Chủ nhật, 27/04/2025, 12:08[GMT+7]

Nhớ bậc tiền nhân giữa mênh mông biển cả

Thứ 2, 29/02/2016 | 10:25:03
1,440 lượt xem
Vượt sóng gió, những con tàu của Lữ đoàn 146 Hải quân nhân dân Việt Nam là 996, 936, 571, 561 đưa chúng tôi ra thăm và chúc tết quân, dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ðể đảm nhận sứ mệnh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương, gìn giữ hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước, Hải quân nhân dân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành. Từ một lực lượng thủy chiến bắt đầu từ 20 chiếc tàu gỗ tự chế, Hải quân nhân dân Việt Nam đã lớn mạnh với 5 thành phần: tàu mặt nước, tàu ngầm; ph

Một góc đảo Sơn Ca (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

 

Sinh ra trên vùng đất ven biển, sóng gió mặn mòi của biển cả đã sớm ăn sâu vào con người Bùi Viện. Trên vùng quê nghèo ấy, các xóm làng thường xuyên phải đương đầu với bọn hải tặc vào quấy nhiễu, cướp phá. Ðây cũng là động lực giúp Bùi Viện sớm xác định chí hướng của mình vươn ra làm chủ mặt biển, an dân hộ quốc. Sau khi được tiến cử và giúp Lê Tuấn tiễu phỉ dẹp loạn ngoài Bắc về, đến Huế chưa được bao lâu, doanh điền sứ Nam Ðịnh là Doãn Khuê có cảm tình sâu sắc với những tư tưởng cải cách, canh tân đất nước của Bùi Viện đã viết thư mời Bùi Viện ra Bắc giúp việc an định cư dân, khẩn hoang, khai mở một cửa biển cho xứ Bắc theo lệnh của triều đình. Công cuộc xây dựng Ninh Hải (cảng Hải Phòng ngày nay) thành một cảng lớn, có thể làm cửa ngõ để nước ta hội nhập với thế giới bắt đầu từ đó. Ninh Hải có nghĩa là vùng biển thái bình nhưng tên đặt đó chỉ là hy vọng về một vùng đất dữ bởi thời đó Ninh Hải thường xuyên bị giặc Tàu ô (cướp biển Trung Quốc, đi trên những chiếc tàu lớn sơn đen, xuất hiện cuối thời Minh, cuối thời Lê thường xuyên chạm trán và nhiều lần nổ súng với thủy quân Ðại Việt) ở ngoài biển tràn vào và những thổ phỉ từ trong nổi lên cướp phá. Muốn hoàn thành, Bùi Viện cùng một lúc giải quyết hai việc: làm tròn nhiệm vụ dẹp giặc để giữ Ninh Hải bình yên đồng thời xây dựng nơi đây thành một hải cảng có vị trí kinh tế, nối Việt Nam với thế giới bên ngoài. Không phụ lòng tin tưởng của Doãn Khuê, ông đã đem những hiểu biết của mình về đất và người vùng biển để dốc sức hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, ông đã chiêu mộ binh sĩ, cấp y phục, khí giới làm công việc. Ban ngày, ông đốc thúc dân phu đào sông, tháo nước ra biển, vượt đất lên làm ruộng vườn, nền móng cho các phủ đệ sau này. Ðêm đến, ông tổ chức tuần tra chống cướp, tiễu phỉ, bảo đảm an ninh. Chẳng bao lâu, vùng đất bùn lầy hẻo lánh đã thành nơi “đất lành chim đậu”, cư dân tập trung, đường đi lối lại thủy bộ đều thuận lợi, có thương điếm thu thuế tàu thuyền ra vào, có cơ quan phòng thủ phụ trách việc giữ an ninh trong vùng, gọi là hải biên phòng thủ (Hải Phòng). Với những nỗ lực không ngừng, Bùi Viện đã góp phần cơ bản tạo nền móng để Hải Phòng phát triển trở thành một cảng biển lớn của đất nước sau này.

 

 

Tham biện thương chính kiêm Chánh quản đốc Nha tuần hải Bùi Viện.

 

Thời Tự Ðức, kinh tế công thương nghiệp của nước ta có nhiều bước tiến đáng kể, hoạt động giao thương với nước ngoài được đẩy mạnh khi các thuyền buôn từ Pháp, Bồ Ðào Nha, Nhật Bản, Trung Quốc... ra vào tấp nập tại các cảng biển Vân Ðồn, Ninh Hải, Hội An... Giao thông vận tải giữ vai trò quan trọng, nhà nước có những đội thuyền vận tải của các nha Kinh lược Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ thường chở tiền, lương thực, hàng hóa và quân lính đổi phiên từ các tỉnh về kinh thành Huế. Tuy nhiên, thời điểm đó, an ninh trên biển lại là vấn đề nan giải khi hải tặc Tàu ô thường xuyên xâm phạm vào sâu trong hải phận nước ta, tổ chức cướp phá các thuyền buôn và vận tải. Khi được vua Tự Ðức tin tưởng bổ nhiệm chức Tham biện thương chính, Bùi Viện đề nghị triều đình làm gấp hai việc: Một là mở mang đường thủy, cho đào sông vét ngòi, mở hải cảng, lập bến sông, bởi theo ông, phải lo giao thông trước rồi mới khuyếch trương buôn bán. Hai là tổ chức thủy đội tiễu trừ hải tặc, bảo vệ thuyền buôn đi lại ngoài khơi, sau đó phát triển thành lực lượng thủy quân hùng mạnh bảo vệ lãnh hải nước nhà. Ðến tháng 8/1876, vua Tự Ðức lại giao cho ông trách nhiệm tổ chức Nha tuần hải và cử ông làm Chánh quản đốc trực tiếp phụ trách. Từ đây, ông hăng hái thực hiện hoài bão hướng ra biển, làm chủ biển khơi bằng việc thành lập đội tuần dương quân. Lực lượng này hầu hết là dân chài lưới thông thạo sông biển, trong đó có cả những ngư dân Trà Lý quê ông. Ngoài ra, với suy nghĩ quảng đại, ông đã mạnh dạn xin triều đình ân xá cho những tướng giặc Tàu ô chịu dẫn lực lượng ra quy hàng hoặc những người Việt lầm đường lỡ bước làm hải tặc, tuyển họ vào tuần dương quân, tùy tài mà sử dụng. Ngoài vũ khí, trang bị, lương bổng do triều đình cấp, Bùi Viện còn đề xuất sáng kiến vận động các nhà buôn đóng góp tài chính để xây dựng và phát triển lực lượng tuần dương quân. Nhiệm vụ của lực lượng này là tuần tiễu suốt miền duyên hải, vận tải lương tiền cho nhà nước và hộ vệ các thuyền buôn.

 

 

Luyện tập sẵn sàng chiến đấu ở Trường Sa.

 

Cuối năm 1876, tuần dương quân ra đời do Bùi Viện chỉ huy, quân số lên đến hơn 2.000 người (trong đó có hơn 700 tráng đinh là dân chài Trà Lý), trang bị khoảng 200 chiếc thuyền lớn, được chia thành 2 đoàn: “Thanh đoàn” với lực lượng là hải tặc Trung Quốc quy hàng, đoàn toàn người Việt được gọi là “Thủy dũng”. Lực lượng tuần dương quân được chu cấp lương bổng, trang bị vũ khí hiện đại, có kỷ luật nghiêm, được huấn luyện bài bản, chu đáo. Ðại bản doanh của tuần dương quân được đặt ở Nam Ðịnh nhưng suốt từ Bắc vào đến Quảng Nam, tại các bến Ninh Hải, Nễ Sơn, Quảng Nam, Ðà Nẵng... đều đặt thêm các chi điếm và đồn quan phòng, sẵn sàng hỗ trợ nhau. Bằng những việc làm trên, Bùi Viện đã cải tạo và đổi mới các tổ chức đã có của triều đình thành các tổ chức hoạt động chặt chẽ, có hiệu lực. Với tài tổ chức và chỉ huy của Bùi Viện, tuần dương quân hoạt động ráo riết và hiệu quả, hải tặc một thời làm mưa làm gió trên miền duyên hải bị đánh tan tác, nhiều toán xin quy hàng hoặc phải chuyển vùng hoạt động. Nhờ đó, việc buôn bán nội địa và với thương thuyền nước ngoài trên biển được đẩy mạnh, an toàn và an ninh hàng hải trên biển Ðông được củng cố. Theo ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Minh Ðức, việc vươn ra biển, chiếm lĩnh và làm chủ lãnh hải là một quan điểm khá mạnh dạn của Bùi Viện, có ý nghĩa đi trước thời đại. Có thể khẳng định, với việc thành lập, tổ chức và trực tiếp chỉ huy lực lượng tuần dương quân, Bùi Viện là một trong những bậc tiền nhân có ý thức về việc hình thành lực lượng hải quân hiện đại ngày nay.

 

Trịnh Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày