Lúa nếp hoa vàng làng Keo
Kết tinh một vùng đất
Rượu Keo được sản xuất từ lúa nếp hoa vàng là đặc sản mang trọn vẹn hồn cốt của nơi sản sinh ra nó. Nói về rượu Keo không thể không lần giở lại lịch sử, địa chí làng Keo. Sử sách ghi lại, chùa Keo (Thần Quang Tự) ban đầu có tên là Nghiêm Quang, được Thiền sư Không Lộ xây dựng từ năm 1067 tại làng Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) hữu ngạn sông Hồng. Năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa. Một bộ phận dân làng Keo dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình và dựng lên chùa Keo - nay là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Việt Nam.
Làng Dũng Nhuệ ngày nay là địa phận của HTX DVNN Hành Dũng Nghĩa (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư), gồm 3 thôn Hành Dũng Nghĩa, Dũng Nghĩa, Dũng Nhuệ nhưng đến nay người dân vẫn quen gọi làng Keo, nghe dân dã, thân thương. Nghe dân làng kể, vùng đất chân đê sông Hồng này có điều kiện tự nhiên là đồng đất chua trũng, chỉ thích hợp trồng cấy giống nếp cái hoa vàng. Loại nếp này chỉ được trồng vào vụ mùa nên dân làng Keo xưa cho đến nay có thêm nghề nấu rượu làm kế sinh nhai. Rượu Keo chở hương vị lúa nếp quê hương cũng là chở theo cả lịch sử, sự sống của đất và người làng Keo.
Niềm tự hào của quê hương
Ðến làng Keo, hỏi bất cứ ai về lúa nếp hoa vàng, về rượu Keo, ta có thể nghe họ nói về đặc sản quê mình say sưa, đầy tự hào. Bà Phạm Thị Hòa (thôn Hành Dũng Nghĩa) cho biết: Gạo nếp làng Keo, rượu làng Keo vừa rẻ, vừa thơm ngon, gạo thật, men thật. Rượu không cần phải mang đi đâu rao bán, khách tự biết tiếng mà tìm về mua. Nhà tôi, người nhà, người quen ở các tỉnh xa yêu mến rượu của làng, vẫn thường xuyên gửi mua. Ông Ðỗ Biên Thùy (thôn Thiện Long) tuy không còn sinh sống ở làng nữa nhưng vẫn luôn gắn bó với mảnh đất nơi ông sinh ra và lớn lên: Làng Keo chúng tôi tự hào có lịch sử văn hiến lâu đời, truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng và có nghề cấy lúa nếp hoa vàng và nấu rượu cổ truyền.
Truyền qua bao thế hệ, những người làm nghề ngày nay dù bị mất ưu thế cạnh tranh về năng suất, giá cả với các loại rượu khác trên thị trường dùng men Trung Quốc, men vi sinh kém chất lượng nhưng không ai vì thế mà đánh đổi danh tiếng ông cha truyền lại. Mọi nguyên liệu, công đoạn được bảo đảm chất lượng theo đúng truyền thống. Gạo của làng được đem nấu thành cơm rồi ủ với men làm từ 36 vị thuốc Bắc khoảng 2 - 3 ngày, có khi đến 1 tuần, sau đó trộn với nước từ 10 - 20 ngày, thậm chí 25 ngày mới đem nấu. Khi nấu phải canh lửa đều, canh nước nóng vừa… Qua các công đoạn tỷ mỷ, đòi hỏi lắm công phu, ta có rượu Keo trong như nước mưa, thơm hương lúa nếp, vị ngọt và êm.
Thương hiệu cho rượu quê
Theo đồng chí Phạm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nhất, trong khoảng 1.000 gia đình thuộc HTX DVNN Hành Dũng Nghĩa thì có hàng trăm gia đình chuyên cấy lúa nếp hoa vàng nhưng cả xã chỉ có gần 40 hộ duy trì nghề nấu rượu truyền thống. Tuy nhiên, hầu hết các hộ đều nấu thủ công, nhỏ lẻ, chỉ có vài hộ đầu tư máy móc hiện đại.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (thôn Hành Dũng Nghĩa) chia sẻ: Tôi nấu mỗi lần một nồi 10kg gạo, được khoảng 5 - 7 lít rượu. Khách hàng có cả trong làng, trong tỉnh đến các tỉnh lân cận, nấu đến đâu bán hết đến đấy nhưng cũng chỉ lãi được hơn 1 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Văn Mưu (thôn Hành Dũng Nghĩa) là hộ duy nhất có hệ thống nấu rượu hiện đại. Ðược biết, từ năm 2008, vợ chồng anh quyết tâm đầu tư hơn 150 triệu đồng để mua các loại máy xay, xát, máy nấu cơm, máy nấu rượu, máy khử, lọc chạy bằng điện, đồng thời xây nhà hầm để rượu có điều hòa nhiệt độ, từ đó chủ động được sản xuất và nâng cao chất lượng, năng suất tăng gấp đôi. Rượu bán đi các tỉnh, thành phố, thậm chí vào tận miền Nam. Rượu nấu để được cả năm, nhà anh Mưu có thể trữ được đến 15.000 lít rượu. Rượu để lâu càng chất lượng, giá bán có thể lên đến 40.000 - 52.000 đồng/lít. Nhờ đó, thu nhập của gia đình đạt khá.
Tuy vậy, đa phần các hộ nấu rượu đều giống chị Nguyệt, một tháng nấu trung bình vài trăm lít rượu và chỉ nấu vào mùa lạnh. Mùa nóng rượu bị chua, không nấu, ủ được nên các hộ nấu chừng mực, nấu đến đâu bán đến đấy. Dịp nấu và tiêu thụ mạnh nhất là vào những tháng cuối năm, dịp tết âm lịch. Giá bán trung bình khoảng 35.000 đồng/lít. Rượu Keo được bán rộng rãi trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao song chưa có nhãn mác, thương hiệu nên giá cả chưa tương xứng với chất lượng. Nghề nấu rượu chưa thực sự đem lại giá trị kinh tế cao. Vì thế mà hiện nay thế hệ trẻ rất ít người theo nghề truyền thống này.
Bà Tạ Thị Nhâm (thôn Hành Dũng Nghĩa) đã nấu rượu hơn 50 năm. Năm nay 70 tuổi, bà vẫn cùng chồng là ông Nguyễn Văn Dần duy trì nghề mà bà được mẹ truyền lại. Nhờ nghề mà bà nuôi các con khôn lớn. Bà bảo, các con tôi chẳng đứa nào muốn theo nghề. Còn tôi, còn sống thì còn làm. Cũng đau đáu với nghề của cha ông, anh Nguyễn Văn Mưu tâm sự: Tôi vẫn luôn tìm tòi, học hỏi, đúc kết kinh nghiệm để phối hợp giữ bí quyết nấu rượu cổ truyền và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại giúp vừa tăng năng suất, chất lượng sản phẩm vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, sức khỏe người nấu rượu. Ðể phát triển rượu Keo còn cần nhiều nghiên cứu, chuẩn bị, trước mắt, tôi mong được chính quyền tạo điều kiện vay vốn, mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất rượu kết hợp với cấy lúa nếp và chăn nuôi.
Ðồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nhất bày tỏ: Ðịa phương mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện để sớm xây dựng thương hiệu cho rượu Keo, thành lập tổ, nhóm sản xuất tập trung, quy mô, từ đó phát triển kinh tế địa phương và đưa sản phẩm truyền thống đậm đà hương vị làng Keo ra thị trường trong nước và quốc tế.
Những ngày tết, chén rượu Keo nồng nàn hương lúa nếp lại đưa những người con Thái Bình trên khắp mọi miền đất nước trở về với hồn cốt quê hương.
Mai Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Đưa Hưng Hà trở thành trung tâm kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh 28.01.2025 | 22:50 PM
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
-
Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh
- Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công Dự án cao tốc CT.08; Khu công nghiệp Hưng Phú; Lễ động thổ dự án Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J
- Phấn đấu khởi công dự án tuyến đường CT.08 vào ngày 12/5/2025
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao quyết định công tác cán bộ tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
- Khai mạc tuần du lịch tỉnh Thái Bình và khai trương phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Kiểm tra công tác chuẩn bị khai mạc Tuần du lịch tỉnh Thái Bình và khai trương phố đi bộ thành phố Thái Bình
- Thái Bình lựa chọn được nhà thầu xây dựng cao tốc Nam Định - Thái Bình với vốn đầu tư 19.784 tỷ đồng
- Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước