Thứ 2, 21/07/2025, 11:35[GMT+7]

Biển quê ta vẫn chưa nguôi dạt dào

Thứ 2, 25/04/2016 | 09:12:25
1,073 lượt xem
Cuối năm 2008, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận vùng đất ngập mặn ven biển Thái Bình là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới. Sự kiện mang tính lịch sử ấy như một hồi chuông đánh thức tiềm năng biển gắn liền với đất đai, cương vực Thái Bình từ thuở xa xưa vốn được coi là “ven bờ, cuối bãi” qua các triều đại phong kiến, cũng là một minh chứng về biển, về vùng đất ngập mặn và thềm lục địa Thái Bình luôn được nhìn nhận và đánh giá cao kh

 

Khát vọng chinh phục vùng đất ngập mặn ven biển Thái Bình có lẽ bắt đầu từ năm 1827 khi Nguyễn Công Trứ nhận lệnh triều đình tham gia đánh dẹp cuộc khởi nghĩa nông dân tự phát do Phan Bá Vành làm thủ lĩnh. Trong cuộc chinh phạt này, ông đã nhận ra những con người “làm loạn” không phải ai xa lạ mà chính là những nông dân bần cùng, đói khát, lưu vong, trong tay không một tấc đất cắm dùi. Thành công của ông trong việc “dẹp loạn” chính là ý tưởng giải quyết bằng được nhu cầu ruộng đất và cơm áo cho nông dân nghèo. Nhận thấy những bãi bồi ven biển đang ngày được hình thành chính là món quà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho vùng đất này nên ông liền tấu sớ lên triều đình, trong đó nêu rõ nguyên nhân sâu xa của khởi nghĩa nông dân và xin triều đình cho phép ông trực tiếp tập hợp dân nghèo tiến hành khẩn hoang quy mô lớn vùng bãi biển cồn Tiền. Ông tâu: “Hiện ở Nam Ðịnh các huyện Giao Thủy, Chân Ðịnh, ruộng bỏ hoang mênh mông bát ngát không biết mấy ngàn mẫu, nếu cấp cho tiền công thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn. Thêm nữa bãi Tiền Châu hoang rậm, trộm cướp thường tụ họp ở đấy làm sào huyệt, nay cho khai hoang lập làng, không những có thể cho dân nghèo làm ăn, lại còn dứt được đảng ác”. Ông tấu trình thiết tha với triều đình rằng: “Những đất hoang có thể khai khẩn được thì cho những người địa phương giàu có chia nhau trông coi cùng làm... 3 năm thành ruộng chiếu lệ tư điền mà đánh thuế. Quan phủ huyện sở tại lập kho chứa thóc đề phòng năm mất mùa cho dân vay...”. Tờ sớ của Nguyễn Công Trứ được nhà vua cho các đình thần bàn, cuối cùng triều đình đồng ý giao cho ông chức Doanh điền sứ để tổ chức việc khai hoang. Ðể tiến hành khai hoang bãi biển Tiền Châu (Tiền Hải ngày nay), Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã tổ chức lực lượng tham gia thành các lý, ấp, trại, giáp. Nhằm mộ được đông người, khai khẩn được nhiều ruộng đất, Nguyễn Công Trứ quy định: Người nào mộ được 50 đinh, khai khẩn được 600 mẫu được phong chức lý trưởng; mộ được 30 đinh, khẩn hoang được 400 mẫu được phong chức ấp trưởng; mộ được 15 đinh, khẩn hoang được 200 mẫu được phong chức trại trưởng; mộ được 10 đinh trở lên, khẩn hoang được 120 mẫu được phong chức giáp trưởng. Cách làm của ông đã nhận được sự đồng tình của nhân dân và thành công rực rỡ. Khi công cuộc khẩn hoang cơ bản hoàn thành, ông chia Tiền Châu thành 14 lý, 27 ấp, 20 trại và 10 giáp; tổng số đinh là 2.350 người; khai khẩn được 18.970 mẫu ruộng đất. Ông tâu với  triều đình thành lập huyện mới lấy tên là Tiền Hải (có nghĩa là trước biển).

 

Với tài thao lược của mình, Nguyễn Công Trứ chẳng những chiêu mộ được dân nghèo mà còn thu hút được nghĩa quân cũ của Phan Bá Vành vào cuộc doanh điền với mục đích tránh nguy cơ tái diễn của khởi nghĩa nông dân và xây dựng lên những làng xã với cư dân đủ mạnh để bảo vệ vùng biên ải giáp biển. Ðến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều trại giáp trước kia đã phát triển thành làng ấp mới như Ðông Hoàng, Bạch Long, Mỹ Ðức, Chỉ Trung, Xuân Hòa Giáo, Tân Xuân… Dân các làng Phong Lai, Vũ Xá tiếp tục khai hoang lấn biển ra các trại ấp mới trên bãi biển mới bồi như Tân Lạc, Vũ Xá. Dân các làng Ðông Cao, Thanh Giám cũng tiếp tục quai đê khẩn thêm hàng trăm mẫu chia cho các dân đinh làm tư điền thế nghiệp vào đầu đời vua Thành Thái. Ngoài thuận về phát triển khai hoang, các làng ven biển còn có điều kiện phát triển các nghề biển như làm muối, đánh cá, trồng cói… Sau tiếng súng của thực dân Pháp nã vào thành trì phong kiến năm 1858 tại Ðà Nẵng, đến năm 1883, thực dân Pháp nhanh chóng kiểm soát toàn bộ dải đất hình chữ S mà chúng chiếm được, trong đó địa danh Thái Bình (ngày nay) được coi là một vùng trọng yếu. Nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự nổi dậy của người sở tại, chúng cho lập hai tiền đồn võ trang cảnh sát nhằm kiểm soát sự thông thương, một ở Phúc Hà là địa phận giáp cửa sông Luộc thuộc Hưng Nhân (cũ), một ở cửa sông Trà Lý thuộc huyện Tiền Hải (vùng đất xã Tây Ninh và Ðông Quý ngày nay). Lúc đó, tên đất Thái Bình chưa xuất hiện, vùng đất “ven bờ, cuối bãi” chỉ là một phần giáp ranh giữa Nam Ðịnh và Hưng Yên, được người Pháp đặt tên là An Ðịnh. Bị áp bức, tất dẫn đến đấu tranh, người An Ðịnh vốn không chịu khuất phục trước thiên tai, giặc giã đã bắt đầu tập hợp lại cùng nhau đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp.

 

Bờ bãi Thái Bình liên tục được bồi đắp, vươn ra biển bởi phù sa của các con sông. Những năm gần đây, mỗi năm diện tích rừng ngập mặn của tỉnh được phát triển và trồng mới. Tốc độ bồi lắng phù sa tăng nhanh, bãi bồi ngày càng được mở rộng và nâng cao nên các loài phù du, sinh vật biển sinh sôi, tạo nguồn thức ăn phong phú kéo theo các loài thủy sản như tôm, cua, cá, ngao và các loài nhuyễn thể phát triển mạnh trở thành nguồn lợi thủy sản lớn và là nguồn thu nhập quan trọng đối với cư dân vùng ven biển. Các khu vực cửa sông Hồng, sông Thái Bình và sông Trà Lý có các nguồn phù du, các loại tảo, thủy sinh phong phú làm thức ăn tự nhiên cho nuôi trồng thủy sản. Vùng đất ngập mặn này đã được khai thác để nuôi tôm, cua, sò, hến, trồng rau câu. Các cồn cát ven biển như cồn Vành, cồn Thủ, cồn Ðen và vùng đất ngập mặn rất thích hợp trồng tập trung sú, vẹt, bần. Rừng ngập mặn ven biển phân bố ở hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy hiện có 137 loài động vật, trong đó có 123 loài chim với nhiều loài quý hiếm như cò thìa, bồ nâu chân xám… Rừng ngập mặn đã trở thành vành đai che chắn và bảo vệ đê biển khi có bão và triều cường, bảo vệ vùng đầm nuôi thủy sản, tạo nên sự lắng đọng và bồi tụ phù sa. Các xã như Nam Hưng, Nam Thịnh (Tiền Hải) vẫn còn một phần rừng nguyên sinh, mật độ cây rừng gồm hai tán, hỗn giao bên dưới là vẹt, bên trên là bần. Với 5 cửa sông lớn đổ ra biển, tạo nên vùng bãi triều rộng lớn trong đó có hàng nghìn héc-ta diện tích khoanh nuôi thủy sản và đất cấy lúa, làm muối kém hiệu quả đang được nông dân chuyển sang nuôi các loài thủy sản có hiệu quả kinh tế cao. Vùng nước lợ ở khu vực cửa sông Hồng, sông Thái Bình và sông Trà Lý có nguồn phù du dồi dào, chứa nhiều loại tảo, thủy sinh phong phú.

 

Biển quê ta, nơi không những mang lại sự phồn thịnh mà còn gắn kết máu thịt giữa con người, đất sống và biển cả. Kể từ khi Trần Lãm dựa vào cửa biển Kỳ Bố lập căn cứ luyện quân (Kỳ Bá - thành phố Thái Bình nay) để Ðinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân đến cuộc khẩn hoang lớn nhất lịch sử của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đến nay, biển quê ta vẫn không nguôi vỗ về như câu chuyện tình sử ngàn năm “Lạc Long Quân và Âu Cơ” với 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển cho ta thêm niềm tự hào bởi giang sơn gấm vóc của ta được thêu dệt lung linh bên bờ biển xanh. Và cũng vì thế mà biển quê ta ngàn đời nay vẫn chưa nguôi dạt dào!

 

Quang Viện

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày