Thứ 5, 25/07/2024, 04:20[GMT+7]

27 năm gìn giữ dấu chân Bác

Thứ 3, 03/05/2016 | 16:59:48
222 lượt xem
Ngày 1/1/1967, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, động viên tại đình làng Phương Cáp, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư). Dẫu gần 50 năm đã qua đi nhưng trở lại nơi đây, mỗi người dân quê lúa vẫn thấy mình như được gặp lại vị lãnh tụ kính yêu với cử chỉ ân cần và những lời huấn thị sâu sắc hôm nào. Có một người đã lặng thầm trông coi, chăm sóc di tích lịch sử văn hóa quốc gia này suốt 27 năm qua với mong muốn lưu giữ nhiều nhất những kỷ niệm, dấu chân Bác từng qua đây. Ông là

Ông Phạm Văn Thái thắp hương trước ban thờ Bác Hồ và người thân trong gia đình Bác tại đình Phương Cáp.

 

Kể lại ngày Bác về thăm, động viên tại đình làng Phương Cáp, ông Thái cho biết, nhà ông ngay cổng đình nhưng khi ấy ông vẫn còn là chàng thanh niên đang tuổi ăn tuổi lớn, trước khi Bác về ông không biết nên vẫn vác cần đi câu cá. Ngày đón Bác, khu vực đình tập trung rất đông người. Do thông thuộc địa hình, ông Thái chạy ra phía sau đình có một lối đi nhỏ để ngó đầu vào cố gắng được nhìn thấy Bác và đứng đó suốt buổi nghe từng lời Bác nói. Ông Thái bảo, 50 năm nhưng ông vẫn nhớ nguyên lời Bác căn dặn Đảng bộ và nhân dân Thái Bình phải phấn đấu trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt. Bác khen ngợi HTX Tân Phong đạt năng suất lúa cao, xã Hiệp Hòa trồng cây giỏi… Cá nhân ông đặc biệt thấm thía lời Người huấn thị: Là đàn ông phải từ bỏ thói xấu đánh chửi vợ. Kết thúc buổi nói chuyện, Đảng bộ và nhân dân Hiệp Hòa dâng tặng Bác một chùm dừa quê hương vì biết Bác luôn đau đáu nhớ về miền Nam ruột thịt nhưng Bác chỉ nhận 1 quả, còn gửi lại biếu các cụ cao tuổi và các cháu nhi đồng. Chùm dừa đã đi vào lịch sử ấy được hái từ cây dừa trước cửa nhà ông Thái. Với ông và gia đình, đó là kỷ niệm và niềm vinh dự rất lớn lao.

 

Sau khi gặp Bác tại quê hương, những năm tháng đi bộ đội làm nhiệm vụ khảo sát, sửa chữa cầu đường phục vụ chiến đấu, ông Thái còn vinh dự được nhìn thấy Bác thêm hai lần khi Bác trên đường núi non hiểm trở đến khu căn cứ cách mạng Tân Trào và một lần Bác ở quảng trường Ba Đình. Những lời căn dặn của Bác năm nào và hình ảnh Bác luôn là động lực để ông vươn lên. Năm 1980, ông Thái xuất ngũ về địa phương, cuộc sống khó khăn cực nhọc nhưng ông vẫn cùng vợ lao động sản xuất, nuôi dạy các con học hành, đến nay các con ông đều đã đỗ đạt, phương trưởng.

 

Năm 1990, ông được địa phương và bà con tín nhiệm giao nhiệm vụ trông coi đình Phương Cáp, không có chế độ gì ông vẫn sung sướng nhận lời ngay bởi ông tự nhủ mình sẽ được gần thêm Bác mỗi ngày. Đình Phương Cáp được xây dựng từ thời vua Thành Thái thờ các vị thành hoàng làng, đến nay đã 147 năm tuổi. Trước kia đình không có người trông nom nên xuống cấp, mạng nhện, lá cây, bụi bặm phủ dày một lớp, chỉ khi làng có hội hè, lễ tết đình mới mở cửa. Từ ngày ông Thái nhận trông coi, ngày nào cũng vậy, khi thì mình ông, lúc cả vợ hoặc các con ông cùng quét dọn, lau chùi từng ngóc ngách, bởi vậy lúc nào đình cũng thoáng mát, sạch sẽ. Chỗ nào chỉ hư hỏng nhỏ, ông tỷ mỷ sửa sang để công trình bền vững hơn, còn lại ông báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương để kịp thời sửa chữa. Nhà chỉ cách đình hơn 20m nhưng hàng ngày ông Thái vẫn ra đình ngủ để tiện việc trông coi. Mỗi khi mưa to bão lớn, ông thấp thỏm, lo lắng không yên bởi ông biết ngôi đình cũng đã “già” và “yếu” theo thời gian. Không chỉ chăm lo phần “xác”, ông Thái còn cố gắng lưu giữ phần “hồn” của ngôi đình. Ông lặn lội sưu tầm những bức ảnh, những câu chuyện về Bác gắn với những lần Bác về thăm Thái Bình và thăm ngôi đình Phương Cáp năm 1967 để mỗi khi cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh hoặc du khách thập phương tìm đến đình sẽ hiểu hơn về Bác, về truyền thống quê hương, lịch sử ngôi đình. Học Bác ở những việc làm nhỏ nhất, mỗi khi khách đến thắp hương, tham quan, ông Thái hướng dẫn chu đáo, tận tình và nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh, không hút thuốc lá, giữ thái độ nghiêm trang, thành kính.

 

27 năm trông coi đình Phương Cáp, ông Thái như người trông con mọn, chẳng dám đi đâu xa bởi cán bộ và nhân dân, du khách có khi đột xuất đến thắp hương, tham quan. Việc chăm lo kinh tế gia đình, ông nhờ cả người vợ. Hiểu được ý nghĩa việc ông làm, vợ con ông luôn vui vẻ, thậm chí thường phụ giúp ông quét dọn, trông coi ngôi đình. Ông Thái chia sẻ: Bản thân tôi mấy năm nay đã được nhà nước quan tâm hỗ trợ 800.000 đồng/tháng chứ kể cả không có gì như nhiều năm trước kia tôi vẫn hết lòng trông coi ngôi đình. Tôi coi đó như trách nhiệm của mình, chỉ mong sao lưu giữ được mãi hơi ấm, hình bóng của Bác để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân về thăm có thể tự hào về mảnh đất Hiệp Hòa quê tôi… Do điều kiện kinh tế địa phương khó khăn, nhiều năm qua, công trình không có sửa chữa, tu bổ nên đến nay nhiều hạng mục như bức tường phía sau đã thấm nứt, phần vì kèo đỡ mái ngói có khả năng gẫy đổ, cánh cửa gỗ đã rất ọp ẹp, xiêu vẹo. Vì thế, nếu có mong mỏi, tôi chỉ mong các cấp, các ngành quan tâm đầu tư trùng tu, nâng cấp ngôi đình để giữ được vẹn nguyên quang cảnh, đồ vật, thậm chí là dấu chân và hơi ấm Bác Hồ, để ngôi đình là địa chỉ lưu giữ và tiếp lửa truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ sau này…

 

Yêu Bác, mỗi người dân Thái Bình nói chung, Hiệp Hòa nói riêng đều nỗ lực học và làm theo lời Bác dạy. Với ông Phạm Văn Thái, tình yêu ấy gắn liền với công việc giản dị, bền bỉ mà ông đã làm suốt 27 năm qua.

 

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa