Thứ 5, 25/07/2024, 04:19[GMT+7]

Gương sáng hội viên

Thứ 5, 07/04/2016 | 08:32:54
619 lượt xem
Mặc dù năm nay đã ở tuổi “thất thập” song hàng ngày bác Lại Hữu Miễn vẫn đều đặn vượt quãng đường hơn 10km về trang trại của gia đình ở xã Trọng Quan (Đông Hưng) để trồng rau, nuôi cá, chăm gà… Không chỉ là thú vui điền viên, trang trại của gia đình bác còn cho thu lãi mỗi năm gần 1 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên.

Bác Lại Hữu Miễn bên đàn bò lai 3B cho giá trị kinh tế cao.

 

Sinh ra ở Trọng Quan nhưng phần lớn thời gian sinh sống và công tác của bác Miễn ở Hà Giang. Năm 1962, do kinh tế gia đình khó khăn, một mình mẹ phải nuôi hai anh em (bố hy sinh năm 1954 tại chiến trường Điện Biên Phủ), được người chú nhận cưu mang, cả gia đình đã chuyển lên Hà Giang sinh sống. Trước khi về hưu năm 2008, bác Miễn từng là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang; Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Bộ Giáo dục và Đào tạo. Xa quê đã nhiều năm song bác Miễn vẫn luôn đau đáu một lòng hướng về quê hương. Vì vậy, năm 2009, sau khi về hưu 1 năm, bác cùng vợ quyết định chuyển về quê sinh sống. Khi về sinh sống tại thành phố Thái Bình, bác Miễn tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ (CLB) Lê Quý Đôn với mong muốn được sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội. Không chỉ hoạt động nhiệt tình, năng nổ trên cương vị Chủ nhiệm CLB thơ Lê Quý Đôn, bác Miễn còn là chủ trang trại rộng gần 3ha ở khu vực chuyển đổi xã Trọng Quan. Hiện trang trại cho thu nhập khá ổn định, bước đầu tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng.

 

Từ thành phố Thái Bình, chúng tôi men theo đê sông Trà Lý về trang trại của bác Miễn. Vừa đi bác vừa chia sẻ: Hai vợ chồng tôi luôn mơ ước có một trang trại để thỏa chí điền viên. Sau khi về quê, chúng tôi đã xây dựng thành công một trang trại chăn nuôi ở xã Đông Á, cung cấp cho thị trường 60.000 con lợn sữa mỗi năm với doanh thu hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, nơi này không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của mình nên khi chính quyền xã Trọng Quan quy hoạch khu chuyển đổi, tôi đã nhượng lại trang trại ở Đông Á cho gia đình một người bạn để chuyển về đây xây dựng trang trại mới với mong muốn từ kinh nghiệm của bản thân sẽ giúp bà con địa phương chuyển đổi mô hình chăn nuôi, nâng cao thu nhập, góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương. Trang trại của bác Miễn tuy không quá lớn song được quy hoạch rất gọn gàng, quy củ với khu nhà ở cho nhân công, khu trồng cỏ, khu chuồng trại, khu ao cá. Khu vực chuồng trại được lắp đặt hệ thống điện, nước hoàn chỉnh và áp dụng quy trình chăn nuôi khá hiện đại. Hiện tại, trang trại đang nuôi hơn 1 vạn con gà công nghiệp; 800 con gà sao; 10 con bò lai 3B; 300 con vịt trời; ao thả chủ yếu cá trê lai và một số loại cá truyền thống. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, trang trại cho thu lãi mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng. Nhân công làm việc tại trang trại có thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng, tùy theo đặc thù công việc. Hầu hết kinh nghiệm chăn nuôi đều được vợ chồng bác Miễn tìm tòi, học hỏi qua sách báo và những chuyến đi tham quan thực tế đến nhiều trang trại, gia trại khác nhau trong và ngoài tỉnh. Điều đặc biệt chúng tôi nhận thấy ở trang trại của bác Miễn là có rất nhiều giống mới được đưa về nuôi thử nghiệm và gây giống như hươu, gà sao, bò lai Sind, bò lai 3B… Theo chia sẻ của bác Miễn thì ngoài cung cấp sản phẩm hướng tới thị trường bình dân, trang trại còn cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng và những người có thu nhập trung bình trở lên. Vì vậy ngoài gà công nghiệp, năm 2015, trang trại đưa vào nuôi thí điểm 85 con bò thịt lai Sind cho kết quả khả quan. Qua tìm hiểu giống bò lai 3B của Bỉ rất tốt, năm nay trang trại tiến hành nuôi thí điểm giống bò này, dự kiến thời gian tới sẽ nhập về khoảng 100 con. Ngoài ra, trang trại đã thí điểm và gây giống thành công giống gà sao cho giá trị kinh tế cao và đang thí điểm nuôi và gây giống vịt trời, phấn đấu năm 2016 nâng tổng đàn vịt trời lên 2.000 con, đồng thời cung cấp giống cho bà con xung quanh. Hiện tại, bác Miễn vẫn không ngừng nghiên cứu, cập nhật các giống mới để đưa về chăn nuôi thử nghiệm tại trang trại.

 

Không thể phủ nhận những giá trị kinh tế mà trang trại mang lại cho gia đình nhưng với bác Miễn, điều hạnh phúc nhất mà trang trại đem lại đó là đã góp phần thúc đẩy phong trào chuyển đổi mô hình sản xuất tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân như một phần đóng góp nhỏ bé xây dựng quê hương.

 

Đào Quyên

  • Từ khóa