, bìm bịp kêu, gà rừng gáy mà thấy như mình đang sống ở những ngày xa xưa.

Để thu hút đàn chim trời về với "đảo", ngoài quy hoạch trồng cây xanh, anh Quỳnh còn bố trí khu vực chăn nuôi, ao cá đan xen để tạo không gian yên tĩnh cho chim chóc trú ngụ. Hiện nay, chim trời, trong đó có loài cò, vạc là món ăn đặc sản, khoái khẩu của nhiều đại gia, nhất là dân nhậu. Anh Quỳnh cho biết: Tôi và anh em công nhân ở đây vất vả vì phải trông coi, bảo vệ chim, không cho thợ săn vào bắt. Vì bãi rộng, có 10 con người, nhiều khi không quản lý hết được. Mỗi lần có kẻ vào săn bắn trộm, nghe tiếng súng, đàn chim hoảng hốt bay tán loạn mà lòng đầy xót xa.

Đến nay, Trần Duy Quỳnh đã "rót" gần 7 tỷ đồng đầu tư vào trang trại. trong đó khoảng 1,5 tỷ đồng cho việc làm đường, xây cầu từ đê ra "đảo". Số còn lại đầu tư cho cơ sở vật chất, cây, con giống. Với số tiền lớn bỏ ra đầu tư như vậy, nhiều người không tin Quỳnh sẽ làm ăn thành công. Đặc biệt, nhiều người còn cho anh là điên khùng khi để gần 60% diện tích cho chim trời ở, để rồi nó mang dịch bệnh đến gây hại cho đàn gia súc, gia cầm. Điều lo lắng này là có cơ sở và chính anh Quỳnh cũng biết. Thế nhưng, với anh, 60% diện tích ấy được ví như là lá phổi của trang trại giúp cho môi trường được trong lành bền vững. Lũ chim lại là cái thước đo, thuốc thử đánh giá về chất lượng môi trường của trang trại. Còn nỗi lo dịch bệnh anh Quỳnh khẳng định: Không lo! Mình cứ vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi thường xuyên, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đúng quy định thì làm sao xảy ra dịch bệnh được!

Ước mơ của Quỳnh cò

Cứ nghĩ, đầu tư bạc tỷ vào trang trại là để thực hiện khát vọng làm giàu, với Trần Duy Quỳnh hóa ra chỉ đúng phần nào. Hiện, anh đang đầu tư thuê máy móc vào cải tạo mặt bằng chuẩn bị xây dựng hệ thống nhà kính với diện tích 2.000m2 để trồng rau sạch, ước tính chi phí khoảng trên 1,5 tỷ đồng. Anh cũng vừa hoàn thiện đắp bờ, trải bạt làm 10 ao nổi để nuôi tôm và một số loại cá đặc sản. Mục đích của việc đầu tư, ngoài lợi nhuận kinh tế là bảo đảm có được nguồn nông sản thực phẩm sạch, an toàn cung cấp cho hệ thống bếp ăn công nghiệp của anh và người tiêu dùng.

Và ước mơ cháy bỏng đau đáu bao nhiêu năm qua của anh là xây dựng trang trại trở thành khu du lịch sinh thái. Bãi nổi sông Hồng trở thành khu lưu giữ các loại thực vật quý, nơi bảo tồn các loài chim, nhất là các loài chim có nguy cơ tuyệt chủng như: cò, vạc, bồ nông, bìm bịp, cuốc, cu gáy…

Chia tay Quỳnh cò, nhìn về phía bãi nổi giữa sông Hồng bát ngát một màu xanh và thấp thoáng bóng trắng của đàn cò bay lượn. Nhớ khuôn mặt lúc nào cũng nở nụ cười nhưng ẩn sâu nỗi buồn của anh khi nói với chúng tôi về chuyện đàn cò: Năm nay thời tiết ấm lên nên đàn cò bay về ít. Nếu không có một môi trường tốt, rồi một ngày chúng ta sẽ chẳng còn được ngắm đàn cò bay lượn trên không trung, đậu trắng đồng mỗi khi nông dân chuẩn bị vào vụ cấy, hình ảnh làng quê Việt Nam sẽ không còn nên thơ và thi vị nữa! Chúng tôi ước gì, trên dải đất hình chữ S này có nhiều người có cái tâm và tấm lòng yêu thiên nhiên như Quỳnh cò thì quê hương ta trong tương lai giàu mạnh mà vẫn đẹp vô ngần.

Khởi nghiệp vì... cò

Trang trại của Trần Duy Quỳnh là một bãi nổi giữa sông Hồng ở cuối huyện Vũ Thư thuộc địa phận thôn Tiền Phong, xã Vũ Vân. Nhìn từ xa, cả bãi nổi như một vạt rừng nguyên sinh, cây cối xanh tốt với nhiều tầng lá, chim chóc bay lượn, hót véo von. Dẫn chúng tôi đi theo con đường mòn dưới những tán lá ken dày để thăm mô hình ao cá, chuồng trại chăn nuôi và ngắm đàn cò, anh Quỳnh chia sẻ: Trang trại có được quy mô như ngày hôm nay là cả quãng thời gian 11 năm vật lộn với thiên nhiên và hao tiền, tốn của vào đây nhiều lắm! Năm 2005, anh bắt tay vào khai phá bãi nổi, quy hoạch trang trại chăn nuôi. Với tổng diện tích 13,4ha, anh dành 60% diện tích trồng cây xanh và các loại cây bóng mát, 40% diện tích còn lại anh chia làm 3 khu gồm, khu đào ao nuôi cá 3ha, khu lán trại chăn nuôi 700m2 và khu trồng rau sạch 1ha.

Vì bãi nổi sông Hồng xa khu dân cư, đường ra nhỏ và lầy lội nên để đưa máy móc và vật liệu ra xây dựng trang trại hết sức khó khăn, vất vả. Ấy vậy mà vừa xây dựng xong, đầu tư hết gần 4 tỷ bạc, chưa kịp cho thu hoạch thì liên tục gặp thiệt hại. Năm đầu thì bị lũ cuốn trôi mấy trăm khối cát vàng anh mua để xây dựng trụ sở, tiếp đến năm 2008 trận rét lịch sử đã làm cho đàn bò gần 20 con khụy và chết hàng loạt. Rồi năm 2012, trận bão lớn cuối năm đã làm tốc một số mái lán chăn nuôi và quét đổ, gãy hơn 40% diện tích cây xanh. Nhìn cảnh tượng tan hoang của trang trại, anh Quỳnh nản và thoáng mất hy vọng. Khi được hỏi, có mấy tỷ trong tay, sao không đầu tư buôn bán ở nơi phố xá vừa sạch sẽ vừa dễ làm giàu, Quỳnh cho biết: Chỉ vì về quê nhìn đàn cò bay lượn và đậu trắng bãi nổi sông Hồng, thấy làng quê thanh bình và đẹp quá! Các cụ xưa có câu "Đất lành chim đậu" nên mình quyết tâm đầu tư về đây. Và chính trong lúc gặp rủi ro, thiệt hại, hoàn cảnh khó khăn nhất, nhìn đàn cò bay đi, bay về đã cho mình sự ấm lòng, tâm bình lặng để tỉnh táo tính toán tiếp tục vượt lên.

Với sự kiên trì, bền bỉ và chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm, hiện nay trang trại của Trần Duy Quỳnh đã phát triển ổn định. Mỗi năm trang trại của anh xuất ra từ 70 - 100 tấn lợn thịt, khoảng 70 tấn cá và 40 tấn rau sạch mang về mức doanh thu trên dưới 8 tỷ đồng. Ngoài vận hành trang trại, anh Quỳnh còn xây dựng chuỗi bếp ăn công nghiệp ở trong và ngoài tỉnh. Toàn bộ thực phẩm được lấy từ trang trại nên giúp anh kiểm soát tốt về chất lượng vệ sinh an toàn thực phầm, đồng thời nâng cao giá trị sản xuất của trang trại và hoạt động kinh doanh.

Đời cò và đời người

Trần Duy Quỳnh yêu thương cò như chính thương yêu cuộc đời mình. Khi bắt đầu cải tạo bãi nổi sông Hồng thành trang trại, anh trăn trở, làm thế nào để cho hiệu quả kinh tế mà không làm mất nơi trú ngụ của đàn cò đã có hàng trăm năm qua? Nghĩ vậy, anh quyết định quy hoạch để dành 60% diện tích để trồng cây xanh lấy bóng mát, cải thiện môi trường và có chỗ cho cò về đậu. Sau 11 năm, gần 8ha cây xanh đã cao từ 7 - 20 mét, có cây thân to cả người ôm, lá che phủ dày đặc.

Đi giữa những hàng cây và dưới những tán lá tầng tầng lớp lớp cho người ta cái cảm giác đang đi trong một khu rừng nguyên sinh hoang sơ nào đó. Vừa đặt chân tới trang trại, định đi một vòng tham quan, chúng tôi giật mình khi một anh công nhân cảnh báo: đi lại cẩn thận kẻo có rắn độc cắn nhé! Sởn cả gai ốc. Nhưng nghe tiếng muôn loại chim đua nhau hót véo von, nhìn đàn cò trắng bay phía cuối bãi, chúng tôi vẫn quyết tâm thị sát một vòng quanh "đảo". Cả không gian tĩnh lặng, thỉnh thoảng lũ chim chích chòe, chào mào, bạc má, chim sâu, chim chích, chim di, sáo sậu đua nhau hót gọi bầy trên những rặng tre, chót vót trên ngọn cây xà cử, phi lao, sưa đỏ, keo, tràm. Ông Nguyễn Văn Hân, công nhân phụ trách chăn nuôi lợn ở trang trại tâm sự: Đêm đêm, đàn cò, vạc, bồ nông bay về nhiều kêu inh ỏi làm náo động cả bãi và khúc sông này. Trong khuya thanh vắng, nghe tiếng sóng nước ì oạp vỗ bờ, nghe đám chim cuốc, bìm bịp kêu, gà rừng gáy mà thấy như mình đang sống ở những ngày xa xưa.

Để thu hút đàn chim trời về với "đảo", ngoài quy hoạch trồng cây xanh, anh Quỳnh còn bố trí khu vực chăn nuôi, ao cá đan xen để tạo không gian yên tĩnh cho chim chóc trú ngụ. Hiện nay, chim trời, trong đó có loài cò, vạc là món ăn đặc sản, khoái khẩu của nhiều đại gia, nhất là dân nhậu. Anh Quỳnh cho biết: Tôi và anh em công nhân ở đây vất vả vì phải trông coi, bảo vệ chim, không cho thợ săn vào bắt. Vì bãi rộng, có 10 con người, nhiều khi không quản lý hết được. Mỗi lần có kẻ vào săn bắn trộm, nghe tiếng súng, đàn chim hoảng hốt bay tán loạn mà lòng đầy xót xa.

Đến nay, Trần Duy Quỳnh đã "rót" gần 7 tỷ đồng đầu tư vào trang trại. trong đó khoảng 1,5 tỷ đồng cho việc làm đường, xây cầu từ đê ra "đảo". Số còn lại đầu tư cho cơ sở vật chất, cây, con giống. Với số tiền lớn bỏ ra đầu tư như vậy, nhiều người không tin Quỳnh sẽ làm ăn thành công. Đặc biệt, nhiều người còn cho anh là điên khùng khi để gần 60% diện tích cho chim trời ở, để rồi nó mang dịch bệnh đến gây hại cho đàn gia súc, gia cầm. Điều lo lắng này là có cơ sở và chính anh Quỳnh cũng biết. Thế nhưng, với anh, 60% diện tích ấy được ví như là lá phổi của trang trại giúp cho môi trường được trong lành bền vững. Lũ chim lại là cái thước đo, thuốc thử đánh giá về chất lượng môi trường của trang trại. Còn nỗi lo dịch bệnh anh Quỳnh khẳng định: Không lo! Mình cứ vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi thường xuyên, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đúng quy định thì làm sao xảy ra dịch bệnh được!

Ước mơ của Quỳnh cò

Cứ nghĩ, đầu tư bạc tỷ vào trang trại là để thực hiện khát vọng làm giàu, với Trần Duy Quỳnh hóa ra chỉ đúng phần nào. Hiện, anh đang đầu tư thuê máy móc vào cải tạo mặt bằng chuẩn bị xây dựng hệ thống nhà kính với diện tích 2.000m2 để trồng rau sạch, ước tính chi phí khoảng trên 1,5 tỷ đồng. Anh cũng vừa hoàn thiện đắp bờ, trải bạt làm 10 ao nổi để nuôi tôm và một số loại cá đặc sản. Mục đích của việc đầu tư, ngoài lợi nhuận kinh tế là bảo đảm có được nguồn nông sản thực phẩm sạch, an toàn cung cấp cho hệ thống bếp ăn công nghiệp của anh và người tiêu dùng.

Và ước mơ cháy bỏng đau đáu bao nhiêu năm qua của anh là xây dựng trang trại trở thành khu du lịch sinh thái. Bãi nổi sông Hồng trở thành khu lưu giữ các loại thực vật quý, nơi bảo tồn các loài chim, nhất là các loài chim có nguy cơ tuyệt chủng như: cò, vạc, bồ nông, bìm bịp, cuốc, cu gáy…

Chia tay Quỳnh cò, nhìn về phía bãi nổi giữa sông Hồng bát ngát một màu xanh và thấp thoáng bóng trắng của đàn cò bay lượn. Nhớ khuôn mặt lúc nào cũng nở nụ cười nhưng ẩn sâu nỗi buồn của anh khi nói với chúng tôi về chuyện đàn cò: Năm nay thời tiết ấm lên nên đàn cò bay về ít. Nếu không có một môi trường tốt, rồi một ngày chúng ta sẽ chẳng còn được ngắm đàn cò bay lượn trên không trung, đậu trắng đồng mỗi khi nông dân chuẩn bị vào vụ cấy, hình ảnh làng quê Việt Nam sẽ không còn nên thơ và thi vị nữa! Chúng tôi ước gì, trên dải đất hình chữ S này có nhiều người có cái tâm và tấm lòng yêu thiên nhiên như Quỳnh cò thì quê hương ta trong tương lai giàu mạnh mà vẫn đẹp vô ngần.

Khắc Duẩn

  • Từ khóa