Chủ nhật, 28/07/2024, 09:35[GMT+7]

Đôi bờ Tịnh Xuyên

Thứ 6, 05/02/2016 | 15:34:18
6,795 lượt xem
Cái nghèo đói, vẻ trầm mặc của những ngôi làng giờ chỉ còn là câu chuyện của dĩ vãng. Cảnh đợi đò, tiếng gọi “đò ơi..” khua động sóng nước một bến sông cũng chỉ còn trong hoài niệm. Tất cả đã nhường chỗ cho sự đổi mới đi lên từ khi cầu Tịnh Xuyên bắc qua sông Trà Lý nối hai huyện Vũ Thư - Hưng Hà được xây dựng và đưa vào sử dụng. Cuộc sống của người dân đôi bờ nhộn nhịp, tươi vui, tạo nên bức tranh quê đầy xuân sắc.

Cầu Tịnh Xuyên được đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Bắc huyện Vũ Thư và các xã phía Nam huyện Hưng Hà.

Bâng khuâng một thuở

Ngay dưới chân cầu Tịnh Xuyên về phía Vũ Thư có một gia viên lúc nào cũng xanh mướt cây cảnh. Ông chủ của gia viên đó là Vũ Thanh Tùng, sinh năm 1964, ở thôn Đồng Đại 1, xã Đồng Thanh. Trước khi trở thành nghệ nhân sinh vật cảnh, gần nửa đời, ông Tùng là người lái đò ngang bến Đồng Đại, rồi Tịnh Xuyên trên dòng Trà Lý. Nhìn cây cầu mới, dòng sông vắng bóng con đò, ông Tùng không khỏi bâng khuâng nhớ về một thuở. Ông kể: Mười bảy tuổi tôi vào nghề lái đò ở bến sông này. 22 năm gắn bó với mái chèo, tôi thuộc tên từng người khách vì xưa quê nghèo, đường sá lầy lội, trắc trở, có mấy người đi. Làng Đồng Đại và cả xã Đồng Thanh xưa nghèo xơ xác. Bởi cái thế địa lý xa trung tâm huyện và bị ngăn cách do con sông Trà Lý nên người dân nơi đây chỉ gói mình sau lũy tre làng, sớm chiều đồng áng với cây lúa, củ khoai. Ngoài làm ruộng, lúc nông nhàn bà con đi đánh cá, bắt cua, đào cáy dọc bãi sông Trà. Số ít làm nghề sản xuất bánh, bún, cốm nếp bán rong gọi là đập vá qua ngày giáp hạt. Vì chẳng đi đâu ra ngoài làng nên con đò của ông Tùng cũng thường xuyên cắm sào, gác mái. Số khách quen của ông Tùng là một số bà con trong xã Đồng Thanh và xã Hồng Lý là những người buôn thúng bán mẹt với gánh hàng rau rời nhà từ 3 giờ sáng, qua đò đi bộ hàng chục cây số sang tận chợ Diêm, xã Độc Lập, Hưng Hà để bán.

Và khách quen của con đò là bà Tấn, bà Liễu, bà Tư... với gánh hàng giỏ (một thứ đựng tôm, tép, cá, cua) từ làng Cổ Trai, xã Hồng Minh, Hưng Hà vượt sông sang chợ huyện Vũ Thư bán. Người dân Hồng Minh cũng nghèo, cảnh làng quê tiêu điều chẳng khác nào xã Đồng Thanh bên kia sông Trà Lý. Nhớ về năm tháng cũ, những người già trong làng hai bên bờ Tịnh Xuyên chỉ tự hào về tình người đằm thắm, chân chất, thật thà. Nhưng từ sâu trong tâm khảm, ánh mắt họ phảng phất một nỗi buồn man mác. Những ký ức nghèo với hình ảnh người nông dân lăn lội bờ sông kiếm từng con cua, con cá hay bóng dáng thân gầy thấp thoáng trên đồng mót từng bông lúa, củ khoai để chống đói cứ ám ảnh họ đến tận bây giờ.

Đánh thức tiềm năng

Đứng trên cầu Tịnh Xuyên nhìn về phía Vũ Thư thấy cả một vùng đất bãi ngút ngát màu xanh của rau màu và cây dược liệu: thanh hao, ớt, ngô, đậu xanh, bầu bí các loại. Nhờ chuyên canh hoa màu với những cây cho giá trị kinh tế cao và thâm canh 1 năm 2 vụ lúa đã nâng giá trị sản xuất của nông dân Đồng Thanh đạt hơn 150 triệu đồng/ha/năm và bà con có thể làm giàu từ nông nghiệp. Đặc biệt, nhiều gia đình đã mạnh dạn đưa mô hình trồng hoa, cây cảnh vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế vượt bậc. Ông Vũ Thanh Tùng cho biết: Dù phong trào mua và chơi cây cảnh không còn rầm rộ như thời điểm thị trường sốt giá nhưng mỗi năm gia đình tôi vẫn có mức thu nhập từ 45 - 60 triệu đồng từ nghề làm cây cảnh. Vẫn mảnh đất ấy, con người ấy nhưng với cách nghĩ, cách làm mới, màu vàng của lúa, màu xanh của rau đã mang lại sự ấm no cho người dân.

Xã Đồng Thanh có tiếng với hai sản vật ngon là bánh, bún và cốm. Nổi tiếng hơn cả là cốm nếp Thanh Hương. Cùng cán bộ xã Nguyễn Trung Tài, vừa tới đầu làng Thanh Hương, chúng tôi đã nghe thấy tiếng chày giã gạo nện xuống cối. Cả xóm rộn ràng với tiếng chày khua xình xịch, xình xịch vui tai. Anh Tài cho biết: Cũng tiếng chày giã gạo ấy, trước kia, bà con làng nghề toát cả mồ hôi, mệt tướt bơ vì phải giã bằng tay. Nhưng giờ nhàn rồi, máy móc làm thay cho sức người. Ghé thăm gia đình anh Phạm Ngọc Hà ở thôn Thanh Hương 3, được biết, anh là 1 trong 4 hộ có sản lượng cốm nhiều nhất thôn. Vào thời kỳ cao điểm (từ tháng 8 đến tháng 11), mỗi ngày gia đình anh Hà làm 2 tạ thóc, cho ra hơn 1,4 tạ cốm; mỗi tháng xuất ra thị trường hơn 4 tấn cốm, thu về hơn 75 triệu đồng.

Những ngày giáp tết này, đến nhà nào bếp cũng rực lửa. Hệ thống máy đảo rang thóc, máy giã, máy sàng hoạt động liên tục. Đôi tay người thợ uyển chuyển, nhịp nhàng trộn cốm trong cối cho máy giã để không bị vón. "Trước đây, khi chưa có điện, không có máy móc thì hai vợ chồng em làm cật lực cả ngày cũng chỉ được 30 - 40kg cốm nên đồng công chẳng đáng là bao. Bây giờ có máy móc, mỗi ngày làm được gần tạ rưỡi mà không thấy vất vả tí nào, chỉ bận bịu chân tay thôi" - chị Nguyễn Thị Phương, cũng ở thôn Thanh Hương 3 nở nụ cười mãn nguyện khi chia sẻ với chúng tôi.

Mùi cốm nếp thơm thanh khiết và dịu nhẹ được làm ra từ kinh nghiệm đời nối đời hàng trăm năm cộng với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của người dân làng Thanh Hương đã chinh phục khách hàng không chỉ ở Thái Bình mà còn rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông Nguyễn Viết Tọa ở thôn Thanh Hương 1 không chỉ là một "nghệ nhân cốm" mà còn là đại lý tiêu thụ cốm cho cả làng Thanh Hương với khoảng 200 hộ ở 3 thôn. Ông Tọa cho biết, theo những chuyến xe của gia đình ông, cốm Thanh Hương nay đã có mặt ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An… Mỗi năm, chỉ tính riêng thu nhập từ nghề làm cốm, bà con làng Thanh Hương thu về ngót 30 tỷ đồng. Cái làng nằm nép mình sau con đê Trà Lý xưa tiêu điều, nay sầm uất như phố xá với rất nhiều căn nhà được xây dựng kiểu cách biệt thự, nhà vườn trị giá bạc tỷ.

Có máy móc thay sức người, người dân Thanh Hương bớt vất vả, nâng sản lượng cốm từ 200 tấn lên gần 500 tấn/tháng.

Rời Đồng Thanh, chúng tôi vượt cầu Tịnh Xuyên đến đất Hồng Minh (Hưng Hà) thì trời bỗng đổ mưa. Nhìn mặt đường trải nhựa phẳng lì chợt nghĩ, cách đây chục năm, cũng con đường này (từ bến đò Tịnh Xuyên đến trung tâm xã Hồng Minh) nếu mưa chắc chắn chúng tôi phải xuống xe dắt bộ vì lầy lội. Hệ thống giao thông của xã hiện nay 100% đã được rải đá, láng nhựa hoặc bê tông hóa theo tiêu chí nông thôn mới.

Ngoài sự đổi thay về cơ sở hạ tầng nông thôn, điều dễ thấy ở Hồng Minh là ở khắp các cánh đồng, nhất là vùng đất bãi rộng hơn 180ha, nông dân địa phương đã đưa nhiều giống cây trồng mới cho giá trị kinh tế cao vào sản xuất như ngô lai, đậu tương, bí xanh, bí ngô, kê, lạc, cải bắp và rau màu khác. Bà con tích cực trồng cây vụ đông trên đất hai lúa cho hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình trồng bí đỏ với diện tích 15ha của gia đình ông Bùi Văn Vũ, ước tính cho thu nhập hơn 810 triệu đồng trong vụ đông này. Nghề chăn nuôi ở Hồng Minh phát triển đa dạng về chủng loại, mở rộng quy mô, số lượng. Bên cạnh chăn nuôi lợn, gia cầm, bà con còn chăn nuôi bò, thỏ, nhím, con đặc sản và nuôi trồng thủy sản. Theo thống kê, năm 2015, ngành chăn nuôi của địa phương mang lại 37 tỷ đồng, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp lên 89,76 tỷ đồng.

Ông Vũ Hữu Hỷ, Chủ tịch UBND xã Hồng Minh cho chúng tôi biết: Đến nay, Hồng Minh đã phá thế độc canh nông nghiệp, ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ phát triển đã mang về cho địa phương 155,25 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động. Hiện, mức thu nhập của người dân bình quân đạt 28 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,3%. Phấn khởi hơn cả là năm 2013, Hồng Minh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Hy vọng ở mùa xuân

Người dân đôi bờ Tịnh Xuyên hạnh phúc vì giờ đây hết cảnh bần hàn và phơi phới hy vọng vào tương lai tươi đẹp hơn khi cầu Tịnh Xuyên được khánh thành và đưa vào sử dụng. Nhìn từ xa, cây cầu như một dải lụa trắng vắt ngang dòng Trà Lý. Đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy, tại lễ cắt băng khánh thành và thông xe cầu Tịnh Xuyên đã khẳng định: Cây cầu sẽ kết nối tam giác kinh tế thành phố Thái Bình, Hưng Hà và Vũ Thư phát triển năng động bậc nhất và tạo thế trận phòng thủ vững chắc của tỉnh trong thời gian tới. Quả đúng như vậy, từ khi có cây cầu, nhiều dự án công nghiệp lớn đã xin đầu tư vào xã Hồng Minh (Hưng Hà) và các xã Đồng Thanh, Xuân Hòa (Vũ Thư) như nhà máy May 10 dự kiến tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động, dự án chăn nuôi bò Úc của Tập đoàn Hòa Phát quy mô 14ha, giải quyết việc làm cho 150 lao động tại chỗ… Những tín hiệu vui về bức tranh kinh tế thực sự mang lại niềm lạc quan cho người dân đôi bờ Tịnh Xuyên về một cuộc sống sung túc hơn. Diện mạo nông thôn cũng sẽ khang trang, sáng láng hơn trong những mùa xuân tới.

Hà Thanh

  • Từ khóa