Anh hùng du kích Phạm Quang Thẩm
Căng đồn Nghĩa Lộ - nơi giam giữ và hy sinh của đồng chí Phạm Quang Thẩm.
Mang theo trăn trở đó, khi trở về Thái Bình, chúng tôi có cuộc hành trình tìm hiểu: Phạm Quang Thẩm là ai, ông ở đâu và có những chiến công gì?
Thời thơ ấu "khác người"
Ông Phạm Quang Liêm, con trai của Phạm Quang Thẩm kể lại, cha ông sinh năm 1905 ở làng Tân Chi Phong, xã Hồng Phong (Vũ Thư), mất tháng 3/1945 tại nhà tù Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Sinh ra trong một gia đình quyền quý, thế lực và giàu có thời phong kiến nhưng từ nhỏ, cậu bé Thẩm đã gần gũi và chia sẻ với những khổ cực của lớp dân cày, người nô lệ. Mặc dù cha và anh là Chánh tổng Thái Phú thường hay đàn áp lớp bần nông, người nghèo nhưng Phạm Quang Thẩm khác hẳn. Ông thường bênh vực người nghèo, xin cha và anh không đánh đập và bắt sưu thuế dân cày. Ông cũng hay chơi và chia sẻ đồ ăn với đám trẻ chăn trâu trong làng, mặc cho gia đình ngăn cấm và đôi lần đòn roi.
Năm 1923, ông rời quê lên Hà Nội học trường tư thục Min - xanh. Học được 2 năm thì nghỉ về quê chịu tang mẹ rồi bỏ học luôn. Sau đó, ông theo học trường Canh nông ở Tuyên Quang rồi cũng lại bỏ học giữa chừng vì không muốn làm tay sai cho Pháp. Do gia đình thúc ép, ông theo học trường Sư phạm Nam Định. Từ nhỏ, Phạm Quang Thẩm tỏ ra là một người khỏe mạnh, thông minh, sáng dạ, nhiều tài, học rất giỏi và có tư tưởng tiến bộ, tính tình khí khái, ngang ngạnh và rất quyết đoán.
Ngay từ khi còn học sư phạm, ông đã tham gia phong trào đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Ông cũng là người tích cực tham gia viết báo tường để nói lên chí khí của người thanh niên trong cảnh nước mất nhà tan. Trong lễ truy điệu cụ Phan Bội Châu, ông đã tuyên truyền tư tưởng của cụ Phan và tinh thần yêu nước trong giới học sinh. Chính từ những hoạt động này, giữa năm 1928, ông được giác ngộ và kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng tại trường Sư phạm Nam Định.
Trọn đời theo lý tưởng của Đảng
Lão thành cách mạng Phạm Quang Thưởng (cháu của Phạm Quang Thẩm) năm nay đã bước qua tuổi 95 nhưng vẫn còn minh mẫn kể: Đầu năm 1929, đồng chí Phạm Quang Thẩm về quê để gây dựng cơ sở tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng. Ông lấy nhà của mình làm cơ sở in ấn truyền đơn rồi đưa cho một số anh em tin cậy đi rải khắp làng trên xóm dưới mỗi đêm. Mọi thông tin, đường lối, chủ trương tuyên truyền, ông trực tiếp liên lạc với đồng chí Đặng Xuân Khu (tức đồng chí Trường Chinh) tại hiệu sách Hội Ký tỉnh Nam Định.
Trung tuần tháng 7/1929, Chi bộ Thư Vũ (tiền thân của Đảng bộ Vũ Thư ngày nay) được thành lập. Nhận thấy Phạm Quang Thẩm có lý tưởng trong sáng và chí khí cách mạng, tháng 9/1929, ông được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Vừa làm thầy giáo làng ông vừa tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối đấu tranh cách mạng tới các tầng lớp nhân dân lao động.
Nhận thấy sức ảnh hưởng của Phạm Quang Thẩm đối với quần chúng nhân dân bất lợi cho bọn thực dân, phong kiến, tháng 3/1930, nhà bảo hộ Pháp có lệnh phân bổ ông đi làm giáo học ở làng Trung Trữ, huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Ông đã đệ đơn từ chối nhưng do tổ chức gợi ý nên ông quyết định đi để dạy học và xây dựng cơ sở cách mạng mới.
Từ khi Phạm Quang Thẩm đến Trung Trữ, ông chọn một số quần chúng tiến bộ, giác ngộ và kết nạp họ vào tổ chức cách mạng. Tổ chức đi vào quần chúng để tuyên truyền, vạch trần tội ác của thực dân, phong kiến, thôi thúc tinh thần đấu tranh của nhân dân. Song, do một quần chúng cảm tình là Vũ Ngọc Ánh bị mật thám bắt, không chịu nổi đòn tra tấn nên đã khai ra người đứng đầu tổ chức cách mạng. Ngày 6/5/1931, Tri huyện Gia Khánh về trường Tiểu học Trung Trữ bắt Phạm Quang Thẩm. Dù không tìm ra được chứng cứ nhưng chúng dùng mọi thủ đoạn để bắt giam và xử 5 năm tù, 20 năm quản thúc.
Năm 1936, khi mặt trận bình dân Pháp lên cầm quyền có lệnh tha tù chính trị, Phạm Quang Thẩm hết án được tha nhưng vẫn bị quản thúc. Ông trở lại quê nhà mở lớp dạy học, dạy võ, hội đấu roi và hội sư tử để tập hợp thanh niên, học sinh và giác ngộ họ. Thông qua những hoạt động hợp pháp này, Phạm Quang Thẩm đã tuyên truyền, vận động và tổ chức rải truyền đơn vạch rõ tội ác của bọn thực dân, phong kiến, cổ vũ nhân dân đấu tranh đòi giảm tô thuế, chống bắt lính, phản đối chính sách phá lúa trồng đay...
Vì yêu cầu của cách mạng, tháng 9/1939, đồng chí Trường Chinh gửi thư và quyết định cử đồng chí Phạm Quang Thẩm nhận công tác mới ở Xứ ủy Bắc Kỳ. Cầm quyết định trong tay, chưa kịp đi thì ông bị bọn mật thám Pháp bắt và giam cầm ở nhiều nhà tù khác nhau như Bá Vân, Bắc Mễ, Phấn Mễ, Chợ Chu, Sơn La cùng với các đồng chí Vương Thừa Vũ, Trần Huy Liệu... Cuối cùng, ông bị chúng giam cầm ở nhà tù Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Pháp thua nên rất cay cú và thẳng tay đàn áp dã man người tù. Ngày 14/3/1945, bọn chúa ngục Nghĩa Lộ định đem những người tù chính trị đi thủ tiêu hàng loạt. Biết được ý đồ thâm hiểm này, anh em tù đã chủ động trước. Cuộc chiến giữa những người tù tay không với những binh lính cai ngục đầy đủ vũ khí diễn ra cam go, quyết liệt. Với tài võ nghệ, Phạm Quang Thẩm đã giết chết một tên lính Pháp. Bọn cai ngục say máu, hung hãn xả súng như điên vào những người tù khiến ông và một số bạn tù anh dũng hy sinh. Cuộc chiến đấu và cướp ngục này đã giúp phần đông tù chính trị ở nhà tù Nghĩa Lộ trốn thoát ra ngoài, trở thành những trụ cột quan trọng cho các cuộc khởi nghĩa sau này, trong đó có cuộc khởi nghĩa của nông dân Nghĩa Lộ, Yên Bái.
Đồng chí Phạm Quang Thẩm hy sinh khi mới ở tuổi 40 nhưng những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng cùng tấm gương chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng vì dân tộc còn được nhắc nhớ mãi. Tên ông đã được đặt cho con đường đẹp nhất thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Một ngôi trường THPT ở Vũ Thư cũng tự hào được mang tên người anh hùng du kích Phạm Quang Thẩm.
Khắc Duẩn
Tin cùng chuyên mục
- Đưa Hưng Hà trở thành trung tâm kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh 28.01.2025 | 22:50 PM
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
-
Đặc sắc chương trình nghệ thuật kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và chào mừng hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình
- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm làm việc tại phường Phố Hiến
- Công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương, địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kết thúc hoạt động cấp huyện
- Báo Thái Bình - Một hành trình với những mốc son lịch sử
- Thư tòa soạn
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ
- Khởi công dự án nhà máy đốt chất thải rắn phát điện công nghệ hiện đại tại xã Thụy Trình
- Khởi công dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành và dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng hàng lỏng Ba Lạt
- Việt Nam nâng tầm vị thế tại Hội nghị quốc tế về biển và đại dương
- Hội thảo khoa học: Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam