Chủ nhật, 06/07/2025, 13:51[GMT+7]

Người Thái Bình trong phủ tổng thống

Thứ 2, 07/03/2016 | 09:03:27
944 lượt xem

Ông Vũ Hữu Duật và nhà văn Minh Chuyên, ngày 15/3/2001.

Kỳ VII: Những mối tình không quên

Bạch Tuyết cảm tình và quý mến Lê Hữu Thúy ngay từ buổi ông Bộ trưởng mời anh về nhà mình dùng cơm. Rồi Tuyết si mê say đắm Thúy và yêu anh hết mực. Bố cô, ông Bộ trưởng Ngô Văn Nhậm cũng muốn gả con gái của mình cho Lê Hữu Thúy. Lúc đầu Thúy cũng rất thích Bạch Tuyết vừa xinh, vừa tình tứ. Nhưng anh lại xác định mình không thể chung sống với con gái một tên trùm phản động. Lê Hữu Thúy đã từ chối khéo nói là mình đã có gia đình. Anh về tâm sự với người chỉ huy trực tiếp của mình là Vũ Ngọc Nhạ. Một ngày sau Vũ Ngọc Nhạ gặp lại Lê Hữu Thúy và nói: Mình có cô bạn đang học ở Nha Trang, gia đình là cơ sở của ta. Mình sẽ thuyết phục cô ấy giả làm vợ cậu và xin một tờ giấy hôn thú để hợp lý hóa cho cậu, được không? Lê Hữu Thúy thấy Vũ Ngọc Nhạ giúp mình cách xử lý đó rất hợp lý, anh đồng ý ngay.

Sau một thời gian Lê Hữu Thúy từ chối Bạch Tuyết, ông Bộ trưởng Ngô Văn Nhậm gợi ý Thúy - người phụ tá của ông đưa vợ con đến nhiệm sở để "trình diện". Một tình huống cấp bách, Lê Hữu Thúy đành phải nhờ Vũ Ngọc Nhạ dẫn đường để ông đi Nha Trang đón "người vợ" do tổ chức sắp xếp có tên trong tờ giấy hôn thú về Sài Gòn. Người vợ xa lạ ấy ông chưa hề gặp mặt tên là Ngô Thị Như. Ông tưởng chỉ đưa về trình diện ông Bộ trưởng để có cớ từ chối con gái ông ta. Ngờ đâu khi gặp Ngô Thị Như thì bỗng tình yêu bùng cháy lên. Ngô Thị Như đẹp không thua gì nàng Bạch Tuyết, lại hiền dịu, đoan trang và là đối tượng cảm tình của cộng sản. Ông mê Ngô Thị Như và say đắm cô thật sự. Thế là từ đó Ngô Thị Như trở thành người vợ thật của ông. Người vợ thủy chung đi suốt chặng đường gian lao cực nhọc cùng ông cho đến tận phút cuối đời.

Bà Như kể: Tôi nhận lời ký vào tờ hôn thú để giúp anh Thúy thoát không phải làm con rể ông Bộ trưởng Ngụy. Nào ngờ anh lại thương yêu tôi. Có lẽ do số trời.

Bốn năm sau, năm 1959, Lê Hữu Thúy bị bắt cóc, khi đó ông đang làm chủ tờ báo "Sinh lực Sài Gòn". Chúng nghi ngờ ông có liên quan đến nhóm cộng sản Vũ Ngọc Nhạ. Ông Nhạ cùng một số anh em trong lưới bị bắt trước đó gần một năm. Chúng đưa tất cả ra giam tại tòa Khâm Huế.

Khi Ngô Thị Như chấp nhận làm vợ Lê Hữu Thúy, bà biết con đường ông đang đi là rất nguy hiểm. Bà hiểu công việc của ông và sẵn sàng chia sẻ cùng ông.

Tháng 2 năm 1960, Ngô Thị Như bồng bế ba đứa con nhỏ ra Huế để nuôi chồng trong tù. Cuộc sống những năm tháng ở tù thật cơ cực. Nhà lao chỉ chia hai suất cơm cho người lớn, ông bà phải sẻ ra cho ba đứa con nên cả nhà thường bị đói khát. Đói khổ, nhưng có ông ở bên, bà vẫn cảm thấy hạnh phúc. Bà đã sinh cho ông thêm một đứa con ở trong tù.

Một lần lợi dụng tình hình ở Huế hỗn loạn, bọn địch hoang mang bỏ chạy, Lê Hữu Thúy đã lục soát tìm được một số tài liệu mật của địch. Ông mang về phòng giam đưa cho Ngô Thị Như xử lý. Bà Như và đứa con gái lớn ngồi đốt từng tờ, đốt gần hết đống tài liệu thì bọn mật thám phát hiện ra. Sau đó, ông Thúy bị kết án thêm 3 năm tù giam vì tội thủ tiêu tài liệu. Nhưng ông bà rất vui vì những bí mật của đồng đội được bảo đảm an toàn.

*

* *

Ông Vũ Hữu Duật, nguyên Thị ủy viên Thái Bình, một đường dây quan trọng của Vũ Ngọc Nhạ trong phủ tổng thống. Ông nói: Khi tôi lên làm phó chủ tịch đảng Dân chủ, đảng của ông Thiệu, mọi người cứ tưởng gia đình tôi giàu có lắm. Nhưng thực tế có phải vậy đâu. Tám đứa con tôi ăn học, khôn lớn toàn do bà ấy nhà tôi lo. Bà ấy buôn bán, xoay sở nuôi con. Hai lần tôi vào tù thì đi nuôi tôi trong tù. Tôi hoàn thành được nhiệm vụ đặc biệt, có công rất lớn của bà ấy.

Ông Vũ Hữu Duật nói tiếp: Khi tôi lên đường làm nhiệm vụ đặc biệt cũng là lúc nhà tôi bồng con rời miền Bắc theo tôi vào Nam. Suốt 20 năm, bà ấy cam chịu tiếng xấu là đi theo một tên phản bội. Ngày đó ở Minh Châu, Thái Bình quê tôi, người ta gọi tôi là tên đào ngũ, bỏ đảng theo giặc vào Nam.

Bà Phan Thị Kim Chi, vợ ông Duật kể: Tháng 8 năm 1954, tôi cùng gia đình ông Vũ Ngọc Nhạ trên chuyến tàu di cư vào Nam. Ông Nhạ do tổ chức bố trí đóng vai một trung úy ngụy. Trên tàu có chừng hơn chục tên lính Pháp, trong đó có thằng quan hai, người dong dỏng cao, mắt sâu, vận quần áo kaki trắng, đi lại khoác vai ông Nhạ vẻ thân thiện. Hình như ông Nhạ đã làm quen với tên quan hai này từ trước. Lúc ấy, bà đang lục tìm chiếc khăn mặt để lau cho đứa con nhỏ. Nhưng bà lại nhầm túi của ông Nhạ. Bà lôi trong túi ra một lá cờ đỏ sao vàng. Rất may, thằng quan hai Pháp và những người chung quanh chưa kịp nhìn thấy. Bà nhét vội lá cờ vào túi. Trước lúc tàu chạy, bọn mật vụ đi kiểm tra, lục soát và ngó mặt từng người. Bà Chi đổi chiếc túi cho ông Nhạ rồi ôm chiếc túi có lá cờ và bế thằng con áp vào để che mắt địch. Lá cờ được mang vào miền Nam an toàn. Sau này hỏi ông Nhạ, bà Chi mới biết, lá cờ đỏ sao vàng ngày đó rất thiêng liêng. Ở miền Nam ngày đó chỉ có cờ ba sọc của Mỹ và cờ của chế độ Ngô Đình Diệm. Vì phải xa miền Bắc nên ông Nhạ mang theo lá cờ cho đỡ nhớ. Còn một lý do nữa, ông bảo lá cờ là biểu tượng của Tổ quốc, của Đảng, mang theo để nung nấu ý chí vươn lên. Vì thế, ông đã bất chấp hiểm nguy khi mang theo lá cờ.

- Bà không sợ khi nhận chiếc túi có lá cờ? Chúng tôi hỏi. Bà Chi nói:

- Tôi có nguy hiểm cũng không bằng ông Nhạ bị bắt. Vì ông đang đi làm nhiệm vụ đặc biệt cùng chồng tôi.

Bà Nguyễn Thị Nhẫn, vợ ông Vũ Ngọc Nhạ cho biết: Hơn 20 năm ông Nhạ ngày ngày sống bên cạnh kẻ thù cũng là 20 năm bà phấp phỏng không yên. Bà không lo tính mạng của bà mà lo cho chồng, cho con, lo cho bố mẹ, những người vì bà mà suốt đời phải khổ nhục.

Tháng 8 năm 1954, còn là cô Nhẫn 20 tuổi xinh đẹp nhất làng Cọi Khê. Cô bế con theo chồng di cư vào Nam và bị kết tội là đi theo giặc. Vì chồng Nhẫn khi ấy là trung úy ngụy quyền (do ta cài vào) thường quan hệ, giao tiếp với sĩ quan Pháp. Ở quê, bố mẹ, anh em, họ hàng đều liên lụy. Bố chồng bị quản thúc. Bố đẻ Nhẫn vật vã đau khổ vì con rồi qua đời.

Nguyễn Thị Nhẫn theo chồng vào Sài Gòn nhưng có sung sướng gì cho cam. Hàng ngày từ sớm tinh sương đến tận tối mịt bà phải chạy chợ nuôi đàn con nhỏ cho chồng đi "hoạt động". Cuộc sống cực nhọc, lam lũ quanh năm mà vẫn túng thiếu. Bà kể: Đến nay đã hơn 40 năm tôi chạy chợ bán tương cà mắm muối. Bà mới nghỉ mấy năm nay vì tuổi cao sức yếu. Thời chồng bà (ông Vũ Ngọc Nhạ) làm cố vấn cho Ngô Đình Diệm, rồi làm cố vấn cho Nguyễn Văn Thiệu nhưng cuộc sống vẫn chủ yếu do bà buôn bán, chạy chợ.

Năm 1962, Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu thấy gia đình ông Nhạ quá nghèo. Một hôm, sang phòng làm việc của ông Nhạ, Lệ Xuân nói: Anh làm cố vấn cho chính phủ quốc gia mà để vợ con suốt ngày phơi mặt ngoài chợ.

(còn nữa)

Ghi chép của Minh Chuyên
(Đài Truyền hình Việt Nam)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày