Thứ 6, 29/03/2024, 13:45[GMT+7]

Nhà văn, nhà báo Minh Chuyên - Người lính cầm bút say nghề và dũng cảm

Thứ 7, 18/06/2016 | 14:11:28
6,451 lượt xem
Nhà văn, nhà báo Minh Chuyên, một cây bút đầy tâm huyết với những mảnh đời đau khổ, một cây bút xuất sắc bênh vực công lý, đầy tính nhân văn, anh xứng đáng là nhân tố điển hình của miền quê lúa.

Cuộc hội ngộ tại bảo tàng tác phẩm Minh Chuyên ở làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư.

Ngay sau chuyến đi dự hội thảo ở Mỹ về, nhà văn, nhà báo Minh Chuyên tổ chức một cuộc gặp mặt những người đã từng công tác và cộng tác lâu năm với Báo Thái Bình ngay tại quê anh ở làng Thọ Lộc, xã Minh Khai (Vũ Thư). Khi tôi đến nhà anh thì đã thấy có ông Phạm Chiêm (bút danh Lê Trọng) nguyên Tổng Biên tập Báo Thái Bình, nguyên Phó Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình; nhà thơ Kim Chuông, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Bình; nhà báo Trần Tới, nhà báo Nguyễn Lự (bút danh Hải Đăng) Báo Thái Bình trước đây; nhà văn Nguyễn Dương Côn, nhà báo Vũ Anh Thao, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình và giờ đây là Tổng Biên tập Báo Thái Bình cùng một số nhà báo đang công tác tại Báo Thái Bình.

Nhà văn, nhà báo Minh Chuyên hướng dẫn mọi người đi thăm bảo tàng tác phẩm của anh. Bảo tàng tác phẩm Minh Chuyên do dòng họ và gia đình xây dựng năm 2012 nhằm lưu giữ những thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, nhà báo Minh Chuyên. Bảo tàng rộng 60m2, được chia làm 5 khu. Khu I lưu giữ 25 bộ sách do Minh Chuyên và bạn bè viết về những tác phẩm của anh; trong đó có 3 cuốn "Người không cô đơn", "Di họa chiến tranh", "Chuyện thời hậu chiến" đang được lưu giữ tại thư viện Đại học Harard Hoa Kỳ và thư viện Quốc hội Mỹ. Khu II lưu giữ 150 bộ phim tài liệu do Minh Chuyên viết kịch bản và đạo diễn. Trong 150 bộ phim ấy có những bộ phim nổi tiếng như: Cha con người lính; Linh hồn Việt Cộng; Huyền thoại tàu không số (12 tập) và Bất khuất Côn Đảo 15 tập. Khu III trưng bày hơn 500 bức thư của bạn đọc gửi Minh Chuyên; 2.500 bài báo, bài phê bình văn học viết về những tác phẩm của anh và gần 1.500 bài phóng sự, bút ký của Minh Chuyên viết trong suốt 40 năm cầm bút. Nơi này còn có các luận văn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ làm về tác phẩm của Minh Chuyên. Khu IV trưng bày 98 chứng chỉ giải thưởng, huân huy chương, bằng khen. Trong đó có 58 giải thưởng quốc gia và quốc tế trao cho các tác phẩm văn học, điện ảnh, báo chí của tác giả Minh Chuyên và chứng chỉ giải thưởng Cúp vàng quốc tế cho tác phẩm "Cha con người lính" năm 2006. Khu V có các bức ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao thưởng, chúc mừng, bạn bè đồng nghiệp trong và ngoài nước tác nghiệp, gặp gỡ, giao lưu với Minh Chuyên. Rất nhiều ảnh tư liệu ghi nhận tác giả tác nghiệp viết văn và làm phim từ chiến trường B2 năm 1970 đến nay. Minh Chuyên vui mừng thông báo với mọi người: "Đã có hàng trăm đoàn khách và những người mến mộ anh đến thăm, ghi lưu niệm tại nhà bảo tàng tác phẩm Minh Chuyên".

Đã có nhiều người viết về Minh Chuyên, vì vậy trong bài báo này, tôi chỉ khắc họa thêm đôi nét về người con của quê hương Thái Bình đã cầm súng, cầm bút, cầm máy quay phim, xông xáo trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là những chuyện về người lính sau cuộc chiến, để giới thiệu với nhân dân cả nước, nhân dân thế giới thấy rõ hơn tính chất anh hùng, tấm lòng nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Sau chiến dịch "Đại thắng mùa xuân năm 1975", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Minh Chuyên được chuyển ngành. Từ người lính đã từng cầm súng và cầm bút, anh về làm phóng viên tòa soạn Báo Thái Bình. Cùng thời gian đó, anh được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình.

Với bản chất cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, với tính hoạt bát, năng động và xông xáo, Nguyễn Minh Chuyên hăng hái đi cơ sở, khai thác tư liệu từ những người nông dân chân chất nhất để viết nên những bài báo hoàn hảo, được công chúng đón đọc và khâm phục. Hồi đó, cứ nói đến Báo Thái Bình là người dân nhớ ngay đến nhà báo Minh Chuyên. Anh được tòa soạn Báo Thái Bình phân công theo dõi Vũ Thư, vì vậy nên tôi và Minh Chuyên đã trở thành đôi bạn đồng nghiệp thân thiết. Minh Chuyên đã giúp đỡ tôi viết được những bài báo chững chạc hơn.

Đối với sự nghiệp văn chương, Nguyễn Minh Chuyên đã cho ra mắt bạn đọc khá nhiều tác phẩm có giá trị. Đáng kể nhất là những bút ký: "Thủ tục để làm người còn sống", "Người lang thang không cô đơn", "Người gặp trong mơ", "Người lạc về đâu?", "Di họa chiến tranh"... Có một chuyện tôi nhớ mãi. Ấy là dạo Báo Thái Bình và Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam in bút ký "Thủ tục để làm người còn sống", Minh Chuyên nói rất rõ trường hợp người lính có tên là Trần Quyết Định, con trai ông Vọng ở thôn Nguyệt Lãng, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư (Thái Bình), được đơn vị báo tin: "Đã anh dũng hy sinh tại biên giới Tây Nam ngày 10/7/1978. Đơn vị đã mai táng tại mộ số 2, hàng 5, nghĩa trang liệt sĩ 1D xã Thạch Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh". Giấy báo tử có chữ ký của Chính ủy Lê Minh Châu. Một năm sau, Trần Quyết Định khoác ba lô về làng. Anh không chết và cũng không hề nằm trong ngôi mộ ở nghĩa trang Thạch Tây. Bút ký của nhà văn, nhà báo Minh Chuyên viết rất thật, song anh đã bị kiện lên, kiện xuống, đến là rắc rối. Tuy nhiên sự thật vẫn là sự thật. Những ai ác ý nói là "Nhà văn nói láo, nhà báo nói điêu" đã tự cảm thấy xấu hổ mỗi khi đọc các bài viết trên Báo Văn Nghệ, Báo Thái Bình ủng hộ Minh Chuyên. Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đăng bài viết của tôi với nhan đề: "Tác dụng rất lớn của bút ký thủ tục để được làm người còn sống" được bạn đọc truyền tay nhau đọc. Trần Quyết Định đặt bài báo của tôi bên cạnh bút ký của Minh Chuyên trên bàn thờ Chúa. Minh Chuyên thì đưa bài báo của tôi vào sách "Tiếng nói chân tình và đồng điệu" trong phòng trưng bày các tác phẩm - bảo tàng tác phẩm Minh Chuyên.

Nhà văn, nhà báo, đạo diễn Minh Chuyên thực hiện bộ phim "Ký ức chiến tranh - nhìn từ hai phía" ở Mỹ.

Sau biến cố nổi đình, nổi đám của bút ký "Thủ tục để làm người còn sống", Minh Chuyên tiếp tục viết nhiều bút ký dày dặn hơn. Tiểu thuyết "Người lang thang không cô đơn" của Minh Chuyên đã trở thành hiện tượng văn học. Từ câu chuyện của người thương binh Nguyễn Đình Thúc ở làng Tống Vũ, xã Vũ Chính, thị xã Thái Bình (nay là thành phố Thái Bình) được gia đình ông bà Châu ở Hà Nội cưu mang, nuôi dưỡng và đưa anh về với gia đình, Minh Chuyên đã làm nổi bật tính nhân văn của người dân đất Việt, biết thương yêu, đền ơn những người đã quên mình, bảo vệ quê hương, đất nước. Nhiều nhà biên kịch điện ảnh, nhiều đoàn văn công chuyên nghiệp đã xin phép tác giả được chuyển thể thành phim, thành tác phẩm sân khấu để dàn dựng biểu diễn. "Người không cô đơn" và "Thủ tục để làm người còn sống" của nhà báo, nhà văn Minh Chuyên là những bút ký xuất sắc, bênh vực công lý, gây tiếng vang lớn trong dư luận bạn đọc và đời sống xã hội.

Với rất nhiều tác phẩm lớn, Minh Chuyên đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993.

Những ngày còn công tác tại Báo Thái Bình, tôi đã cùng Minh Chuyên làm được nhiều phim video như "Vạn Xuân thuở ấy, Xuân Hòa ngày nay", "Hành trình Việt Thuận", "Trung An ngày mới". Lúc thì Minh Chuyên trực tiếp cầm máy camera, lúc thì anh làm đạo diễn và đa phần là Minh Chuyên sửa lời bình. Theo cách sửa văn từ của Minh Chuyên nên tôi cũng đã có được hơn 10 kịch bản và lời bình cho các băng hình phim phục vụ đại hội đại biểu đảng bộ các xã. Đặc biệt là nhờ Minh Chuyên giới thiệu nên tôi đã trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình và là thông tin viên xuất sắc nhiều năm liên tục của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

"Hữu xạ tự nhiên hương", thấy được tài năng hiếm có của Minh Chuyên, Đài Truyền hình Việt Nam quyết định tuyển dụng Minh Chuyên trở thành nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn cao cấp xưởng phim tài liệu VTV1. Công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, Nguyễn Minh Chuyên có đầy đủ điều kiện để phát huy tài năng của mình. Hàng loạt phim hay ra mắt bạn xem truyền hình: Trở lại kiếp người, cha con người lính, ám ảnh chiến tranh, người mẹ huyền thoại, chuyện ông cố vấn, oan nghiệt, hồi ức tàu không số, vết thương không mảnh đạn, chiếc cũi trần gian, bất khuất Côn Đảo, người mộng du trở về...

Trung tuần tháng 12 năm 2007, tôi đến thăm Minh Chuyên ở Hà Nội, Minh Chuyên tặng tôi mấy cuốn sách "Kịch bản truyền hình" và mới đây, về Minh Khai thăm "Bảo tàng tác phẩm Minh Chuyên", tiễn chân nhà báo, nhà văn, đạo diễn Minh Chuyên sang Mỹ dự hội thảo về chất độc da cam, anh tặng tôi cuốn sách "Di họa chiến tranh", sách tái bản lần thứ hai. "Di họa chiến tranh" có 17 truyện ký, lên tiếng tố cáo tội ác của nhà cầm quyền Mỹ đã đem chất độc ghê gớm rải xuống miền Nam Việt Nam. "Di họa chiến tranh" của Minh Chuyên đã được giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998. Không riêng "Di họa chiến tranh" mà tất cả các bài báo, các tác phẩm văn học, các thước phim của nhà văn, nhà báo, đạo diễn Minh Chuyên đều viết về người lính trong chiến tranh và sau chiến tranh.

Còn nhiều chuyện muốn nói về Minh Chuyên, một người lính cầm bút viết nhiều về chiến tranh, về người lính, song có chuyện đã được nhiều người viết, có chuyện thì đã cũ lắm rồi. Là bạn của Minh Chuyên, một cây bút đầy tâm huyết với những mảnh đời đau khổ, một cây bút xuất sắc bênh vực công lý, đầy tính nhân văn, anh xứng đáng là nhân tố điển hình của miền quê lúa.

Cao Bá Khoát
(Tự Tân, Vũ Thư)

  • Từ khóa